Hội nghị An ninh quốc tế thường niên diễn ra tại Mu-nich (Đức) từ ngày 14 đến ngày 16-02-2020 với chủ đề chính “Không còn phương Tây”, cũng đồng nghĩa với thực tế là, trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh do Mỹ đứng đầu, phương Tây lãnh đạo đã tới hồi kết.
Lời cảnh báo về “sự cáo chung” của phương Tây
Trước khi diễn ra Hội nghị An ninh quốc tế Mu-nich 2020, ban tổ chức sự kiện này cho công bố bản báo cáo trung tâm, trong đó xác định chủ đề chính của diễn đàn năm nay là “Westlessness” - có nghĩa là “Không còn phương Tây”, để khẳng định một xu hướng mới trong nền chính trị toàn cầu, đó là sự suy giảm vai trò và ảnh hưởng của các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu, vì không thể đạt được sự đồng thuận về một chiến lược thống nhất nhằm giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng thống Đức Phờ-răng Stai-mai-ơ thẳng thắn đề cập tới những yếu kém của phương Tây do Mỹ đứng đầu, trong đó chính Oa-sinh-tơn đã “tự bác bỏ” sự tồn tại của “Cộng đồng phương Tây” khi tuyên bố rằng, các quốc gia nên tự lo liệu và đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết. Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Đô-nan Trăm đã đưa Mỹ rút khỏi nhiều cam kết và hiệp định quốc tế, tuyên chiến thương mại với cả chính các đồng minh thân cận nhất của mình và gây sức ép buộc các đồng minh then chốt trong NATO gia tăng đáng kể phần đóng góp vào ngân sách quân sự của tổ chức này, thậm chí coi sự bảo đảm an ninh của Mỹ là “dịch vụ phải chi trả”. Tổng thống Phơ-răng Stai-mai-ơ nêu rõ: châu Âu không nên nghĩ rằng, việc Mỹ không còn gắn bó với châu Âu chỉ là trong thời kỳ chính quyền dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm, mà sự chuyển hướng chiến lược từ nhiều năm trước và sẽ còn tiếp diễn với những chính quyền sau này; đồng thời cho rằng, đã đến lúc phương Tây không thể định hình thế giới theo mô hình của mình nữa.
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 kéo dài 3 ngày vẫn chưa đủ để thảo luận tất cả các vấn đề nóng trên thế giới.
Ủng hộ quan điểm của Tổng thống Phơ-răng Stai-mai-ơ, Tổng thống Pháp E-ma-nu-en Mac-rông cũng nhận thấy sự suy yếu của phương Tây sau khi Mỹ rút khỏi các cam kết với các đồng minh và cộng đồng quốc tế. Theo E-ma-nu-en Mac-rông, vào thời điểm 15 năm trước, mọi người vẫn nghĩ và tin rằng, các giá trị của phương Tây là phổ quát và bất biến đối với thế giới. Thế nhưng, lúc này mọi người nhận thấy rõ sự suy yếu của phương Tây khi Mỹ thay đổi các chính sách đối với châu Âu và Mỹ sẵn sàng tuyên chiến thương mại với chính họ. Do đó, nếu hai cường quốc chủ chốt của châu Âu (Pháp và Đức) không phối hợp cùng nhau để tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của thế giới trong 20 đến 30 năm tới, thì điều đó sẽ là một “sai lầm lịch sử”. Trước đó, trong năm 2019, phát biểu trước các đại sứ Pháp, Tổng thống E-ma-nu-en Mac-rông nhận định rằng, kỷ nguyên phương Tây lãnh đạo thế giới đã tới hồi kết do những chuyển dịch địa chính trị trên phạm vi toàn cầu trước tác động từ sự trỗi dậy của những cường quốc mới nổi có vị thế và ảnh hưởng ngày càng lớn như Nga và Trung Quốc. Vì thế, Tổng thống Phờ-răng Stai-mai-ơ và Tổng thống E-ma-nu-en Mac-rông đều cho rằng đã đến lúc châu Âu nên “tự làm chủ vận mệnh của mình” và không thể trông chờ vào ô an ninh che chở từ bên ngoài. Để làm được điều đó, Pháp và Đức cùng đưa ra chủ trương thành lập một Liên minh An ninh và Quân sự của châu Âu để tự bảo vệ chứ không thể dựa vào NATO đang ở trong trạng thái “chết não”.
Trái ngược với quan điểm của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mai-ke Pôm-peo cho rằng, nhận định của hai ông Phờ-răng Stai-mai-ơ và E-ma-nu-en Mac-rông về sự suy yếu của phương Tây là “những suy nghĩ bi quan”, đồng thời khẳng định, phương Tây vẫn “rất mạnh”, phương Tây “đã từng chiến thắng và sẽ cùng nhau chiến thắng”. Để minh chứng cho điều đó, Bộ trưởng Mai-ke Pôm-peo công bố Mỹ sẽ viện trợ 01 tỷ USD cho Sáng kiến ba biển (gồm 12 quốc gia Trung Âu và Đông Âu ven Biển Bắc, Biển Đen và Địa Trung Hải) để các nước này phát triển năng lượng. Giới phân tích ở châu Âu nhận thấy, thực tế khoản viện trợ này chỉ là nhằm tranh giành thị trường khí đốt của Nga ở châu Âu, buộc các nước Đông Âu phải mua khí đốt hóa lỏng giá cao của Mỹ. Để thuyết phục các nước châu Âu, Oa-sinh-tơn luôn cảnh báo các nước ở châu lục này rằng, Nga đang dùng khí đốt làm “vũ khí chính trị”, còn Mát-xcơ-va đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ điều đó và khẳng định khí đốt là vấn đề thuần túy kinh tế. Minh chứng là, ngay cả thời cao điểm Chiến tranh lạnh, Liên Xô vẫn là nguồn cung cấp khí đốt tin cậy và ổn định cho các nước Tây Âu. Vì thế, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ không thể xua tan được sự bi quan về một phương Tây suy yếu khi hai bờ Đại Tây Dương không còn đặt trọng tâm vào nhau và cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế. Rõ ràng là, trước đây, khi nói về phương Tây bao giờ cũng bao hàm trong đó vai trò lãnh đạo của Mỹ. Do đó, một khi Mỹ đã rút lui các cam kết với các đồng minh thì khái niệm “phương Tây” cũng không còn lý do để tồn tại.
Sự cáo chung “kỷ nguyên phương Tây” còn được thể hiện trên nhiều bình diện khác và đã được đề cập tới một phần trong bản báo cáo trung tâm của Hội nghị An ninh quốc tế Mu-nich 2020. Đó là, liên minh phương Tây gồm hơn 30 quốc gia do Mỹ đứng đầu với bộ máy quân sự lớn nhất thế giới phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Ap-ga-ni-xtăng vào năm 2001, nhưng đến nay, sau gần 20 năm, vẫn không dẹp được tàn quân Ta-li-ban chỉ được trang bị vũ khí thô sơ và vẫn kiểm soát 40% diện tích lãnh thổ quốc gia này. Rút cuộc, Mỹ phải đàm phán với Ta-li-ban để từng bước rút khỏi “vũng lầy” Ap-ga-ni-xtăng. Phương Tây do Mỹ đứng đầu phát động chiến dịch quân sự để “bảo vệ nhân quyền” và “xúc tiến dân chủ” ở Li-bi từ năm 2011, cũng đưa quốc gia này lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, từ đó gây ra làn sóng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II tràn tới các nước châu Âu. Liên minh hơn 60 quốc gia, chủ yếu là các nước phương Tây do Mỹ chỉ huy tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự để lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa an At-xat kể từ năm 2014 tới nay đã phải chịu thất bại. Tổng thống Ba-xa an At-xat vẫn đứng vững và đang chỉ huy Quân đội Xy-ri chiến đấu giải phóng đất nước khỏi các tổ chức khủng bố. Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 (gồm 3 đồng minh phương Tây là Anh, Pháp, Đức và Nga, Trung Quốc) với I-ran. Quyết định này hoàn toàn đi ngược lại quan điểm của toàn bộ phương Tây.
Cũng tại Hội nghị này, nội bộ phương Tây còn bất đồng về nhiều vấn đề rất quan trọng, trong đó đáng chú ý là bất đồng khi đánh giá về nguy cơ từ Trung Quốc và Nga. Trong quan hệ với Trung Quốc, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nan-xi Pê-lô-xi kêu gọi các nước tránh xa tập đoàn công nghệ Hoa Vĩ của Trung Quốc khi phát triển mạng không dây thế hệ mới. Theo bà Pê-lô-xi, các nước không nên nhượng cơ sở hạ tầng viễn thông của mình cho Trung Quốc để đổi lấy lợi ích về tài chính, bởi điều đó sẽ chỉ khuyến khích Trung Quốc làm suy yếu các giá trị dân chủ, nhân quyền, độc lập về kinh tế và an ninh quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac E-xpơ cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây cảnh giác trước “sự bành trướng mạng 5G” của tập đoàn Hoa Vĩ, Trung Quốc. Trong khi đó, Vương quốc Anh - đồng minh then chốt của Mỹ ở phương Tây, lại quyết định sử dụng thiết bị mạng 5G của tập đoàn này. Chính quyết định này của Anh đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các đồng minh không để Hoa Vĩ xây dựng các mạng điện toán cho họ với lý do là Trung Quốc có thể sử dụng những thiết bị này để thu thập tin tức tình báo. Việc Mỹ khuyến khích các công ty công nghệ và đồng minh của họ phát triển các giải pháp 5G thay thế công nghệ của Trung Quốc còn chứng tỏ phương Tây đã lạc hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Trong quan hệ với Nga, chủ đề này vẫn gây tranh cãi giữa các nước phương Tây và họ tự nhiên chia thành hai “phe”. Một “phe” do Mỹ đứng đầu coi Nga là “mối đe dọa” và tiếp tục bao vây cấm vận Mát-xcơ-va; đồng thời, tẩy chay dự án khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc - 2” giữa Nga với châu Âu. “Phe” khác do Tổng thống Pháp E-ma-nu-en Mac-rông đứng đầu chủ trương đối thoại với Nga để xây dựng cấu trúc an ninh tin cậy từ Bruc-xen đến Vla-đi-vô-xtôc. Ông E-ma-nu-en Mac-rông và lãnh đạo nhiều nước châu Âu cho rằng, cấm vận Nga không chỉ gây thiệt hại đối với Mat-xcơ-va mà còn đối với cả châu Âu.
Phương Tây còn chia rẽ quan điểm về vũ khí hạt nhân của Pháp. Sau khi Anh - cường quốc hạt nhân của châu Âu, rời khỏi EU, với tư cách là thành viên NATO, Pháp không trang bị vũ khí hạt nhân cho tổ chức này, nên Tổng thống E-ma-nu-en Mac-rông đề nghị đối thoại giữa các nước thành viên EU về vai trò răn đe hạt nhân mà Pháp có thể tham gia. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Giên Xtôn-ten-bec đã bác bỏ đề nghị này và khẳng định NATO đã có biện pháp răn đe. Theo ông, châu Âu đã được bảo vệ dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ và Anh một cách hiệu quả và lâu dài. Tổng thống E-ma-nu-en Mac-rông còn đề xuất xây dựng tầm nhìn về một châu Âu với sức mạnh quân sự mới để khẳng định chủ quyền và không muốn phụ thuộc vào ô an ninh của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Đức An-nec-ret Cram-Ka-ren-bau-ơ cũng nhấn mạnh vai trò của Đức đối với an ninh thế giới. Theo bà, Đức và châu Âu nhận thấy tình huống chiến lược mới xuất phát từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc, trong đó Đức phải xác định vị thế của mình.
Quan sát toàn bộ diễn biến của Hội nghị An ninh quốc tế Mu-nich 2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Ma-ri-a Za-kha-rô-va nhận định: “Hội nghị năm nay không có chương trình nghị sự mạch lạc mà thông thường lẽ ra nó phải có để xem xét các nguy cơ và thách thức về an ninh đối với thế giới, trong đó có các nước châu Âu. Vì thế, Hội nghị không có được tiếng nói chung và quan điểm thống nhất về các vấn đề của thế giới. Điều đó có thể cảm nhận rất rõ là họ đang có mặt trong các cuộc tranh luận tương tự của các ứng cử viên trong một chiến dịch tranh cử và nỗ lực tranh thủ lá phiếu của các cử tri. Mỗi người chỉ muốn nghe những gì mình nói, chứ không phải nghe người khác nói”.
Dấu hiệu về “sự cáo chung” của trật tự thế giới đơn cực
Có mặt và theo dõi các cuộc thảo luận tại Hội nghị, chuyên gia nghiên cứu chính trị hàng đầu ở Mỹ, đồng thời là Giám đốc tập đoàn tư vấn chính trị lớn nhất thế giới “Eurasia Group”, ông Y-an Bre-mơ đưa ra nhận định: “Trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã kết thúc và sẽ không bao giờ được khôi phục”. Tổng thống Nga V.Pu-tin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới cảnh báo về sự cáo chung tất yếu của trật tự thế giới đơn cực trong bài phát biểu tại diễn đàn Hội nghị An ninh quốc tế Mu-nich năm 2007. Khi đó, Tổng thống V.Pu-tin nhận định: “Thế giới đơn cực đã từng được hình thành sau Chiến tranh lạnh không thể tồn tại bền vững. Mặc dù người ta cố “tô son, điểm phấn” cho thuật ngữ này, nhưng cuối cùng nó cũng chỉ còn mang một ý nghĩa duy nhất là một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định. Đây là thế giới của một chủ nhân, của một chủ thể có chủ quyền. Tình trạng này rút cuộc không chỉ làm phương hại đối với tất cả ai nằm trong khuôn khổ hệ thống đơn cực đó mà còn đối với cả chủ nhân hoặc chủ thể có chủ quyền đó bởi nó có tác dụng tàn phá từ bên trong. Điều này không có một chút gì chung với dân chủ. Bởi dân chủ, như chúng ta biết, là quyền lực của đa số khi tính đến lợi ích và ý kiến của thiểu số”.
Theo Tổng thống V.Pu-tin, đối với thế giới hiện đại, mô hình đơn cực không chỉ không thể tiếp nhận được mà nói chung là không thể tồn tại. Điều này không chỉ vì một quốc gia đứng đầu thế giới đơn cực trong thế giới hiện đại không bao giờ có đủ tiềm lực chính trị - quân sự và kinh tế để thực hiện vai trò đó. Điều quan trọng hơn là mô hình này không thể vận hành được bởi trong nền tảng của nó không có và không thể có cơ sở đạo đức - tinh thần cho nền văn minh hiện đại. Các hành động đơn phương và phi pháp không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Thêm nữa, những hành động đó sẽ là nguồn gốc phát sinh những thảm hoạ mới đối với con người và gây nên căng thẳng. Chúng ta tự nhận thấy rằng chiến tranh, xung đột cục bộ các khu vực không hề giảm trong trật tự thế giới đơn cực. Hiện nay, thế giới đang chứng kiến hiện tượng sức mạnh đang được ngang nhiên sử dụng không có gì kiềm chế trong các công việc quốc tế, đưa thế giới vào chuỗi dài các cuộc xung đột không bao giờ chấm dứt. Ngoài ra, thế giới đang chứng kiến các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đang bị bỏ qua. Trong khi đó, các chuẩn mực đơn lẻ và thực chất là gần như toàn bộ hệ thống pháp lý của một quốc gia trong tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, nhân đạo, trước hết là của Mỹ, đã vượt qua biên giới quốc gia Hoa Kỳ và được mang đi áp đặt cho các nước. Trong khi đó, cơ chế duy nhất để thông qua quyết định nhằm sử dụng sức mạnh quân sự như là giải pháp cuối cùng, chỉ có thể là Hiến chương Liên hợp quốc. Việc sử dụng sức mạnh chỉ được coi là hợp pháp nếu quyết định đó được thông qua trên cơ sở và trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và không nên thay thế Liên hợp quốc bằng NATO hoặc EU. Một khi Liên hợp quốc thực sự liên kết lực lượng của cộng đồng quốc tế để có thể phản ứng có hiệu lực trước các sự kiện ở các nước và khi chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế thì tình hình có thể thay đổi. Trong trường hợp ngược lại, tình hình sẽ rơi vào bế tắc và làm phát sinh nhiều sai lầm nghiêm trọng.
Nhận định mang tính dự báo của Tổng thống V.Pu-tin về “sự cáo chung” của trật tự thế giới đơn cực cách đây 13 năm đã trở thành sự thật. Hội nghị An ninh quốc tế Mu-nich 2019 từng đưa ra nhận định, thế giới đang đứng trước sự va chạm của ba xu hướng xây dựng trật tự thế giới. Trong đó, Mỹ ra sức ngăn chặn sự sụp đổ của trật tự thế giới đơn cực do Oa-sinh-tơn kiểm soát, Trung Quốc chủ trương xây dựng “cộng đồng thế giới cùng chung vận mệnh”, còn Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều phải được tôn trọng và lắng nghe. Hội nghị An ninh quốc tế Mu-nich năm nay đã đặt dấu chấm cáo chung kỷ nguyên phương Tây, đồng nghĩa với “sự cáo chung” của trật tự thế giới đơn cực.
Đại tá LÊ THẾ MẪU (TCQPTD)