Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, February 05, 2020 , 0 bình luận

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với những người nổi tiếng như ca sĩ, người mẫu, diễn viên mà tung tin thất thiệt trên mạng xã hội thì hành vi này sẽ tác động xấu, tiêu cực nhanh chóng tới xã hội, do đó hành vi vi phạm này phải bị xử lý nghiêm minh hơn những người dân bình thường khác.

>>Không chấp nhận việc Đàm Vĩnh Hưng cử luật sư đến làm việc về 'đưa tin sai dịch cúm' trên mạng xã hội
>>Luật sư khẳng định 'đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật'
>>Sở TT&TT sẽ làm việc với Cát Phượng, Vân Ngô khi đưa tin sai về dịch
>>Đăng tin sai lệch giữa đại dịch corona, Ngô Thanh Vân gây tranh cãi dữ dội


Liên quan đến thông tin về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), những ngày vừa qua, trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh nCoV, những thông tin này phần nào đã khiến người dân bị hoang mang, lo lắng.



Tại một số địa phương, cơ quan công an đã phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt hành chính một số đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội (MXH). Điển hình như ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… Đáng chú ý, cơ quan chức năng của TP.HCM đã mời cả những người nổi tiếng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Cát Phượng, diễn viên Ngô Thanh Vân đến làm việc về việc đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh nCoV….

Trước thực tế trên, PV Dân Việt đã phỏng vấn với Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Xóa tin giả như dập dịch

Thưa Luật sư, những ngày qua, thông tin về phòng chống dịch nCoV luôn được cơ quan chức năng cập nhật. Bên cạnh thông tin chính thống, nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng về nCoV gây hoang mang dư luận. Ông nhìn nhận như thế nào về những cá nhân trên đăng những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng thậm chí cố tình xuyên tạc, “thêm mắm thêm muối” dịch bệnh nCoV lên MXH?

- Dịch bệnh có tính chất toàn cầu, lây lan đe dọa tính mạng con người không thường xuyên diễn ra, bởi vậy nhiều người không hiểu hết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này nên có thái độ thờ ơ, thậm chí mang chuyện dịch bệnh ra để đùa cợt, lợi dụng tình trạng dịch bệnh để câu like, thu hút người theo dõi trang cá nhân trên MXH của mình. Bởi vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều tin giả, tin xấu, độc hại về dịch bệnh do virus nCoV gây ra.

Ngày nay, MXH là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nó là phương tiện để bày tỏ tình cảm, thái độ, cảm xúc, là nơi giao lưu kết nối không giới hạn. MXH còn là phương tiện để kinh doanh của rất nhiều tổ chức, cá nhân, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. 

Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng không ít, mặc dù Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, các nghị định về việc quản lý, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí đã bổ sung nhiều chế tài hình sự vào Bộ luật hình sự năm 2015. 

Tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn ra theo cấp số nhân, khó kiểm soát, khó xử lý gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội bởi vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm bằng các chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự là cần thiết, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi vi phạm đã gây ra cho xã hội.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) (ảnh: TTX)

Hiện nay, các tin giả, tin xấu, tin độc hại, xuyên tạc sự thật thường nhằm vào một số mục đích như: Mục đích chống phá chính quyền, làm mất, giảm uy tín của Đảng, của Nhà nước và của một số cán bộ, lãnh đạo; Hành vi đưa tin xuyên tạc, sai sự thật còn nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Hành vi tung tin giả, tin sai sự thật còn nhằm thu hút lượng người theo dõi, tương tác để trở nên nổi tiếng hơn trên mạng xã hội, đồng thời hành vi này có thể gây ra những hoang mang, hoảng loạn trong xã hội, gây hoài nghi và lo lắng cho nhiều người…

Từ sự lo ngại có thật về một dịch bệnh nCoV, những thông tin giả trên MXH sẽ tác động ngược gây hoang mang cuộc sống thực, đây cũng là điều lo ngại, thưa luật sư?

- Các đối tượng tung tin đồn, xuyên tạc, tung các tin giả, tin độc hại trên MXH có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là khi có dịch bệnh bùng phát thì những tin giả, tin xuyên tạc về dịch bệnh, về nạn nhân tử vong, những hình ảnh kinh dị, ám ảnh… sẽ tác động tiêu cực đến xã hội, khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi mà có những phản ứng tiêu cực, xảy ra những hiệu ứng đám đông, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

Bởi vậy, cùng với nhiệm vụ khoanh vùng, dập dịch thì cơ quan chức năng còn tích cực kiểm soát thông tin về dịch bệnh để tránh nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh và không gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

Những hành vi tung tin giả, tin xấu, tin độc hại trên MXH trong thời điểm có dịch bệnh bởi bất cứ lý do gì thì cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, bởi vậy, việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm là cần thiết hơn lúc nào hết.

Xử lý nghiêm, đặc biệt những người nổi tiếng

Những ngày qua cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến các cá nhân thông tin về dịch bệnh nCoV gây hoang mang, không đúng sự thật nhưng rất nhiều người khác vẫn ngang nhiên tung những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh này. Nhiều người cho rằng việc xử lý này chỉ là "đánh trống bỏ dùi", "muối bỏ biển”. Vậy phải chăng chế tài xử lý của pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe, cơ quan chức năng làm việc chưa kiên quyết, thưa luật sư? 

- Những ngày qua, cơ quan công an, thanh tra thông tin truyền thông đã xác minh, xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt, tin sai sự thật trên MXH, nhiều người đã bị phạt đến hàng chục triệu đồng. 
Đây là những việc làm tích cực, cần thiết, kịp thời, cùng với các biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu, tuân thủ pháp luật, để ổn định tình hình về dư luận xã hội. 

Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM mời Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng lên làm việc vì đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch bệnh do virus corona. (ảnh chụp màn hình các bài đăng của Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng và Ngô Thanh Vân về dịch bệnh do virus corona).

Trong thời gian tới, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình tung tin đồn thất thiệt vì động cơ chính trị hoặc vì động cơ cá nhân để những thông tin về dịch bệnh được thông tin đúng đắn, chuẩn xác trước cộng đồng, tránh gây hoang mang trong dư luận và đảm bảm bảo những quyết định về mặt quản lý nhà nước được đưa ra một cách đúng đắn, kịp thời.

Những người dùng MXH cũng cần được trang bị kiến thức, sự hiểu biết để phân biệt tin thật, tin giả, không nên vội vàng tin ngay vào một thông tin trên MXH khi thông tin này không được kiểm chứng. 

Thời công nghệ thông tin thì việc tìm kiếm một clip, một hình ảnh, việc chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh, clip, thậm chí dàn dựng những sự việc để câu like rất dễ xảy ra.

Bởi vậy, trước những thông tin mới, sốc, chưa được kiểm chứng thì người dân cần bình tĩnh, kiểm chứng, xác minh lại thông tin này từ các trang web chính thống của Bộ y tế, của Chính phủ, của các cơ quan chức năng hoặc từ thông tin báo chí chính thống. 

Những thông tin mang tính chất cá nhân trên MXH đều là những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kể cả người đưa tin là “người của công chúng”. Những ca sĩ, người mẫu, những người có sức ảnh hưởng trong xã hội mà tung tin đồn, tin giả thì càng nguy hại hơn bởi rất dễ làm cho những người hâm mộ tin theo. 

Bởi vậy, với những người nổi tiếng mà tung tin thất thiệt trên mạng xã hội thì hành vi này sẽ tác động xấu, tiêu cực nhanh chóng tới xã hội, đồng thời hành vi vi phạm này phải bị xử lý nghiêm minh hơn những người dân bình thường khác. 

Nếu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục nhận thức của người dân nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong cộng đồng thì việc kiểm soát hành vi vi phạm, tội phạm trên không gian mạng sẽ tốt hơn.

Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để xử phạt

Có ý kiến cho rằng, việc quản lý, kiểm soát thông tin trên MXH của cơ quan chức năng Việt Nam đang có vấn đề dẫn đến không thể kiểm soát được các thông tin sai sự thật “trôi nổi” trên MXH khi xảy ra các sự việc tương tự xảy ra. Luật sư nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

- Tôi không cho là như vậy. Không gian mạng là không gian mở, là môi trường quan trọng cho mọi hoạt động xã hội, có vai trò và tác động trực tiếp tới đời sống xã hội, bởi vậy, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng để quản lý thông tin, đảm bảo thông tin trên không gian mạng được kiểm soát một cách tốt nhất nhằm phục vụ quyền và lợi ích pháp của tổ chức, của cá nhân công dân và để đảm bảo lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế. 

Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, đủ nhân tài, vật lực để đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội.

Ngoài Luật An ninh mạng tạo ra hành lang pháp lý cho hành vi của tổ chức, cá nhân trong không gian mạng thì pháp luật Việt Nam còn nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết, quy định trong từng lĩnh vực; Có nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện để xử lý những hành vi vi phạm hành chính. Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng dành riêng một mục là Mục 2, từ Điều 285, đến Điều 294 để quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, nhiều tội danh đã được liệt kê, mô tả và quy định mức chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Ngoài hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh thì chúng ta còn có Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, bổ sung nhân tài, vật lực cho Bộ thông tin, truyền thông và các cơ quan có liên quan… Nên có thể nói rằng Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, đủ nhân tài, vật lực để đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, với các hành vi vi phạm trên MXH. 

Điển hình là thời gian lần đây liên tục phát hiện, xử lý những vụ án đánh bạc, lừa đảo bằng công nghệ cao trăm tỉ, nghìn tỉ… Nhiều đối tượng tuyên truyền chống phá nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị phát hiện xử lý theo quy định pháp luật. 

Việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các hành vi vi phạm trên không gian mạng là tích cực, quyết liệt và có hiệu quả, chứ không thể nói là thờ ơ, đánh trống bỏ dùi được. 

Các đối tượng phạm tội dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài đều bị phát hiện, xử lý, trong tương lai sẽ còn phát hiện, xử lý nhiều hơn. Nhiều đối tượng cho rằng trên MXH mình có thể ẩn danh, có thể che giấu dấu vết hoặc ở nước ngoài nên sẽ không ai làm gì được… chính những suy nghĩ ngây thơ, chủ quan đó khiến tình trạng vi phạm nhiều nhưng việc xử lý thì hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo luật sư, trước thực trạng không chỉ rất nhiều cá nhân đưa những thông tin sai sự thật như dịch bệnh nCoV, dịch tả lợn châu Phi,... chúng ta phải cần những gì để giải quyết thực trạng này?

- Để giảm thiểu những thông tin xấu độc, tin giả thì điều quan trọng là cần làm tốt công tác phòng ngừa, phòng ngừa cả vi phạm và phòng ngừa tội phạm. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để triển khai thực hiện các quy dịnh pháp luật liên quan tới công nghệ thông tin, mạng viễn thông. 

Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả để nâng cao ý thức, đạo đức của công dân khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.’

Cần hoàn thiện, củng cố cơ sở dữ liệu, phương tiện kỹ thuật để tăng cường công tác quản lý, tránh các đối tượng xấu xâm nhập, lợi dụng để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin;

Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là áp dụng nghiêm minh các chế tài hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xin cảm ơn ông!

Phạt tù đến 3 năm và 200 triệu đồng

Theo quy định, trường hợp loan tin sai sự thật, câu like, phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng... người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Nếu hành vi tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet, với mức phạt tù lên đến 3 năm và phạt tiền đến 200 triệu đồng.

Thành An (thực hiện

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X