Những ngày đầu năm 2020, không chỉ đồng bào trong nước chào đón dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ sự tin tưởng, niềm tự hào về chính đảng đã tổ chức, lãnh đạo dân tộc nỗ lực giành lại độc lập, chống ngoại xâm, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Đó cũng là nội dung bài viết của ông Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Đức mới gửi tới Báo Nhân Dân. Đặc biệt trong bài, ông đã trích dịch một số đánh giá của báo chí phương Tây về vai trò của Đảng Cộng sản với cách mạng Việt Nam. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hồ Ngọc Thắng (CHLB ĐỨC/Nhân dân)
Đổi mới chính trị nhưng không làm thay đổi chế độ chính trị
Từ một nước bị bao vây về kinh tế và bị cấm vận, ngày nay Việt Nam có mối giao thương với hầu hết các quốc gia trong đó có các quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới. Từ một nước nhập khẩu một lượng lớn lương thực trong thời gian dài, hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo thuộc hàng lớn nhất thế giới. Từ năm này sang năm khác, đời sống tinh thần, vật chất của mọi người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Quyền tự do dân chủ, đặc biệt, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo được bảo đảm cả về phương diện văn bản pháp luật và thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Các thành quả của tiến trình cách mạng này lý giải tại sao uy tín của Ðảng và Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ tỏa sáng như ngày nay. Thực tế này khiến tôi nhớ tới những dòng đã đọc trong cuốn sách "Lịch sử Việt Nam - từ Vua Hùng đến hiện tại" (Geschichte Vietnams - Von den Hung-Königen bis zur Gegenwart,
NXB Regiospectra Verlag, Berlin - CHLB Ðức, năm 2018) của GS, TS W.Lulei (W. Lu-lây): "Những thành công to lớn hiện nay của Việt Nam trong sự phát triển của nền kinh tế, trong việc tăng mức sống của người dân và tăng cường uy tín quốc tế chỉ có thể hiểu được đôi chút nếu không có kiến thức về quá khứ cũng như những vấn đề và khó khăn hiện có. Các kinh nghiệm lịch sử với chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, tự do và dân chủ khác biệt một phần rõ ràng so với thực tế ở châu Âu. Ðiều này liên quan đến cả tình hình trong nước lẫn quan hệ quốc tế. Và đã có các thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy có một số điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa Ðức và Việt Nam trong một số điều, nhưng chúng ta cũng phải xác định rằng các tiến trình lịch sử rất khác nhau và các đặc điểm văn hóa khác nhau không cho phép chuyển giao kinh nghiệm, mô hình châu Âu mà không hề thay đổi đất nước châu Á này... Trong một số điều nhất định, người Việt Nam thực sự nghĩ khác, bởi họ có truyền thống lịch sử, kinh tế - xã hội, kinh nghiệm và văn hóa khác. Biết, và hiểu những điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Ðức và Việt Nam, giữa nhân dân Ðức và nhân dân Việt Nam. Trong hơn 50 năm tôi làm việc với tư cách nhà khoa học tại Việt Nam, tôi đã trải qua chiến tranh và trong cuộc đấu tranh vượt qua thiếu thốn, lạc hậu để xây dựng một đất nước thống nhất, hòa bình và thịnh vượng, học hỏi để hiểu biết và yêu thương người dân của đất nước này... Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21, có thể nói Việt Nam đã đạt các thành tựu rất ấn tượng do sự phát triển tương đối liên tục và tình hình chính trị rất ổn định... Ðất nước được quốc tế công nhận và ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng xu hướng tiến về phía trước không thể không quan sát được. Ðã có một số điều chỉnh để Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm tiếp tục chính sách Ðổi mới, không tập trung đẩy nhanh quá trình mà là sự liên tục và tính bền vững... Ðó chính là sự tự tin, lạc quan, ý thức nghiêm túc về thực tế, ý chí vươn lên, sự kiên trì và khéo léo của người Việt Nam cho thấy đất nước này sẽ bước tiếp thành công trên con đường đã mở ra từ năm 1986. Người ta thường nghe câu nói: "Ở Việt Nam không có gì là không có thể". Tôi hiểu điều đó một cách tích cực".
Trong sự phát triển của Việt Nam những năm qua, có một thực tế đáng mừng là ngày càng có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã trở về với quê hương, đặc biệt là một số người công khai lên tiếng ủng hộ chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Bằng các hình thức khác nhau, họ đã nói một cách chân thật về niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Họ không chỉ công bố bài viết, ý kiến qua mạng in-tơ-nét mà còn gửi bài đăng trên phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam. Các bài viết của Nguyễn Quang Trường, Hoàng Duy Hùng, Phùng Tuệ Châu, Nguyễn Thanh Tú đăng trên chuyên mục Bình luận - Phê phán của Báo Nhân Dân thời gian qua là các bằng chứng rõ ràng về một thực tế không thể chối cãi rằng cộng đồng người Việt ở nước ngoài thật sự là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Và nếu thành tâm yêu nước, mỗi người đều có nghĩa vụ và có quyền đóng góp phần mình trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Thực tế này vừa phản ánh lòng yêu nước, tấm tình gắn bó với quê hương của người Việt Nam sống xa Tổ quốc, vừa là kết quả từ quan điểm đúng đắn, nhân văn, chí tình, chí nghĩa của Ðảng Cộng sản Việt Nam thể hiện qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với mục đích củng cố sự vững chắc, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng bộ giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng có ý thức xây dựng đất nước; cơ sở của khối đoàn kết đó là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hướng đến mục tiêu chung là giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có một điều thú vị là khi viết những dòng này, tôi lại thêm phấn khởi khi được nghe ý kiến chân tình của GS, TS Y khoa Trần Hữu Dàng công tác và sinh sống ở Huế đã phát biểu ngày 8-1-2020 trên trang mạng Nửa vòng trái đất TV của Derek Phạm, một người Mỹ gốc Việt. GS, TS Trần Hữu Dàng nói: "Gần đây tình hình đất nước thay đổi đến mức chính bản thân tôi là người trong nước mà cũng không tiếp cận kịp. Rất nhiều người ở Việt Nam cũng bị bất ngờ về sự phát triển của đất nước mình. Tôi có một số người bạn ở Pháp, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, vì lý do khách quan, chủ quan khác nhau mà lúc đầu đã ngập ngừng không muốn về, nhưng về rồi thì "ghiền". Vì về đây thấy an toàn, vui vẻ, điều kiện kinh tế, y tế, xã hội thoải mái, tự do. Người Việt Nam, đặc biệt là người miền trung, vì không được thiên nhiên ưu đãi mà ngày trước ai cũng biết câu "tích cốc, phòng cơ", giờ chuyện đó không còn nữa. Trước đây đời sống đúng là rất khó khăn, nhưng từ năm 1986 đến nay tình hình dần dần rất khác. So sánh tôi thấy, cuộc sống ở Việt Nam không khác bao nhiêu các nước tôi đã sống. Cuộc sống kinh tế giờ khỏi phải lo, còn tự do thì hãy ra đường xem có công an hay không. Một người bạn ở Pháp, thấy tôi rủ về nước liền bảo: "Về để gọi công an bắt à?". Tôi không thể giải thích được mà chỉ cười. Nhưng thực tế thì rất an ninh, người Huế chúng tôi tự hào vì không ô nhiễm môi trường, không kẹt xe…". Và ông tâm sự với đồng bào đang sống xa xứ rằng "Dù ở lãnh thổ nào, biên giới nào, chân trời nào thì chúng ta vẫn cùng chung dòng máu, cùng màu da vàng, và thiêng liêng hơn tất cả, chúng ta đều là con Rồng cháu Tiên, nên hãy về với "Mẹ Việt Nam" để cùng nhau hướng đến tương lai, để cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam rạng rỡ. Hãy nắm tay nhau vì tương lai phát triển của đất nước".
Lời nói của GS, TS Trần Hữu Dàng làm tôi phấn khởi, khiến tôi bùi ngùi. Bởi tôi biết tình yêu quê hương, tình yêu đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam, lòng yêu kính Bác Hồ đã hình thành trong tôi từ ngày học trường phổ thông, lớn dần trong tôi theo thời gian, rồi đọng lại trong tâm hồn. Và tình yêu đó theo tôi gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng tôi ra chiến trường chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ở Quảng Trị những ngày khốc liệt đó, tôi đã bao lần chứng kiến đồng đội của tôi ngã xuống trước họng súng quân thù. Tôi biết trong số họ, nhiều người là đảng viên cộng sản và luôn đứng trên hàng đầu, luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất. Về sau, có điều kiện tiếp xúc và qua sách vở mà tầm nhìn của tôi được mở rộng, đến hôm nay tôi hiểu rằng, không chỉ đồng đội của tôi là đảng viên đã ngã xuống trên chiến trường năm nào, mà 90 năm qua, hàng triệu người con ưu tú của nước Việt, trong đó có hàng vạn, hàng vạn người là đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu gian khổ vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, và ngã xuống trong thời bình khi khắc phục hậu quả chiến tranh, trên công trình xây dựng, mở các con đường vượt núi xuyên rừng, cứu giúp đồng bào gặp thiên tai, bảo vệ biên giới và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước…
Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, từ tấm lòng mình, qua bài viết này tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng với Ðảng cùng hàng triệu đảng viên của Ðảng, và tự thấy, dù sống xa Tổ quốc tôi vẫn có trách nhiệm đối với đất nước sinh ra tôi. Tôi nhận thức được quá trình xây dựng và phát triển đất nước đã nảy sinh một số bất cập, thiếu sót và các thế lực thù địch, thiếu thiện chí đã khai thác triệt để nhằm gây hoài nghi về đường lối đúng đắn của Ðảng; thậm chí, thái độ nghiêm khắc của Ðảng và Nhà nước trong khi đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng bị xuyên tạc, vu khống. Nhưng tôi tin, nếu các năm tháng trước đây, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước và nhân dân vượt qua những tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", vượt qua những năm tháng "nước sôi lửa bỏng" để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì ngày nay, Ðảng vẫn luôn là tổ chức chính trị duy nhất có bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo toàn dân xây dựng nước Việt Nam có thể sánh vai với các nước phát triển trên thế giới. Về phần mình, dù không phải là đảng viên, tôi vẫn coi việc tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh chống lại luận điệu sai trái của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của bản thân tôi, để từ đó được đồng hành cùng Ðảng, cùng dân tộc, và cống hiến nhiều hơn với Tổ quốc thân yêu.
Hồ Ngọc Thắng (CHLB ĐỨC/Nhân dân)