“Không gian mạng là nơi con người ứng xử các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”, có lẽ chính đặc điểm này mà trên không gian mạng đã và đang tiếp nhận cả những hành vi xã hội tích cực lẫn tiêu cực. Làm thế nào để hạn chế những hành vi đi ngược lại sự phát triển văn minh, trong đó có cả việc chống phát tán, lan truyền “virus tin giả” trên không gian mạng?
'Tiên trách kỷ, hậu trách nhân'
Chung tay phòng chống fake news (tin giả)
Việc xử lý kiên quyết của cơ quan chức năng đối với những đối tượng thông tin không đúng sự thật về dịch bệnh COVID-19, việc thông tin thường xuyên, công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông đã giúp cho người dân hiểu đúng vấn đề, nhận biết và vạch trần các thông tin giả mạo.
Trên mạng hiện nay cũng có nhiều tài khoản facebook, diễn đàn, fanpage tham gia tẩy chay tin giả liên quan đến dịch bệnh này. Đáng chú ý là fanpage “Chung tay phòng chống fake news dịch cúm COVID-19” do chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh sáng lập.
Ông Vinh chia sẻ: “Tôi lập group với hy vọng tổng hợp các loại thông tin phản hồi chỉ mặt vạch tên fake news liên quan đến dịch viêm phổi do chủng virus COVID-19. Nếu có được các thông tin minh bạch, sẽ giúp mọi người kiểm chứng các thông tin nhận được, hạn chế chia sẻ phát tán hoang tin. Nhờ tất cả mọi người phát hiện, phân tích tin giả, tin sai lệch, giúp đỡ cộng đồng chúng ta chống dịch hiệu quả”.
Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, fanpage đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của hàng trăm thành viên, trong số đó, không ít là phóng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu. Rất nhiều tin giả được các thành viên phát hiện, đưa lên diễn đàn để phân tích, đánh giá và bài trừ. Ngoài ra, còn có cả những cách đặt tít lập lờ, dễ dẫn đến hiểu sai thông tin về dịch bệnh của một số tờ báo cũng được đưa ra phân tích, mổ xẻ, phê phán…
Tin giả về COVID-19 bị cộng đồng mạng lật tẩy
Cùng với đó, nhiều thành viên cũng chia sẻ những thông tin bổ ích, những câu chuyện đẹp trong phòng chống dịch bệnh nhằm lan toả đến cộng đồng năng lượng tích cực.
Việc một group mở, đón nhận tất cả các thành viên tham gia, cùng chung tay, chung sức chống tin giả được thành lập bởi những người có tiếng nói trong xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng như fanpage này là cách làm thiết thực trong việc bài trừ thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Việc tin giả dù kết nạp thành viên tự động nhưng luôn block những thành viên đăng tải thông tin hay bình luận thiếu tích cực cho thấy, admin là người rất có trách nhiệm. Từ đó, quy tụ được những thành viên tích cực, có thiện chí trong chống tin giả và trách nhiệm trong việc cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID -19.
Hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về virus Corona trên không gian mạng đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đấy là chưa kể những đối tượng ở nước ngoài, những đối tượng phản động, chống phá Đảng, Nhà nước đã lợi dụng dịch bệnh để phát tán tin giả nhằm phá hoại nỗ lực phòng chống COVID-19 của cả cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN:
Ngoài việc xử lý các đối tượng, các cơ quan chức năng còn yêu cầu một số nhà mạng như Facebook, Google gỡ bỏ 250 liên kết chứa thông tin giả. Hàng chục hội, nhóm trên mạng Internet khi đăng, phát tán những thông tin sai lệch về vụ Đồng Tâm cũng được phát hiện bởi những người dùng mạng có trách nhiệm, bị cơ quan chức năng xử lý và yêu cầu gỡ bỏ.
Các ông lớn như Google, Facebook đã gỡ bỏ thông tin sai lệch trong vụ việc này. Những hoạt động trên cho thấy, khi chống tin giả cần có sự chung tay của cả cộng đồng và sự phối hợp của các cơ quan chức năng cùng trách nhiệm của nhà mạng.
Cần những giải pháp đồng bộ
Giải pháp nào để chống chống tin giả, chống loại “virus tin giả” trên không gian mạng? Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) khi trao đổi với chúng tôi về việc xử lý tin giả liên quan đến dịch COVID-19 đã nhắc tới việc cơ quan chức năng làm việc với Facebook, Google về việc gỡ bỏ tin giả và yêu cầu phối hợp đăng tin chính thức từ Bộ Y tế.
Cụ thể, hiện nay nếu người dùng tìm kiếm virus Corona sẽ đọc được chỉ dẫn bằng tiếng Việt: “Bạn đang tìm kiếm thông tin về virus Corona? Hãy xem thông tin mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam để biết cách giữ gìn sức khoẻ và ngăn chặn virus này lây lan. Truy cập moh.gov.vn”.
Có thể thấy, cách làm này vừa minh bạch thông tin, vừa tiện dụng nên đã hướng người dùng mạng tiếp cận nguồn tin đáng tin cậy một cách nhanh nhất, hữu dụng nhất. Minh bạch thông tin về dịch bệnh cũng được chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhắc đến khi đề cập đến giải pháp chống tin giả.
Thực tế tại Việt Nam, Bộ Y tế đã rất tích cực trong việc công khai thông tin về dịch bệnh qua việc cung cấp cho báo chí, đưa các ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhắn tin đến từng số điện thoại di động… Rõ ràng, những động thái truyền thông tích cực từ ngành Y tế đã có tác động rất lớn trong phòng chống dịch.
Nói về khó khăn trong việc xử lý tin giả, Thượng tá Nguyễn Thành Lợi cho rằng, cơ chế đăng tải thông tin, nhất là đăng tải trên mạng xã hội rất đơn giản, dễ dàng, nên bất kỳ ai, ở đâu, chỉ cần có phương tiện và kết nối mạng là có thể thực hiện. Dễ đăng tải nhưng khó xử lý, bởi vì lượng thông tin đăng tải trên không gian mạng rất lớn, với hàng nghìn tin được đăng tải trên một giây, nên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không thể kiểm soát hoàn toàn, dẫn đến có cả những thông tin sai lệch được phát tán.
Ngoài ra, còn do ý thức và mục đích của người đăng tải thông tin. Có người với mục đích câu view, câu like, nhưng có người lại vì mục đích chính trị, cố tình đăng tải thông tin sai sự thật để công kích Chính phủ, bộ, ngành, gây hoang mang trong dư luận.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, việc xử lý đối tượng tung tin giả hiện được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Nghị định 174/CP… Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với cá nhân từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng.
Đáng chú ý, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội. Trường hợp có mục đích chống chính quyền nhân dân có thể bị truy tố theo Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức xử phạt cao nhất là 20 năm tù giam.
Thượng tá Nguyễn Thành Lợi khuyến cáo, để tránh bị dẫn dắt, lôi kéo bởi tin giả, người dân cần tìm hiểu thông tin từ nguồn tin chính thống như: Từ các bộ, ngành, chính quyền, các cơ quan báo chí; không tin theo các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, tránh tin mù quáng vào những tin đồn thất thiệt, làm hoang mang, lo sợ quá mức; không chia sẻ, bình luận theo những thông tin sai lệch, chưa kiểm chứng hay không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện các đối tượng, các thông tin sai lệch cần thông báo cho cơ quan Công an gần nhất, cơ quan chức năng liên quan để phối hợp xử lý, loại bỏ tin xấu…
Khi có các giải pháp đồng bộ như: Để người dân biết đâu là giả, đâu là thật; có chế tài xử phạt mạnh; tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và chủ động nhận biết tin giả… thì việc chống tin giả sẽ hiệu quả.
Cao Hồng (CAND)