Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là thành phần trọng yếu của lực lượng vũ trang nhân dân1, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, giữ vững sự đoàn kết giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân; đồng thời, nhận diện, cảnh giác, đấu tranh với những luận điệu chia rẽ giữa hai lực lượng này là vấn đề quan trọng, thường xuyên.
Diễn trò bất lương giữa đại dịch
- Nhận diện hoạt động lợi dụng dịch bệnh COVID-19 chống phá Đảng, Nhà nước
- Trong thời đại ngày nay, phải chăng chủ nghĩa Mác-Lênin - tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời?
- ‘Đánh bùn sang ao’-Chiêu trò rẻ tiền của kẻ phản Quốc đội lốt nhà báo với bút danh ‘Trần Văn’
- Sự lỗi thời và già nua của một 'con chíp nhân quyền'
Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”2. Như vậy, tuy mỗi ngành có chức năng, nhiệm vụ cụ thể, chuyên sâu riêng, nhưng thống nhất ở mục tiêu chung. Quan hệ giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân là mối quan hệ mang bản chất cách mạng và kế thừa sâu sắc truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”3.
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (Ảnh Hải Anh-dautruongdanchu.org)
Thực tiễn trong quá trình xây dựng, phát triển và thực hiện nhiệm vụ được giao, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân luôn đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hỗ trợ nhau từ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến nhiệm vụ cụ thể của mỗi lực lượng ở từng địa bàn, từng thời điểm. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng để mỗi lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước sự thực đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân bằng những luận điệu xuyên tạc, hòng làm suy yếu lực lượng vũ trang, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, cảnh giác, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn dân.
Để thực hiện tốt điều đó, trước hết cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để mỗi người nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn chia rẽ Quân đội nhân dân với Công an nhân dân của các thế lực thù địch. Thực tiễn gần đây cho thấy, các hình thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc từ đường lối, chủ trương của Đảng đến những hiện tượng sai phạm do cá nhân đại diện cho công quyền, thậm chí do một số phần tử, đối tượng bất mãn với chính quyền, chế độ gây ra. Ví dụ, chúng xuyên tạc: chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân là bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhưng gần đây Quân đội đã “lấn sân” vào vấn đề an ninh (nhiệm vụ của công an). Như vậy, nhiệm vụ của Quân đội đã bị hạ thấp, đồng hóa với nhiệm vụ của Công an. Chúng xuyên tạc Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, rằng: “Nghị định 77/2010/NĐ-CP đã hợp thức hóa việc quân đội được phép tham gia bảo vệ an ninh, trật tự xã hội…”, đó là “sự can thiệp quá sâu vào các hoạt động dân sự”, v.v.
Chúng ta không lạ những luận điệu, âm mưu của các thế lực thù địch khi có tới hàng trăm lượt tin, bài được các báo, đài, trang mạng xã hội ở nước ngoài đăng tải, bình luận, kích động nhân dân, trước một số vụ việc vi phạm do các thành phần giả danh thương binh tụ tập gây mất trật tự khi xe tự chế của họ chưa đạt tiêu chuẩn tham gia giao thông bị lực lượng Công an thu giữ; hay một số vụ việc khiếu kiện đòi đền bù đất đai khi bị chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi để làm các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v. Gần đây, do việc quản lý đất đai của chính quyền xã Đồng Tâm có một số sai phạm để một số hộ dân lấn chiếm, sử dụng vào mục đích riêng, khi bị thu hồi thì cố tình chiếm hữu không trả còn khiếu kiện đòi bồi thường, v.v. Lợi dụng tình hình đó, đài RFI vội vàng đăng các bài bình luận, phỏng vấn với các luận điệu: “Bộ Quốc phòng ở đâu khi phức tạp xảy ra ở Đồng Tâm”, “Công an không phải bảo vệ cái sai của quân đội”, v.v. Thâm độc hơn, chúng còn rêu rao rằng, qua sự việc cho thấy “Quân đội vẫn được nhân dân yêu mến” còn “Công an bị nhân dân xa lánh”,... hòng chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân. Hay trong bài “Biến cố thảm khốc ở Đồng Tâm: từ bàng hoàng, phẫn nộ đến thức tỉnh”, chúng thổi phồng sự việc, rằng: “nó đã cắt đứt sợi dây liên kết cuối cùng giữa nhân dân với Đảng”, “đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với Công an”, v.v. Cùng với đó, chúng còn tuyên truyền lối sống thực dụng, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức lệch lạc, mất phương hướng, xa rời mục tiêu phấn đấu, gây mất đoàn kết và bất ổn trong nội bộ lực lượng vũ trang.
Trước tình hình đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường giáo dục, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng: sự phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân là đòi hỏi tất yếu khách quan, xuất phát từ bản chất cách mạng, chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Nội dung quán triệt, giáo dục cần tập trung làm rõ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, v.v. Qua đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ của hai lực lượng có lập trường kiên định, vững vàng, không bị dao động trước những luận điệu xuyên tạc, dụng ý xấu của các thế lực thù địch; tuyệt đối trung thành với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong công tác, chiến đấu với phương châm hành động “tích cực bảo vệ mình, chủ động tấn công địch”.
Hiện nay, trong xu thế hội nhập, phát triển, các tác động từ bên ngoài đến an ninh quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc rất đa dạng; các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng tuyên truyền những thông tin xấu độc, hòng chia rẽ Quân đội nhân dân với Công an nhân dân. Trong khi đó, công tác đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chưa thật mạnh mẽ, thiếu sự phối hợp, chủ động, chưa thường xuyên, kịp thời. Vì thế, cùng với tuyên truyền, giáo dục, chúng ta cần đẩy mạnh đấu tranh trực diện, phản bác mạnh mẽ các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ Quân đội nhân dân với Công an nhân dân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, nghiên cứu dự báo, phát hiện từ sớm, từ xa những âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc chia rẽ Quân đội nhân dân với Công an nhân dân để triển khai các biện pháp đấu tranh kiên quyết, kịp thời. Công tác phòng ngừa, đấu tranh phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của lực lượng báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với lực lượng chức năng của Quân đội, Công an để thống nhất đấu tranh. Mặt khác, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân cả ở trong nước và ngoài nước cố tình đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết giữa hai lực lượng. Phối hợp chặt chẽ với chính phủ, cơ quan hữu quan các nước, kiên quyết xử lý các sai phạm theo Công ước quốc tế và Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, hình thức đấu tranh; gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo sức đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trong đó, cần tập trung xây dựng mối quan hệ đoàn kết, sự phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trên cơ sở đó, cụ thể hóa, triển khai xây dựng thành các phương án, kế hoạch phối hợp của mỗi lực lượng, nhất là trong xử lý các tình huống khủng bố, biểu tình, bạo loạn, phá hoại, gây rối an ninh, trật tự,… bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu của đất nước. Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động phá hoại nội bộ. Tiếp tục phối hợp, tổ chức tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Định kỳ phối hợp tổ chức giao ban giữa hai lực lượng ở các cấp, để trao đổi, nắm thông tin cả ở trong nước, ngoài nước và chia sẻ kinh nghiệm,… nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Trước sự phát triển của tình hình thế giới, của khoa học công nghệ,… đòi hỏi phải đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp phối hợp để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng trao đổi thông tin, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, khu vực và trong nước liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó, thống nhất nội dung tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững biên giới, chủ quyền biển, đảo, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG, Thượng tá, TS. ĐÀM QUANG ĐỨC (TCQPTD)
________________
________________
1 - Mục 1, Điều 23, Chương IV, Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 147 - 148.
3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 153.