Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, October 03, 2019 , 0 bình luận

“Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ để làm rõ, kết quả cụ thể như thế nào sẽ thông tin đến báo chí”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.


Chiều 2-10, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Tại buổi họp báo, các phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi về thông tin 9 người đi theo đoàn chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn ở lại Hàn Quốc và hiện còn 7 người ở lại. Phía Quốc hội cho biết vụ việc này Bộ Công an đang vào cuộc. Vậy Bộ vào cuộc như thế nào, có thể công khai danh tính những người bỏ trốn này hay không?

Toàn cảnh buổi họp báo



Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, vụ việc đã được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin đến báo chí và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã có công bố ban đầu. “Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ để làm rõ, kết quả cụ thể như thế nào sẽ thông tin đến báo chí”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.

Sẽ xử lý nếu phát hiện sai phạm trong lựa chọn doanh nghiệp đi theo đoàn

Phóng viên cũng đề nghị Bộ KH&ĐT cho biết vì sao không công bố danh tính những người này? Trách nhiệm của Bộ đến đâu trong việc chọn lọc danh sách đi theo đoàn?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho hay, ở góc độ là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức đoàn doanh nghiệp, thì Bộ đã có thông tin đến báo chí về vụ việc. Theo đó, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là rất hợp lý, tạo điều kiện cho công tác hợp tác, đầu tư kinh doanh.

“Chúng tôi đã thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp đi theo đoàn, phối hợp các cơ quan liên quan của Bộ Công an thẩm tra nhân thân... Vụ việc vừa qua là sự việc hết sức đáng tiếc, nghiêm trọng. Chúng tôi thấy trách nhiệm trong ngành và đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, rà soát, siết chặt quy trình”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định nếu phát hiện sai phạm của cán bộ trong việc lựa chọn doanh nghiệp thì sẽ xử lý theo quy định. Còn việc cung cấp danh tính, do phía Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành điều tra nên hiện chưa thể cung cấp được. “Khi nào có đầy đủ thông tin và được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí”, ông cho hay.

Báo chí cũng đề cập đến những vụ phạm pháp hình sự xảy ra đối với tài xế công nghệ rất nghiêm trọng thời gian gần đây. Đồng thời hỏi đại diện Bộ Công an có khuyến cáo gì và liệu có tăng cường trấn áp loại tội phạm này hay không?

Tiếp tục điều tra vụ ASANZO

Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và Công an quận Nam Từ Liêm đã nhanh chóng khám phá vụ án, bắt được thủ phạm. Đây là chiến công đáng biểu dương của lực lượng Cảnh sát hình sự.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an xác định, việc làm giảm tội phạm là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, chẳng hạn nếu giảm 1.000 vụ phạm pháp hình sự thì sẽ có 1.000 gia đình không có tội phạm. Do đó, lực lượng Công an chú trọng công tác phòng ngừa là chính. Năm 2019, Đảng uỷ Công an, lãnh đạo Bộ Công an đã đề ra chỉ tiêu giảm ít nhất 3% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2018.

Thiếu tướng Tô Ân Xô trả lời câu hỏi của báo chí

Và để phòng ngừa phạm pháp hình sự thì lực lượng Công an đã bố trí lại lực lượng theo hướng đưa lực lượng trực tiếp về cơ sở qua thực hiện đề án Công an chính quy về xã. Kết quả trong 9 tháng vừa qua số vụ phạm pháp hình sự giảm gần 6%.

Về thông tin Tập đoàn Sharp gửi đơn tố cáo Asanzo giả mạo xuất xứ đến Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng, nội dung này các báo đã hỏi nhiều lần tại các phiên họp Chính phủ hàng tháng và Bộ Công an cũng đã trả lời.

“Đây là vụ án phức tạp, để định tội thì không chỉ cần chứng cứ điều tra mà còn liên quan đến Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương; Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Thuế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng... Cho nên Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an tập trung lực lượng tiếp tục điều tra. Phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan xác minh làm rõ sai phạm, khi có kết quả sẽ cung cấp đến báo chí”, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin.

Cần kiểm điểm nghiêm vụ Sóc Trăng chi 1 tỷ đồng lắp camera

Các phóng viên cũng đề cập vụ việc Tỉnh ủy Sóc Trăng có quyết định chi gần 1 tỷ đồng để lắp đặt camera tại nhà lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng tiền ngân sách. Dự luận cho rằng như vậy là lấy tiền công chi cho việc tư. Trong bối ảnh cả nước đang thực hiện trách nhiệm nêu gương và thực hành tiết kiệm thì việc này có phù hợp?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho biết, tất cả mọi khoản chi tiêu phải theo luật ngân sách, cả định mức và quy chế chi tiêu. Trong quyết định của Văn phòng Trung ương Đảng thì việc chi lắp đặt camrera như ở Sóc Trăng không thuộc trong danh mục chi tiêu. Vì thế, Ban Thường vụ Sóc Trăng đã thống nhất rút lại quyết định và hoàn trả vào ngân sách tiền lắp đặt camera.

“Việc chỉ rút kinh nghiệm và thu hồi lại tiền có phù hợp, để lập lại kỷ cương trong chi tiêu không”, đại diện phóng viên báo chí tiếp tục đặt vấn đề.

Trước câu hỏi trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, việc dùng ngân sách để chi lắp đặt camera nhà riêng là không đúng. Sau khi báo chí phản ánh thì Ban Thường vụ Sóc Trăng đã họp và hủy quyết định trên và thu hồi lại tiền cho ngân sách nhà nước. Ban Thường vụ Sóc Trăng cũng đã yêu cầu kiểm điểm và sẽ báo cáo các cơ quan Trung ương.

“Khi chúng ta đang thực hiện Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Đây cũng là việc cần gương mẫu thực hiện. Cho nên không chỉ rút kinh nghiệm mà phải kiểm điểm nghiêm túc”, ông Dũng nhấn mạnh.


An Quỳnh (Công an nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X