Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, August 09, 2019 , 0 bình luận

Một trong những luận điệu của chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống Đảng, Nhà nước ta là “Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm”. Song, thực tiễn lịch sử đã bác bỏ luận điệu sai trái này và khẳng định sự lựa chọn con đường phát triển đất nước của Đảng, nhân dân ta là hoàn toàn đúng. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và đạt thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.


Những kẻ ‘lệch nhịp’ ở hải ngoại



Một số người cho rằng, Việt Nam đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm!, “chủ nghĩa xã hội đã ở vào giờ thứ 25 trên toàn cầu”, “Việt Nam nên xoay trục để phát triển”, v.v. Đây thực chất là những luận điệu phản khoa học, mục đích của họ không có gì khác là nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở nước ta. Song, dù có cố tình xuyên tạc thế nào, thực tiễn cũng đã và đang khẳng định sự lựa chọn con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng, hợp quy luật phát triển của nhân loại.

(Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)

1. Trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, xét trên phương diện chính trị, vấn đề độc lập dân tộc của mỗi quốc gia là một trong những nội hàm cơ bản, cốt lõi trong quyền tự quyết cũng như chủ quyền và lợi ích của quốc gia. Nó luôn gắn liền với quá trình phát sinh, phát triển của các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu, Bắc Mỹ và dần dần được chấp nhận trong quá trình hình thành nên quan hệ quốc tế hiện đại1.
Trong giai đoạn đầu, cùng với dân chủ, vấn đề dân tộc được giai cấp tư sản nêu cao làm một ngọn cờ tập hợp lực lượng chống chế độ chuyên chế phong kiến. Cuộc cách mạng tư sản Mỹ là một cuộc cách mạng tiêu biểu trong vấn đề độc lập dân tộc, khi người dân 13 bang kiên quyết đấu tranh không chịu sự thống trị của đế quốc Anh lúc đó. Cuộc cách mạng này thành công, với bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776, nền cộng hòa của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chính thức được thành lập, trở thành thuộc địa đầu tiên trong thời đại tư bản chủ nghĩa giành được độc lập, tạo tiền lệ quốc tế quan trọng trong việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc, trước hết là các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Cuộc cách mạng này đồng thời khẳng định “vị thế độc lập và bình đẳng”, xem đây như là những “quy luật của tự nhiên và Thượng đế” mà các dân tộc trên thế giới được hưởng hoàn toàn; gợi mở một phương thức giành độc lập và con đường phát triển sau khi giành độc lập đối với các dân tộc trong các điều kiện lịch sử khác nhau. Về sau này, Liên hợp quốc đưa ra ba sự lựa chọn cho các dân tộc: 1). Thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền cho riêng mình; 2). Liên kết tự do với một quốc gia khác; 3). Sáp nhập vào một quốc gia khác. Song thực tiễn cho thấy, sự thành công của cuộc cách mạng tư sản Mỹ, cũng như ở nhiều quốc gia khác giành được độc lập, đã đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước đó. Điều đó khẳng định, nền độc lập thực sự, có chủ quyền là cơ sở, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển tiếp theo của mỗi quốc gia - dân tộc.
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu trong vấn đề dân tộc và dân chủ, cách mạng tư sản Mỹ, hay các cuộc cách mạng tư sản khác còn bộc lộ nhiều hạn chế: đa số quần chúng nhân dân không được hưởng quyền tự do, dân chủ, cũng như không được tham gia bàn bạc các công việc chung. Ngay cả cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII, dù được coi là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất trong thời cận đại, nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế của nó, khi mà số lượng cử tri có đủ tư cách tham gia đời sống chính trị đất nước không đáng kể. Hơn nữa, cuộc cách mạng này không hề có ý định tiêu diệt chế độ bóc lột mà vẫn tiếp tục duy trì chế độ tư hữu - lợi ích của giai cấp tư sản. Hiện nay, xã hội tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, có những tiến bộ nhất định, nhưng bản chất không thay đổi, vẫn là chế độ nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và người lao động, vẫn là chế độ bất công, đầy mâu thuẫn, là nguyên nhân sinh ra đói nghèo, thất nghiệp, chiến tranh. Do đó, các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại chỉ mang lại quyền lợi cho một ít người, còn đại bộ phận quần chúng nhân dân (những người vốn là đồng minh của giai cấp tư sản trong quá trình cách mạng) thì quyền lợi của họ không được tính đến. Bản chất của những cuộc cách mạng này là “không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”2. “Quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc” của người dân, xét đến cùng, không giải quyết được nếu chỉ qua cách mạng tư sản, do giai cấp tư sản lãnh đạo và đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
2. Loài người luôn mong muốn thiết lập một xã hội không có tình trạng người bóc lột người và các hình thức bất bình đẳng khác về xã hội. V.I. Lê-nin viết: “Đã lâu rồi, đã hàng bao thế kỷ nay, thậm chí hàng ngàn năm nay, nhân loại mong ước thủ tiêu “lập tức” mọi sự bóc lột”3. Nhưng mong muốn, ước vọng của tầng lớp lao động trong các xã hội cũ chỉ là những điều xa vời, không thực tế, họ không tìm ra được con đường, cách thức để thực sự giải phóng mình khỏi áp bức, bất công. Cũng có không ít cuộc khởi nghĩa, đấu tranh, có cả cuộc cách mạng xã hội nhằm xóa bỏ xã hội cũ, song hầu như đều thất bại, hoặc khi thành công lại không vượt ra khỏi vết xe cũ, không từ bỏ được cái căn nguyên của chế độ người bóc lột người, của bất bình đẳng, đó là chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Lịch sử cho thấy, chế độ phong kiến phủ định chế độ chiếm hữu nô lệ, rồi chế độ tư bản chủ nghĩa phủ định chế độ phong kiến, đều là nấc thang trong tiến trình phát triển của văn minh nhân loại, song đó lại là nấc thang bóc lột đa dạng hơn, tinh vi hơn. Khát vọng về một xã hội công bằng, bình đẳng, không còn người bóc lột người của người lao động càng cháy bỏng hơn.
Để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra phương pháp, cách thức tiến hành, đó là cuộc cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân lãnh đạo. Chỉ có cuộc cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số quần chúng lao động. Đây là cuộc cách mạng cơ bản, toàn diện, sâu sắc nhất về quyền tự nhiên, vốn có của con người trong đời sống xã hội, mà trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”4. Qua đó, đặt nền tảng và định hướng cho sự phát triển của con người, tiến tới một thời kỳ lịch sử, như các nhà lý luận Mác - xít gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa.
3. Đối với cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng một xã hội mới do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đúc rút từ thực tiễn các cuộc cách mạng tư sản và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mong muốn xóa bỏ áp bức bóc lột, mang lại cuộc sống mới cho nhân dân, nên ngay từ đầu đã xác định kiên quyết giành cho được nền độc lập dân tộc và phải đảm bảo thực sự là một nền độc lập hoàn toàn, tất nhiên không biệt lập, không lệ thuộc và không chịu bất kỳ áp bức, bóc lột từ nước nào. Hơn nữa, đảm bảo cho nền độc lập đó là một nền độc lập vì con người, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội mới, làm cho mỗi người dân thực sự được hưởng “quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Để đạt được mục tiêu lý tưởng đã xác định, chỉ có con đường duy nhất là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có kiên định mục tiêu lý tưởng này thì nền độc lập dân tộc mà nhân dân ta giành được mới thực sự là nền độc lập hoàn toàn, khắc phục được những hạn chế của cách mạng tư sản.
Mặt khác, cách mạng Việt Nam đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội còn là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Bởi, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc theo các khuynh hướng phong kiến hay tư sản, tiểu tư sản (dù là cải lương hay cách mạng) đều không thành công. Từ phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Yên Thế, phong trào cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, đến cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học - những phong trào theo hệ tư tưởng phong kiến hoặc theo hệ tư tưởng tư sản, đều đã được lịch sử kiểm nghiệm, song vẫn không phải là con đường đúng đắn, hiệu quả để cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc, mà vẫn bế tắc. Thực tiễn đó khẳng định, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, phải tìm một con đường khác, vừa phải giành được độc lập, vừa phải đảm bảo quyền lợi của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Vì vậy, chỉ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì cách mạng Việt Nam mới được sự đồng tình, ủng hộ, đi theo của đông đảo quần chúng nhân dân. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, một tất yếu khách quan, là sự vận động hợp quy luật của lịch sử mà không ai có thể phủ nhận.
Đi theo, kiên định con đường ấy, nhân dân ta đã đạt được những thắng lợi và thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua hơn 30 năm kháng chiến chống các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh cho mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có được những thành quả ấy, chính là nhờ Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, qua đó tập hợp, hội tụ và kết tinh sức mạnh của cả dân tộc, tạo nên động lực cách mạng vô cùng to lớn. Đó là sự thật, lịch sử đã ghi nhận, nhân dân thế giới đã biết, không ai có thể chối cãi được.
Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội càng được khẳng định rõ, với quan điểm nhất quán là đặt con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội; trong đó, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được xem là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu đạt được và sự thụ hưởng của người dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam xuất phát từ nhận thức, quan điểm tiếp cận đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, đảm bảo sự “tự do và bình đẳng về quyền lợi” cũng như quyết tâm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách đã được ban hành. Các quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp ngày càng được chú trọng, bổ sung, cụ thể hóa để bảo đảm hiệu quả và hoàn thiện hơn; sự phối hợp giữa các thiết chế dân chủ đã được xây dựng. Trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, các đối tượng tham gia, thụ hưởng theo hướng mở rộng và thiết thực hơn. Đặc biệt, với quan điểm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và từng bước phát triển, Việt Nam chủ trương “quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu,... bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”5. Nhiều thành tựu trong phát triển con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đạt kết quả tích cực, xếp thứ 116 trong số 189 nước, thuộc thứ hạng cao của nhóm các nước trung bình. Việt Nam về đích trước nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và hiện đang tích cực chuyển đổi thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Như vậy, thành tựu trong việc đem lại quyền lợi thiết thân, ngày càng được cải thiện của mỗi người dân đạt được ở Việt Nam thời gian qua là rất to lớn và cơ bản. Đó là minh chứng hùng hồn cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và địa vị làm chủ chân chính cho nhân dân, nâng tầm cao uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là hiện thực sinh động để bác bỏ luận điệu xuyên tạc, cho rằng “kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm”.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn nhiều khó khăn, thách thức. Song, thành tựu đạt được trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ minh chứng cho một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn của đất nước, mà hơn nữa đã góp phần định hình nên một hình mẫu Việt Nam đi lên sau chiến tranh và hội nhập quốc tế. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tự tin, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy thuận lợi, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục nguy cơ, thực hiện thắng lợi mục tiêu theo con đường đã chọn.
TS. NGUYỄN CHÍ THẢO, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
__
___________
1 - Theo Henry Kissinger: Trật tự thế giới (World Order), Nxb Thế giới, H. 2018, tr. 51, quan hệ quốc tế hiện đại được định hình từ giữa thế kỷ XVII (với Hiệp ước Westphalia giữa các nước ở lục địa châu Âu). Từ thời điểm này, “khái niệm chủ quyền quốc gia được thiết lập”, “việc lựa chọn cấu trúc trong nước và định hướng tôn giáo mà không bị can thiệp đã được khẳng định”.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 11.
3 - V.I.Lê-nin - Toàn tập, Tập 12, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 53.
4 - C.Mác - Ph.Ăngghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 628.
5 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 135.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X