Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, April 10, 2020 , 0 bình luận

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã nhận định: “Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ”(1). Và sau khi chỉ ra những hạn chế, yếu kém, Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ...”(2). Để làm sáng tỏ vấn đề này, cần tìm hiểu lược sử ra đời, phát triển và dự báo sự tiêu vong của kinh tế thị trường và giải đáp những thắc mắc liên quan đến chủ đề này.

Bốc, xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu _Ảnh: Tư liệu


Sự ra đời, phát triển và tiêu vong của thị trường và kinh tế thị trường

Đây là một quá trình lịch sử tự nhiên. Trong tác phẩm “Bàn về cái gọi là vấn đề thị trường” V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản, có hai nhân tố quan trọng: 1- Sự chuyển hóa nền kinh tế tự nhiên của những người trực tiếp sản xuất thành nền kinh tế hàng hóa và 2- Sự chuyển hóa nền kinh tế hàng hóa thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa (TBCN). Sự chuyển hóa thứ nhất xảy ra là do xuất hiện sự phân công xã hội - nghĩa là sự chuyên môn hóa những ngành sản xuất cá thể riêng lẻ... sự chuyển hóa thứ hai xảy ra là do những người sản xuất riêng lẻ, trong khi từng người riêng rẽ sản xuất hàng hóa cho thị trường, thì đã ở vào các quan hệ cạnh tranh với nhau: Người nào cũng cố bán đắt hơn, mà mua thật rẻ - kết quả tất yếu của việc đó là người mạnh thì mạnh thêm, người yếu thì suy sụp đi, một số ít giàu có lên và quần chúng thì bị phá sản, khiến cho những người sản xuất độc lập biến thành công nhân làm thuê và số đông những doanh nghiệp nhỏ biến thành một số ít những xí nghiệp lớn. Quá trình trên gắn với sự ra đời của thị trường và kinh tế thị trường (KTTT). V.I. Lê-nin đã minh họa 2 quá trình đó bằng sơ đồ gồm 6 nhà sản xuất và 6 thời kỳ. Để đơn giản hóa ở đây, chúng tôi chỉ xét một số thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất: Có 6 người sản xuất, mỗi một người đều tiêu phí lao động của mình trong tất cả 3 ngành (a, b, c). Sản phẩm làm ra (mỗi người sản xuất được 9: a + b+ c = 9) đều cho bản thân mỗi người tiêu dùng trong kinh tế riêng của mình, đó là hình thức kinh tế tự nhiên thuần túy; không có một sản phẩm nào được đưa ra thị trường, tức là chưa có thị trường.

Thời kỳ thứ hai: Những người sản xuất I, III và V do thay đổi năng suất lao động của mình: Bỏ ngành công nghiệp b và dùng thời gian trước kia sử dụng trong ngành đó vào ngành c; còn những người sản xuất II, IV, VI tập trung vào ngành b và bỏ ngành c. Những người sản xuất I, III, V bán 1c mua 1b, còn những người sản xuất II, IV, VI bán 1b mua 1c. Như vậy, tổng số có 6 đơn vị hàng hóa được đưa ra thị trường. Quy mô thị trường phù hợp hoàn toàn với trình độ chuyên môn hóa lao động xã hội. Việc sản xuất 1/9 tổng sản xuất xã hội đã được chuyên môn hóa và 1/9 tổng sản phẩm xã hội được đưa ra thị trường, tức là đã xuất hiện thị trường, là lĩnh vực trao đổi hàng hóa.

Thời kỳ thứ ba: Sự phân công xã hội tiếp tục phát triển và thị trường không ngừng mở rộng.

Thời kỳ thứ tư: Bắt đầu quá trình chuyển sản xuất hàng hóa thành sản xuất TBCN. Một số ít người trở nên giàu có, bắt đầu thuê mướn nhân công, những người khác chỉ sản xuất tự túc một phần, một phần thời gian phải đi làm mướn.

Thời kỳ thứ năm: Tiếp diễn tình hình thời kỳ thứ tư.

Thời kỳ thứ sáu: Sự chuyên môn hóa các nghề nghiệp, tức là sự phân công lao động xã hội đã hoàn thành. Người sản xuất I thành nhà tư bản chuyên sản xuất ở ngành a, người sản xuất III thành nhà tư bản chuyên sản xuất ở ngành b, người sản xuất V thành nhà tư bản chuyên sản xuất ở ngành c, còn những người sản xuất khác (II, IV, VI) trở thành công nhân làm thuê(3).

Từ thời kỳ thứ hai đã xuất hiện thị trường, nhưng mỗi người sản xuất vẫn tiêu dùng một bộ phận lớn sản phẩm do chính mình làm ra và vẫn theo sự vận động H-T-H, vẫn là sản xuất nhỏ nên chưa có KTTT. Đến thời kỳ thứ sáu, sản xuất hàng hóa đạt trình độ cao và vận động theo công thức T-H-T’, toàn bộ các yếu tố đầu vào của sản xuất (kể cả sức lao động) và toàn bộ sản phẩm đầu ra đều được mua bán trên thị trường, do đó mới thực sự là KTTT. (Cũng có một số xí nghiệp TBCN tiêu dùng trực tiếp một bộ phận sản phẩm của chính mình, nhưng số lượng đó không đáng kể).

So sánh KTTT với sản xuất hàng hóa nhỏ C. Mác viết: “Hãy thử so sánh một người Phéc-mi-ê cận đại xứ Hạ Xcốt-len với một người tiểu nông kiểu cũ trên đại lục châu Âu. Người Phéc-mi-ê bán toàn bộ sản phẩm của mình, và vì vậy trên thị trường phải hoàn lại tất cả các yếu tố sản xuất của anh ta, cho đến cả hạt giống nữa; còn người tiểu nông thì tiêu dùng trực tiếp đại bộ phận sản phẩm của mình; anh ta mua và bán càng ít càng tốt, và trong chừng mực có thể, anh ta còn tự chế tạo lấy công cụ lao động, quần áo...”(4).

Tính ưu việt của KTTT TBCN là thúc đẩy sức sản xuất của lao động phát triển ngày càng cao và trình độ xã hội hóa lao động ngày càng sâu rộng. Nhưng KTTT TBCN dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nên đến một trình độ nhất định mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa lao động với sở hữu tư nhân TBCN sẽ diễn ra gay gắt, trở thành xiềng xích cản trở sự phát triển sức sản xuất, đòi hỏi phải xã hội hóa (hay công hữu hóa) tư liệu sản xuất và chuyển sang KTTT XHCN. Lực lượng sản xuất tuy đã phát triển cao nhưng của cải vẫn chưa “tuôn ra dào dạt” để phân phối theo nhu cầu của mọi thành viên xã hội nên còn phải phân phối theo lao động. Ở đây, “thời gian lao động sẽ đóng một vai trò hai mặt. Việc phân phối thời gian lao động theo một kế hoạch xã hội sẽ quy định một tỷ lệ đúng đắn giữa các chức năng lao động khác nhau và các nhu cầu khác nhau. Mặt khác, thời gian lao động đồng thời cũng dùng để đo phần tham gia của cá nhân người sản xuất vào lao động chung và do đó, cả cái phần tham dự của anh ta vào bộ phận có thể sử dụng cho tiêu dùng cá nhân trong toàn bộ sản phẩm”(5).

Nhưng đây là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản (tức là chủ nghĩa xã hội), không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội TBCN, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra... rõ ràng rằng ngự trị ở đây cũng vẫn là cái nguyên tắc đã điều tiết sự trao đổi hàng hóa trong chừng mực đó là một sự trao đổi những giá trị ngang nhau nhưng nội dung và hình thức có đổi khác, vì trong những điều kiện đã thay đổi thì không ai có thể cung cấp một cái gì khác ngoài lao động của mình, và ngoài những vật phẩm tiêu dùng cá nhân ra, không còn cái gì khác có thể trở thành sở hữu của cá nhân được. Nhưng đối với việc phân phối những vật phẩm ấy giữa từng người sản xuất thì thống trị ở đây, cũng vẫn là cái nguyên tắc trong việc trao đổi những hàng hóa - vật ngang giá; một số lượng lao động dưới một hình thức này được đổi lấy cùng một số lượng lao động dưới một hình thức khác. Ở đây, với một công việc ngang nhau và do đó, với một phần tham dự như nhau vào quỹ tiêu dùng của xã hội thì trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia, nghĩa là không bình quân(6).

Điều khác nhau cơ bản giữa KTTT TBCN và KTTT xã hội chủ nghĩa (XHCN) là trong KTTT XHCN (đã hoàn thiện), tư liệu sản xuất thuộc các chủ sở hữu công cộng và giá trị thặng dư cũng thuộc sở hữu chung. Sau khi dành phần tích lũy để tái sản xuất mở rộng, lập quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và nộp các nghĩa vụ cho nhà nước, phần còn lại được phân phối theo mức đóng góp lao động của mỗi thành viên.

Theo sự phát triển tuần tự, quá trình lịch sử tự nhiên nói trên diễn ra dưới sự cai quản của nhà nước tư sản. Nếu cách mạng vô sản thành công ở những nước TBCN đã có nền KTTT phát triển cao thì nhà nước cách mạng chỉ cần kế thừa thành tựu của xã hội cũ và chuyển sang nền KTTT XHCN. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, cách mạng lại thành công ở một nước mà tiểu nông chiếm ưu thế thì nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần học tập chủ nghĩa tư bản để thúc đẩy quá trình lịch sử tự nhiên ấy. Do quá trình này không diễn ra dưới chế độ TBCN nên được coi là quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua chế độ TBCN. Chính vì vậy, V.I. Lê-nin nhấn mạnh, phải “lợi dụng những yếu tố về tài năng tổ chức, về vốn hiểu biết kỹ thuật mà xã hội trước đã tích lũy được; những yếu tố mà chín phần mười, và có thể là chín mươi chín phần trăm, lại thuộc về giai cấp đối lập một cách thù địch với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”(7). “Phải học tập chủ nghĩa xã hội phần lớn ở những người lãnh đạo các tơ-rớt, phải học tập chủ nghĩa xã hội ở những nhà tổ chức lớn nhất của chủ nghĩa tư bản. Điều đó không phải là ngược đời...”(8).

Như vậy, KTTT ra đời và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhưng không mất đi cùng chủ nghĩa tư bản mà được kế thừa trong chủ nghĩa xã hội, song có một số biểu hiện mới.

C. Mác đã dự báo: Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự sẽ trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí mà chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào tiến bộ kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất. Hệ thống máy móc tự động sẽ từng bước thay thế hầu hết lao động trực tiếp. Một khi lao động dưới hình thái trực tiếp không còn là nguồn gốc của của cải nữa thì nền sản xuất dựa trên giá trị trao đổi sẽ bị sụp đổ(9). Nghĩa là khi ấy sẽ không còn kinh tế hàng hóa và KTTT nữa.

Sản xuất ô tô bằng dây chuyền tự động _Ảnh: tư liệu

Những thắc mắc cần được giải đáp để nhận thức đúng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đối lập chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, từ đó đối lập kinh tế thị trường với chủ nghĩa xã hội

Có ý kiến cho rằng, nếu định hướng XHCN là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì xét cho cùng, không khác gì xã hội mà các nước TBCN phát triển hiện đại đang thực hiện. Kinh tế thị trường về bản chất là hệ kinh tế với chính thể là tư bản, do đó có mâu thuẫn không dung hòa giữa KTTT với chủ nghĩa xã hội và định hướng XHCN. Vì thế những luận giải về KTTT định hướng XHCN chỉ là chiếc mũ tàng hình để giới nghiên cứu lẩn tránh, khỏi phải đối mặt với mâu thuẫn nội tại giữa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hay lảng tránh vấn đề: làm thế nào đi trên con tàu KTTT tư bản lại có thể tới đích XHCN(10).

V.I. Lê-nin đã nhấn mạnh: “Mác không tưởng tượng ra, nghĩ ra một xã hội “mới” nào cả. Không, Mác nghiên cứu sự phát sinh của xã hội mới từ xã hội cũ, nghiên cứu những hình thức quá độ từ xã hội này chuyển sang xã hội kia, coi đó là một quá trình lịch sử tự nhiên vậy”(11). Người đã nhiều lần phê phán thói quen đem chủ nghĩa tư bản ra đối lập với chủ nghĩa xã hội một cách trừu tượng, không thấy tính kế thừa lịch sử. Người đã chỉ rõ: Chính sự phát triển cao của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những tiền đề cho chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, “chúng ta không hình dung một thứ chủ nghĩa xã hội nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở tất cả những bài học mà nền văn minh lớn của chủ nghĩa tư bản đã thu được”(12). Và “chủ nghĩa xã hội đâu phải là điều bịa ra, mà nó là kết quả của việc đội tiền phong của giai cấp vô sản, sau khi cướp được chính quyền, nắm lấy và vận dụng những cái mà các tơ-rớt đã tạo ra”(13).

Cần lưu ý: Nói KTTT định hướng XHCN là nói tắt, còn nói đầy đủ là KTTT có sự quản lý (hay điều tiết) của nhà nước, tức là từ nền KTTT hỗn hợp (mixed market economy) lên chủ nghĩa xã hội, chứ không phải từ nền KTTT tự do cạnh tranh (free market economy) lên chủ nghĩa xã hội. Nền KTTT tự do cạnh tranh chịu sự điều tiết tự phát của các quy luật của KTTT (mà A. Smith gọi là “bàn tay vô hình”) thì phân phối theo các quyền sở hữu và quyền chiếm hữu các yếu tố của sản xuất nên tất yếu dẫn đến sự phân cực giàu và nghèo ngày càng xa, chỉ có thể dẫn đến chủ nghĩa tư bản. Nhưng nền kinh tế hỗn hợp còn chịu sự điều tiết phân phối lại của nhà nước (mà ngày nay gọi là “bàn tay hữu hình”) thì có thể đi theo những định hướng tùy thuộc bản chất của nhà nước. Nhưng sự điều tiết của nhà nước trong điều kiện còn tồn tại chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất có giới hạn chật hẹp, muốn thực hiện đầy đủ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì phải kế thừa những thành tựu đã đạt được để khắc phục mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tức là phải chuyển lên chủ nghĩa xã hội.

Cũng không được đối lập KTTT với sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Khi khẳng định phân công lao động xã hội là điều kiện tồn tại của sản xuất hàng hóa, C. Mác đồng thời nhấn mạnh rằng: Trong các công xã ở Ấn Độ hay trong các công xưởng hiện đại trong lao động đã có sự phân công xã hội, nhưng các sản phẩm của lao động trong nội bộ công xã hay công xưởng không trở thành hàng hóa và “chỉ có sản phẩm của những lao động tư nhân độc lập và không phụ thuộc vào nhau mới đối diện với nhau như là những hàng hóa”(14). Lao động tư nhân không đồng nghĩa với tư hữu. Lao động tư nhân độc lập có thể là lao động cá thể, có thể là lao động tổng thể (một xí nghiệp hợp tác, một công trường thủ công, một công xưởng, một liên hiệp xí nghiệp, kể cả những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước...) mà chỉ sản phẩm của cả tập thể mới trở thành hàng hóa. Xét trong phạm vi cả xã hội thì lao động cá thể hay lao động tổng thể ấy trước hết biểu hiện ra là một lao động tư nhân, sản xuất cho ai, sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào là do mỗi người lao động cá thể hay tổng thể ấy tự chủ quyết định và chỉ có thông qua trao đổi lao động tư nhân đó mới biểu hiện thành lao động xã hội, mới chứng tỏ lao động tư nhân đó được xã hội thừa nhận hay không: Vả lại, như C. Mác đã chỉ rõ: “Sự trao đổi hàng hóa bắt đầu ở nơi mà công xã kết thúc, ở những điểm nó tiếp xúc với các công xã khác hay với những thành viên của các công xã khác đó”(15), nghĩa là trao đổi hàng hóa bắt đầu từ quan hệ giữa hai đơn vị kinh tế công hữu. Và lịch sử đã chứng tỏ rằng, chính quan hệ trao đổi hàng hóa ấy đã làm xuất hiện sở hữu tư nhân.

Kinh tế thị trường đối lập với kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp nhưng không đối lập với kế hoạch hóa. Trình độ xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất đòi hỏi có sự điều tiết từ một trung tâm. Nhà nước đảm nhiệm vai trò trung tâm ấy mà kế hoạch hóa là một công cụ quan trọng để định hướng sự phát triển của KTTT, nhưng đó là kế hoạch hóa hướng dẫn, tôn trọng các quy luật của KTTT. Vì V.I. Lê-nin đã từng nhắc lại: “Khi người Đức thông qua cương lĩnh Ecphuya của họ, Ănghen đã nói rằng người ta không thể cứ tiếp tục giải thích như trước rằng chủ nghĩa tư bản là thiếu tính kế hoạch: Giải thích như vậy đã lỗi thời rồi, khi đã có những tơ-rớt thì không còn hiện tượng “thiếu tính kế hoạch nữa”(16).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta có bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Trong ảnh: Một góc Thành phố Hồ Chí Minh) _Ảnh: Tư liệu

Tóm lại, KTTT không đối lập với chủ nghĩa xã hội. Đi trên con tàu KTTT dưới tay lái của nhà nước của dân, do dân và vì dân với tốc độ ngày càng nhanh thì càng chóng tới đích XHCN.

Tại sao lại chỉ là định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa?(17)

Định hướng XHCN hàm ý đang tiến tới chủ nghĩa xã hội, hay nói cách khác là đang trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1921, khi có những người băn khoăn về việc đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, V.I. Lê-nin đã giải thích rằng danh từ đó có nghĩa là chính quyền Xô-viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới đó là chế độ XHCN. Cũng tương tự như vậy, danh từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chỉ biểu hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, chứ không có nghĩa là ở nước ta hiện nay đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội.

Chẳng khác là bao, tuy Trung Quốc xác định đã xong thời kỳ quá độ và đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn đang quá độ từ giai đoạn đầu sang giai đoạn cao, chứ chưa có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo khoa học Trung Quốc - Việt Nam “Chủ nghĩa xã hội: cái phổ biến và cái đặc thù”, Lý Thiết Ánh, Ủy viên Bộ Chính trị, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định: “Chế độ xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện, thể chế kinh tế thị trường và pháp chế dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa kiện toàn, những tàn dư của chủ nghĩa phong kiến, tư tưởng hủ bại của chủ nghĩa tư bản và thói quen sản xuất nhỏ vẫn tác động mạnh đến xã hội. Vì thế, chính những cái đó đã quyết định, trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội buộc phải trải qua một thời kỳ tương đối dài nhằm thực hiện xã hội hóa, thị trường hóa, hiện đại hóa nền công nghiệp và nền kinh tế. Đó là giai đoạn lịch sử không thể nóng vội đốt cháy”(18). Và “chúng tôi nhận thức một cách tỉnh táo rằng, giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội là một tiến trình lịch sử lâu dài, đầy gian nan phức tạp, tiến trình lịch sử đó chí ít là 100 năm. Về củng cố và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải có thời gian dài hơn nhiều, phải trải qua mấy thế hệ, mười mấy thế hệ, thậm chí mấy chục thế hệ con người không ngừng nỗ lực phấn đấu”(19).

Như vậy, do bối cảnh lịch sử cụ thể và truyền thống văn hóa của mỗi nước khác nhau nên diễn đạt cùng một vấn đề theo cách khác nhau, nhưng về thực chất có những nét tương đồng.

Theo sự suy nghĩ của chúng tôi, định hướng XHCN bao hàm một ý nghĩa thực tiễn, nó nhắc nhở mọi người tỉnh táo nhận rõ nước ta mới đang trên đường dài tiến lên chủ nghĩa xã hội; trong suốt quá trình đó lại gồm nhiều chặng đường, phải lưu ý bối cảnh đặc thù của mỗi chặng đường đó để có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm nâng cao sức sản xuất của lao động, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, tránh nóng vội, chủ quan muốn áp dụng ngay những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội hoàn thiện, như xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân TBCN, xóa bỏ bóc lột giá trị thặng dư... khi điều kiện chưa chín muồi./.

------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 67, 101
(3) Xem: V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1974, t. 1, tr. 107 - 114
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 24, tr. 176
(5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tậpSđd, 1993, t. 23, tr. 125
(6) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tậpSđd, 1995, t. 19, tr. 33 – 35
(7), (8) V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, 1977, t. 36, tr. 164, 170
(9) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tậpSđd, 2000, phần II, t. 46, tr. 368 - 370
(10) Xem: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”, Hội đồng Lý luận Trung ương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đồng tổ chức, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2009, tr. 37, 44 - 46
(11) V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, 1976, t. 33, tr. 59 - 60
(12), (13) V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, 1977, t. 36, tr. 334, 382
(14), (15) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 23, tr. 72, 138
(16) Xem: V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, t. 31, tr. 439 - 440 (đọc thêm C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tậpSđd, 1995, t. 22, tr. 341)
(17) Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”Tlđd, tr. 51
(18), (19) Hội thảo khoa học Trung Quốc - Việt Nam “Chủ nghĩa xã hội: Cái phổ biến và cái đặc thù”, Bắc Kinh, ngày 13-6 và ngày 14-6-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 22, 24

GS,TS Đỗ Thế Tùng

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X