Thời gian qua, có một số thông tin của các thế lực thù địch, phản động cho rằng Việt Nam sử dụng phạm nhân trong các trại cải tạo lao động không đúng mục đích. Nhưng thực tế, Việt Nam luôn tuân thủ đúng các quy định của quốc tế và Luật Thi hành án dân sự (2019) về tổ chức và sử dụng lao động đối với phạm nhân.
Việt Nam luôn tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với phạm nhân được thông qua tại Cuộc họp lần thứ nhất của Liên hợp quốc về ngăn ngừa tội phạm và đối xử với người phạm tội, tổ chức tại Geneva năm 1955 quy định: Mọi phạm nhân đang chấp hành án đều phải lao động, tùy thuộc vào sức khỏe, thể chất và tâm thần của họ, do cán bộ y tế xác định. Trong phạm vi cho phép, công việc được cung cấp phải nhằm duy trì hoặc làm tăng khả năng phạm nhân có thể kiếm sống một cách trung thực sau khi được thả. Phải đào tạo nghề các công việc hữu ích cho phạm nhân để họ có thể kiếm sống bằng nghề đó, đặc biệt là những phạm nhân trẻ tuổi. Cách tổ chức và phương pháp làm việc trong nhà tù phải càng giống càng tốt với các công việc tương tự ngoài nhà tù, để chuẩn bị cho phạm nhân những điều kiện của cuộc sống có nghề nghiệp bình thường sau này.
Phạm nhân được học nghề và lao động tại trại giam. (Ảnh: BDM/tapchitoaan.vn)
Nghị quyết số 49/TVQH ngày 20/6/1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tập trung giáo dục, cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội đã quy định: “Việc giáo dục, cải tạo thực hành theo phương châm kết hợp lao động với giáo dục chính trị nhằm mục đích khuyến khích người được giáo dục, cải tạo cố gắng, lao động, sản xuất, học tập nghề nghiệp để trở thành người lương thiện”.
Trên cơ sở những căn cứ pháp lý như vậy nên Việt Nam đã luôn xác định công tác tổ chức thi hành án phạt tù có vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ pháp luật, trong đó trại giam có nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo người bị kết án phạt tù, từ người phạm tội chịu hình phạt của pháp luật khi chấp hành xong án phạt tù trở thành công dân lương thiện, biết tuân thủ pháp luật, không tái vi phạm pháp luật.
Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các nghị định của Chính phủ, tổ chức lao động cho phạm nhân đang chấp hành án góp phần cải tạo tư tưởng ăn bám, lười lao động, không biết tôn trọng các sản phẩm lao động thành những người biết trân trọng giá trị lao động chân chính, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật trong lao động.
Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam giúp cho phạm nhân có định hướng nghề nghiệp, kỹ năng và thói quen lao động, giúp họ trước hết biết được nghề nghiệp, đồng thời có định hướng nghề nghiệp và kỹ năng, kỹ thuật của một nghề nhất định, để sau khi ra trại, có thể tìm kiếm việc làm, sớm tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình, không tái vi phạm pháp luật.
Tôn trọng và bảo đảm quyền con người của phạm nhân, Điều 32 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời giờ lao động của phạm nhân không quá 08 giờ trong 01 ngày và 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật. Trại giam phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.
Phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động.
Phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tùy mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động.
Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp: bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; đang điều trị tại cơ sở y tế; có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.
Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đối với phạm nhân là buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập, học nghề để trở thành người có ích cho xã hội. Mặt khác, việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn, trong một thời gian dài, nếu không tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn trại giam. Tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân chính là một trong những biện pháp góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trại giam, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả, góp phần phục vụ đắc lực công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam một mặt có ý nghĩa kinh tế - xã hội, tạo ra sản phẩm kinh tế cho trại giam, cho xã hội, mặt khác có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với phạm nhân. Thông qua tổ chức cho phạm nhân lao động sản xuất giúp cho phạm nhân hình thành kỹ năng đối với lao động, ý thức tình yêu đối với lao động. Tổ chức cho phạm nhân lao động, dạy nghề trong trại giam là con đường để hồi phục và phát triển nhân cách cho phạm nhân, giúp cho họ sau khi ra trại có thể hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, những phẩm chất cơ bản mà phạm nhân có được trong quá trình lao động như: yêu lao động, quý trọng kết quả lao động, thấy được ý nghĩa của lao động, tinh thần tương thân tương ái, hợp tác tập thể trong lao động... là những nhân tố vững chắc đảm bảo cho họ ít hoặc không tái phạm sau khi chấp hành án phạt tù. Việc định hướng được nghề nghiệp phù hợp với từng phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù rất quan trọng vì không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, không ổn định, thiếu bền vững là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tái phạm. Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân giúp phạm nhân có được nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của xã hội để họ lao động, làm việc, ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng, không tái vi phạm pháp luật.
Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam là một trong những biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, đất đai, cơ sở vật chất của trại giam. Kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân, sau khi trừ các chi phí hợp lý (vật tư, nguyên liệu, chi phí điện, nước, khấu hao tài sản,...) được sử dụng để bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù; chi thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động; bổ sung quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động cho phạm nhân... Điều này góp phần giảm chi phí đầu tư của nhà nước, cải thiện đời sống của phạm nhân và cán bộ, chiến sĩ./.
Trần Quỳnh (ĐCS)