Không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức to lớn đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cuộc biểu tình diễn ra trong thời gian gần đây đều sử dụng không gian mạng (mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin bí mật Telegram, diễn đàn) làm nền tảng phát tán thông tin, kêu gọi, kích động biểu tình.
Nguyễn Thúy Hạnh –Kẻ ném đá giấu tay!
Tại Việt Nam, lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường xuyên phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao, v.v. Do đó, việc tuyên truyền, đấu tranh trên không gian mạng và tiến hành các giải pháp kỹ thuật để đấu tranh chống các luận điểm sai trái, thù địch là việc làm quan trọng, cần thiết.
Hiện nay, Việt Nam có đến hàng trăm loại mạng xã hội khác nhau, như: mạng xã hội học tập, mạng xã hội du lịch, mạng xã hội kết nối bạn bè... của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật nhất là mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube (của Google), Zalo, Mocha, Tiktok. Hầu hết các mạng xã hội lớn tại Việt Nam đều là các mạng xã hội của các công ty nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta (Facebook, Google, Tiktok, Youtube, Twitter, Instagram…); các mạng xã hội của nước ta (Zalo, gần đây là Lotus và Astra); bên cạnh đó còn có các ứng dụng nhắn tin có độ bảo mật cao (Telegram, Mocha, Viber, Skype, Whatsapp).
Ảnh minh họa (Hải Anh-dautruongdanchu.org)
Tính đến hết Quý III/2019, Việt Nam có hơn 62 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó gần 61 triệu tài khoản hoạt động trên mạng xã hội Facebook (thuộc top 10 trên thế giới về số lượng tài khoản này). Có thể nói rằng, Facebook là mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam và các hoạt động diễn ra trên mạng xã hội Facebook rất đa dạng từ kết nối bạn bè, liên lạc, cập nhật tin tức, giải trí, học tập, buôn bán đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, v.v. Song song với đó, các hoạt động đăng tải bài viết trên mạng xã hội rất sôi nổi tạo ra lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày. Trong đó, có nhiều thông tin tích cực, chia sẻ thông tin tốt từ đời sống xã hội thực, nhưng cũng có không ít thông tin tiêu cực, tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng.
Trên không gian mạng, thông tin được chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” tạo nên sự cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ. Trung bình 01 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động. Hầu như các tổ chức phản động đều xây dựng tài khoản trang (FanPage) của mạng xã hội Facebook tổ chức thành các kênh truyền tải thông tin xấu độc, giao cho nhiều đối tượng quản lý thường xuyên đăng bài, cập nhật thông tin từ các tỉnh, thành trên cả nước. Nổi bật là các trang phản động, như: “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”… mỗi ngày đăng tải hàng chục bài viết xuyên tạc, có những bài viết, video thu hút hơn 500.000 lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 5.000 lượt chia sẻ và hơn 7.000 lượt bình luận. Ngoài ra, các tổ chức phản động còn triệt để khai thác tính năng “phát trực tuyến” của Youtube và Facebook làm công cụ phát tán thông tin xấu độc. Chúng sử dụng các đối tượng phản động tại chỗ, hoặc cử người đến địa bàn có vụ việc “nóng” xảy ra, thường xuyên đăng tải video trực tiếp lên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Chúng còn tổ chức theo dạng Group Facebook, lợi dụng các tính năng cộng đồng, tính bảo mật để xây dựng lên các diễn đàn trao đổi, phát tán thông tin phản động hay tạo các nhóm bí mật để liên lạc, lên kế hoạch biểu tình, chống phá chế độ.
Đối với mạng xã hội Twitter, thường được cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài sử dụng. Qua phân tích cho thấy, cộng đồng kiều bào rất quan tâm đến các sự kiện chính trị trong nước, những vấn đề liên quan đến nhân quyền, tôn giáo và sự hợp tác giữa 02 quốc gia Mỹ - Việt. Các tin bài về lãnh đạo cao cấp của Đảng đa phần bị xuyên tạc tiêu cực. Qua đó cho thấy, đa số các kiều bào nước ngoài dưới sự tác động của các luồng tư tưởng xấu độc có rất nhiều thành kiến với lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Đối với các Website tin tức, kênh hoạt động mạnh mẽ nhất là báo Người Việt Online với khoảng 400 bài/tuần. Để thu hút độc giả, chúng thường xuyên đăng tải các tin tức giật gân, các vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam, so sánh dựa trên quan điểm tiêu cực với xã hội kiểu Mỹ. Tỷ lệ các bài viết này thường chiếm từ 25%-30% thời lượng, kết hợp xen kẽ các bài viết có nội dung sai lệch, xuyên tạc đường lối để dần dần định hướng người đọc đến những thông tin xấu độc.
Hoạt động lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Họ thường nghiên cứu và tận dụng một cách triệt để các chính sách của mạng xã hội Facebook, theo hướng bảo vệ thông tin và danh tính của các hội nhóm. Trong thời gian qua, đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội; đáng chú ý, có trên 50 hội nhóm với hơn 100.000 thành viên hoạt động tích cực, một số hội nhóm của các thế lực thù địch tiêu biểu là: “Việt Tân” (1.300.000 thành viên), “Nhật Ký Yêu Nước: (800.000 thành viên), “Dân Luận” (155.000 thành viên), “Pháp luân công” (16.000 thành viên), “Hóng biến” (358.000 thành viên), “Việt Nam Cộng hòa” (17.000 thành viên), v.v. Đặc biệt, các hội nhóm này hoạt động có tổ chức, mục tiêu, tôn chỉ, hoạt động tuyên truyền; trong đó, có hoạt động trong mạng (online) và cả hoạt động trên thực địa (offline), tương tự như các đảng phái chính trị. Các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các hội nhóm này để tuyên truyền chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lôi kéo kêu gọi tụ tập, biểu tình.
Các tổ chức phản động, cơ hội chính trị, chức sắc tôn giáo cực đoan lợi dụng mạng xã hội nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, vận động giáo dân chống đối chính quyền địa phương, chia rẽ mối quan hệ cộng đồng với giáo dân, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, kích động bài trừ Trung Quốc. Chúng đang đẩy mạnh hoạt động cấu kết với các đối tượng trong nước, thực hiện nhiều hoạt động vận động nghị trường, tăng cường lôi kéo, hướng dẫn người dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ sử dụng mạng xã hội, tạo lập các tài khoản, kênh thông tin truyền thông để liên lạc, trao đổi với các đối tượng ở nước ngoài. Đáng chú ý, như các linh mục: Đặng Hữu Nam, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Thái Hợp, Nguyễn Ngọc Nam Phong... thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng tại nhà thờ để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao, kích động giáo dân cướp đất, xây nhà thờ.
Để gia tăng tần suất chống phá, các tổ chức phản động triệt để lợi dụng các mạng xã hội để phát động các chiến dịch “chiến tranh thông tin” một cách bài bản và “rất hiệu quả”, tác động đến các tầng lớp nhân dân một cách nhanh chóng gây hoang mang, lung lay niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các thủ đoạn chính là “rộng khắp”, “lan tỏa nhanh”, khi bị bóc gỡ, các thông tin này nhanh chóng xuất hiện dày đặc hơn (đặc biệt trên Youtube và Facebook) với hàng loạt các kênh mới. Chúng thực hiện chiến lược 4 bước trong việc phát triển các hội nhóm trên không gian mạng:
- “Mở không gian an toàn”: Làm cho chế độ mất dần khả năng kiểm soát thông tin với người dân và quốc tế; huấn luyện cho mỗi cộng đồng mạng, mỗi hội nhóm một đội ngũ nhân sự hiểu biết về các quyền được quốc tế bảo đảm.
- “Tăng lực”: Hỗ trợ các hội nhóm phát triển nội lực trong “không gian an toàn” vừa được tạo lập; xây dựng một nhóm nhân sự cốt lõi được đào tạo về phương pháp tổ chức, điều hành; được trang bị phương tiện hoạt động và được quốc tế quan tâm bảo vệ.
- “Tăng thế”: Tạo ra mạng lưới được liên kết từ các hội nhóm để chia sẻ, phối hợp hành động, tập hợp lực lượng; giúp các mạng lưới hòa nhập với các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước.
- “Tự vận hành”: Có khả năng tự vận hành, mở rộng quy mô, kết nối, tham gia các mạng lưới khác; kết nghĩa với các hội nhóm ở nước ngoài làm điểm tựa quốc tế và hỗ trợ phát triển nội lực các cộng đồng, hội nhóm trong nước.
Hai hướng chủ yếu mà các thế lực đang triển khai quyết liệt nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta hiện nay:
Một là, tận dụng sức mạnh của không gian mạng để truyền bá quan điểm, tư tưởng, giá trị phương Tây, lối sống tự do vô tổ chức, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; với các phương thức, thủ đoạn:
- Xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an. Các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội để đăng tải tài liệu, thông tin, bình luận xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an, v.v. Lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, sơ hở trong quản lý, điều hành, thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền các cấp, các vụ án liên quan đến kinh tế và cán bộ cấp cao... để dẫn nguồn thông tin từ báo chí chính thống, pha trộn thông tin thật - giả; xuyên tạc tình hình chính trị trong nước và có thời điểm tổ chức hoạt động tuyên truyền chống phá thành “chiến dịch” dưới nhiều hình thức.
- Đăng tải thông tin phản động, tài liệu tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các thế lực thù địch thiết lập các trang mạng (website, blog) có máy chủ đặt tại nước ngoài hay tạo lập tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam (Facebook, Google, Twitter, Tiktok...) để đăng tải thông tin phản động, tài liệu tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Thành lập hội nhóm phản động, lôi kéo lực lượng tham gia. Lợi dụng chính sách hội - nhóm của mạng xã hội (Facebook), thành lập hàng nghìn hội - nhóm tổ chức chính trị phản động khác nhau, trong đó bao gồm cả các “hội - nhóm công khai” và “hội - nhóm bí mật” với số lượng thành viên tham gia lên tới hàng triệu, lôi kéo, thu hút, mời chào thành viên tham gia tăng chóng mặt, hoạt động có đường hướng, mục đích cụ thể.
- Giả mạo các tài khoản của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin xấu độc, tạo khoảng trống niềm tin trong dư luận. Tạo lập các trang mạng, tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, các đồng chí lãnh đạo, các cá nhân có ảnh hưởng... để tung tin giả, tin xấu độc, lập lờ đăng tải thông tin phản động. Lợi dụng sự hiếu kỳ của người dân để kích động cộng đồng mạng tham gia chia sẻ thông tin sai sự thật, đặc biệt là các tài khoản kinh doanh buôn bán trên mạng xã hội thường xuyên chia sẻ các thông tin giật gân, câu “view” để bán hàng.
Hai là, tiếp sức, hậu thuẫn cho các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong nước sử dụng truyền thông mạng xã hội để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Đóng vai trò chính trong hướng này là một số tổ chức phi chính phủ (NGO) và một số hãng thông tấn của Mỹ và phương Tây, như: BBC, VOA, RFA, RFI, v.v. Trong khi các hãng thông tấn tuyên truyền, quảng bá, kích động hoạt động chống phá của số đối tượng chống đối cũng như chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và cái gọi là “tự do internet” thì một số tổ chức phi chính phủ cung cấp tài chính, huấn luyện, trang bị công cụ cho các đối tượng hoạt động chống phá trên mạng hoặc khuyến khích số này chống phá quyết liệt hơn bằng cách trao các giải thưởng, đề cử vinh danh hay xếp Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của internet”, v.v. Điều này cũng gia tăng tính nguy hại khi dịch vụ mạng xã hội, blog cá nhân, thư điện tử, trò chuyện trực tuyến đến từ nền tảng công nghệ của Mỹ, như: Facebook, Youtube, Blogspot, Wordpress, Gmail, Yahoo mail, dịch vụ chat Skype, Paltalk, Whatsapp, Snapchat, FireChat… đang được các đối tượng phản động, chống đối sử dụng triệt để cho hoạt động chống phá. Sự hỗ trợ bảo mật và cung cấp các dịch vụ ẩn danh của các hãng công nghệ cũng góp phần thúc đẩy hoạt động cực đoan, xu hướng tự do vô chính phủ, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hay phản kháng chính quyền theo cách mà chúng gọi là “bất tuân dân sự trên mạng”. Tổ chức Việt Tân mới đây (4-2019) cũng công bố chiến lược thứ 4 của hội phản động này là tận dụng triệt để mạng xã hội Facebook tại Việt Nam với 61 triệu tài khoản để tuyên truyền, chống phá. “Pháp luân công” dù đã bị cấm, thông qua mạng xã hội Facebook hiện nay đã thu hút hơn 1.000.000 thành viên tại khắp các tỉnh, thành phố, phân hội, với mọi tầng lớp xã hội tham gia.
Hoạt động phát triển tổ chức phản động người Việt lưu vong tại nước ngoài; hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trên không gian mạng và qua không gian mạng cũng diễn biến nguy hiểm. Các tổ chức phản động lưu vong kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền trên mạng về tổ chức và các luận điệu chiến tranh tâm lý, tác động tư tưởng để thu hút, lôi kéo người vào tổ chức; xây dựng, thâm nhập các diễn đàn, mạng xã hội dành cho giới trẻ để phát hiện, chấm chọn đầu mối hoặc chấm chọn ngay trong số những người chủ động liên lạc với tổ chức phản động lưu vong qua mạng. Đồng thời, triệt để sử dụng các hình thức liên lạc qua mạng để móc nối, huấn luyện và chỉ đạo cơ sở nội địa.
Các đối tượng cơ hội chính trị trong nước, cùng sự móc nối với thế lực thù địch bên ngoài, cũng triệt để sử dụng truyền thông mạng xã hội để tập hợp lực lượng, công khai hóa tổ chức và triển khai các mặt hoạt động, núp dưới danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay hoạt động phản biện xã hội, tiêu biểu như: Nghiệp đoàn Báo chí Việt Nam, Nghiệp đoàn Sinh viên Việt Nam, Nghiệp đoàn Luật sự Việt Nam, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tổ chức Green Tree, v.v.
Các đối tượng là cán bộ, đảng viên, công nhân - viên chức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng có nhiều hoạt động tiêu cực trên mạng xã hội, như: cung cấp, đăng tải thông tin bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật đời tư cán bộ cấp cao; xuyên tạc lịch sử; lật lại các vụ án trong quá khứ; kích động bài Trung, thoát Hoa,... nhằm chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhân dân ta. Các hoạt động nêu trên đang diễn ra ngày càng phổ biến trên mạng xã hội và có nhiều diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi công tác đấu tranh của ta phải có những bước tiến mới, những hướng đi đột phá, mới có thể chế áp được.
Để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, trước hết cần theo dõi, giám sát, phân tích xu hướng dư luận, dự báo diễn biến tình hình trên không gian mạng. Tổ chức theo dõi giám sát các trang truyền thông điện tử của thế lực thù địch thường xuyên tán phát các tin bài xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Tiến hành trinh sát nắm chắc tình hình trên không gian mạng, so sánh, đối chiếu với thông tin trinh sát trên thực địa, dự báo chính xác diễn biến tình hình trên không gian mạng thời gian tới, báo cáo tham mưu cho cấp có thẩm quyền nội dung giải pháp tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên không gian mạng. Chủ động bám nắm, chỉ thị, xác định mục tiêu, theo dõi các tài khoản mạng xã hội có hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, đề xuất nội dung đấu tranh thông tin phù hợp với từng tài khoản. Thường xuyên rà soát, theo dõi, lập danh sách các kênh thông tin, tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan thuộc Chính phủ; giả mạo lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và tiến hành bóc gỡ, vô hiệu hóa các tài khoản mạng xã hội.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, phát triển các hệ thống phần mềm, công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, đấu tranh phản bác cho các lực lượng trên không gian mạng. Xây dựng hệ thống tự động duy trì các tài khoản đấu tranh trên mạng xã hội Facebook, hỗ trợ các lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh duy trì hoạt động của mạng lưới tài khoản ảo trên không gian mạng, vượt qua các cơ chế kiểm duyệt của mạng xã hội Facebook. Triển khai hệ thống thu thập thông tin cá nhân, thông tin bí mật của đối tượng, hỗ trợ quá trình điều tra, phát hiện lực lượng của thế lực thù địch, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ. Phát triển bộ công cụ trinh sát mạng xã hội theo địa bàn giúp các đơn vị tại ba miền Bắc, Trung, Nam chủ động phản ứng, kịp thời xử trí với các thông tin có nguy cơ ảnh hưởng hoặc tạo thành dư luận xấu trên mạng xã hội. Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, giám sát, phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động của các lực lượng đấu tranh trên không gian mạng, như: chất lượng hoạt động đấu tranh trên Blog, trên mạng xã hội Facebook... hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý, cung cấp bức tranh toàn cảnh trong toàn lực lượng, giúp các đồng chí lãnh đạo có cơ sở vững chắc để ra quyết định xây dựng lực lượng hoặc tổ chức các chiến dịch đấu tranh. Phát triển các công cụ hỗ trợ nghiệp vụ cấp chiến thuật, triển khai cài đặt cho cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh trên không gian mạng.
Đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các tài khoản, trang mạng xã hội, kênh thông tin của các thế lực thù địch. Nắm chắc mô hình tổ chức và mạng lưới truyền thông của các tổ chức phản động, thù địch, xác định các tài khoản hạt nhân, có tầm ảnh hưởng trong hệ thống của địch từ đó làm cơ sở xây dựng giải pháp, biện pháp, chiến dịch đấu tranh hợp lý nhằm ngăn chặn, gián đoạn, phá vỡ mạng lưới tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch. Các cơ quan nghiệp vụ cần tăng cường phối hợp ngăn chặn hoạt động phát tán thông tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc; chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn truy cập, sự phát tán của các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Xây dựng và triển khai hệ thống tự động tăng thứ hạng của trang báo chính thống, bài viết/hình ảnh/video trên các mạng xã hội Facebook, Youtube, nhằm đẩy mạnh lượng tương tác, chia sẻ, quảng bá thông tin chính thống đến cộng đồng mạng và đông đảo quần chúng nhân dân. Phối hợp với bộ phận liên quan triển khai các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng các giải pháp kỹ thuật trong đấu tranh trên internet và mạng xã hội cho lực lượng nòng cốt trong Quân đội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham gia xây dựng kênh truyền thông uy tín để tuyên truyền, định hướng thông tin dư luận trên mạng xã hội. Chủ động xây dựng các kênh truyền thông uy tín trên mạng xã hội, bao gồm các kênh: Youtube; Fanpage, Group trên mạng xã hội Facebook để thu hút cộng đồng mạng bằng những nội dung hấp dẫn, đi sát đối tượng người dùng. Tập trung nguồn lực xây dựng nội dung thông tin để tuyên truyền, dẫn dắt, định hướng dư luận trên mạng xã hội bằng nhiều hình thức từ bài viết (văn, thơ, hò, vè, ca nhạc), hình ảnh, âm thanh đến video.
Thời gian tới, tình hình diễn biến trên không gian mạng ngày càng phức tạp cùng với đấu tranh chống lại các hoạt động chống phá có tổ chức, được xây dựng và lên kế hoạch tinh vi, xảo quyệt của các thế lực phản động, thù địch, cần phát huy tối đa sức mạnh của mọi cấp, ngành, lực lượng, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng sĩ quan trẻ. Đồng thời, tích cực đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, vững bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Thiếu tướng, PGS, TS. ĐINH THẾ CƯỜNG, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 (TCQPTD)