Để tìm hiểu chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành tự do, độc lập cho đất nước, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường đã tìm gặp nhiều cựu tù chính trị, cựu tù binh của “chế độ Việt Nam cộng hòa” trước đây. Và những câu chuyện người thật, việc thật không chỉ khiến anh kính phục, mà còn giúp anh hiểu rõ hơn về ý chí, tinh thần cánh mạng, cũng như bản lĩnh, lòng yêu nước và tình cảm của những người đã góp phần làm nên sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975 - 2020), nhà báo Nguyễn Quang Trường đã có bài viết gửi tới Báo Nhân Dân chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của anh khi được gặp gỡ những người con ưu tú của đất nước. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Facebooker Nguyễn Ngọc Đức - tay sai của tổ chức phản động Việt Tân nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trong lĩnh vực báo chí
Trí tưởng tượng của nghệ sĩ dù phong phú đến đâu cũng khó có thể so sánh với thực tế khắc nghiệt, tàn bạo mà các cựu tù binh cách mạng đã trải qua. Và ấn tượng nhất với tôi trong câu chuyện với các cựu tù chính trị, cựu tù binh là hôm đến thăm nhà vợ chồng cô chú Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu ở TP Hồ Chí Minh. Chú Lê Hồng Tư, người tử tù Côn Ðảo nổi tiếng từng ba lần chuẩn bị ra pháp trường, và mối tình với vợ là cô Nguyễn Thị Châu đã trở thành một huyền thoại, để rồi sau hơn 14 năm xa cách với bao mồ hôi, máu và nước mắt, tới tháng 5-1975 mới có ngày gặp nhau. Chú Lê Hồng Tư bị tòa án chính quyền Sài Gòn kết án tử hình ngày 23-5-1962, trước đó, chú đã ngỏ lời cầu hôn nhưng cô Châu từ chối. Ðể rồi khi biết tin chú bị tuyên án tử hình, dù đang ở trong tù và bị tra tấn rất dã man, cô Châu đã nhờ bạn tù chuyển đến chú lời nhắn "Nguyễn Thị Châu đồng ý". Nhưng cũng phải hai năm sau đang bị giam ở Côn Ðảo, chú mới nhận được lời nhắn này.
Dù biết nhiều về họ, nhưng khi được ngồi trước mặt cô chú, được hai người cùng kể chuyện, mỗi người một tâm trạng, tôi như thấy một câu chuyện cổ tích bi tráng đầy tình người. Lúc kể chuyện, chú Tư còn đọc cho tôi nghe lá thư chú gửi cô, đó là lá thư của người tử tù viết và chuyển ra ngoài cho người con gái đã nhận lời đính hôn. Chú thì nghẹn lời và tôi thì nước mắt rơi lã chã từ lúc nào. Thấm thía hơn, trong căn nhà nhỏ của cô chú, tôi chứng kiến chú Tư đang tự mình nấu bữa sáng, bữa trưa cho vợ. Cô Châu sức khỏe yếu, lại tuổi già mau quên, cho nên chú thay vợ làm việc bếp núc.
Nhìn chú gầy gò, lưng còng đứng nấu nướng rồi bày biện cho cô ăn mà tôi lặng người. Người cựu tử tù anh dũng bất khuất năm xưa, hôm nay là người đàn ông dịu dàng, trân trọng vợ hết mình. Cô Châu cũng nhìn chú với ánh mắt trìu mến, thân thương.
Các chị cựu tù binh còn đưa tôi đến nhiều nơi ở Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Ðà Nẵng... giúp tôi có dịp trò chuyện với các cô chú cựu tù binh, cựu tù nhân chính trị như Phan Thị Hiền, Nguyễn Thị Khuya - tù binh ở trại giam Phú Tài từng bị cai ngục đục sống hai cái răng, Trần Kim Cúc, Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Thị Hạnh. Tôi còn may mắn được trò chuyện cùng hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là Nguyễn Văn Ðức, Hồ Ðắc Thạnh, các nhân chứng sống của "huyền thoại tàu không số - đường Hồ Chí Minh trên biển". Thiên anh hùng ca được kể lại từ những mái tóc đã bạc vẫn ngồn ngộn chi tiết, hình ảnh sống động, như còn vương mồ hôi và máu của chính người kể và người đã khuất. Chuyến đi miền nam của tôi, không ngờ lại được gặp quá nhiều con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Họ cho tôi biết có nhiều chi tiết giờ mới có cơ hội nói ra, thậm chí chính con cháu họ cũng chưa biết hết cha ông đã từng trải qua những năm tháng vô cùng khốc liệt như thế nào.
Rồi chúng tôi đến thăm quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam. Bức tượng chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Luốt, mẹ ruột chị Trần Thu Hồng cũng được đặt tại đây. Chị đứng bên tượng mẹ, vừa tâm sự với bà vừa rơi nước mắt. Thật xót xa! Trong không gian trưng bày là hình ảnh, tư liệu về hơn 127 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu trong cuộc đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Ngắm bức ảnh chụp một người mẹ ngồi bên bàn ăn có chín bát cơm, chín đôi đũa và một bát hương, trong tâm trí tôi bỗng trào lên một điều gì đó không thể mô tả thành lời. Ðọc dòng ghi chú, tôi được biết đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Bà có chồng, chín người con trai, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sĩ. Bà là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chân dung của bà được sử dụng làm nguyên mẫu để xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong sáu năm thường trú ở Việt Nam, tôi đã đi nhiều nơi từ bắc vào nam, bốn lần ra thăm quần đảo Trường Sa, vậy mà chưa từng đặt chân tới Phú Quốc. Nhưng trong chuyến đi này, tôi được cùng hai chị Trần Duy Phương, Trần Thu Hồng đến thăm đảo. Khi đó dịch Covid-19 mới ngấp nghé nên đi lại vẫn bình thường, tuy nhiên Phú Quốc cũng vắng người. Chị Trần Duy Phương di chuyển bằng xe lăn khá vất vả, luôn cần người giúp lên xuống xe và các bậc thang, song chị em chúng tôi vẫn háo hức. Về nhà giam tù binh ở Phú Quốc, nhiều tài liệu đã đề cập, mô tả và trước khi đến đây tôi cũng đã tham khảo. Dẫu vậy, khi đứng trước cổng nhà giam, nhìn dãy nhà tù lợp tôn, nhìn hàng rào kẽm gai sắc lẹm dày đặc nhiều lớp, tôi rùng mình. Có lẽ câu chuyện của các cô, chú cựu tù chính trị trong đất liền đã làm hình thành một cái khung trong tiềm thức của tôi, nên lúc vừa bước vào, hình ảnh minh họa những đòn tra tấn dã man, kinh khủng dưới "chế độ lao tù kiểu mới" của "Việt Nam cộng hòa" trước đây như hiển hiện trước mắt.
Trong cái nóng gay gắt, ngột ngạt, mồ hôi túa ra ướt áo, tôi cảm thấy một dòng hơi lạnh dọc theo sống lưng. Chị em đứng bên nhau, lặng nhìn khu trại giam yên ắng, các sạp nằm như vẫn còn vương vấn hơi người, trong đường hầm các chú bác đào để vượt ngục. Tôi như nghe có tiếng người, rồi cả tiếng kêu đau đớn của những liệt sĩ tù nhân đã hy sinh nơi đây. Từng biết đến sự man rợ ở nhà tù Côn Ðảo, nhưng tôi nghĩ nhà tù Phú Quốc mới là nơi tận cùng của sự tàn bạo, đày đọa con người. Ðó là tận cùng vô nhân tính, vô nhân đạo. Tại sao người ta có thể ác độc với đồng loại như thế? Câu hỏi xoáy sâu vào tôi. Cũng giống như những nhà tù chính trị, trại tù binh khác, mục đích của họ là bẻ gãy ý chí của những chiến sĩ cách mạng.
Họ dựng lên những nhà giam, nhà tù "địa ngục trần gian" hòng triệt hạ tinh thần của những người Việt Nam yêu nước từ mọi miền Tổ quốc đã chiến đấu để đất nước có độc lập. Nhưng họ không triệt hạ nổi, bởi đất nước của tôi có những con người như chú Ba Toản (Nguyễn Văn Mỹ), chiến sĩ đặc công, quê Hà Tây - nay là Hà Nội, bị bắt ngày 26-4-1968. Có thể coi sự kiện đêm 22-6-1968, chú Ba Toản cùng sáu đồng đội đã vượt ngục thành công như huyền thoại. Ý chí kiên cường, sáng tạo, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập để tự giải phóng cho bản thân, tiếp tục chiến đấu phục vụ lý tưởng đã quyết định thành công của các chú. Ðặc biệt là sau đó các chú ở lại Phú Quốc để thành lập Phân đội 1 đặc công với những trận đánh cảm tử được kể lại rõ rành, như mới vừa xảy ra hôm qua.
Cùng tôi đứng trước "chuồng cọp", chị Trần Thu Hồng nhớ năm 1968, mới 16 tuổi chị đã bị biệt giam ở nơi như thế. Ký ức kinh hoàng một thời ùa về. Không thể tưởng tượng nổi, người ta đã chế ra những trò giam cầm, tra tấn dã man hơn cả thời Trung cổ. Vậy mà những phụ nữ mềm mại, dịu dàng,… như chị Trần Thu Hồng đã vượt qua và chiến thắng trong vinh quang. Ý chí kiên cường, niềm tin cách mạng sẽ thành công giúp họ chiến thắng mọi thủ đoạn, mọi nhục hình đày đọa. Giây phút cảm động nhất trong chuyến thăm Phú Quốc là khi chị em tôi tới Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc, nơi yên nghỉ của 3.305 chiến sĩ, ba ngôi mộ tập thể, hàng nghìn liệt sĩ vô danh.
Nhìn tượng đài hình một cánh tay vươn lên trời cao, thể hiện sự kiên cường, bất khuất của những người tù, tôi thấy cánh tay như khẳng định giá trị kiên trung, bền vững với sự nghiệp giải phóng dân tộc của những anh linh đang nằm tại đây. Chị Trần Thu Hồng nức nở khóc, nhắc tên đồng đội, đồng chí, người thân trong gia đình. Tôi cũng dâng tấm lòng của mình bằng những nén tâm nhang. Là người theo Thiên chúa giáo có gia đình di cư vào nam năm 1954, là con của một sĩ quan chế độ cũ, sống ở Mỹ đã hơn 30 năm, tôi "ngộ" ra nhiều điều trước những câu chuyện, những hình ảnh của các chị cựu tù binh, cựu tù chính trị, thấm thía về tấm gương của những người yêu Tổ quốc đến vô vàn, họ đi theo cách mạng và hy sinh cả xương máu của mình.
Phú Quốc giờ đã thay da đổi thịt. Không còn nữa cái tên "trại giam Cây dừa" cửa ngõ của "địa ngục trần gian" năm xưa. Những cây dừa nuột nà trên các bãi cát trắng trải dài hôm nay như điểm trang cho cảnh quan thêm nên thơ, lãng mạn. Khi ngắm nhìn những cảnh phồn hoa, trong tôi như có chút gì đó như nhắc về món nợ với những hương hồn liệt sĩ, như có một lời nhắc nhở tôi và những người thụ hưởng thành quả của quá khứ một sự biết ơn. Trở về Hà Nội đúng dịp dịch Covid-19 tăng tốc, tôi có thời gian nghiền ngẫm về chuyến đi. Không bài học lịch sử nào giá trị, thuyết phục hơn là được nghe những câu chuyện từ người thật, những nhân chứng sống trong chính giai đoạn đó kể lại. Không có bài học thực tế nào đáng nhớ hơn là đối chiếu lời kể với những di tích, hiện vật ngay tại hiện trường nơi từng xảy ra, diễn ra. Các di tích chiến tranh, mà nhà tù chính trị và trại tù binh là bằng chứng hùng hồn, không thể biện minh hoặc thay thế cho mỹ từ "chính nghĩa quốc gia, tự do, dân chủ, nhân quyền" mà một số người vẫn rêu rao, rồi sử dụng làm tiền đề cho các tổ chức chính trị ở hải ngoại bám vào để xúi giục, kích động một số người trong cộng đồng không đủ thông tin.
Lớp lớp người cộng sản đã vượt qua bom đạn, vượt qua mọi nhục hình, tra tấn, đọa đày để giành lại độc lập cho Tổ quốc, để người dân Việt được sống trong hòa bình. Từ Phú Quốc trở về, trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc về các bác, các cô chú đã chiến đấu bằng cả xương máu và sự hy sinh, những người mà một thời tôi từng coi là "phía bên kia". Các hình ảnh, câu chuyện tôi thực hiện trong chuyến đi là tài liệu xác thực nhất, trước hết mang lại ý nghĩa cho bản thân tôi, sau đó là cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, thấy lại quá khứ lịch sử đầy bi tráng. Tôi nghĩ những người chống cộng cực đoan nên xem xét lại để chấm dứt luận điệu lạc lõng về dân chủ, nhân quyền. Tôi muốn thế hệ thứ hai, thứ ba ở nước ngoài hãy về với Việt Nam, ra thăm Côn Ðảo, Phú Quốc một lần để chứng nghiệm những sự kiện đầy máu và nước mắt từng xảy ra trên đất nước này. Rồi từ thực tế đó, hãy trân trọng giá trị của hòa bình, khi đất nước bước vào vận hội mới. Và nên nhớ về công lao của lớp lớp tiền nhân đã làm nên những kỳ tích nay đã trở thành biểu tượng, giá trị thiêng liêng trong ký ức dân tộc.
Nguyễn Quang Trường (Nhân dân)