Trải qua 823 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự giữa sào huyệt địch, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ trại Davis đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
>>Trại Davis và ký ức vị đại tá những ngày chiến đấu giữa lòng Sài Gòn
>>Trại Davis và ký ức vị đại tá những ngày chiến đấu giữa lòng Sài Gòn
Sau 45 năm đại thắng mùa xuân 1975, ông Trần Trung Đệ, một trong những nhân chứng sống đã có những chia sẻ về ngày tháng hoạt động trong trại Davis giữa lòng địch.
Từ việc dùng lính dù đe dọa ngày đêm
Sinh năm 1935, dù ở vào tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng giọng nói của người lính Trần Trung Đệ vẫn sang sảng, cùng với sự minh mẫn tuyệt vời khi gợi nhớ lại những ngày tháng hào hùng của “Trại Davis”.
Ông Trần Trung Đệ, một nhân chứng sống của Trại Davis giờ đây về vui thú điền viên cùng con cháu ở Sài Gòn, nơi ông từng hoạt động cho ngày thống nhất đất nước. Ảnh: Hồ Văn
Quê ở Bến Tre, ông là lính tập kết ra Bắc tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Tôi còn nhớ, năm 1964 khi đang trên đường đi B thì được gọi trở lại miền Bắc chờ nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, tôi được điều vào trại Davis khi đó vừa được thành lập (ngày 28/1/1973) và hoạt động đúng 60 ngày khi tôi đặt chân đến” ông Đệ nhớ lại.
Vào trại với cấp bậc Thiếu úy, ông Đệ được giao nhiệm vụ ở bộ phận phiên dịch vì biết tiếng Nga. Vài tuần sau, ông lại nhận nhiệm vụ ở Ban chính trị, phân phối sách báo, tạp chí và phim ảnh cho anh em trong trại.
“Anh em chúng tôi khi vào trại Davis nhận ra ngay sự gian trá và những chiêu trò đe dọa, áp đảo tinh thần có chủ đích, khi họ bố trí cho ta ở ngay giữa lòng sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi nhận định, họ cho ta vào thế tứ bề thọ địch, không khác gì bắt làm con tin, khi cần thì tiêu diệt nhanh”, ông Đệ nhớ lại.
Theo ông Đệ, địch bố trí trại Davis của ta đối diện với trại lính dù, một đơn vị khét tiếng tàn bạo. Ở đó, giàn lỗ châu mai với các ụ súng máy luôn chĩa thẳng vào. Các lính dù thường xuyên sử dụng chiêu kéo cò súng “tách tách”, cố ý để anh em trong trại nghe sẽ giật mình.
Đối lại chiêu đe dọa này, những người lính Cụ Hồ thản nhiên “nghe mà như không nghe, thấy mà như không thấy” khiến đối phương phải bỏ chiêu trò này.
Căng nhất là những lần tập thể dục buổi sáng, anh em trong trại thường hô khẩu hiệu “rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ Quốc…”. Phía bên lính dù cũng ra tập và hô vang “nhảy dù diệt Cộng sản…”.
“Nghe thì cũng tức, nhưng anh em luôn quán triệt tư tưởng giữ vững thần thái, không thèm quan tâm đến các chiêu trò kích động của chúng”, ông Đệ kể lại.
Chiêu trò khó khăn nhất là cắt nước, cúp điện vì... “lý do kỹ thuật”. Để đối phó lại, anh em đào giếng lấy nước, còn cúp điện thì sử dụng nến thắp sáng.
Tuy nhiên, khi đào giếng, chúng cho máy bay trực thăng quần thảo trên trại, phát loa vu khống “Cộng sản đào hầm ngầm trong sân bay”. Để giảm bớt căng thẳng, việc đào giếng phải ngưng lại.
Cuối cùng, trưởng trại của ta là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn mời Chuẩn tướng của họ là Phan Hòa Hiệp vào tham quan khu ăn uống của anh em, dẫn ông ta đi thăm giếng đào và giải thích không phải đào hầm.
"Sau chuyến thăm đó, phía địch không còn sử dụng chiêu trò cắt nước, cúp điện”, ông Đệ hồi tưởng lại.
Đến sử dụng chiêu “máy bay trục trặc kỹ thuật”
Theo hiệp định cam kết, mỗi tuần vào thứ 6 phía Mỹ điều máy bay C130 để chở người của phái đoàn miền Bắc ra Hà Nội thay quân hoặc chuyển thư từ, sách báo. Các ngày thứ 2, thứ 5 trong tuần, chính quyền Sài Gòn cử 2 trực thăng/chuyến chở người của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam về thủ phủ giải phóng Lộc Ninh để thay quân và nhận tiếp tế nhu yếu phẩm.
Theo ông Đệ, địch cũng lợi dụng việc này để gây khó khăn và thử thách cũng như khích tướng tinh thần của phái đoàn ta.
“Trại Davis” trận địa cách mạng kiên cường giữa sào huyệt địch. Ảnh chụp lại tư liệu
Rất nhiều chuyến bay của C130 khi bay ra gần đến sân bay Gia Lâm, Hà Nội thì không hạ cánh mà quay lại Sài Gòn với lý do “máy bay trục trặc kỹ thuật”, không thể hạ cánh.
Các chuyến bay bằng trực thăng về Lộc Ninh, địch cũng thường xuyên dùng chiêu trò này để gây bức xúc cho anh em trong trại. Những trò khích tướng này chúng thường xuyên sử dụng khi trên chiến trường họ bị thua và thất thế.
Ông Đệ hồi tưởng lại chính mình cũng bị địch dùng chiêu trò này để tạo áp lực cho ông và đồng đội.
Đó là lần ông cùng một lãnh đạo trại được giao nhiệm vụ về Lộc Ninh báo cáo tình hình với cấp trên. Khi lên máy bay, chúng dùng chiêu trò “quên” đóng cửa trực thăng phía phái đoàn ta ngồi, bay gần đến Lộc Ninh thì không hạ cánh với lý do kỹ thuật…
“Lúc đó, anh em chúng tôi chỉ lặng nhìn nhau, kiểm tra và thắt dây an toàn cẩn thận mà không hề phản ứng hay tỏ thái độ gì - dù trong lòng ai cũng bực tức. Nói thật, anh em hoạt động giữa sào huyệt địch rất thèm cảm giác gặp người của mình, gặp bạn bè, người thân từ các chuyến bay đó, chưa kể là có những chuyện cơ mật cần báo cáo lên cấp trên...
Nhưng trên tất cả, anh em đều biết rõ nếu phản kháng là rơi vào bẫy và thất thế trong đấu tranh ngoại giao quân sự”, lời ông Đệ.
Cũng theo ông Đệ, ngoài đối phó với các chiêu trò khích tướng thì anh em trong trại luôn đề phòng mỗi lần địch cung cấp lương thực, thực phẩm theo yêu cầu của phái đoàn ta.
Vì vậy, anh em trong trại cũng nảy ra sáng kiến nuôi cá cảnh để kiểm nghiệm nước trước khi sử dụng; nuôi động vật để kiểm nghiệm thực phẩm trước khi ăn…
Tuy vậy, ông Đệ khẳng định chưa hề xảy ra chuyện có độc trong thức ăn dù người cung cấp thức ăn là của phía bên kia… Nhưng, nguyên tắc hoạt động luôn phải đề phòng trước những âm mưu của địch.
Theo Hiệp định Paris, các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam sẽ cử đại diện để thành lập Ban liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên… với nhiệm vụ đảm bảo phối hợp hành động của các bên thực hiện các điều khoản về quân sự mà Hiệp định quy định.
Về phía ta, đã tổ chức thành lập hai đoàn đại biểu quân sự: Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, do Thiếu tướng Lê Quang Hòa làm trưởng đoàn; Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do Trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn.
Hai đoàn đại biểu này được phía địch chỉ định đóng quân trong một trại lính cũ giữa lòng Sân bay Tân Sơn Nhất, còn được gọi là “Trại Davis”. Trại được thành lập ngày 28/1/1973 và kết thúc nhiệm vụ, giải thể ngày 30/4/1975.
Còn nữa
Phong Thuận (Vietnamnet)