Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, April 17, 2020 , 0 bình luận

Để tìm hiểu chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành tự do, độc lập cho đất nước, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường đã tìm gặp nhiều cựu tù chính trị, cựu tù binh của “chế độ Việt Nam cộng hòa” trước đây. Và những câu chuyện người thật, việc thật không chỉ khiến anh kính phục, mà còn giúp anh hiểu rõ hơn về ý chí, tinh thần cánh mạng, cũng như bản lĩnh, lòng yêu nước và tình cảm của những người đã góp phần làm nên sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975 - 2020), nhà báo Nguyễn Quang Trường đã có bài viết gửi tới Báo Nhân Dân chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của anh khi được gặp gỡ những người con ưu tú của đất nước. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.


Cảnh giác với chiêu trò cổ vũ cho tổ chức xã hội dân sự độc lập



Trong cuộc sống, mỗi người đều có lựa chọn riêng, để sự tồn tại của mình trở nên có ý nghĩa, và chia sẻ, kết nối với người khác, với xã hội, lịch sử. Về Việt Nam, qua tiếp xúc, tôi thấy có hiện tượng, hình như khi đời sống kinh tế tốt lên, một số người có xu hướng ít muốn nhắc đến quá khứ, nhất là các giai đoạn khó khăn của đất nước. Riêng tôi, do điểm xuất phát có chút khác biệt với đa số người sống tại Việt Nam, cho nên từ lâu trong thâm tâm đã dấy lên nhu cầu "lội ngược dòng" tìm hiểu các giá trị lịch sử, giá trị truyền thống, giá trị văn hóa Việt. Nhu cầu đó với tôi là rất lớn, vì tôi là một người Việt xa Tổ quốc, thuộc thế hệ lớn lên ở nước ngoài. Gia đình tôi theo đạo Công giáo, đã di cư vào nam từ năm 1954. Cha tôi từng là sĩ quan "quân đội Việt Nam cộng hòa", sau ngày 30-4-1975, ông đã qua hơn sáu năm đi học tập cải tạo, năm 1994 cùng gia đình sang Mỹ theo chương trình H.O (Humanization Organization - Tổ chức nhân đạo). Riêng tôi thì đặc biệt hơn, vì năm 1988 tôi "vượt biên" qua Thái-lan, tháng 10-1991 thì đến Mỹ.
Ảnh chụp màn hình (Hải Anh-dautruongdanchu.org)

Tóm lại, tôi thuộc về thành phần "nhiều vấn đề". Một thời gian dài ở Mỹ, sống trong môi trường chính trị đầy thành kiến, đầy hận thù như ở Little Saigon (Sài Gòn Nhỏ), hấp thụ thông tin "chống cộng" một chiều của các "tổ chức đấu tranh" tôi từng tin vào "chính nghĩa quốc gia" của các cựu quân nhân "Việt Nam cộng hòa". Tháng 4 hằng năm, họ lại tụ họp cùng các "tổ chức đấu tranh" để tổ chức "tháng tư đen", ỉ ôi than khóc, gây quỹ đấu tranh cho "ngày quốc hận"! Từ năm 2004, khi chọn việc làm báo, tôi dần dần có một cái nhìn khác về sinh hoạt cộng đồng, về Việt Nam. Những câu hỏi về đất nước khiến tôi nghĩ mình phải trở về, tự tìm hiểu thực tế và đưa tin. Làm báo trong một cộng đồng mà các tổ chức chính trị khác biệt chính kiến, có thái độ cực đoan với Nhà nước Việt Nam, tôi cảm thấy bị áp đặt lối suy nghĩ thành kiến, sai lạc, thiếu thông tin. Bộ phận nổi trội trong giới truyền thông ở hải ngoại không thoát khỏi cách làm báo theo kiểu "kỹ nghệ chống cộng" để lừa mị, kích động hận thù. Họ làm báo song chủ yếu chạy theo động cơ chính trị của một số tổ chức cực đoan, lợi dụng chiêu bài "chống cộng" để vắt kiệt niềm tin đồng bào, và "dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam" không khác gì bi hài kịch trên một sân khấu ngày càng vắng khách. Ai có tiếng nói khác đều luôn bị họ chụp mũ, vu vạ. Họ dùng phương thức "biểu tình" mà thực chất là khủng bố, triệt hạ tiếng nói khách quan, trung thực về đất nước. Một số người nhân danh "chống cộng" để lập hội, nhóm chính trị, tự gắn cho mình "căn cước tị nạn chính trị" mà thực chất là họ trốn chạy khi đất nước đang trải qua những năm tháng khó khăn. Từ khi chọn nghề làm báo, môi trường tinh thần, lối hành xử báo chí một chiều ấy khiến tôi e ngại, băn khoăn, cũng như nhận ra sự bịp bợm, lạc lõng của số người ảo tưởng.
Những chuyến về Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2012 đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về sự thật. Tháng 6-2013, tôi quyết định về Việt Nam sinh sống và tác nghiệp, để được trực tiếp chạm vào những gì đang diễn ra trên quê hương. Năm 2017 tại Mỹ, tôi lập kênh youtube Văn hóa Việt Nam TV (VHVNtv) với tôn chỉ khách quan và trung thực. Nhưng, dù tôi đã thực hiện hàng nghìn video clips về văn hóa sống, văn hóa du lịch, văn hóa ẩm thực, văn hóa vùng miền,... tôi nghĩ vẫn còn nhiều điều mình chưa biết một cách chi tiết, cặn kẽ với nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, nhất là về thời kỳ trước đây của cách mạng Việt Nam. Tôi cho rằng, dù 45 năm đã qua thì nhân chứng lịch sử vẫn còn, chắc chắn các bác, các cô, chú nay 60, 70, 80 tuổi vẫn sống đâu đó khắp mọi miền đất nước. Tức là nhân chứng lịch sử vẫn còn, chuyện lịch sử vẫn hiện hữu trong tâm trí, thời gian chưa hẳn đã phai mờ trong ký ức của họ. Tôi muốn tự trả lời những câu hỏi đau đáu như: Thế nào là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước? Họ, các anh hùng trong chống Mỹ là ai? Trong thời bình, những con người bất khuất đã trải qua trại giam Côn Ðảo, Phú Tài, Phú Quốc sống như thế nào? Ðâu là giá phải trả bằng tính mạng, thân thể, gia đình, để có niềm vui chấm dứt chiến tranh, đất nước thống nhất? Trong sự ồn ã của cuộc mưu sinh, lựa chọn làm báo để được đi, tiếp xúc, gặp gỡ mọi thành phần trong xã hội, tôi thấy cần có thêm trải nghiệm thực tế và thực hiện những phóng sự, phỏng vấn nhân chứng lịch sử qua những câu chuyện người thật, việc thật. Tôi muốn đến những địa điểm, địa danh lịch sử để tìm kiếm hình ảnh sống thực hôm nay đối chiếu với tài liệu, sách vở, phim ảnh hôm qua. Không có tiếp cận nào thú vị bằng cách tự mình kiểm chứng lịch sử với phương pháp "oral history" (nghe kể chuyện bằng lời). Qua thu hình, lời trò chuyện, cảm xúc của nhân vật được tiếp xúc, tôi sẽ có cảm nhận một cách gần gũi, xác thực.
Và, dù năm tháng qua lâu rồi, trong chuyến đi của mình, tôi đã gặp nhiều nước mắt trong mỗi chuyện kể. Nhân chứng kể chuyện khóc. Người nghe cũng khóc. Với tôi, tất cả những con người, câu chuyện, nơi chốn ấy vẫn là một cái gì mới mẻ, lạ lẫm, kín như một căn phòng vẫn khóa kín cửa. Trong "căn phòng lịch sử" của 45 năm đó vẫn chứa đựng những điều tôi đã may mắn tự mình được nhìn, được nghe, được đặt tay vào và cảm nhận bằng giác quan của mình. Tôi đã vượt qua, không hề dễ dàng chút nào, cái "lằn ranh ý thức hệ quốc - cộng", để từ phía hải ngoại, ngược dòng về Việt Nam sống chan hòa, tận tụy, chân thành với những giá trị thật đang hiện hữu quanh tôi. Sau chuyến thăm Côn Ðảo tháng 10-2019 trở về TP Hồ Chí Minh, những hình ảnh, thông tin, con số, sự kiên cường, bất khuất của những người tù chính trị... "địa ngục trần gian" vẫn còn âm ỉ trong tâm trí. Ðọng lại trong tôi còn là hình ảnh khu nhà tù kiên cố kiểu Pháp với các phòng giam mang đầy dấu tích đọa đày đối với bao lớp người tù cách mạng. Tại Côn Ðảo, tôi đã dành toàn thời gian để tìm hiểu, lặng nhìn những địa danh chỉ nghe đến đã thấy e ngại. "Trại cải huấn", "Hồ bò", "Bãi sọ người" đã từng là nơi giam cầm, hành hạ biết bao lớp cách mạng tiền bối. Nghĩa trang Hàng Dương như vẫn lẩn khuất hồn thiêng của những chiến sĩ cách mạng đã nằm xuống vì lý tưởng. Những câu chuyện tâm linh đan xen với lịch sử và dân gian gây ấn tượng rất mạnh với tôi. Cuộc phỏng vấn chú Bảy Oanh, người tù Côn Ðảo duy nhất chọn ở lại đảo, với nhiều tình tiết mới, chưa từng kể ra trước đó, như những điều nhắn gửi hậu thế của người cựu tù nhân già. Vì một tuần sau, tôi được tin chú Bảy Oanh đã qua đời. Như vậy, tôi là người cuối cùng ghi nhận lời tâm tình của chú!
Ở TP Hồ Chí Minh, tôi may mắn được hẹn gặp hai nữ cựu tù binh cách mạng. Có thể nói, từ hai cuộc trò chuyện với chị Trần Duy Phương (tên trong tù là Trần Thị Mai) ngày 9-10-2019 và chị Trần Thu Hồng ngày 14-10-2019 đã tạo cảm hứng, thôi thúc tôi sau đó xếp lại sau lưng mọi công việc ở Hà Nội để thực hiện cuộc hành trình hơn một tháng với nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với những cựu tù binh, cựu tù chính trị khác. Chị Trần Duy Phương bị bắt khi ở tuổi đôi mươi, bị thương ở sống lưng đến liệt hai chân, tàn phế suốt đời. Trong hơn 5 năm, chị nằm liệt trên sàn nhà tù Non Nước (Ðà Nẵng), Phú Tài (Quy Nhơn). Chị viết lại kinh nghiệm trong tù của chị qua tác phẩm "Tôi nghe tôi hát". Chị kể cho tôi nghe chuyện nhà tù của chế độ "Việt Nam cộng hòa" mà chị là nhân chứng sống. Chị Trần Thu Hồng bị bắt lúc 13 tuổi. Chị vừa có người thân theo cách mạng, vừa có người thân bên "Việt Nam cộng hòa". Chị kể 13 tuổi đã giác ngộ cách mạng ở trong tù như thế nào, đã trở thành một đảng viên trẻ khí tiết ra sao qua những đòn tra tấn, đánh đập. Chị làm tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Hai cựu nữ tù binh Trần Duy Phương, Trần Thu Hồng tâm nguyện trong năm 2020 sẽ đi thăm các bạn tù của mình, đến những địa danh cũ như trại tù Phú Tài (Quy Nhơn), Non Nước (Ðà Nẵng),... để cảm nhận lại các giá trị lịch sử mà họ là nhân chứng. Và tôi đã được tháp tùng các chị trong chuyến đi này.
Đầu tháng 1-2020, khi chuẩn bị chuyến đi với hai chị, tôi được giới thiệu đến gặp, trò chuyện với cô Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh. Cô Hoàng Thị Khánh là nữ cựu tù chính trị Côn Ðảo, tham gia cách mạng năm 16 tuổi (1964), bị bắt giam từ năm 1968 tới tháng 4-1975. Sau một câu chuyện dài, cô Hoàng Thị Khánh giúp tôi liên lạc gặp các cô, chú cựu tù chính trị, cựu tù binh như Ðoàn Lê Phong, Võ Ái Nhân, vợ chồng cựu tử tù Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu, Trịnh Thu Nga, Trần Văn Mỹ, Trương Mỹ Lệ, Nguyễn Dương Kế, Ðặng Văn Tráng... Mỗi câu chuyện của các cô, chú cựu tù kể lại, như một lát cắt lịch sử, khiến tôi nhiều lúc như lịm đi vì cảm phục, thương xót, căm phẫn. Rất khó có thể diễn tả cảm xúc trong tôi khi nghe những câu chuyện về nỗi đau thể xác, tinh thần mà các cựu tù cách mạng đã trải qua. Từ cuộc tiếp xúc với hai chị Trần Duy Phương, Trần Thu Hồng, loạt phỏng vấn các cựu tù chính trị, cựu tù binh khác, trong tôi hiện lên câu hỏi như một tự vấn: "Nếu đây là người thân, là người ruột thịt của mình thì sẽ ra sao?". Với câu hỏi từ tâm khảm này, tôi như được cùng các cô chú, các chị chung nỗi đớn đau. Tôi như đứng trước một cuốn phim lịch sử đấu tranh đang chiếu lại, chính mình được chứng kiến, hóa thân vào bối cảnh và câu chuyện của nhân vật. Như chuyện vượt ngục của chú Nguyễn Dương Kế, cựu tù binh Phú Quốc chẳng hạn, đầy kịch tính, đầy bất ngờ. Tôi nghĩ nếu nhà văn H.Charriere (H.Chác-ri-e), đạo diễn M.Noer (M.Noi-ơ) của tác phẩm "Papillon - Người tù khổ sai" mà tìm hiểu, học hỏi thêm chi tiết để viết và dựng phim về chú chắc còn gay cấn, hấp dẫn hơn nhiều.
Nguyễn Quang Trường (Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X