Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, November 01, 2019 , 0 bình luận

 Chủ nghĩa khách quan theo nghĩa đúng đắn, thực chất của khái niệm này chính là thái độ, quan điểm tôn trọng sự thật khách quan, luôn xuất phát từ hiện thực khách quan, tức là thực tiễn để nghiên cứu. Tôn trọng “cái khách quan”, hiện thực khách quan đòi hỏi phải nhận thức hiện thực khách quan đúng với bản chất của nó. Khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong nghiên cứu lý luận chính trị rất nguy hại, bởi hệ quả mà nó gây ra tác động tiêu cực trực tiếp tới nhận thức, niềm tin và hành động của giới nghiên cứu khoa học. Và yêu cầu nghiêm túc đặt ra với người nghiên cứu là phải tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ chân lý khách quan và tỏ rõ lập trường, quan điểm nhất quán trong nghiên cứu, trung thực về đạo đức, trung thành với chân lý.


Lê Dũng Vova kẻ mạo danh dân chủ!



V. I.  Lê-nin coi quan điểm thực tiễn, quan điểm đời sống là quan điểm cơ bản, số một, hàng đầu của lý luận nhận thức. Tôn trọng “cái khách quan”, hiện thực khách quan đòi hỏi phải nhận thức hiện thực khách quan đúng với bản chất của nó. Chủ nghĩa khách quan chân chính xa lạ với “chủ nghĩa tự nhiên” vốn coi mọi biểu hiện, thậm chí một biểu hiện đơn lẻ, nhất thời, tạm thời, bộ phận, cục bộ nào đó của sự vật, hiện tượng đều là bản chất của sự vật, hiện tượng đó. Chủ nghĩa tự nhiên đã tầm thường hóa khoa học và nghiên cứu khoa học. Trên phương diện nhận thức, những người theo chủ nghĩa tự nhiên đã xa rời lập trường khách quan khoa học. Họ không nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong tính hệ thống, trong quá trình vận động và phát triển của nó, mà chỉ trong tính hệ thống - chỉnh thể, trong quá trình, tiến trình của các sự kiện thì bản chất của sự vật, hiện tượng mới bộc lộ ra. Không nhận thấy tính biện chứng đó, nên chủ nghĩa tự nhiên là siêu hình trong tư duy và phương pháp tư duy. Trên quan điểm nghiên cứu, trước hết là quan điểm tư tưởng, chủ nghĩa tự nhiên chẳng những xa rời quan điểm khách quan khoa học với yêu cầu nghiêm ngặt của tư duy biện chứng, phép biện chứng duy vật mà còn đối lập với chủ nghĩa khách quan, biểu hiện trong hình thái “chủ nghĩa chủ quan” với giáo điều và tư biện mà C. Mác đã từng phê phán. Chủ nghĩa chủ quan còn gắn liền với những biểu hiện duy ý chí và tất yếu không tránh khỏi việc xa rời quan điểm duy vật biện chứng, rơi vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Những người bị chi phối bởi quan điểm này trong nghiên cứu khoa học sẽ không tránh khỏi sai lầm từ những giả thuyết khoa học, những nhận định, đánh giá, đến những kết luận mà họ đưa ra với những thiên kiến và cực đoan, chẳng những không phản ánh chân thực hiện thực khách quan mà còn làm sai lạc nó, thậm chí xuyên tạc nó. Chủ nghĩa chủ quan là nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong nghiên cứu khoa học đối với nhà nghiên cứu, cần phải khắc phục, vượt qua trong mọi lĩnh vực khoa học, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn và lý luận. Tác hại của chủ nghĩa chủ quan gây ra không chỉ trong địa hạt nhận thức mà còn trong đời sống thực tiễn. Nó không định hướng và thúc đẩy phát triển mà trái lại còn có thể dẫn tới kìm hãm sự phát triển, thậm chí phản phát triển, kéo dài sự trì trệ, lạc hậu - một vật cản, một điểm nghẽn của phát triển. Ngay ở thời kỳ mở đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã kịp nhận ra tình trạng lạc hậu của lý luận, sự chậm trễ của khoa học xã hội - nhân văn không theo kịp đà phát triển của thực tiễn, thậm chí đi sau cuộc sống đang biến đổi mau lẹ(1). Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII về công tác lý luận của Đảng trong giai đoạn hiện nay ra đời từ năm 1992, cách đây gần ba thập niên, cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Yêu cầu tối quan trọng đặt ra với người nghiên cứu là phải tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ chân lý và tỏ rõ lập trường, quan điểm nhất quán, trung thực về đạo đức _Nguồn: khoahocphattrien.vn

Việc phê phán chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, bệnh giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm đã tạo xung lực cho đổi mới tư duy và thúc đẩy đổi mới xã hội, từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị và hệ thống chính trị ngay trong những bước đi đầu tiên của đổi mới ở nước ta. Đó là một nỗ lực đột phá, mở đường cho nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn được phát triển trên quan điểm khách quan khoa học, tôn trọng quy luật khách quan, chủ nghĩa khách quan đích thực, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đây không chỉ là thái độ nghiêm túc trong khoa học mà còn là thái độ trung thực trong chính trị, dũng cảm tự phê phán và phê phán của Đảng ta để thúc đẩy đổi mới trong xã hội. Cách đây hơn bảy thập niên, từ năm 1947, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, đặt nền móng tư tưởng lý luận cho đổi mới trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Mở đầu tác phẩm, Người đặt vấn đề “phê bình và sửa chữa”. Người nêu ra ba căn bệnh nguy hiểm mà trước hết là bệnh chủ quan(2). Đây là bệnh về nhận thức, do yếu kém lý luận lại mắc thói coi khinh lý luận của không ít cán bộ, đảng viên mà sinh ra. Người nhấn mạnh, phải ra sức học tập, nâng cao trình độ lý luận và phương pháp tư duy, phương pháp tư tưởng, phương pháp công tác thì mới sửa chữa được căn bệnh này. Người còn nghiêm khắc chỉ trích bệnh hẹp hòi. Bệnh này thuộc về quan hệ, về dùng người, về cán bộ và chính sách cán bộ. Bệnh này rất nguy hiểm vì nó ngăn trở đoàn kết trong Đảng, trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân(3). Bệnh thứ ba là thói ba hoa, thuộc về cách nói và cách viết.
Nếu chủ quan, chủ nghĩa chủ quan duy ý chí thuộc về nhận thức do những yếu kém, hạn chế về trình độ lý luận, tách rời lý luận với thực tiễn, xa rời quan điểm khách quan khoa học mà sinh ra thì khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học lại không chỉ là vấn đề nhận thức mà còn phức tạp và nguy hại hơn, bởi đây là một khuynh hướng tư tưởng, thể hiện thái độ, quan điểm nhân danh khách quan khoa học để truyền bá những tư tưởng xa lạ với khoa học vào trong nhận thức của quần chúng, xuyên tạc sự thật và chân lý, lung lạc niềm tin của quần chúng, làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng và ý thức hệ xã hội nói chung, không phải vô tình mà có dụng ý về chính trị, dẫn tới nguy cơ mất phương hướng chính trị trong hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
Thực tế cho thấy, khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong nghiên cứu lý luận chính trị là nguy hại nhất, bởi hệ quả mà nó gây ra tác động tiêu cực trực tiếp tới nhận thức, niềm tin và hành động của đa số quần chúng, trong đó có cả giới trí thức và thế hệ trẻ, thậm chí thâm nhập vào đời sống chính trị trong Đảng, trong cán bộ, đảng viên.
Từ thực tế đó, việc nhận diện và phê phán những biểu hiện khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học cần phải được chú trọng đặc biệt vào lĩnh vực nghiên cứu lý luận chính trị, trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, trong giới lý luận.
Nhận diện, phê phán để vạch rõ những sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử, những quan điểm lệch lạc, gieo rắc sự hoài nghi, tâm lý hoài nghi trong quần chúng đối với lý tưởng, mục tiêu và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Phê phán để đấu tranh chống lại sự truyền bá những thông tin giả dối (thông tin xấu, độc) với động cơ, mục đích xấu, nhân danh sự thật để xuyên tạc sự thật, kích động và lừa mị dân chúng, nhân danh khách quan để che đậy thái độ và hành vi chủ quan, bề ngoài tỏ ra tôn trọng sự thật khách quan, nhưng thực chất bên trong là phủ nhận sự thật khách quan với bản chất đích thực của nó, với xu hướng phát triển tất yếu của nó.
Những người khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học thường bám vào những hiện tượng, những sự kiện nào đó nổi lên trên bề mặt cuộc sống, tuy có thật về hiện tượng nhưng lại không thật về bản chất, cố ý nhấn mạnh, tuyệt đối hóa nó, tách rời, cô lập nó khỏi những hiện tượng, sự kiện khác trong toàn bộ quá trình và tiến trình lịch sử, dùng thiên kiến chủ quan để quy nó thành bản chất, giải thích sai lạc nguyên nhân, tính chất của những hiện tượng, sự kiện mà họ đề cập tới, cốt làm cho mọi người ngộ nhận, tin theo những điều mà họ tuyên truyền, coi đó là đúng đắn, là chân lý.
C. Mác phân biệt rất rõ những hiện tượng giả đánh lừa bản chất mà ông gọi là những “giả tượng” và để nhận biết đúng bản chất của sự thật, cần phải lọc bỏ những “giả tượng” ấy khỏi những hiện tượng đích thực phản ánh bản chất. Bám lấy những “giả tượng” và quy nó thành bản chất, những người khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học đã phạm vào một sai lầm cố ý, đó là đem cái giả khách quan thay thế cho cái khách quan đích thực, khoác áo “chủ nghĩa khách quan” để từ bỏ khách quan khoa học, để theo đuổi một chủ nghĩa chủ quan xa lạ, đối lập với chủ nghĩa khách quan đích thực.
Đã khoác áo “chủ nghĩa khách quan” thì không còn là khách quan nữa và những ai khoác áo ấy để “nghiên cứu khoa học” thì cũng không còn là nghiên cứu khoa học theo đúng ý nghĩa chân chính. Yêu cầu nghiêm túc đặt ra với người nghiên cứu là phải tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ chân lý khách quan và tỏ rõ lập trường, quan điểm nhất quán trong nghiên cứu, trung thực về đạo đức, trung thành với lý tưởng. Từ năm 1927, khi viết “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu vấn đề “tư cách của người cách mệnh”, trong đó Người nhấn mạnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững”(4). Người còn khẳng định, bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chân chính cách mạng nhất, triệt để và mau mắn thắng lợi nhất là chủ nghĩa Lê-nin (Mác - Lê-nin) và trong lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới, chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 do V. I.  Lê-nin và Đảng vô sản kiểu mới lãnh đạo mới là cuộc cách mạng đến nơi (tức là triệt để), đi tới thắng lợi, làm lọt lòng nước Nga Xô Viết xã hội chủ nghĩa, khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực lần đầu tiên trên thế giới, mở ra một thời đại mới trong lịch sử, soi sáng con đường cách mạng giải phóng dân tộc để từng bước quá độ tới chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Vững tin vào chân lý, Người còn khẳng định, phải theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và noi gương Cách mạng Tháng Mười Nga. Làm cách mạng, tất yếu phải có Đảng lãnh đạo, Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn(5). Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã xác tín những luận điểm khoa học của Nguyễn Ái Quốc trong “Đường cách mệnh” là đúng đắn, chân xác. Điều đó càng khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin(6), giá trị, sức sống và tầm vóc lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - vấn đề lý luận cốt yếu nhất mà những người khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học đang ra sức công kích nó, cố tình xuyên tạc để phủ nhận nó. Họ cho rằng, C.  Mác và Ph.  Ăng-ghen sống trong thế kỷ XIX, học thuyết của các ông đã cách xa hiện tại tới gần hai thế kỷ, đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, đã không còn đúng nếu soi vào thực tiễn biến đổi vô cùng nhanh chóng của thế giới ngày nay. Họ còn cho rằng, những điều Mác và chủ nghĩa Mác phê phán chủ nghĩa tư bản cùng lắm cũng chỉ đúng trong thời đại của các ông, còn hiện tại chủ nghĩa tư bản không như vậy nữa, nó vẫn đang tồn tại và phát triển, đang tạo ra sự phồn vinh, trình độ văn minh, hiện đại, bởi vậy cần phải theo nó chứ không phải chạy theo “lý thuyết cộng sản” xa vời, chưa biết đến bao giờ mới có được. Họ còn ra sức tuyên truyền rằng, cách mạng bạo lực, chuyên chính vô sản đã dẫn tới đổ máu “không cần thiết”, đó không phải là con đường phát triển “nhân đạo” và “nhân văn”, “không dân chủ” mà chỉ dẫn đến “chuyên chế độc tài”. Họ bám vào sự kiện sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu để cho rằng sự sụp đổ đó là do áp dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Họ coi sự biến xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu vào thập niên 90 của thế kỷ trước là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội, sự “phá sản”, sự “kết thúc” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, và chỉ có chủ nghĩa tư bản mới là trường cửu, mới là mô hình cần lựa chọn! Từ đó, nhân danh những sự kiện, sự thật mà họ gọi là “khách quan” đó để quy kết rằng, Việt Nam theo đuổi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sai lầm, con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn theo hệ tư tưởng Mác - Lê-nin đã dẫn tới những hy sinh to lớn mà đất nước vẫn lạc hậu, vẫn kém phát triển so với các nước trên thế giới. Phát triển theo một con đường khác với thâm ý từ bỏ chủ nghĩa xã hội, phát triển tư bản chủ nghĩa cũng có nghĩa là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xuyên tạc và phủ nhận những cống hiến lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí còn dùng mọi thủ đoạn lừa mị, kích động, bôi nhọ cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại, cao thượng của Người bằng những thông tin bịa đặt, giả dối hòng lung lạc niềm tin của quần chúng, gây thù địch với Đảng và nhân dân ta, nhất là đối với thế hệ trẻ. Các thế lực chống đối tin rằng, chỉ có hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh thì mới có thể đánh đổ được Đảng ta, bởi họ thừa biết lý tưởng và mục tiêu cao quý mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn, tư tưởng - đạo đức - phong cách của Hồ Chí Minh có ảnh hưởng sâu xa như thế nào đối với Đảng và nhân dân ta, có sức sống mãnh liệt như thế nào trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Từ đó, những người khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong “nghiên cứu khoa học” mà thực chất là “giả khoa học”, là lợi dụng cái gọi là “nghiên cứu”, “tìm tòi”, “sáng tạo” trong khoa học để ra sức tuyên truyền, xuyên tạc có ác ý nhằm làm vẩn đục bầu không khí tinh thần của xã hội, tác động vào sự chệch hướng con đường phát triển của đất nước. Đây là những biểu hiện rất phức tạp trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay.
Những quan điểm sai trái, đối lập, thù địch đó nếu không bị vạch trần và phê phán, nếu để nó lan truyền trong xã hội thì có thể làm tăng thêm mức độ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và nhân dân ta do chính sự tiếp sức từ những người khoác áo “chủ nghĩa khách quan” với những luận điệu tinh vi, đánh tráo khái niệm, lập lờ giữa hiện tượng với bản chất nhằm phá hoại niềm tin, đức tin của quần chúng. Chúng ra sức khai thác những hiện tượng, những diễn biến sôi động trong đời sống xã hội, ngay cả những vấn đề trong nội tình của Đảng gần đây và hiện nay để xuyên tạc và chống đối. Như vậy, khoác áo “chủ nghĩa khách quan” không chỉ là “giả khoa học” mà còn là “giả chính trị”, “giả cách mạng”. Từ những việc làm ấy, họ cũng không thể che đậy được diện mạo “giả đạo đức” mà những ai có đầu óc khách quan khoa học, có lương tâm, phẩm giá và trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, với dân tộc và với Đảng đều có thể nhận ra để có thái độ, có tiếng nói phê phán, để bảo vệ sự thật và lẽ phải, để tỏ rõ sự trung thực đạo đức trong khoa học và chính trị của mình trước sự nghiệp đổi mới - hội nhập - phát triển của đất nước.
Ngoài những vấn đề lý luận thuộc về chủ nghĩa, học thuyết, về lý tưởng, mục tiêu và con đường phát triển có tầm ảnh hưởng lớn, có tác động trực tiếp tới đường lối chiến lược, tới nền tảng tư tưởng, tinh thần của Đảng, của chế độ ta mà các thế lực thù địch, chống đối đang tập trung mọi nỗ lực để xuyên tạc, phủ nhận, chúng còn không bỏ qua việc khai thác những sự kiện cụ thể hằng ngày để hòng “tiếp thêm sức mạnh” cho mục đích phá hoại của chúng, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin vào hùa với chúng. Thủ đoạn và cách làm của chúng cũng không khó nhận ra, vẫn là lấy hiện tượng làm bản chất, cố tình che lấp phần sáng và tỏa sáng trong bức tranh xã hội, cố tình làm đậm nét hơn, gây kịch tính hơn từ những phần tối, lấp khuất trong bức tranh đó, cố tình tạo ra những cái giả bản chất để làm sai lạc cách nhìn, cách đánh giá của một bộ phận quần chúng, tạo ra “một hiệu ứng tinh thần kiểu khác” theo mong muốn của chúng nhằm phá hoại sự thống nhất nhận thức, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động của chúng ta trong công cuộc đổi mới hiện nay. Xin dẫn chứng một vài ví dụ:
- Việc Đảng ta đang nêu cao quyết tâm chính trị và bằng hành động cách mạng mạnh mẽ để chống bằng được nạn tham nhũng, đưa các đại án tham nhũng ra xét xử công khai, xử lý nghiêm khắc theo pháp luật của Nhà nước pháp quyền và kỷ luật của Đảng đối với những tội phạm, kể cả không ít cán bộ cao cấp đã thoái hóa, biến chất, được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ thì những thế lực chống đối thù địch lại cố tình rêu rao, xuyên tạc rằng, đó là tình trạng đấu đá, tranh giành quyền lực trong Đảng, là dấu hiệu báo trước tình trạng tan rã Đảng và coi tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, của đảng cầm quyền, rồi lại coi đó là hậu quả tất yếu của việc một đảng duy nhất cầm quyền để kích động tâm lý đòi đa nguyên, đa đảng, lập các đảng đối lập, cổ xúy thuyết “tam quyền phân lập” để tấn công vào nền tảng tư tưởng, vào nguyên tắc chính thể của Nhà nước ta, kích động bất ổn chính trị, xung đột quyền lực...
- Những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục và nhà trường, trong đó có bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, sự hư hỏng về đạo đức của một số nhỏ giáo viên cùng hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở một vài địa phương, một số cơ sở giáo dục có liên quan tới chạy điểm, nâng điểm cho con cái của một số cán bộ đã bị phanh phui, đã bị xử lý nghiêm khắc thì lại bị những thế lực chống đối và những dư luận trái chiều tiếp tay cho chúng xuyên tạc rằng, đó là bản chất của nhà trường, của nền giáo dục xã hội đã hỏng đến tận gốc!
- Những tệ nạn và tiêu cực xã hội gắn với một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, những bất minh, bất chính trong lợi ích nhóm, những hiện tượng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ mà Đảng kiên quyết xử lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, loại bỏ những “sâu mọt” ra khỏi bộ máy, bảo đảm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh mà nhân dân đang hết lòng tin tưởng ủng hộ Đảng thì lại bị chúng quy thành bản chất của chế độ, bản chất của Đảng, gieo rắc sự hoài nghi và kích động sự chống đối, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng...
Vậy, sự thật là thế nào và thực chất, bản chất của vấn đề là ở đâu?
Hãy bắt đầu từ thái độ, quan điểm của Đảng ta với tất cả sự quang minh chính đại của Đảng cách mạng, người cách mạng như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ buổi đầu của thời kỳ đổi mới (Đại hội VI năm 1986) cho đến nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh và nhất quán rằng, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng sự thật khách quan. Xây dựng niềm tin khoa học, kiên định lý tưởng, mục tiêu và con đường đã chọn, giữ vững bản lĩnh chính trị, giữ vững phương hướng chính trị, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa - đó chính là thái độ khoa học và cách mạng của Đảng ta. Đây là cơ sở để nhận rõ và khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác  - Lê-nin, của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Niềm tin và sự khẳng định này của Đảng ta là có cơ sở vững chắc từ thế giới quan khoa học và cách mạng, từ thực tiễn lịch sử xã hội trên thế giới và thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo, có sự truyền bá và dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên “Đường cách mệnh”.
Sự thật là, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không hề lỗi thời, lạc hậu và việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam để kiên trì lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quyết định đúng, là sự lựa chọn sáng suốt, là trung thành một cách sáng tạo chứ không mù quáng, giáo điều như những sự xuyên tạc ác ý. Chúng ta bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở phát triển sáng tạo, làm phong phú, sống động lý luận cách mạng từ thực tiễn, không biệt phái mà biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa trong những thành tựu tư tưởng nhân loại, làm cho di sản kinh điển Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở nên sống động hơn trong dòng chảy văn hóa nhân loại, tiếp biến để phát triển. Quy luật này được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng hết sức sáng tạo và Đảng ta kế thừa, phát huy trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Dù chủ nghĩa Mác cách xa gần hai thế kỷ, dù thế giới đã và đang biến đổi nhanh chóng, thậm chí có cả những đột biến (hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, trật tự thế giới thay đổi, chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa tư bản hiện đại...), song không vì thế mà chủ nghĩa Mác  - Lê-nin trở nên lỗi thời, bị thực tiễn vượt qua như những thế lực thù địch vẫn thường rêu rao. Chủ nghĩa tư bản dù là chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không hề thay đổi bản chất. Vì vậy, không vì những sự biến chính trị xảy ra ở Liên Xô, Đông Âu mà chủ nghĩa tư bản có thể được xem như là con đường, mô hình phát triển cần phải lựa chọn chứ không phải và không thể phủ định. Luận điệu này chỉ thể hiện sự truyền bá quan điểm tư sản, chống phá chủ nghĩa xã hội, đánh lạc hướng dư luận xã hội mà thôi. Những kết luận và những dự báo khoa học của chủ nghĩa Mác  - Lê-nin về tính không thể có triển vọng của chủ nghĩa tư bản, về xu thế, triển vọng tích cực của chủ nghĩa xã hội, rằng những nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng xuất hiện và chín muồi trong lòng chủ nghĩa tư bản một cách khách quan, tất yếu, bắt nguồn sâu xa từ sự phát triển của lực lượng sản xuất có tính toàn cầu. Nó trở thành nhân tố phủ định quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa trong quan hệ sản xuất của xã hội tư sản. Giai cấp công nhân hiện đại với xu hướng khách quan tri thức hóa công nhân và trí thức hóa công nhân làm cho sứ mệnh lịch sử thế giới của nó càng thể hiện rõ trong hoàn cảnh mới, điều kiện mới. Nó là sự phát triển chất lượng mới so với giai cấp công nhân truyền thống (giai cấp vô sản) để thực hiện vai trò cách mạng của nó chứ không phải “giai cấp công nhân biến mất”, “sứ mệnh lịch sử thay đổi thế giới là thuộc về tầng lớp trí thức tinh hoa chứ không phải công nhân” như những luận điệu xuyên tạc đậm màu sắc kỹ trị.
Khẳng định chân giá trị của chủ nghĩa Mác, vạch trần những thủ đoạn xuyên tạc hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học về mặt học thuyết, chủ nghĩa xã hội hiện thực trong đổi mới, cải cách để phục hưng và phát triển về mặt con đường và mô hình, chúng ta nhớ tới những luận điểm sáng suốt của V. I.  Lê-nin. Ông từng nói, rằng những kẻ chống Mác, phủ nhận chủ nghĩa Mác một cách vô lối, thật ra là những kẻ hiểu biết về Mác và chủ nghĩa Mác tồi nhất. Đặc biệt là, V. I.  Lê-nin đã phát hiện thấy, sức sống và ảnh hưởng rộng lớn của chủ nghĩa Mác buộc những kẻ chống Mác cũng phải khoác áo mác-xít. Lại có một thực tế khác, ngay những học giả tư sản trong các nước tư bản chủ nghĩa, những người có đầu óc khách quan khoa học đã có cái nhìn thật khách quan để thấy những khuyết tật không thể sửa chữa do nó là bản chất của chủ nghĩa tư bản. Họ đem lại một tiếng nói khách quan, một thái độ phê phán khách quan đối với chủ nghĩa tư bản, rằng nó không thể không lỗi thời, nó không thể không bị thay thế trong sự lựa chọn mà lịch sử đặt ra, thế kỷ XXI sẽ không thể hình dung được nếu không có sự hiện diện của chủ nghĩa Mác, Mác vẫn là nhà tư tưởng lỗi lạc, kiệt xuất của nhiều thời đại, rằng cho tới nay vẫn chưa thấy một thiên tài tư tưởng trí tuệ nào có thể vượt qua Mác, thay thế Mác.
Là một nhà tư tưởng mác-xít sáng tạo và hiện đại, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn, học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là thuộc lòng câu chữ mà cốt là nắm lấy tinh thần và phương pháp để ứng xử với con người và công việc, để độc lập và sáng tạo tìm tòi câu trả lời cho những vấn đề đặt ra của thực tiễn cách mạng.
Tinh thần cách mạng và phương pháp khoa học là chiếc chìa khóa mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đưa ra, cho ta công cụ tin cậy để giải thích thế giới và cải tạo thế giới. Những vấn đề cụ thể, những trường hợp cụ thể mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đưa ra làm đối tượng phân tích có thể không còn phù hợp trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử mới cần phải điều chỉnh nhận thức, “làm mới” nhận thức, tri thức của mình nhưng rất nhiều tư tưởng, luận điểm của các nhà kinh điển trong các tác phẩm của các ông vẫn tiếp tục soi sáng con đường đi của các dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt là, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức, là văn hóa - vốn là những cái mãi mãi còn giá trị, sức sống, ý nghĩa khai sáng, thức tỉnh đối với chúng ta ngày nay. Từ đây, có thể nhận thức một cách khách quan, khoa học về chủ nghĩa xã hội, cắt nghĩa một cách trung thực lịch sử thăng trầm, số phận và triển vọng của nó.
Không thể đồng nhất giản đơn sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu với sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội, càng không thể từ sự kiện này mà cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã phá sản, đã kết thúc và việc áp dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sai lầm, cần phải từ bỏ để lựa chọn một con đường phát triển khác như những ai nhân danh chủ nghĩa khách quan nêu ra.
Trên thực tế, hoàn toàn không phải như vậy!
Chủ nghĩa xã hội với tính cách là lý tưởng, mục tiêu, là học thuyết lý luận, là một chế độ xã hội kiểu mới không đổ vỡ, chỉ có sự đổ vỡ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở những nước cụ thể, khi một kiểu mô hình này không còn động lực phát triển, lại bị suy thoái và biến dạng. Sự đổ vỡ này có nguyên nhân từ những nhận thức chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách giáo điều, xơ cứng và máy móc, xa rời những nguyên lý cơ bản, những chân giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin chứ không phải do chủ nghĩa, học thuyết Mác - Lê-nin gây ra.
V. I.  Lê-nin đã từng nhấn mạnh, phân tích cụ thể một tình hình cụ thể, đó là bản chất, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác. Chân lý là cụ thể nên cách mạng phải sáng tạo. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy, khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tinh thần sáng tạo, độc lập, tự chủ thì cách mạng phát triển và thắng lợi, trái lại khi phạm vào sai lầm giáo điều, chủ quan, máy móc, xa rời thực tiễn, làm trái quy luật khách quan, làm mất sinh khí của lý luận cách mạng thì không tránh khỏi thất bại. Kinh nghiệm thành công và không thành công trong việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước, trong đó có Việt Nam cho thấy rõ điều đó.
Vấn đề đặt ra một cách khách quan là ở chỗ, không phải là từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà phải vượt qua những sai lầm, hạn chế, khuyết tật mà những người cộng sản và các đảng cộng sản đã mắc phải, nhất là khi đã cầm quyền trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội để cải tổ, cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội một cách có nguyên tắc, có phương pháp, làm cho chủ nghĩa xã hội được kiến tạo, được định hướng và định hình đúng với bản chất tốt đẹp của nó.
Điều đó cũng có nghĩa là, không phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà trái lại, phải từ bỏ những nhận thức giáo điều, thậm chí những cách hiểu sai, làm sai, dẫn tới làm biến dạng, giản lược và làm nghèo nàn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội khoa học. Phải “thanh toán” những sự biến dạng lệch lạc đó, trở lại đúng với tinh thần và phương pháp của chủ nghĩa Mác như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra, đồng thời phát triển sáng tạo nó phù hợp với thực tiễn ngày nay. Thái độ khách quan khoa học đòi hỏi như vậy và cũng chỉ như vậy mới có thể vạch trần những mưu toan khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học, trong đấu tranh tư tưởng, lý luận cũng như trong đời sống chính trị, tinh thần của xã hội hiện nay. Đây là vấn đề căn bản nhất, có thể nói đây là vấn đề của mọi vấn đề. Giải quyết được vấn đề nền tảng, gốc rễ này là cơ sở tư tưởng, lý luận để giải quyết các vấn đề khác có tính chất phái sinh và hệ quả.
Như đã nói, những luận điệu xuyên tạc, giả trá, những suy luận võ đoán, chủ quan, coi một đảng cầm quyền như Đảng ta là nguyên nhân dẫn tới độc đoán chuyên quyền, là không thể có dân chủ, là dẫn đến tham nhũng và suy thoái, rồi quy những hiện tượng tiêu cực trong kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục,... là bản chất của xã hội ta, do sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gây ra,... thực chất là những sự thóa mạ lịch sử, xúc phạm tới Đảng, dân tộc và nhân dân ta, bộc lộ rõ những mưu toan thù địch và chống đối, phá hoại sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại xu thế của tiến bộ và phát triển, không thể không phê phán.
Thực tiễn, như V. I.  Lê-nin nhận xét, cao hơn lý luận, nó rộng lớn, đa dạng, phổ biến mà không một lý luận nào có thể khái quát đầy đủ được. Chỉ có thực tiễn mới cho ta câu trả lời chính xác và tin cậy về những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Thực tiễn cách mạng, đổi mới, phát triển của Việt Nam trong hơn ba thập niên qua, tự nó đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng khởi xướng. Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng cùng với sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đó cũng là sự khẳng định những quan điểm, nguyên tắc cơ bản của đổi mới, của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nổi bật ở những điểm sau đây:
- Khẳng định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là lý tưởng, mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và nhân đân ta đã lựa chọn. Đổi mới được dẫn dắt bởi lý tưởng, mục tiêu đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam.
- Khẳng định vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.
Những điều khẳng định đó là sự thật khách quan, được thực tiễn xác nhận và nhân dân thừa nhận, đồng tình, ủng hộ, ra sức thực hiện và bảo vệ với sức mạnh của dân chủ, đoàn kết  đồng thuận.
Thực tiễn ấy, sức mạnh ấy tự nó cũng đã bác bỏ, phủ định những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng, của những ai khoác áo “chủ nghĩa khách quan”, nhân danh nghiên cứu khoa học nhưng lại không vì một nền khoa học chân chính, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, trái lại, dù vô tình hay cố ý, họ đã làm phương hại tới niềm tin, tới sự thống nhất ý chí và hành động của nhân dân, do đó không thể không phê phán và bác bỏ./. 

>>Mời bạn đọc tiếp: Kỳ cuối
---------------------------------

(1) Xem: Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28-3-1992, của Bộ Chính trị khóa VII, về “Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 273 - 275, 276 - 279
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr.  280  - 281
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289
(6) Hoàng Chí Bảo (chủ biên): Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010

Hoàng Chí Bảo (GS, TS, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương/Tạp chí Cộng sản)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X