Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. “Bệnh” này xuất hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, là căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức Đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa. Do đó, “bệnh mạn tính” trên cần được nhận diện, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Trí Chính (HNMO)
1. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết cách nay 72 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi các đối tượng thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh là “bọn thứ ba”, chỉ biết “theo gió bẻ buồm, không có khí khái”, “thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai”. Người khẳng định: “Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt”.
Thực tế cho thấy, những người thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh thường có chung đặc điểm là ngại va chạm, né đấu tranh, "mũ ni che tai", coi “dĩ hòa vi quý” là thượng sách để hành xử với mọi người có khả năng cạnh tranh lợi ích với mình. Cách sống này nhìn bề ngoài tỏ vẻ thân thiện, nhưng thực tế đây là những người khôn lỏi trong quan hệ ứng xử, chỉ lấy cái khôn, mẹo vặt của mình vì lợi ích cá nhân. Những người có thái độ như trên dễ bắt gặp ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội vào tháng 10-2019, kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 30 bộ, ban, ngành ở trung ương và 61 địa phương cho thấy, trong tổng số 469.035 công chức, có 132.573 người “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (đạt 28,27%); 320.660 người “hoàn thành tốt nhiệm vụ” (68,37%). Đáng chú ý, chỉ có 10.686 công chức "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực" (2,28%); 2.694 người “không hoàn thành nhiệm vụ” (0,57%) và 2.422 công chức chưa được đánh giá… Số liệu này cho thấy vẫn còn tình trạng cào bằng, nể nang, ngại va chạm trong khâu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
Theo Kết luận thanh tra số 578/TB-TTBNV ngày 14-11-2019 của Thanh tra Bộ Nội vụ về việc thực hiện các quy định về tuyển dụng công chức, xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm; số lượng cấp phó và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước của UBND thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2018 cho thấy, 156 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại địa phương này còn thiếu một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn chức danh. Từ đó, Thanh tra Bộ Nội vụ đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại trên để có hình thức xử lý phù hợp. Trong câu chuyện này, rất khó để nói rằng, tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là cấp ủy ở những đơn vị này không biết, không được bàn khi việc tuyển dụng, đề bạt phải được công bố công khai, theo quy trình thống nhất và lấy ý kiến theo luật định.
Việc thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh là điểm “nghẽn” kéo dài, khiến công tác xây dựng Đảng gặp không ít hạn chế. Chúng ta dễ nhận thấy nội dung sinh hoạt định kỳ ở một số tổ chức Đảng còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả không cao; phê bình và tự phê bình hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm là mảnh đất màu mỡ dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
2. Hiện nay, các đảng viên, tổ chức Đảng trên toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bắt đầu bước vào giai đoạn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cuối năm 2019. Việc tự phê bình, ngăn chặn căn “bệnh” thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh cần được xem là một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Trên bình diện chung, để ngăn chặn, đẩy lùi căn “bệnh” nêu trên, phát huy trách nhiệm cá nhân, trí tuệ tập thể thì cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Hơn ai hết, tổ chức Đảng, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, tâm huyết, tận tụy với công việc, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi, thực hành dân chủ.
Đồng thời, thấy đúng phải bảo vệ, nêu gương để lan tỏa trong cuộc sống, nhân lên điển hình tiên tiến; thấy sai kiên quyết đấu tranh, phê bình, ngăn chặn.
Thực tế chứng minh, chi bộ nào, tổ chức Đảng ở đâu làm tốt tự phê bình và phê bình thì nội bộ luôn đoàn kết thống nhất cao, ít xảy ra lạm quyền, lộng quyền, tiêu cực và ít mắc khuyết điểm, sai phạm. Do đó, các tổ chức Đảng cơ sở, cấp ủy cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhất là những cơ quan, đơn vị có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, biểu hiện sai phạm, có vấn đề phức tạp nảy sinh, vấn đề bức xúc mà đảng viên và nhân dân phản ánh. Từ đó chấn chỉnh, sửa chữa, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ, phát huy cái đúng, cái tốt, cũng như kịp thời phát hiện cái sai, cái xấu để ngăn chặn, đẩy lùi.
Bản thân cán bộ, đảng viên phải chủ động phê bình, bảo vệ cái đúng, không giấu giếm, dung dưỡng cái sai, cái hạn chế, khuyết điểm; thực hiện nghiêm Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án văn hóa công vụ.
Bên cạnh đó, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc mở rộng, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Bởi vì, có thực tâm tạo ra không khí dân chủ thì cấp dưới mới dễ gần, dễ cung cấp thông tin và dễ chia sẻ tình cảm, trách nhiệm. Người đứng đầu có giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật thì người tốt mới có chỗ dựa vững vàng và người xấu không dám nhởn nhơ, lộng hành. Đối với người "thủ lĩnh" ở trong đơn vị dù quy mô tổ chức lớn hay nhỏ, điều tối kỵ nhất là có những biểu hiện, hành vi ứng xử “yêu nên tốt, ghét nên xấu” trong giải quyết các mối quan hệ công việc. Vì nếu những người “cầm cân nảy mực” mà luôn nghĩ và hành xử như vậy sẽ gây ly tán lòng người, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau, vô tình “bật đèn xanh” cho những kẻ xấu có thêm cơ hội làm sai, làm liều; còn người tốt phải sống trong “ốc đảo” và không phát huy được tính tích cực của mình trong tập thể.
Mặt khác, một việc làm tuy không mới, nhưng cần thực hiện đến nơi đến chốn, đó là khi tiến hành các quy định khen thưởng, xử phạt phải bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời. Chỉ làm như vậy mới góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi để làm cho “cái tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu mất dần đi” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Từ đó, căn "bệnh" thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh mới dần thoái lui trong các tổ chức Đảng và đời sống.
Trí Chính (HNMO)