Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Đây là nguyên tắc được V.I. Lê-nin đề ra ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, để tổ chức xây dựng Hồng quân công nông. Nguyên tắc đó bảo đảm cho quân đội luôn giữ đúng định hướng chính trị của Đảng Cộng sản, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân, là công cụ bạo lực để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vào thập niên cuối của thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã tự xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội. Điều đó làm cho Quân đội Liên Xô bị “phi chính trị hóa”, mất phương hướng chính trị, không thể bảo vệ được Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; mặc dù, quân số còn 3,9 triệu người với trang bị rất hiện đại.
Để ngăn thế lực thù địch lôi kéo, kích động nhân dân chống phá Đảng
Đối với nước ta, các thế lực thù địch nhận thấy không thể xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, nếu không xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội. Do vậy, họ thực hiện nhiều chiêu trò tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Từ góc độ lý luận, họ cắt xén nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nguồn gốc ra đời và bản chất giai cấp của quân đội, để cho rằng “quân đội do nhà nước nuôi dưỡng, nên chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng bất cứ chính đảng nào”(!). Để tăng sức thuyết phục cho lập luận trên, họ viện dẫn thực tiễn ở các thể chế chính trị tư sản, với chế độ đa đảng, quân đội ở đó không do đảng nào lãnh đạo. Họ cố tình bỏ qua hoàn cảnh lịch sử cụ thể, dẫn ra sự kiện ngày 26-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là trường Sỹ quan Lục quân I) lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân” để cho rằng: “Hồ Chí Minh không yêu cầu quân đội phải chịu sự lãnh đạo của Đảng và trung thành với Đảng”(!). Dựa vào đó, họ ra sức phủ nhận nguyên tắc “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam”; đòi bỏ quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng” ở Điều 65, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đồng thời cho rằng: “yêu cầu Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải trung thành với Đảng là không đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh”(!).
Mục tiêu hướng tới của những thủ đoạn trên là nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho Quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Những thủ đoạn đó thật tinh vi và thâm hiểm, nhưng sai cả về lý luận và thực tiễn.
Trước hết, trên phương diện lý luận, quân đội ra đời gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước và là một thành phần của nhà nước; nên bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng nó. Thực tế không có nhà nước “phi giai cấp”, nên không thể có quân đội “phi giai cấp”, “phi chính trị”; bởi nhà nước và quân đội đều là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Ở các nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, đảng nào thắng thế sẽ đứng ra lập chính phủ, nên quân đội bao giờ cũng phụ thuộc vào đường lối chính trị của đảng cầm quyền; đồng thời, bất cứ đảng cầm quyền nào cũng tìm cách để nắm quân đội, bởi khi đó, việc duy trì quyền lực của đảng đó sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, khi mà sự tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị, thường xuất hiện lời kêu gọi “quân đội không đứng về đảng phái nào”(!), nhưng trong thực tế, các đảng đều tìm sự hậu thuẫn từ quân đội.
Trên phương diện thực tiễn, lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rõ quan điểm “Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, cũng như hành động của Hồ Chí Minh và Đảng ta về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay từ đầu năm 1930, Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định “Tổ chức ra quân đội công nông”1, mà quân đội ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong suốt quá trình xây dựng, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu “Xây dựng quân đội – Một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”2. Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”3. Người nhiều lần nhắc nhở: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”4 và yêu cầu “Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ”5; bởi, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta.
Để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, bằng công tác tổ chức, Đảng ta đã thiết lập hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội từ Quân ủy Trung ương đến các tổ chức đảng ở cơ sở, cùng hệ thống cơ quan chính trị và các tổ chức quần chúng, nhằm đảm bảo cho sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội luôn được giữ vững. Bằng công tác tư tưởng, Đảng đã truyền nền tảng tư tưởng của mình là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào làm kim chỉ nam cho các hoạt động của Quân đội. Thông qua hoạt động của các cấp ủy đảng, cán bộ chính trị và hệ thống cơ quan chính trị trong Quân đội, Đảng thường xuyên tổ chức giáo dục chính trị, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấu triệt đường lối, chính sách của Đảng; hiểu rõ mục tiêu, lý tưởng của Đảng cũng là mục tiêu chiến đấu của Quân đội. Bằng công tác cán bộ, Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Thông qua các mặt công tác chính sách, dân vận, địch vận, bảo vệ,… các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội đảm bảo cho Quân đội luôn thực hiện nghiêm túc mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Nhờ thế, mọi hoạt động của Quân đội luôn giữ đúng “con đường chính trị” của Đảng, nhiệm vụ quân sự luôn “phục tùng nhiệm vụ chính trị”, như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta cho thấy, một khi không có sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang sẽ mất định hướng chính trị, không còn là lực lượng vũ trang của nhân dân, không còn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; do đó, không thể làm tròn được chức năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Có thể thấy rõ điều đó, khi chúng ta nhớ lại những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, với sự kiện các sư đoàn Vệ binh Cộng hòa ở Nam Bộ nhanh chóng phân hóa, tan rã; tệ hại nhất là “Đệ Tam sư đoàn vệ binh cộng hòa” có nhiều hành động chống lại Việt Minh, phản lại nhân dân, do không được xây dựng theo nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo lực lượng vũ trang. Xứ ủy Nam Bộ đã phê phán và chỉ đạo Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ khắc phục sai lầm này vào thời gian đó. Một sự kiện khác, là giai đoạn 1983 - 1985, việc áp dụng máy móc kinh nghiệm nước ngoài về thiết lập Hội đồng Quân sự, bỏ hệ thống tổ chức đảng từ cấp trên cơ sở, đã làm sức mạnh tổng hợp của Quân đội bị ảnh hưởng xấu nghiêm trọng. Nguyên nhân là do sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội bị suy giảm. Vì thế, sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa V), Đảng ta đã quyết định khôi phục lại hệ thống tổ chức đảng từ Quân ủy Trung ương đến cơ sở bằng việc ra Nghị quyết 27-NQ/TW để thay thế. Năm 2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 51-NQ/TW về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.
Nhờ thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi giai đoạn cách mạng, xứng đáng với lời tuyên dương của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”6. Nhân đây cũng cần nói thêm rằng, lá cờ mà Bác Hồ trao tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn diễn ra ở bối cảnh lịch sử đặc biệt: Đảng ta đã rút vào hoạt động bí mật từ tháng 11-1945. Do đó, Hồ Chí Minh không thể công khai yêu cầu quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như quân đội phải trung thành với Đảng. Tách rời hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó để xuyên tạc tư tưởng nhất quán của Người về Đảng lãnh đạo Quân đội là một thủ đoạn rất nguy hiểm. Sự thật không phải một lần, mà nhiều lần, Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Tại Hội nghị quân sự lần thứ V, tháng 8-1948, Bác Hồ giải thích từ Trung khi nêu 6 nhiệm vụ của người tướng trong Quân đội: “Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”7. Tại lễ phong quân hàm cho cán bộ cao cấp Quân đội, ngày 22-12-1958, Bác lại nói: “Trải qua 14 năm phấn đấu, quân đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho; đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”8. Như vậy, “Đảng lãnh đạo quân đội”, “quân đội trung với Đảng, trung với nước” là quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lịch sử hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo Quân đội luôn được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong thực tế. Nhờ đó, Quân đội ta thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có những yêu cầu mới. Quân đội ta đã có bộ phận tham gia vào Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn; trong đó, có âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội, v.v. Điều đó, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; đảm bảo cho nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội” luôn được thực hiện trong mọi hoàn cảnh.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chính sách. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng mà vấn đề then chốt là phải tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Theo đó, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong Quân đội. Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đảm bảo cho mọi tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội luôn trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đảng lãnh đạo Quân đội là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam; là nguyên tắc cơ bản hàng đầu đảm bảo cho Quân đội ta thực sự là Quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh rõ sự thật đó, không thế lực nào có thể xuyên tạc.
NGUYỄN NGỌC HỒI (TCQPTD)
_______________
_______________
1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 1.
2 - Sđd, Tập 8, tr. 265.
3 - Sđd, Tập 14, tr. 435.
4 - Sđd, Tập 8, tr. 29 và Tập 11, tr. 365.
5 - Sđd, Tập 11, tr. 367.
6 - Sđd, Tập 14, tr. 435.
7 - Sđd, Tập 5, tr. 595.
8 - Sđd, Tập 11, tr. 587