Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, March 18, 2020 , 0 bình luận

Theo Bộ Công an, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã được đăng trên mạng xã hội.


Những tiếng gào thét lạc lõng



Trong đó, rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Đây thực sự là những “nguy cơ" đến từ bàn phím, là lực cản lớn trong nỗ lực phòng, chống Covid-19 ở nước ta.


Điều gì đang xảy ra?
Có thể thấy, sự ra đời của mạng xã hội đã góp phần định hình lại thế giới truyền thông trước đây vốn là độc quyền của các hãng thông tấn, đài truyền hình, đài phát thanh, tòa soạn báo. Nhưng nay, thế giới truyền thông khác đã, đang mở ra là mạng xã hội, góp phần hình thành cái gọi là một lớp “nhà báo” công dân… tự do biểu đạt, truyền tải thông tin.

Và tất nhiên, nhu cầu “tôi là người thạo tin nhất” lên rất cao ở một bộ phận người thiếu hiểu biết hoặc biết nhưng sẵn sàng đăng tải những thông tin không có kiểm chứng, sai sự thật. Trong dịch Covid-19 cũng vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý gần 30 trường hợp đăng tải thông tin không đúng sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội. Trước cơ quan công an, các trường hợp này đều thừa nhận do thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ đã đăng tải thông tin không đúng sự thật.

Song, đây chưa phải là tất cả. Kể từ khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, những phần tử cơ hội chính trị, đối tượng chống đối, phản động... đã xem đây là "cơ hội vàng" để gia tăng các hoạt động chống phá, gây bất ổn về trật tự xã hội, gây hoang mang dư luận.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này là đưa tin giả, tin bịa đặt, chống phá có một cách thức chung là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Nhiều trang bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả, sử dụng tinh dầu tràm… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh và không thực hiện cách ly, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế...

Đặc biệt, các đối tượng xấu lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các kênh thông tin chính thống (do phải có thời gian xác định nguồn tin) để lồng ghép các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Đáng tiếc, nhiều người do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện “cái tôi” của mình và phục vụ mục đích bán hàng trực tuyến…

Ai hưởng lợi từ nạn tin giả, tin bịa đặt về Covid-19? Đó chính là các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Bởi thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn USD để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh…

Tính đến ngày 13-3, Công an cả nước đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính gần 150 đối tượng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được lực lượng chức năng phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội như ca sĩ, diễn viên...

Trong một “thế giới phẳng” liên quan đến dịch Covid-19 như hiện nay, việc che giấu thông tin (nếu có) là “bất khả thi”. Nguyên nhân là dịch xảy ra liên quan đến rất nhiều đối tượng, nhiều địa bàn nên nếu không minh bạch thông tin thì sẽ khó có thể có giải pháp xử lý tốt. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần khẳng định qua các cuộc họp. Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân.

Gần 3 tháng qua, các giải pháp, biện pháp mạnh của Chính phủ nhằm ngăn ngừa Covid-19 đã nhất quán quan điểm đó và nỗ lực, kết quả của chúng ta luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Mới nhất là tại cuộc tiếp kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 14-3, ông Kidong Park - đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta. Đại diện WHO bày tỏ ấn tượng về hai chiến lược mà Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đang thực hiện là “4 tại chỗ” và nguyên tắc cách ly.

Để có được những đánh giá đó, ngoài các giải pháp y tế, còn là hiệu quả từ việc minh bạch thông tin. Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan báo chí thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách phòng ngừa Covid-19. Đó là những thông tin có trách nhiệm với cộng đồng, chứ không phải là che giấu thông tin hay “thích gì nói nấy” như những gì thấy trên mạng xã hội thời gian gần đây. Minh bạch thông tin còn phải từ phía người dân, đặc biệt là những ai đã từng  ở hay đi qua vùng dịch, từng tiếp xúc với nguồn lây, người tiếp xúc của tiếp xúc. Bởi sự thiếu minh bạch, thậm chí thiếu trung thực như trường hợp bệnh nhân số 17 sử dụng hai hộ chiếu và không khai báo y tế đầy đủ để vượt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng đã đem lại hậu quả không nhỏ cho bản thân, người thân của mình và cho cả xã hội.

Trên quan điểm “chống dịch như chống giặc”, từ đó phải công khai, minh bạch, đồng thời cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nắm thông tin trung thực từ mỗi người dân trong phòng, chống dịch, từ ngày 10-3, Chính phủ đã vận động người dân khai báo y tế tự nguyện. Đây chính là cơ sở để Chính phủ đưa ra những quyết định và hành động kịp thời nhằm ngăn chặn dịch ngay từ mầm mống. Có thể hiểu, đó là việc làm rất nhỏ đối với mỗi cá nhân, nhưng mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng. Do vậy, mỗi người dân cần phải xác định việc tự nguyện khai báo sức khỏe vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ. Việc thông tin sớm sẽ giúp người có nguy cơ được chẩn đoán bệnh, cách ly sớm và dịch không có cơ hội bùng phát. Trong nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ một công dân thiếu sự hợp tác sẽ gây họa khó lường.

Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát chưa có điểm dừng. Ngăn chặn và đối phó với dịch bệnh chết người này rõ ràng không phải là công việc của riêng ai, mà đòi hỏi trách nhiệm và sự chung tay của mỗi người dân. Vì thế, đây là thời điểm để phát huy “kháng thể vi rút” chia sẻ, đồng cảm; thay vì gieo rắc “vi rút sợ hãi” như mạng xã hội đã làm trong những ngày qua. Cùng với đó, như ông Kidong Park đề nghị, cần chú ý giảm thiểu sự kỳ thị đối với những người mắc Covid-19, tránh lan truyền thông tin cá nhân, nhạy cảm của người bệnh trên mạng xã hội, làm cho những người khác có thể sẽ không khai báo đúng về tình trạng bệnh. Đó chính là cách để bảo vệ bản thân và gia đình tốt nhất.

Xin đừng thêm những “nhát dao” trên bàn phím để xã hội thêm yên bình; để đội ngũ những người trên tuyến đầu chống dịch là các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội, bảo vệ dân phố… thêm vững lòng. Đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm công dân mà mỗi cá nhân có thể làm để sớm đẩy lùi dịch Covid-19, trả lại nhịp sống thường nhật tới mọi người, mọi nhà.
Theo Đan Nhiễm/HNM

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X