Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, November 01, 2019 , 0 bình luận

Mấy ngày qua, việc 39 người thiệt mạng trong công-ten-nơ khi tìm đường vào nước Anh đã trở thành một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, trong khi các nạn nhân chưa được nhận dạng chính thức, chính quyền nước Anh và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực để xác thực về danh tính các nạn nhân, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước đón nhận thông tin một cách thận trọng, có lý có tình, thì một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam.

Khoác áo 'chủ nghĩa khách quan' trong nghiên cứu khoa học - Mối nguy hại cần bóc trần và loại bỏ


Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lập tức giao Bộ Công an phối hợp Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để có biện pháp xử lý phù hợp luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế; điều tra phát hiện các vụ đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để xử lý hành vi vi phạm. Bên cạnh việc tiến hành các liên hệ cần thiết, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cũng sẵn sàng thực hiện biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam; chính quyền một số địa phương đã gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu, lấy mẫu ADN... Song, trong khi nhà chức trách nước Anh chưa công bố thông tin về quốc tịch của 39 người đã mất, thì trên in-tơ-nét, đặc biệt là mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều tin tức cho rằng nạn nhân là người Việt Nam. Và lợi dụng việc xảy ra rất đau lòng này, một số tổ chức, cá nhân đã nhân cơ hội hướng dư luận vào xu hướng phê phán Nhà nước Việt Nam, quy kết vì để đất nước đói khổ mà nhiều người phải dấn thân vào cuộc mưu sinh nguy hiểm. Nổi lên trong đó là luận điệu của tổ chức khủng bố “Việt tân”, của một số người như Lysa Phạm, Trần Nhật Phong,... ở Mỹ, bài giảng của linh mục Ngô Văn Khả tại Thánh lễ tổ chức ngày 27-10-2019 ở nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) nhân danh điều gọi là “cầu nguyện cho 39 nạn nhân”... Đặc biệt, trong khi ngay cả nhiều người Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận sự việc một cách thận trọng, thì một số người ở trong nước lại hùa theo sự sai trái để đưa lên mạng xã hội các ý kiến không đúng mực.

Nguyễn Văn Đài sử dụng một bức ảnh có chụp hình 'một số người ngoại quốc' và tự cho rằng là phái đoàn Anh để vu cáo Nhà nước Việt Nam (xem thêm bài viết ở Đây)

Thí dụ, họ không bận tâm những gì mà Nguyễn Quang, phóng viên BBC, nói trong video-clip trả lời phỏng vấn BBC ngày 27-10-2019: “Tôi xin nhắc lại rõ ràng là cảnh sát hạt E-set ở phía đông Luân Đôn rất cẩn thận, đến giờ này họ vẫn không công bố danh tính cũng như quốc tịch bất cứ nạn nhân nào trong số 39 tử thi đó. Vì thế vẫn có khả năng nghi vấn một số người có thể là người Việt Nam, một số người có thể là người Trung Quốc. Chúng ta phải chờ, vì họ đang xét nghiệm tử thi… Quyền tự do đi lại ở Việt Nam đã khá tốt, quyền mưu cầu hạnh phúc hoặc quyền tìm kiếm một tương lai cho mình là quyền của bất cứ ai, dù là người Việt Nam hay người khác... Vấn đề không phải họ đói, không có tiền. Như anh trai của Nguyễn Đình Lượng nói ở nhà vẫn sống được, vẫn làm ăn được nhưng vẫn muốn đi… Tôi cũng không tin việc này là đặc thù của Việt Nam. Như ở Ba Lan chẳng hạn, tôi đã đến những làng quê có mức sống cao hơn ở Việt Nam nhưng người ta vẫn sang Anh. Đồng bảng ở Anh có sức hút rất lớn, làm việc tại Anh thu nhập bằng bảng, gửi về quê ở đâu thì lợi nhuận cũng cao hơn... Đại sứ quán Việt Nam có nhiều động thái tích cực giúp cảnh sát Anh nhận diện. Đến lúc này cảnh sát Anh chưa xác nhận quốc tịch nạn nhân, nhưng Đại sứ quán Việt Nam đã liên lạc với cảnh sát và công bố trên mạng xã hội, trên BBC tiếng Việt, lập đường dây nóng hướng dẫn người biết tiếng Anh hoặc không biết tiếng Anh”.
Từ nước Mỹ, qua video-clip “Đừng quyết định ra đi vì thiếu hiểu biết” trên Trực diện TV ngày 26-10-2019, ông Minh Giang nói: “Di dân lậu là hết sức nguy hiểm. Quyết định làm điều này là giao tính mạng, tiền bạc cho người khác nắm giữ. Phương tiện đi lại, hiểm nguy chờ phía trước là không thể lường, đó là con đường “thập tử nhất sinh”. Ngay cả khi đến nước Anh rồi cũng không sáng sủa gì, cuộc sống chẳng ra làm sao, sống chui sống lủi, sống mà tương lai không được bảo đảm. Trong khi đó, đi thì phải tốn tiền, thậm chí rất tốn tiền. Trong số người gia đình nghi là nạn nhân, đã tốn gần một tỷ đồng. Với gần một tỷ đồng, với tuổi trẻ tương lai đang ở phía trước, tại sao không dùng số tiền đó để đầu tư, làm một việc gì đó xây dựng tương lai cho mình, mà đi làm một việc tôi cho là hết sức dại dột, nguy hiểm. Qua Anh, Mỹ hay nước khác cũng thế thôi, cuộc sống sẽ rất khó khăn, bất cứ lúc nào cũng có thể bị trục xuất về nguyên quán, bị bắt bớ. Cuộc sống phập phù và hết sức nguy hiểm, rất dễ vướng vào các đường dây làm ăn phi pháp. Vì không có giấy tờ, không có bảo hiểm, không dễ ai thuê mướn, muốn đi làm chính danh cũng không được, không có quyền công dân, sống bên lề rất nguy hiểm… Điều 349 Bộ luật Hình sự của Việt Nam quy định cụ thể về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác đi nước ngoài, hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Đây là điều Việt Nam cấm, đã từng xử lý rất nghiêm khắc. Nên không thể có cái gì xấu, cái gì tồi tệ xảy ra là lại đổ lỗi cho Nhà nước Việt Nam, như vậy là rất thiếu công bằng. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận việc làm đó, sau khi sự việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã có nhiều động thái tích cực giúp làm sáng tỏ sự thật. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn hiện tượng này. Người ra nước ngoài trái phép qua nhiều nước cho thấy đây là đường dây tổ chức chặt chẽ, có sự phân công, phương án một không thực hiện được thì phương án hai. Với người còn trẻ, các bậc cha mẹ cần xem xét trước khi tham gia, đầu tư thiếu sáng suốt vì nghe theo lời xúi giục, dụ dỗ của kẻ khác. Cha mẹ có sẵn tiền, hoặc vay mượn, cho con làm việc này là rất đáng tiếc, vì đã đầu tư vào một việc đầy rủi ro, không có tương lai sáng sủa, đó là canh bạc mười phần thì thua chín”.
Tương tự, từ nước Pháp, qua video-clip “Góc nhìn John Nguyễn về 39 người nhập cư trái phép ở nước Anh” công bố ngày 27-10-2019 trên Vhvntv, ông John Nguyễn đã nói: “Tôi buồn và chia sẻ với gia đình nạn nhân, nhưng nếu nạn nhân là người Việt thì tôi buồn hơn. Thật tiếc vì gia đình và những người trẻ ở Việt Nam bỏ ra số tiền rất lớn cho phần tử xấu. Những kẻ này vẽ nên một bức tranh đẹp rằng ở các nước tư bản sống thoải mái hơn ở Việt Nam, nhưng đó chỉ là ảo ảnh… Trước khi bỏ ra một khoản tiền lớn đến một nước khác vì mong có cuộc sống mới, cần xem xét hợp pháp hay không. Tuy nhiên, dù hợp pháp vẫn phải nỗ lực gấp năm lần, thậm chí mười lần người dân bản xứ, mới có cuộc sống như họ. Đó là sống bình thường, chứ chưa nói đến làm giàu. Rồi nữa bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa có thể “bóp chết” con người. Việt Nam giờ là thiên đường. 10 nghìn Euro, 20 nghìn Euro là số tiền lớn ở Việt Nam, có thể làm được nhiều việc để sống. Đất nước đang trên đà phát triển, không cần phải đi đâu cả. Hãy ở lại đi! Tôi thành thực khuyên các bạn trẻ nếu có ham muốn ra nước ngoài để đổi đời hãy ở lại. Hãy sử dụng tiền vay mượn được để làm vốn và sinh sống trên quê hương mình, tính mạng của các bạn được an toàn. Sử dụng số tiền đó để ra nước ngoài, tính mạng các bạn không được an toàn và gia đình phải gánh chịu nợ nần, làm như vậy để làm gì? Kẻ buôn người vẽ nên một bức tranh mà các bạn không biết phía sau bức tranh là thiên đường hay địa ngục. Đối với tôi, đó là địa ngục. Người sống ngoài vòng pháp luật sẽ không có cuộc sống yên bình mà phải làm nô lệ hiện đại. Tiền không từ trên trời rơi xuống. Sống bất hợp pháp thì không có quyền lựa chọn, nam có thể đi trồng “cỏ” (cần sa), nữ có thể bị bán sống vào “động”, không thể biết được… Dù còn khó khăn nhưng đất nước đã phát triển, sao phải nhập cư lậu để làm nô lệ?”.
Cũng từ nước Mỹ, ngày 26-10-2019, khi trả lời phỏng vấn của trang Trust Media Network trong video-clip “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Phúc - một người Mỹ gốc Việt, đã nói: “Dù người nước nào thì vẫn xót xa, đau lòng, tin này không có thì tốt hơn. Xin được thắp nén hương cho người đã khuất. Họ bị bọn buôn người vẽ vời viễn cảnh ở nước Anh hay nước nào đó ở châu Âu kiếm tiền rất dễ dàng, bỏ tiền ra đi lấy lại cũng nhanh, được thay đổi cuộc đời. Họ đi vì thiếu hiểu biết. Một số kênh Youtube của người Việt Nam ở hải ngoại đổ thừa, lên án Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn sai lạc. Sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh nếu có người Việt Nam thì phải điều tra ráo riết. Tôi nghĩ không có chính quyền nào muốn công dân của mình vượt biên trái phép sang nước khác. Kinh tế Mê-hi-cô hơn Việt Nam, vì sao dân của họ vẫn vượt biên sang Mỹ, đã bao nhiêu người chết vì vượt qua sa mạc, đâu phải chính quyền Mê-hi-cô xúi họ làm điều đó. Nhiều nước khác nữa, chính quyền đâu có khuyến khích... Xã hội nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, với nước Mỹ cũng vậy. Những người ở đây làm Youtube chống cộng đều nói xấu Việt Nam, không bao giờ họ nói xấu đất nước họ đang sống, không bao giờ nói mặt xấu của nước Mỹ mà chỉ có khen điều tốt”.
Rồi đây, sự việc sẽ được sáng tỏ. Dù kết quả thế nào các nạn nhân cụ thể là ai, cư dân nước nào thì cũng là điều đau xót. Tuy nhiên cũng từ sự kiện này, Nhà nước cùng chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần xem xét, tổ chức thị trường lao động, tạo cơ hội và hỗ trợ về việc làm cho toàn dân, đặc biệt là thanh niên; thường xuyên kiểm tra, quản lý các đơn vị tuyển dụng lao động để phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động, về thủ đoạn của kẻ xấu; đồng thời đưa kẻ buôn người ra xử lý trước pháp luật… Đặc biệt, nếu những ai muốn phê phán Nhà nước về hiện tượng này, thì trước khi lên tiếng, nên tham khảo ý kiến của một người đã viết trên Facebook: “Nước có tỷ lệ người di cư trên dân số cao nhất ở châu Á không phải Việt Nam, không phải Trung Quốc, thậm chí không phải Ấn Độ hay Phi-líp-pin, mà là một nước phát triển có thu nhập bình quân theo đầu người trên 30 nghìn USD. Lý do vì đâu? Vì áp lực cạnh tranh cao, vì phải làm việc 70 giờ/tuần, vì thực phẩm, dịch vụ đắt như vàng cốm, và hỡi ôi, vì chật… Nên lý do di cư là cực kỳ đa dạng, nhiều khi rất trời ơi, phụ thuộc vào nhu cầu kinh tế, mưu sinh của từng hoàn cảnh người, chẳng liên quan gì đến đất nước. Tranh thủ sự vụ để bôi xấu nước mình như là địa ngục trần gian thì chỉ thể hiện sự yếm thế, thiếu hiểu biết mà thôi”. 
Hồng Quang (Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X