BOT là một hình thức đầu tư khá phổ biến trên thế giới, đem lại hiệu quả rõ ràng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nhưng tại Việt Nam, thời gian gần đây, hình thức đầu tư này có một số sai sót và đã bị xuyên tạc... cần kịp thời ngăn chặn.
Xin nói ngay rằng, BOT (viết tắt từ tiếng Anh: Build - Operate - Transfer, nghĩa là: Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) là một hình thức đầu tư khá phổ biến trên thế giới, đem lại hiệu quả rõ ràng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nhưng tại Việt Nam, thời gian gần đây, hình thức đầu tư này có một số sai sót và đã bị xuyên tạc, bóp méo bởi các đối tượng quá khích kích động, chống đối, phá hoại, gây ra những hậu quả đáng tiếc, cần kịp thời ngăn chặn…
Xã hội hóa giúp thay đổi hạ tầng giao thông
Có thể khẳng định ngay rằng, BOT là hình thức chính phủ kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng (Build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành trong khoảng thời gian nhất định (Operate) và cuối cùng là chuyển giao (Transfer) cho nhà nước sở tại. Hình thức đầu tư này xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, là một dạng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (viết tắt là PPP) khá phổ biến, nhất là với các dự án BOT đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ, ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, hay các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn sử dụng lâu nay. Tại Việt Nam, dù đi sau, nhưng các dự án BOT đường bộ đã góp phần thay đổi, thậm chí tạo sự đột phá trong việc cải thiện diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông…
Thực tế, trong điều kiện nguồn ngân sách của chính phủ còn hạn chế, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông - “mạch máu của nền kinh tế” - không phải khi nào cũng được chú trọng, bởi vẫn còn nhiều “hạng mục” khác phải quan tâm một cách kịp thời, sát sườn, thấu đáo. Trong điều kiện như vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16-1-2012, xác định rõ rằng: “Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp;… bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư”.
Phải khẳng định ngay rằng, chủ trương xã hội hóa việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là đúng đắn, là kênh huy động nguồn lực xã hội rất quan trọng, nên đã thu hút sự chú ý, quan tâm đầu tư của xã hội, nhất là các nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực mạnh. Vì vậy, theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2011 đến nay, đã có 68 dự án BOT đường bộ với tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng được triển khai... Nhờ các dự án BOT đường bộ, như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Bắc Giang… mà các tuyến đường đã giảm ùn tắc; di chuyển thuận tiện, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng năng lực vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế địa phương cũng như khu vực, quốc gia… Nhìn chung, nhờ chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hợp đồng BOT, hệ thống hạ tầng giao thông đã có nhiều thay đổi tích cực, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới, được nhân dân ủng hộ…
Tuy nhiên, vì là hình thức đầu tư mới, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên trong quá trình thực thi không thể tránh khỏi có những hạn chế, tiêu cực phát sinh, từ khâu soạn thảo, ban hành chính sách đến thực thi các công việc cụ thể khi đầu tư xây dựng, khai thác vận hành dự án BOT. Điển hình, đó là hình thức lựa chọn nhà đầu tư chưa thật thuyết phục, từ vấn đề mời thầu, phê duyệt dự án đến giám sát dự án; việc đặt vị trí trạm thu phí BOT chưa chính xác, khoảng cách giữa các trạm quá gần nhau; chưa hoàn thiện tuyến đường đã đưa vào vận hành; chưa công khai, minh bạch về dự án, mức phí và lộ trình thu phí; thông tin chưa đầy đủ, kịp thời về dự án BOT; mức thu phí còn bất hợp lý; đa số các dự án BOT là cải tạo, nâng cấp tuyến đường cũ… Điều đó đã dẫn đến phản ứng của người tham gia giao thông, đặc biệt là các lái xe tại các trạm thu phí BOT trên toàn quốc… Các bất cập này đã, đang và sẽ còn bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá,... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình thức đầu tư BOT…
Nhận diện những biểu hiện sai trái, lệch lạc…
Thông qua những vụ việc bê bối liên quan đến hoạt động của các trạm thu phí BOT xảy ra trên cả nước trong những năm gần đây, có thể thấy rằng có một số kịch bản khá giống nhau, đó là có đối tượng chủ lực thông tin, tuyên truyền sai sự thật, kích động người dân địa phương, lái xe “phát động phong trào” phản đối BOT bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt thông qua mạng xã hội, nhất là Facebook. Tiếp sau đó, các lái xe phản ứng bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là việc trả phí bằng tiền lẻ mệnh giá nhỏ khó kiểm đếm, gây căng thẳng với nhân viên trạm thu phí, gây mất trật tự an toàn xã hội, ách tắc giao thông… Nhiều trạm BOT khó, hoặc không thể kiểm soát tình hình khi các tài xế liên tục tìm mọi cách vượt trạm mà không mua vé. Những vụ phá hoại, xô xát cũng thường xuyên xảy ra khiến tình hình an ninh, trật tự trở nên bất ổn…
Tiếp sau đó, là sự hiếu kỳ của người dân địa phương, những người tham gia giao thông và họ tụ tập, phản đối một cách tự nhiên, theo tâm lý đám đông… mà không cần biết bản chất của sự việc cụ thể như thế nào. Trong các vụ phản đối này, rất nhiều người, trong đó có những người cầm đầu, chủ động, cố tình đã liên tục “tường thuật trực tiếp” thông qua tính năng livestream của mạng xã hội Facebook và vu vạ, xuyên tạc, nói xấu về hình thức đầu tư BOT, thậm chí cả những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước… Điều này gây ra sự phản ứng lan truyền mạnh mẽ trên cộng đồng mạng, khiến nhiều trạm thu phí BOT phải “xả trạm” trong nhiều giờ đồng hồ để bảo đảm giao thông được thông suốt, an ninh trật tự xã hội không bị rối loạn. Tất nhiên, người tham gia giao thông chính đáng, cũng như những nhà đầu tư bị thiệt hại đáng kể… Và nhân cơ hội ấy, những tờ báo mạng nước ngoài, những phần tử chống đối ở hải ngoại, cũng như trong nước dưới vỏ bọc mỹ miều là “chống BOT bẩn” đã liên tục đăng tải những thông tin đầy cảm tính, những thông tin xuyên tạc, lệch lạc, sai trái… nhằm đạt được mục đích phá hoại của họ.
Trên thực tế, những sai sót, bất hợp lý, sai phạm liên quan đến dự án BOT giao thông trong nhiều năm qua đã được điều chỉnh kịp thời, hợp lý, cả từ phía địa phương, ngành Giao thông vận tải, cũng như cấp Trung ương. Ví như năm 2017, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán 27 dự án BOT, kết quả cho thấy, việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng… Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT giao thông so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày.
Cũng trong năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã mua lại trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) của các chủ đầu tư BOT rồi xóa bỏ trạm này. Ngoài ra, tỉnh cũng chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông từ thu phí hoàn vốn sang không thu phí. Đặc biệt, đến cuối tháng 9/2017, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã có 38/55 trạm thu phí BOT (đã hoàn thành và đi vào khai thác) thực hiện giảm giá vé cho phương tiện giao thông.
Hay như việc thay đổi tên “trạm thu phí” BOT thành “trạm thu giá” BOT của Bộ Giao thông Vận tải, vào tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định việc đổi tên này là chưa chuẩn xác, gây xôn xao dư luận và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, sớm cập nhật lại tên gọi trên.
Trong năm 2019, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu Tổng Công ty Sông Đà-CTCP (nhà đầu tư BOT) tạm dừng thu phí phương tiện qua trạm thu phí Cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ 0h ngày 21/2, để tính toán lại phương án tài chính dự án này. Lý do dừng thu phí là mức phí đã thu cơ bản đủ số hoàn vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Đây là trạm thu phí BOT thứ 2 trên cả nước được Tổng cục Đường bộ chỉ đạo dừng khi còn thời gian thu phí theo hợp đồng, sau trạm thu phí BOT Dốc Xây, Thanh Hóa…
Ngày 11/3/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành kế hoạch, lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với 11 trạm thu phí BOT trên địa bàn cả nước. Đó là các trạm thu phí Phả Lại; Tam Nông; Thái Hà; Tiên Cựu (Km41, Quốc lộ 10); trạm Km11+625 Quốc lộ 38; trạm Km1807+500 đường Hồ Chí Minh (Đắk Nông); trạm Km1747, đường Hồ Chí Minh (Đắk Lắk); trạm thu phí cầu Rạch Miễu; cầu Cổ Chiên; cầu Mỹ Lợi; trạm Km166+600 (Bình Thuận). Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ tổ chức triển khai, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát hoàn thành trong quý II/2019 và báo cáo về Tổng cục. Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Dầu Giây từ ngày 28/1 đến 8/2 sau khi dư luận có nhiều ý kiến nghi ngờ về vấn đề thu phí sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí này ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Không chỉ dừng lại ở những sự điều chỉnh, sửa sai kể trên, nhiều chủ đầu tư dự án BOT giao thông cũng có những sự tiếp thu, chỉnh sửa kịp thời trong quá trình vận hành dự án, nên đã trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, ở không ít trạm thu phí BOT giao thông, những vấn đề đáng bận tâm vẫn xảy ra. Một ví dụ là vào ngày 5/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã ra thông báo về việc bắt giữ bị can Hà Văn Nam (sinh năm 1981, ở Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến Quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ vào ngày 31/12/2018. Ngày 30/7 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) tuyên phạt các bị cáo gồm: Nguyễn Quỳnh Phong (sinh năm 1986, trú tại Chí Linh, Hải Dương) 36 tháng tù; Hà Văn Nam (sinh năm 1981, ở Hà Nội) và Lê Văn Khiển (sinh năm 1990, ở Chí Linh, Hải Dương) đều nhận mức án 30 tháng tù; 4 bị cáo còn lại là Vũ Văn Hà (sinh năm 1990), Nguyễn Quang Hùng (sinh năm 1993), Nguyễn Tuấn Quân (sinh năm 1984); cùng trú tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Trần Quang Hải (sinh năm 1991) trú tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh lĩnh từ 18 tháng đến 24 tháng tù cùng về tội gây rối trật tự công cộng. Các bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 23 triệu đồng…
Nhân các sự vụ này, một số tờ báo mạng điện tử nước ngoài thiếu thiện chí, nhất là những tờ báo có phiên bản tiếng Việt như BBC, VOA, RFA, và nhiều trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube… đã chớp lấy để bình luận đầy hằn học, ác ý, cố tình lái sai lệch, thậm chí đánh tráo, lật ngược bản chất vấn đề, vu oan, kích động cộng đồng mạng chống đối, nhằm gây lệch lạc, rối loạn, bóp méo thông tin một cách thiếu căn cứ, bịa tạc để lôi kéo, kích động phá hoại, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, cản trở đến giao thông thông suốt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân…
Cần những biện pháp đồng bộ
Có thể khẳng định rằng, sau những vấn đề nóng liên quan đến khiếu kiện đất đai, ô nhiễm môi trường, các dự án BOT đường bộ đã, đang, và sẽ còn bị các đối tượng xấu, những thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước lợi dụng, kích động, chống phá, nếu không tiến hành toàn diện, đồng bộ các biện pháp để khắc phục những bất cập, hạn chế, sai sót có liên quan. Theo chúng tôi, cần tiến hành đồng thời, nghiêm túc, quyết liệt, triệt để, công khai, minh bạch các biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia dự án BOT đường bộ được công khai, minh bạch. Thông tin kịp thời, đầy đủ, toàn diện về chủ trương đầu tư các dự án BOT đường bộ đến rộng rãi các nhà đầu tư, tránh trường hợp chỉ định thầu, để tạo sự cạnh tranh công bằng, khách quan trong việc lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất tham gia dự án BOT giao thông, tránh tình trạng nhà đầu tư được lựa chọn chưa đủ năng lực dễ dẫn đến sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện dự án, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội... Có như thế, mới bảo đảm được lợi ích cho cả Nhà nước - nhà đầu tư và người dân…
Thứ hai, nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của các đối tượng tham gia giao thông, đặc biệt là những người dân sống xung quanh địa bàn đặt trạm thu phí, để bảo đảm rằng việc thu phí là hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng của đông đảo người tham gia giao thông, không ảnh hưởng lớn đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội, chứ không là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình tham gia giao thông… Đồng thời, khắc phục triệt để việc đặt sai vị trí trạm thu phí, thu phí quá lớn, không đúng đối tượng…; kiên quyết không cho tiến hành những dự án BOT giao thông trên cơ sở “nâng cấp” các tuyến đường có sẵn…
Thứ ba, cần tiến hành khẩn trương, đồng bộ, triệt để, phù hợp việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại các trạm thu phí BOT theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để có thể dễ dàng kiểm soát, giám sát được mức thu phí thực tế, từ đó có thể dễ dàng công khai, minh bạch số tiền thu được tại các trạm thu phí BOT; tránh tình trạng mập mờ, dễ gây ra những nghi ngờ dẫn tới phản ứng của người tham gia giao thông vì không được thông tin đầy đủ, rõ ràng… minh bạch việc thu, quản lý thu phí BOT, tránh tình trạng tiêu cực có thể xảy ra. Đồng thời, kiên quyết trong việc buộc nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng là chậm nhất đến ngày 31/12/2019, các trạm BOT trên cả nước phải chuyển sang thu phí tự động không dừng…
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt tại nơi đặt trạm thu phí BOT giao thông cần vào cuộc tích cực hơn trong việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về chủ trương, chính sách đầu tư BOT giao thông để họ ủng hộ chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc phát triển hạ tầng giao thông để cả Nhà nước, nhà đầu tư, và chính họ đều được hưởng lợi… tránh bị kích động, xúi giục, lôi kéo và bột phát a dua, hùa theo số đông hỗn loạn để phản ứng đông người, gây ra những bất lợi như đã từng xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ…
Thứ năm, có biện pháp nhận diện chính xác, “khu biệt”, cô lập các đối tượng đầu têu, quá khích, đứng đằng sau “giật dây” với chiêu bài “đòi lại sự công bằng cho BOT giao thông”, “chống lại BOT bẩn”,… từ đó có những biện pháp xử lý cụ thể, kiên quyết, đúng người, đúng tội, để những đối tượng xấu cũng như các thế lực thù địch trong và ngoài nước không có cơ hội “thổi phồng”, “bóp méo” nhằm xuyên tạc, kích động, chống phá… chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hút vốn đầu tư theo kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Thứ sáu, đối với những đối tượng vi phạm có tính hệ thống, kích động, gây rối tại nhiều trạm BOT trên cả nước, cần phải bị xử lý nghiêm minh, theo đúng tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Có như thế, mới hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng coi thường pháp luật, lợi dụng chiêu bài đấu tranh vì nhân dân, đấu tranh dân chủ… để vun vén lợi ích cá nhân, phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như lợi ích của các nhà đầu tư chân chính, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, góp phần bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa người dân - Nhà nước - nhà đầu tư.
Và cuối cùng, cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả tinh thần Công điện số 82/CĐ-TT ngày 18/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự tại các trạm thu phí đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT. Công điện của Thủ tướng yêu cầu Bộ công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung giải pháp giải quyết các bất cập diễn ra tại các trạm BOT giao thông, nhằm sớm lập lại an ninh, trật tự tại các trạm BOT trên toàn quốc.
Dũng Minh (Nhà báo và Công luận)