Trong bộ máy nhà nước ta đang tồn tại một số cán bộ, đảng viên bất mãn, không tuân thủ kỷ luật, sẵn sàng chống đối hoặc ngấm ngầm chống đối tổ chức nếu bị đụng chạm đến thói quen, khuyết điểm. Đáng chú ý, lời nói, hành động của họ làm mất ổn định tổ chức và xã hội, gây mất niềm tin, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; là cái cớ để các đối tượng thù địch khoét sâu, tăng cường chống phá. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra đây là một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là “căn bệnh” cần được nhận diện, ngăn chặn.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ rõ: “Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”; “không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác”... Nhấn mạnh vấn đề này, ngày 15-10 vừa qua, khi tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói về thái độ của những cán bộ vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật và bị xử lý rằng: “Lúc đầu cãi ghê lắm chứ có nhận lỗi đâu”.
1. Ở giai đoạn cách mạng nào cũng vậy, bên cạnh những cán bộ luôn đề cao sự trong sạch, liêm khiết, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân cũng tồn tại những người mang nặng tư tưởng cá nhân, cơ hội và vụ lợi. Các hành vi vụ lợi được thể hiện qua những hành động, quyết định trái nguyên tắc Đảng, pháp luật Nhà nước. Vậy nhưng, khi bị phê bình, kiểm thảo thì nhiều cán bộ tỏ ra thờ ơ, bất mãn, tìm mọi lý lẽ để ngụy biện; thậm chí còn kích động mâu thuẫn, gây chia rẽ, mất đoàn kết.
Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn liên quan đến vụ AVG.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ rõ: “Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”; “không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác”... Nhấn mạnh vấn đề này, ngày 15-10 vừa qua, khi tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói về thái độ của những cán bộ vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật và bị xử lý rằng: “Lúc đầu cãi ghê lắm chứ có nhận lỗi đâu”.
Tình trạng một số cán bộ, đảng viên không tuân thủ kỷ luật, sẵn sàng chống đối hoặc ngấm ngầm chống đối tổ chức nếu bị đụng chạm đến thói quen, khuyết điểm biểu hiện dưới rất nhiều góc độ, trạng thái... Gần đây, việc kỷ luật ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang là điển hình. Ông Nhơn bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang kỷ luật khiển trách vì không nhận quyết định điều động và giới thiệu bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang. Ông Nhơn 4 tháng không đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang công tác theo quyết định điều động, nại lý do không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, có những cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao tự coi mình là người có học, hiểu biết nên đã đưa ra “phát kiến mới” kể cả “phá rào”, vi phạm pháp luật, rồi lôi kéo, gây thanh thế với mục đích không trong sáng. Các đối tượng này thường núp dưới danh nghĩa đổi mới, cải cách, dân chủ, nhân quyền để mưu đồ lợi ích riêng. Điều đáng lưu ý là, khi mục đích không đạt được, khi “phát kiến” không được chấp nhận, ngăn chặn thì họ lợi dụng xu thế dân chủ hóa, mạng xã hội, tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch ở nước ngoài để tuyên truyền chống phá đất nước.
Điển hình là trường hợp của ông Chu Hảo, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tri thức, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ông Chu Hảo đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước. Ngay từ khi phát hiện vi phạm, các tổ chức Đảng đã nhắc nhở, kiểm điểm, nhưng ông Chu Hảo không khắc phục, sửa chữa, mà còn tiếp tục có những vi phạm mới, có hành vi chống đối, thách thức. Kết quả là ông Chu Hảo đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng.
2. Khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Vậy nhưng, bộ máy công quyền từ trung ương tới địa phương hiện nay đang tồn tại những “cái gốc” bị sâu mọt và mục ruỗng. Những đối tượng này chính là rào cản và có nguy cơ cao dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cán bộ vốn được xem là “của quý” trong những tài sản quý của Đảng, của đất nước và dân tộc. Quý bởi lẽ cán bộ là những người có ý chí, học thức, trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức... đáp ứng các yêu cầu được Đảng, Nhà nước tuyển dụng vào hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, nhằm truyền bá và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, phục vụ nhân dân. Quá trình công tác, do nhiều nguyên nhân, nhiều cán bộ, đảng viên có chức quyền đã không giữ được tâm sáng mà vụ lợi rồi bị “ngã ngựa”, trở thành “của ôi thiu”.
Vừa qua, trong Hội nghị Trung ương lần thứ mười một, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) và Trương Minh Tuấn (Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Đây được xem là những trường hợp rất điển hình về hiện tượng cán bộ “ôi thiu”.
Để phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có biểu hiện và dấu hiệu “ôi thiu”, thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều giải pháp hết sức mạnh mẽ và quyết liệt. Nổi bật là Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Theo đó, việc ngăn chặn những cán bộ có biểu hiện chống đối tổ chức không chỉ từ trong quy hoạch, điều động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ các cấp mà còn cả trong nhận xét, đánh giá cán bộ...
Trung ương kiên quyết chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền; quyết liệt loại trừ “của ôi thiu”, làm trong sạch bộ máy được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, hiện nhiều tổ chức cơ sở Đảng vẫn chưa quyết liệt vào cuộc như tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Những ý kiến cử tri với đại biểu Quốc hội gần đây về tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không chủ động làm việc, phải chờ xin ý kiến lãnh đạo hoặc tình trạng dân kiện chính quyền vì ban hành quyết định vi phạm pháp luật mà chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để đã cho thấy trong bộ máy chính quyền cơ sở còn những “con lươn, con chạch” đang lẩn khuất, chờ thời.
Trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là lựa chọn chính xác những cán bộ đức tài, có tầm, có tâm trong sáng. Để làm được điều đó, các cấp ủy cần làm tốt công tác rà soát nhân sự khóa mới trên cơ sở giám sát chặt chẽ của đảng viên, các tổ chức chính trị xã hội và Mặt trận Tổ quốc cũng như công khai với dư luận. Việc phòng ngừa, ngăn chặn cho được những phần tử cán bộ, đảng viên bất mãn, không tuân thủ kỷ luật, sẵn sàng chống đối hoặc ngấm ngầm chống đối tổ chức nếu bị đụng chạm đến thói quen, khuyết điểm cũng góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày một tốt hơn.
Đức Tâm (HNM)