Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, April 04, 2020 , 0 bình luận

Châu Âu và Mỹ tiếp tục là điểm nóng Covid-19, số ca nhiễm nCoV toàn cầu lên gần 1,1 triệu, với gần 59.000 ca tử vong.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.094.068 ca nhiễm và 58.787 người chết do nCoV tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 82.578 và 5.924 so với hôm qua. 225.796 người đã bình phục, chủ yếu ở Trung Quốc. 
Nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân ở New York ngày 3/4. Ảnh: AFP

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo người Mỹ dùng "khẩu trang vải, không phải khẩu trang y tế" để phòng ngừa virus lây lan. Trump nhấn mạnh khẩu trang y tế nên được dự trữ cho y bác sĩ.Mỹ báo cáo 273.880 ca nhiễm, tăng 28.667 ca. Số ca tử vong là 7.077, tăng 1.094 ca. Thống đốc Andrew Cuomo cho biết New York đã trải qua ngày chết chóc khi ghi nhận thêm 562 ca tử vong, nâng tổng số người chết toàn bang lên 2.935 trong hơn 102.000 ca nhiễm.
Italy phát hiện thêm 4.585 ca nhiễm và 766 người tử vong, tổng số người nhiễm và chết lần lượt là 119.827 và 14.681. Với số liệu mới, số ca nhiễm ở Italy đã vượt Tây Ban Nha, trở lại vị trí vùng dịch lớn thứ hai thế giới.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua giảm nhẹ so với con số 4.668 hôm trước. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Italy nằm trong khoảng 4.000 - 4.800. Chính phủ nước này hy vọng dịch đã đạt đỉnh và dự kiến giảm trong tương lai gần. Số ca nhiễm mới nhiều nhất được ghi nhận tại Italy là 6.557 vào ngày 21/3.
Hai nghiên cứu mới cho biết số người chết vì nCoV tại Italy có thể cao hơn báo cáo do nhiều người qua đời mà không được xét nghiệm nên không được đưa vào danh sách. Trong số đó, có nhiều người cao tuổi chết tại nhà hoặc các viện dưỡng lão.
Tây Ban Nha xác nhận 119.199 người nhiễm và 11.198 người chết sau khi ghi nhận thêm 7.134 ca nhiễm và 850 ca tử vong - mức tăng thấp hơn ngày hôm trước. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ để ngăn Covid-19 như áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3 đến 11/4, bất chấp thiệt hại nặng nề với nền kinh tế.       
Đức vẫn là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu khi ghi nhận thêm 6.365 ca nhiễm và 168 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt 91.159 và 1.275. Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức nói rằng tốc độ lây lan đã chậm hơn, cho thấy các biện pháp ngăn nCoV đã phát huy hiệu quả.       
Chính phủ Đức yêu cầu dân chúng không ra khỏi nhà trừ khi có lý do đặc biệt như đi mua nhu yếu phẩm, có các cuộc hẹn y tế hoặc tập thể dục. Dân Đức bị cấm tập hợp quá 2 người và được yêu cầu luôn giữ khoảng cách 1,5 m với người khác. Các địa phương có quyền phạt tiền những người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch.
Anh ghi nhận thêm 4.450 ca nhiễm và 684 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 38.168 và 3.650. Số người chết ở nước này đã vượt Trung Quốc. Anh và Đức đang xem xét cấp "hộ chiếu miễn dịch" cho người nhiễm nCoV đã khỏi để giúp họ sớm quay lại cuộc sống bình thường.       
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Tại châu Á, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, sau Trung Quốc, với 53.183 ca nhiễm và 3.294 ca tử vong sau khi xác nhận thêm 2.715 ca nhiễm và 134 trường hợp tử vong.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 3.333 ca nhiễm và 53 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 181 người chết trong 1.986 người nhiễm. Philippines báo cáo 3.018 ca nhiễm và 136 người chết, số liệu ở Thái Lan lần lượt là 1.978 và 19.
Phương Vũ (vnexpress theo AFP/Worldometers)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X