Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, April 05, 2020 , 0 bình luận

Giữa lúc trận chiến chống dịch Covid-19 lên cao, gác lại bút nghiên, những học viên Học viện Biên phòng lên chốt biên giới Lào Cai tham gia chống dịch. Họ từ những vùng quê khác nhau nhưng cùng chung ý chí vượt khó, để rèn luyện bản thân, sát cánh cùng đồng đội chống giặc Covid-19, bảo vệ bình yên cho nhân dân.


Chúng tôi gặp Thượng sĩ Lê Hoàng Phúc, học viên lớp 22B, chuyên ngành Quản lý bảo vệ biên giới, Học viện Biên phòng ở chốt chống dịch Covid-19 Cửa Suối, thuộc Đồn biên phòng A Mú Sung, tuyến biên giới cực bắc của tỉnh Lào Cai. Gọi là chốt, thực ra đó là chỉ là chiếc nhà bạt dã chiến, với tám ô cửa vuông và cửa lớn ở chính giữa, trong đó đủ kê hai tấm phản ghép vội bằng gỗ, với chăn màn của người lính để làm chỗ chợp mắt qua đêm, vì liên tục thay phiên đi tuần biên, vào bản hướng dẫn đồng bào cách đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, giữ vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.
Đôi bạn học viên Học viện Biên phòng (Phúc và Đạt) ở chốt chống dịch thuộc Đồn biên phòng A Mú Sung (Lào Cai )

“Gần một tháng nay, em và các đồng đội thường xuyên bám trụ ở đây, không về đồn, dù chỉ cách đó mấy cây số, để bám biên, chống dịch”- thượng sĩ Phúc chia sẻ. Trung tá chốt trưởng Vũ Trung Hoan nói vui: mỗi người một phản gỗ với hai ô cửa vuông của nhà bạt đã chiến, với cái bát và đôi đũa, đó là toàn bộ cuộc sống của người lính biên phòng cắm chốt chống dịch Covid-19. Bởi ở đây, không ti vi, không sóng điện thoại, ban đêm chỉ có ánh sáng phát ra từ cục ắc quy với chiếc bóng đèn nhỏ xíu, anh em phải thay nhau vác cục ắc-quy nặng về đồn để sạc cho đầy, rồi lại vác ra để ban đêm có ánh sáng, đỡ rắn rết bò vào và cũng để xử lý các tình huống xảy ra ở chốt.

Thượng sĩ Phúc hướng dẫn người dân địa phương cách phòng, chống dịch Covid-19.

Giữa trưa, gió từ sông Hồng thổi ràn rạt, khá lạnh, Thượng sĩ Phúc vẫn cố dùng mảnh bạt chắn gió để chụm củi, nấu ấm nước sôi mời chúng tôi chén nước. Anh kể, từ đầu tháng 3, khi trận chiến chống dịch Covit-19 căng thẳng, anh cùng 70 học viên khác ở Học viện Biên phòng được điều động lên tuyến biên giới Lào Cai tăng cường chống dịch. Ngày 6-3, thượng sĩ Phúc có mặt ở Đồn biên phòng A Mú Sung, tham gia chống dịch ở chốt Cửa Suối, trên bờ sông Hồng, ngay sát biên giới. Những ngày đầu chưa quen địa hình, khí hậu và ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy… nên cũng bỡ ngỡ, khó khăn trong giao tiếp trong công việc tuyên truyền vận động. Được các chú, các anh ở Đồn biên phòng A Mú Sung chỉ bảo, giúp đỡ, thượng sĩ Phúc đã dần “bắt nhịp” với cuộc sống thực tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng ngày, Phúc cùng đồng đội thay nhau chốt trực 24/24 ở đường biên nơi Cửa Suối để kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép; truy bắt đối tượng buôn bán ma túy qua biên giới; xuống thôn bản tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số “ăn chín uống sôi”, giữ vệ sinh môi trường, ở nhà cách ly, không tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Thượng sĩ Phúc là người dân tộc Tà Ôi, quê ở xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Học xong Trường thiếu sinh quân ở Quân khu 4, Phúc được điều về Đồn biên phòng A Đớt, thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng Thừa Thiên-Huế, rồi được cử đi học ở Học viện biên phòng. Từ ngày 6-3, anh cùng 70 học viên khác của Học viện tăng cường lên tuyến biên giới Lào Cai chống dịch. Cùng với Phúc, ở chốt Cửa Suối có trung sĩ Vũ Văn Đạt, quê ở xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; hai chàng lính trẻ dưới sự chỉ huy của Chốt trưởng Vũ Trung Hoan, ngày đếm bám biên để chống dịch, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Ở chốt Nậm Chạc, tôi gặp Trung sĩ Hoàng Văn Khương, học viên lớp 22A chuyên ngành phòng chống ma túy và tội phạm, Học viện Biên phòng. Gác lại bút nghiên, lên biên giới Lào Cai, trung sĩ Khương được chỉ huy Đồn biên phòng A Mú Sung phân công “cắm” ở chốt Nậm Chạc. Khương kể, tốt nghiệp THPT em thi vào Học viện Biên phòng với điểm số cao, với ước muốn trở thành một sĩ quan biên phòng, ra trường được trở về quê hương ở miền biên giới huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Dương phục vụ lâu dài trong quân ngũ. Đúng vào kỳ thực tập năm cuối, em và các bạn học viên khác được tăng cường lên biên giới chống dịch Covid-19, đây cũng là dịp để chúng em sát thực tế, trưởng thành hơn trong công tác sau này. Trước khi lên chốt biên giới, các học viên đều được nhà trường tập huấn về công tác phòng chống dịch, kỹ năng tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số. “Từ kiến thức đã học ở trường, chúng em có điều kiện vận dụng vào thực tế, qua đó rèn luyện bản thân và củng cố kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ biên phòng tốt hơn”- Trung sĩ Hoàng Văn Khương tâm sự. Cũng chính ở đây, Trung sĩ Khương và các học viên Phúc, Đạt đã cùng với cán bộ, chiến sĩ đồn A Mú Sung tiếp nhận hơn 50 công dân Việt Nam trở về từ bên kia biên giới, các anh khám sàng lọc, phân loại và cùng với chính quyền địa phương thực hiện cách ly an toàn.
Khu vực biên giới do Đồn A Mú Sung quản lý nổi danh khí hậu khắc nghiệt, mùa đông rét thấu xương, quanh năm mây mù che phủ nên còn gọi là “a mờ sương”. Mùa này vẫn rét lạnh, khí hậu ẩm thấp, thiếu nước nên việc sinh hoạt rất khó khăn. Các học viên cắm chốt đêm đi tuần tra, ngày canh gác và thay nhau vào bản tắm giặt, chỉ có việc đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo mới được về Đồn. Vất vả nhưng Thượng sĩ Lê Hoàng Phúc nói: “ Khó khăn, gian khổ nhưng thấy các chú, các anh ở Đồn coi như cuộc sống hằng ngày của người lính biên phòng và đều vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì các học viên như chúng em, sao không chịu đựng được và vượt qua, làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các chú, các anh ở đây ngăn chặn dịch, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người”. Tôi tin điều đó, những chàng trai trẻ mang quân hàm xanh hôm nay trên chốt chống dịch sẽ trở thành những sĩ quan Biên phòng vững vàng trong tương lai phía trước.
Quốc Hồng (Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X