Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, September 12, 2019 , 0 bình luận

Theo Người Phát ngôn (NFN) Bộ Ngoại giao Việt Nam, các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)



Trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cập nhật thông tin về nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do những hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông cũng như ở khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Về những phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan tới hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền được xác định theo đúng quy định của UNCLOS năm 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. UNCLOS năm 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS năm 1982.
Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS năm 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982. Việt Nam cũng khẳng định lập trường của mình đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Về thông tin Tập đoàn Dầu khí của Mỹ Exxon Mobil rút dần khỏi dự án dầu khí Cá Voi Xanh, Người Phát ngôn cho biết:
Theo chúng tôi được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có thông tin cho biết về các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được các tổ hợp nhà thầu gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, công ty thăm dò khai thác dầu khí và Exxon Mobil triển khai theo kế hoạch.
Liên quan đến việc ngày 3 - 4/9, tàu cẩu Lam Kình của Trung Quốc đã di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi 90 km, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Theo các cơ quan chức năng Việt Nam từ 3 - 4/9 vừa qua, tàu Lam Kình đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.
Minh Quân (TG&VN)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X