Các thế lực thù địch luôn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm một trong những mũi tiến công để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Họ cho rằng, Đảng, Nhà nước ta không quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân dân. Vì thế, làm rõ bước tiến về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng để bác bỏ sự xuyên tạc của kẻ xấu là việc cần thiết.
Vẫn chiêu trò cắt ghép hình ảnh loan tải thông tin xuyên tạc!
- Không để kẻ xấu lợi dụng 'bất tuân dân sự' để kích động, chống phá
- Tên phản Quốc lưu vong Nguyễn Văn Đài vẫn ngày đêm 'kêu gào khóc thương vô vọng'
- Xây dựng quân đội về chính trị: Bài học thực tiễn trong xây dựng, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam
- Hội 'Cờ ba vàng ở Mỹ'-những kẻ 'khuyết tật'' về tinh thần!
I. Bước tiến trong tư duy, nhận thức của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn có chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp để tập hợp, phát huy vai trò của đồng bào có đạo trong xây dựng và phát triển đất nước. Điểm nổi bật của hệ thống chính sách đó là: tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, nhận thức về vai trò của tôn giáo cũng có sự phát triển, từ nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo đến việc giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo và coi tôn giáo là nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước. Quan điểm coi tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước vừa mới, vừa là bước đột phá tiếp theo của Việt Nam trên con đường đổi mới nhận thức về vai trò của tôn giáo trong hội nhập quốc tế. Thật vậy, đến tháng 9-2019, các tôn giáo ở nước ta có khoảng 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện; 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương; 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, bao gồm: 02 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề, tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn; gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài... đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.
Trang Thanh niên công giáo trên facebook có những lời lẽ thiếu thiện chí, quy chụp, đổ lỗi một cách vô lối (Ảnh Văn Quyết-dautruongdanchu.org)
Quan điểm trên được thể hiện rõ nét từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986) đến nay. Điều đó được thể hiện ở việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị quyết, chỉ thị, pháp lệnh, luật, nghị định đồng bộ để việc thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng được thuận lợi hơn. Nghị quyết 24/NQ-TW, ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết 25-NQ/2003/TW, ngày 12-3-2003 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo; Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 10-01-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25 về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Chính phủ ban hành Nghị định 69/HĐBT, ngày 21-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về các hoạt động tôn giáo, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tôn giáo và quản lý các hoạt động tôn giáo trong giai đoạn đầu những năm đổi mới; Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo thay thế Nghị định 69. Ngày 18-6-2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định 22/NĐ-CP, ngày 01-3-2005 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, sau đó được thay thế bằng Nghị định 92/2012/NQ-CP, ngày 08-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và một số biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 18-11-2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, ngày 30-12-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Đặc biệt, việc Nhà nước ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định: Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể hóa chủ trương nhất quán về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật này không chỉ quy định chung như Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, mà còn quy định chi tiết, rõ hơn tại Điều 6: Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Đối với người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Quy định này đã thể hiện rõ hơn tính nhân văn trong chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những người bị hạn chế quyền công dân. Không những thế, Luật này còn quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam, tại Điều 8. Điều đó cho thấy, ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là quyền công dân mà còn là quyền của mọi người, không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
Như vậy, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; là minh chứng để chống mọi luận điệu của các thế lực xấu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
II. Bước tiến tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện trong thực tiễn
Bước tiến về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta không chỉ thể hiện trong tư duy, nhận thức mà còn thể hiện trong thực tiễn sinh động, phong phú của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, trên các nội dung cơ bản sau:
Một là, sự hình thành và phát triển các tổ chức và tín đồ tôn giáo là minh chứng Việt Nam đảm bảo tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bình đẳng giữa các tôn giáo. Trước khi Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo được ban hành (năm 2003), cả nước có 15 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 06 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo và Hồi giáo. Đến tháng 9-2019, đã có 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Trong 02 năm (2018 và 2019) thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có thêm 03 tổ chức tôn giáo được cấp phép hoạt động, là Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam và Hội thánh Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam.
Cùng với việc phát triển về tổ chức, số lượng tín đồ cũng không ngừng gia tăng. Trước năm 2003, cả nước có khoảng 17,4 triệu tín đồ/hơn 80 triệu dân, chiếm 21,8% dân số; đến tháng 9-2019, đã có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, cùng 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Hiện nay, cả nước có khoảng 95% dân số có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo và hằng năm có gần 08 ngàn lễ hội.
Hai là, việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. Quy mô và hoạt động tôn giáo ngày càng tăng và diễn ra sôi động, đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm. Bên cạnh các sinh hoạt thường nhật, các ngày lễ trọng đại, lễ hội truyền thống của tôn giáo được tổ chức trang nghiêm thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia, như: Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, Lễ Thượng ngươn của đạo Cao Đài, v.v. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách bằng nhiều ngôn ngữ và đồ dùng việc đạo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.
Cùng với đó, các tổ chức tôn giáo thường xuyên duy trì tốt các hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm chức sắc, chức việc nhà tu hành tôn giáo. Từ năm 2015 đến 2017, Việt Nam đã thành lập mới 05 cơ sở đào tạo tôn giáo: Học viện Công giáo, Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu, Học viện Truyền giáo Cao Đài, Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo, Trường Thánh kinh Thần học Cơ đốc. Nhiều cơ sở tôn giáo được chính quyền quan tâm cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự của tín đồ và tổ chức tôn giáo, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Nhà nước và giáo hội.
Ba là, hoạt động đối ngoại tôn giáo giúp các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về một Việt Nam luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là một trong những hoạt động quan trọng và thường xuyên của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Hoạt động này diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, hội nghị, hội thảo đến việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như vấn đề truyền giáo, v.v. Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào đời sống thế giới, hoạt động quốc tế của các tôn giáo Việt Nam cũng diễn ra đa dạng, phong phú, số lượng đoàn trong nước và nước ngoài đi, đến nghiên cứu tìm hiểu về tình hình tôn giáo ngày càng tăng. Từ năm 2012 đến tháng 9-2019, có khoảng 370 đoàn (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài...) với hơn 1.000 lượt cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo; khoảng hơn 1.200 lượt chức sắc tín đồ, nhà tu hành của các tôn giáo Việt Nam ra nước ngoài. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo Việt Nam xuất cảnh tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đào tạo nâng cao đã trở thành việc bình thường (hiện có khoảng 250 tăng ni và 250 linh mục đang du học tại các nước châu Á, Hoa Kỳ, Pháp, Italia…). Các tôn giáo ở Việt Nam cũng đã phát huy vai trò và vị thế của mình trên thế giới qua việc đăng cai tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế: Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội dòng Đa Minh thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak…, góp phần giới thiệu về hình ảnh đất nước con người Việt Nam.
Hoạt động quốc tế của các tôn giáo Việt Nam diễn ra rất sôi động, thường xuyên. Đây là kết quả của chính sách cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Tại Việt Nam, nhiều hội nghị, lễ hội tôn giáo lớn được tổ chức trọng thể, thành công được dư luận đánh giá cao, như: Việt Nam đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội, Viện Liên kết toàn cầu IGE (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, pháp luật đối với tôn giáo, đóng góp của các tôn giáo đối với xã hội. Đồng thời, tham gia hiệu quả các cuộc Đối thoại nhân quyền (trong đó có vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo) với Úc, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Na Uy, EU; đón làm việc với Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của Liên hợp quốc, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo Mỹ; xây dựng và bảo vệ trước Liên hợp quốc “Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ chu kỳ III” (UPR) và “Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” (ICCPR); trả lời khuyến nghị của các cơ quan Liên hợp quốc về nhân quyền, trong đó có vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.
Quan hệ Việt Nam - Vatican tiếp tục được duy trì và có những bước tiến mới: nâng cấp quan hệ từ mức Đặc phái viên không thường trú lên mức Đặc phái viên thường trú; tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, chuẩn bị tốt các vòng đàm phán và những hoạt động khác thúc đẩy quan hệ hai bên.
Đảng, Nhà nước luôn chăm lo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ cho đồng bào trong nước mà còn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ban Tôn giáo Chính phủ đã thành lập nhiều đoàn hoặc kết hợp các chuyến công tác nước ngoài để gặp gỡ cộng đồng người Việt tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, trao đổi với chính quyền sở tại đề nghị giúp đỡ cộng đồng người Việt được tự do sinh hoạt tôn giáo, tạo sự phấn khởi, thêm gắn bó với quê hương, đất nước. Nhờ đó, có 07 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước: Pháp, Nga, Đức, Séc, Ba Lan, Hungary, Ucraina; một Ban đại diện tăng sinh du học ở Ấn Độ. Tháng 11-2018, Chính phủ Lào cho phép thành lập Ban điều phối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều hoạt động Phật giáo tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hoạt động đối ngoại tôn giáo ở Việt Nam không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn được tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài có dịp tiếp cận với thực tế đời sống tôn giáo ở các vùng miền của Việt Nam, góp phần vào công tác bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức tôn giáo.
Tổng quan một số vấn đề trên cho thấy, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và người dân Việt Nam không hề bị ngăn cản hay gây khó trong việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó bác bỏ luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế khách quan về tôn giáo của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trên lĩnh vực tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta.
NGUYỄN VĂN BẢY (TCQPTD)