Báo cáo thường niên thế giới 2020 của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch - HRW) và Quyền con người khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International - AI) công bố cuối tháng 1 vừa qua đánh giá tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia trong năm 2019.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội - sự lựa chọn của lịch sử, không thể thay thế
- Vẫn chưa thấy 'nhục' sao vẫn còn đòi 'cơ hội cho dân biểu châu Âu'
- Bảo đảm nhân quyền là thành tựu của Việt Nam được thế giới ghi nhận
- Vạch trần bộ mặt phản động của các đối tượng trong vụ Đồng Tâm: Lộ mặt những kẻ chủ mưu, cầm đầu (Bài 1)
- Đội lốt 'theo dõi nhân quyền' can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam là trái công ước quốc tế
Tuy nhiên như thường lệ, báo cáo của các tổ chức này tiếp tục có những đánh giá thiếu khách quan và không đúng tình hình thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Giữ cách nhìn thiếu thiện cảm và cố hữu, tổ chức này cho rằng năm 2019 là một năm “tàn bạo” đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam khi chính quyền kết án tù ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến.
Muôn kiểu 'quy chụp' về nhân quyền Việt Nam (Ảnh Hải Anh-dautruongdanchu.org)
Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến chỉ vì họ “đã thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng”; “Nhà nước độc đảng giới hạn một cách nghiêm trọng tất cả các quyền chính trị và dân sự căn bản, cấm bất cứ các hoạt động nào mà Đảng Cộng sản cho là mối đe dọa với độc quyền lãnh đạo. Đặc biệt, các nhà hoạt động và blogger bị giám sát, bị cấm đi lại, bị đánh đập, thẩm vấn, bắt giữ và bị kết án tù nhiều năm”.
HRW và AI cũng đồng thời chỉ trích Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019. Theo đó, luật mới với những điều khoản mù mờ và trải rộng cho phép giới chức có quyền bí mật kiểm duyệt các bày tỏ ý kiến tự do, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung mà chính quyền cho là không đúng trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được yêu cầu từ chính phủ.
Với luật An ninh mạng, HRW vu cáo đã có ít nhất 25 người trong năm qua bị kết án vì bày tỏ ý kiến chỉ trích trên mạng Internet. Các hoạt động tự do tín ngưỡng cũng bị giới chức Việt Nam cấm cản với lý do phương hại đến lợi ích quốc gia, trật tự xã hội hay đoàn kết.
Những người theo các nhóm tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận thường bị chỉ trích, bị ép phải từ bỏ đạo, bị bắt giữ, thẩm vấn, tra tấn, thậm chí bỏ tù...
Sau khi HRW và AI công bố, các báo cáo, đánh giá này được nhiều tờ báo quốc tế đăng tải, các trang mạng phản động lợi dụng “đục nước béo cò” để tăng cường chống phá; các nhà “dân chủ” thừa cơ tung lên mạng xã hội tạo cớ công kích, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền; nhiều tổ chức, cá nhân gắn mác “xã hội dân sự” xuyên tạc, câu kết, móc nối, báo cáo, kiến nghị, gây sức ép yêu cầu hoãn, hủy bỏ phê chuẩn Hiệp định thương mại EU – Việt Nam (EVFTA).
Trong thực tiễn, Việt Nam hiện đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo quyền cơ bản của con người theo những giá trị phổ quát quốc tế.
Điển hình, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ 2018, trong đó có việc xóa bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Nhiều nội dung của Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường tính nhân đạo và hài hòa với các quy định của các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên. Với cáo buộc nêu trên, cần phải nói rõ, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà bất đồng chính kiến”.
Đây là một sự mập mờ, đánh tráo khái niệm, cố tình tạo ra cách hiểu không đúng là nhà nước bắt bớ người vô tội, bỏ tù oan, sai đối với công dân. Thực chất đây là những đối tượng đang chịu hình phạt tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định rõ ràng, cụ thể trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Về quyền tự do ngôn luận, báo chí, báo chí ở Việt Nam đã phát triển không ngừng, trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ bảo vệ quyền của người dân, lợi ích của xã hội, hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chính sách.
Tính đến nay, cả nước đã có tới có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, số lượng trang thông tin điện tử được cấp phép là 1.510. Nhiều cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Internet phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Số người dùng Internet ở Việt Nam hơn 60 triệu người...
Luật An ninh mạng đi vào đời sống là công cụ hữu hiệu bảo vệ an ninh, trật tự trên không gian mạng, ngăn chặn các loại tội phạm mạng, công nghệ cao, thông tin xấu, độc. Đảm bảo quyền được thông tin, tiếp cận thông tin lành mạnh của người dân thì sao lại đánh giá Luật An ninh mạng là vi phạm nhân quyền, tự do thông tin?
Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Ở Việt Nam, không có việc cưỡng ép từ bỏ niềm tin, theo dõi, đe dọa, xúc phạm, giam giữ, tra tấn, hạn chế quyền tiếp cận tôn giáo. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo, thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.
Thực tế, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã xử lý một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động hận thù, chia rẽ, gây mâu thuẫn và xung đột, làm tổn hại đến an ninh, ổn định của đất nước và cuộc sống yên bình của người dân. Dựa vào đây để quy kết Việt Nam cấm cản, đàn áp tôn giáo là sự quy chụp, đánh lận bản chất.
Quyền lập hội đã được quy định trong Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự 2015 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đến năm 2019, Việt Nam có 68.125 hội, trong đó có các tổ chức, hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.
Các tổ chức chính trị-xã hội các cấp có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội là: Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là nơi tập hợp, sinh hoạt, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn Việt Nam năm 2019, tốc độ tăng GDP đạt 7.02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2768 USD/người/năm. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng lên BB với triển vọng tích cực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD đạt 514 tỷ USD, xuất siêu cao nhất trong những năm vừa qua, đạt 9.7 tỷ USD. Với môi trường hòa bình, ổn định, là điều kiện lý tưởng, điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế, 2019 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 38 tỷ USD, tăng 7,2%...
Qua đó, các lĩnh vực đảm bảo đời sống người dân được chú trọng, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả.
Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sỹ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra; chú trọng công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên, xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68.
Thể chế chính trị, nhà nước không ngừng đổi mới, hoàn thiện, thật sự của dân, do dân và vì dân, là công cụ, chủ thể thực thi, bảo vệ, bảo đảm quyền cơ bản của con người. Đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng được nâng cao. Môi trường chính trị ổn định, được lựa chọn là nơi tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế quan trọng, điểm đến của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Việt Nam được bầu Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với 187 phiếu, cao nhất trong lịch sử, tiếp nhận Chủ tịch AIPA 41, Chủ tịch ASEAN 2020... Năm 2019 với những thành tựu nổi bật quan trọng như vậy là minh chứng sinh động, bác bỏ báo cáo, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Lê Thế Cương (CAND)