Năm 2006, hai năm sau khi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36) được ban hành, nhà báo Etcetera Nguyễn Quang Trường ở tuần báo Việt Weekly (Mỹ) lần đầu tiên từ nước Mỹ về Việt Nam tác nghiệp. Từ đó, qua tiếp xúc, quan sát, suy nghĩ, anh tự nhận ra mình đã sai lầm, để rồi từ sự thay đổi về nhận thức cũng như tình cảm và trách nhiệm đối với Tổ quốc, Bác Hồ và dân tộc... anh quyết định thường xuyên về Việt Nam lặn lội làm báo để thông tin kịp thời với bạn đọc ở Mỹ và bạn bè quốc tế về tình hình đất nước và làm từ thiện. Qua hàng nghìn video-clip do anh thực hiện trên mọi miền đất nước được công bố trên Văn hóa Việt Nam TV, có thể thấy Etcetera Nguyễn Quang Trường là người rất nặng lòng với quê hương và văn hóa Việt Nam. Bài viết gồm hai kỳ của Etcetera Nguyễn Quang Trường gửi đến Báo Nhân Dân vừa là tâm sự, vừa cho thấy tinh thần của Nghị quyết 36 đã giúp một người Mỹ gốc Việt thay đổi như thế nào. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhận diện 'thầy phán'
Đối với tôi, Nghị quyết 36 là cánh cửa rộng mở. Nói nôm na thì Nhà nước Việt Nam bảo rằng ngôi nhà xưa của tổ tiên giờ đã có nhiều đổi thay, các anh chị - những đứa con ở xa, nên về thăm. Từ đó, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài vốn còn ngại ngùng, thậm chí còn mặc cảm, đã trở về quê hương. Nhưng tôi biết sự trở về không phải ai cũng giống ai. Có người về là vào phòng khách, thắp hương trên bàn thờ ông bà, vui ngày đoàn tụ, đi thăm hỏi họ hàng, anh em, kết thêm bạn mới, góp sức xây dựng quê hương. Có người lại vào nhà vệ sinh, chui xuống gầm giường, ngó mấy chỗ bẩn thỉu trong ngôi nhà chưa hoàn thiện rồi họ đứng ở đó để mô tả cả ngôi nhà. Có người trở về làm ăn, buôn bán lương thiện, cũng có người ngỡ Việt Nam giờ như “cái bánh” có thể dễ dàng chia chác kiếm được món tiền ôm đi, nên về để lừa gạt. Sau rồi, người thành công thì không nói ra mà tiếp tục âm thầm làm việc, cống hiến; người thất bại thì về tới bên kia là la toáng “cộng sản thế này, cộng sản thế kia” và dựng lên một số vụ việc theo kịch bản không đúng với sự thật. Tuy nhiên, số người có suy nghĩ, việc làm tiêu cực không nhiều, con số mỗi năm hàng triệu người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương giúp tôi hiểu, khi tấm lòng của quê hương luôn rộng mở thì không lẽ gì những người con đất Việt xa xứ lại không trở về.
Mời bạn xem video những kẻ chống cộng cực đoan ở Houston - Texas đấu tố nhau:
Ảnh chụp màn hình video
Năm 2006, nhân sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2006) tổ chức tại Hà Nội, tức là hai năm sau ngày Nghị quyết 36 ra đời, tôi từ nước Mỹ về Việt Nam với tư cách là phóng viên của tuần báo Việt Weekly. Qua quá trình tác nghiệp, tiếp xúc, quan sát và suy ngẫm, tôi phát hiện được một điều mà sau đó đã tạo ra bước ngoặt của cuộc đời tôi. Đó là đất nước nơi tôi sinh ra hoàn toàn khác, đã rất khác so với thời gian tôi rời nước ra đi, trái ngược với những gì tôi đã biết, đã nghe kể, đã quan niệm khi sống ở Westminster (Oét-min-tơ). Nhớ lại tôi thật sự xấu hổ, vì tôi từng nghĩ sai về chính quyền Việt Nam, về nhân dân Việt Nam, về họ hàng của tôi ở miền bắc... Thú thực, lần đầu về nước tôi không muốn gặp họ hàng, vì nghĩ họ sẽ xin tiền. Đưa năm-ba chục nghìn đồng thì ít quá, năm ba chục triệu đồng thì nhiều quá, mà tôi thì có rủng rỉnh gì đâu. Tôi trốn hết, song sau tôi thấy mình là người không ra gì. Bà con của tôi, người quen của tôi, bạn bè tôi giờ hầu hết không còn nghèo khổ. Họ chịu khó làm ăn, vượt qua khó khăn và họ giàu có, họ đãi đằng tôi chân tình, nếu tôi cần họ sẵn sàng mua cả vé máy bay giúp tôi đi tác nghiệp ở các tỉnh phía nam. Họ chỉ mong đợi ở tôi điều duy nhất: “Trường ơi (hay con ơi, cháu ơi), hãy làm điều gì đó tốt đẹp cho đất nước”. Là người làm trong lĩnh vực truyền thông, tôi không thể làm ngơ trước mong mỏi chính đáng đó, mà phải nỗ lực làm được những gì tốt đẹp cho đồng bào, cho quê hương của tôi, là cung cấp thông tin khách quan, trung thực về ngôi nhà đẹp đang tiếp tục được hoàn thiện, ngay cả gầm giường hay nhà vệ sinh cũng đang được dọn dẹp sạch sẽ. Và tôi lặn lội đến mọi miền đất nước, đến với nhiều vùng sâu, vùng xa, hơn 4.000 video-clip tôi công bố trên Vhvntv (Văn hóa Việt Nam TV) là bằng chứng cụ thể.
Về Việt Nam, tôi thấy mọi người nhắc tới Bác Hồ với lòng kính trọng cố gắng để học tập, noi theo. Họ hàng của tôi cũng thế, luôn kính trọng Người, coi Người là thần tượng, thậm chí như một vị thánh. Như một người bạn nói với tôi đại ý: Chúng ta có thể bất toàn, nhưng trong sự hoàn hảo của Bác Hồ thì cái bất toàn là không đáng kể. Vì vậy tôi bắt đầu tìm hiểu về Người qua sách báo, phim ảnh, rồi biết được nhiều điều mà trước đó tôi không hề hay biết. Tháng 4-2019 vừa rồi, tôi về thăm quê hương Bác Hồ ở Nam Đàn (Nghệ An). Ngắm ngôi nhà tranh đơn sơ của gia đình Bác, nơi Bác sinh ra và sống khi còn nhỏ, tôi càng nhận thức sâu sắc về một con người vĩ đại cả đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân. Trong các bức tranh ghi những lời bất hủ của Bác Hồ được treo trong ngôi nhà tranh được phục chế như hàng trăm năm trước, tôi nhớ nhất câu “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đọc câu chữ đó, tôi xúc động vô cùng, đồng thời cũng ân hận vô cùng, tự dằn vặt và rất xấu hổ vì cách đây hơn 20 năm tôi từng vẽ một số bức tranh chống cộng, xúc phạm Người. Dù đó là chuyện xảy ra trong quá khứ thì hôm nay khi viết những dòng này, tôi vẫn muốn nói lời xin lỗi đồng bào của tôi, xin lỗi quê hương của tôi và cầu mong được tha thứ.
Theo tôi, Nghị quyết 36 khẳng định người Việt Nam tại nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc chính là hướng vào tâm tình của người Việt Nam sống ở nước ngoài, rằng chúng ta cùng một mẫu số chung, đó là dân tộc, là cùng do Mẹ Việt Nam sinh ra. Vì thế mỗi người Việt Nam cần khép lại quá khứ, để cùng chung tay đóng góp những điều tốt hơn cho dân tộc, nhất là khi nước Việt Nam của chúng ta đã và đang có một vị thế mà tôi nghĩ là tuyệt vời. Riêng với tôi, Nghị quyết đã mở cửa để tôi trở về quê hương với tư cách nhà báo, tạo cơ hội giúp tôi có những chuyến đi tác nghiệp, cho tôi được sống tại nơi có tổ tiên của tôi, cho tôi được đi ngang dọc đất nước mà không gặp bất cứ trở ngại nào để chứng kiến và phản ánh về đất nước phát triển. Nhưng ở bên ngoài kia, vẫn có người dị ứng với Nghị quyết 36, họ vẫn không chấp nhận bản Nghị quyết mà mục đích duy nhất là làm cho người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đoàn kết một lòng xây dựng và bảo vệ quê hương, họ vẫn liên tục sử dụng truyền thông để chống phá.
Gia đình tôi theo Công giáo, vốn sinh sống ở Nam Định, tới năm 1954 di cư vào nam, và tôi sinh ra ở đó. Nên từ nhỏ tôi đã sống dưới chế độ “Việt Nam cộng hòa”. Năm 1975 đất nước thống nhất, bố tôi là sĩ quan của chế độ cũ nên đi học tập. Tới năm 1988, gia đình tôi sang Mỹ định cư. Ở tuổi 20, tôi sống trong một cộng đồng mà trong đó rất nhiều người giữ nỗi thù hận, có tinh thần chống cộng như nằm trong huyết quản. Bây giờ nhìn lại, có người đã không sai khi bảo rằng ở Little Saigon (Sài Gòn nhỏ) hồi ấy, có ai là không chống cộng. Tuổi còn trẻ, đến Mỹ không phải như một kẻ phản bội mà do khác biệt quan điểm chính trị và nhu cầu kinh tế, nhưng lại sống giữa nơi được gọi là “chốn gió tanh, mưa máu”, tôi không có thời gian suy nghĩ, lựa chọn và bị cuốn theo mọi người. Để tham gia với người lớn và nhằm kiếm tiền, tôi đã vẽ một số bức tranh theo chủ trương của một số tờ báo và cộng đồng chống cộng, để về sau tôi thật sự xấu hổ, chỉ biết tự trách mình. Vào lúc đất nước gặp vô vàn khó khăn, là người Việt Nam, lẽ ra phải chung lưng đấu cật cùng đồng bào vượt qua thì tôi đã bỏ nước ra đi, lại còn dùng bút vẽ của mình để minh họa cho mưu đồ của số người chống lại Tổ quốc. Đó là lỗi lầm không dễ tha thứ, nhưng tôi tin sẽ được tha thứ vì Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất giàu lòng vị tha, dân tộc luôn bác ái với nghĩa tình “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.
Tôi đã sống giữa “thủ phủ chống cộng” của người Mỹ gốc Việt trong một thời gian dài của tuổi trẻ. Đó là thời kỳ năm nhà báo người Mỹ gốc Việt là Đạm Phong, Lê Triết, Đỗ Trọng Nhân, Dương Trọng Lâm, Phạm Văn Tập bị giết hại đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ. Đó là thời kỳ bất kỳ người nào có lời nói trái ngược ý muốn của người chống cộng là bị úp cái mũ “cộng sản”, “tiếp tay cho cộng sản” và bị triệt hạ đến khuynh gia bại sản. Thậm chí người chống cộng còn sử dụng cả “cộng sản” để dậm dọa mấy chủ cửa hàng ở chợ Bolsa nhằm trục lợi. Thí dụ buổi tối họ đến bảo chủ cửa hàng: “Món hàng này có dòng chữ “made in Vietnam”, lọ mắm ruốc, mắm tôm kia sản xuất tại Việt Nam,... như vậy là cửa hàng có quan hệ với cộng sản, chúng tôi sẽ biểu tình phản đối”! Bị hù như thế, chủ cửa hàng sợ khiếp vía vội hỏi lại: “Bây giờ các ông tính giải quyết vụ này ra sao?”, và nhận được câu trả lời: “Giải quyết gì nữa, đưa chúng tôi chục thùng sữa đậu nành bồi dưỡng anh em đấu tranh, bảo trợ một vài nghìn USD để chúng tôi làm mấy cái banner chống cộng”. Vậy là họ phải lén lút cắn răng đưa hàng và tiền, để hôm sau sẽ không bị biểu tình phản đối. Chưa nói để cạnh tranh với nhau, có chủ cửa hàng lại đưa tiền cho mấy ông “biểu tình chống cộng chuyên nghiệp” để chống lại ông chủ cửa hàng khác có bán hàng sản xuất ở Việt Nam, đến nỗi sập tiệm vì không thể tồn tại nổi. Hầu hết các ông chủ chợ ở nơi tôi sinh sống đều bị áp lực như vậy. Khi còn làm ở tuần báo Việt Weekly tôi nhận được nhiều lời tố cáo người chống cộng “ăn trên xương máu của người lao động chân chính” là đề cập những trường hợp như vậy. Sau hơn 20 năm tôi tự hỏi, nếu tôi không từ bỏ “vũng lầy Bolsa” trở về quê hương để tìm lộ trình mới cho cuộc đời và làm những việc thật sự ý nghĩa, nếu tôi không sớm nhận ra truyền thông của người chống cộng ở hải ngoại cố dựng lên “ngọn cờ chính nghĩa quốc gia, đấu tranh cho dân chủ, dân quyền ở Việt Nam” chỉ là đưa ra cái bánh vẽ, là chiêu bài giúp họ thực hiện mưu đồ vì lợi ích cá nhân ích kỷ, nói cách khác là họ lôi kéo người Việt ở nước ngoài vào trò chơi lừa đảo để kiếm lợi nhuận từ trò chơi đó... thì không biết hôm nay tôi ra sao, có thể an tâm và thanh thản ngồi viết ra những dòng này hay không?
>>Mời bạn đọc tiếp: Nghị quyết 36 và một nhà báo người Mỹ gốc Việt (Bài 2)
Nguyễn Quang Trường (Nhân dân)