Không biết có hẹn nhau từ trước hay không, mà vừa qua lại liên tiếp diễn ra hai sự kiện liên quan lĩnh vực báo chí trên “phạm vi thế giới”, ấy là nếu ngày 10-9-2019 cái gọi là “Ủy ban bảo vệ các nhà báo” (CPJ) vừa công bố “báo cáo thường niên 2019”, thì ngày 12-9-2019 cái gọi “Nhà báo không biên giới” cũng tiến hành trao giải “tự do báo chí 2019”.
Ngăn ngừa những 'bàn tay đen' núp bóng bảo vệ môi trường
Ở đây, khái niệm “phạm vi thế giới” phải đặt trong ngoặc kép (“...”) vì căn cứ các đánh giá CPJ và RSF từng đưa ra, các giải thưởng CPJ và RSF đã công bố, thì xem ra thế giới này khá chật hẹp, loanh quanh chỉ hơn chục quốc gia. Cụ thể hơn, CPJ, RSF tự cấp cho họ cái quyền chăm chăm săm soi “tự do báo chí” ở các quốc gia không chịu sự chi phối của các thế lực đã sinh ra và nuôi dưỡng hai tổ chức này, để rồi thi nhau la lối, to mồm vu cáo, bịa đặt, đánh giá tiêu cực, kiến nghị tùy tiện về “tự do báo chí” ở Việt Nam, Cu-ba, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Belarus...
Với việc xếp Việt Nam vào số 10 nước “kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất thế giới”, kèm theo là đánh giá bất chấp sự thật, có tính vu cáo,... CPJ tự chứng minh họ là một tổ chức bất lương, mà điển hình là trong “báo cáo thường niên 2019”, CPJ đề cập tới ông Trương Duy Nhất và cho rằng “nhà báo độc lập này đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái-lan đưa về nước cuối tháng 1-2019”! Đó là sự trơ tráo, đổi trắng thay đen, vì đến nay, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Thái-lan chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào để có thể khẳng định một vụ “bắt cóc” đã xảy ra, đó chỉ là một thứ tin tức vô bằng cớ lan truyền trên mạng. Hơn nữa, việc Trương Duy Nhất bị bắt hoàn toàn không liên quan hoạt động báo chí, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an Việt Nam không bắt giữ ông này với tư cách nhà báo mà bắt giữ một người có hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự.
Với cái gọi là “giải thưởng tự do báo chí thế giới năm 2019” ở hạng mục “tầm ảnh hưởng” RSF trao cho người tên là Phạm Đoan Trang (PĐT) cũng vậy. Những lời “có cánh” RSF dành cho người này không thể che đậy được sự thật là tại Việt Nam, cái gọi “tầm ảnh hưởng” của PĐT chỉ là con số “0” tròn trĩnh. Có chăng thì tên tuổi người này chỉ nổi nênh trên trang mạng, diễn đàn do các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lập ra mà ở đó, người ta ca ngợi, tâng bốc PĐT rồi tự huyễn hoặc người này sẽ “làm nên nghiệp lớn”. Ngay với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nơi vẫn được ca tụng là “thế giới tự do”, hình ảnh PĐT cũng không sáng sủa. Thí dụ, sau khi PĐT được RSF trao giải, một người Việt hiện ở Đức nảy ra ý định tổ chức giới thiệu sách của PĐT và đã liên lạc với nhiều người. Kết quả là người thì hỏi lại “Cô ấy viết sách hả? Tiểu thuyết hay truyện ngắn?”, người lắc đầu vì “chỉ nghe loáng thoáng”, và không chỉ “những người biết rõ lắc đầu” mà “những người sốt sắng cũng rất tiếc mà lắc đầu”, rốt cuộc buổi giới thiệu sách đã không diễn ra!
Tóm lại, trò vè CPJ, RSF diễn mới đây chỉ là sự nối dài hành vi chống phá Việt Nam do hai tổ chức này tiến hành nhiều năm qua. Vì thế, càng phớt lờ sự thật, càng dấn sâu vào vũng lầy của sự bất lương, CPJ và RSF sẽ càng không thể tạo ra uy tín, chỉ càng tự bộc lộ bản chất xấu xa, phá hoại của họ mà thôi!
Tư Nguyên (Thời nay)