Chuyên gia cho rằng nhiều địa phương cứ có các tân giám đốc công an tỉnh, thành thì hàng loạt chuyên án được phá, nhiều giang hồ khét tiếng bị bắt giữ.
Hàng loạt giang hồ khét tiếng bị bắt
Tháng 10/2019, Bộ Công an điều động, bổ nhiệm hàng loạt Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bến Tre.
Dưới sự điều hành của các tân Giám đốc Công an, hàng loạt băng nhóm tội phạm bị phanh phui, nhiều chuyên án được phá thành công.
Vụ án mới đây nhất được dư luận đặc biệt quan tâm đó là Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Đường Dương (chồng là Nguyễn Xuân Đường, SN 1971 và vợ Nguyễn Thị Dương, SN 1980) cùng 4 thuộc cấp để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.
Đây được coi là động thái quyết liệt của Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, tân Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, người mới được điều chuyển từ vị trí Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ công an về Thái Bình từ tháng 11/2019.
Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, tân Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình
Trả lời báo chí về vụ án liên quan cặp vợ chồng giang hồ khét tiếng Đường Dương, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình bày tỏ: “Chúng tôi sẽ khẩn trương điều tra và mở rộng vụ việc một cách khách quan, công tâm, đúng pháp luật. Từ kết quả điều tra, sẽ giải toả được dư luận về việc có hay không ai đứng đằng sau, bao che”.
Còn tại Thừa Thiên - Huế, khi Đại tá Nguyễn Quốc Đoàn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 11/2018 cũng lãnh đạo phá được nhiều chuyên án có tiếng vang.
Điển hình như tháng 6/2019, Công an tỉnh này phá thành công đường dây mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy lớn. Tổng tang vật thu giữ được hơn 2,1kg ma túy tổng hợp dạng đá, 2.160 viên ma túy tổng hợp, hơn 8,8g ma túy dạng khay, cùng nhiều tang vật có liên quan.
Ngoài ra, có thể kể tới trường hợp Đại tá Vũ Hồng Văn sau hơn 1 tháng nhậm chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, lực lượng Công an tỉnh này liên tục mở các cuộc tấn công, trấn áp tội phạm như: tấn công các tụ điểm ma túy trong quán bar, karaoke.
Ngoài ra, công an Đồng Nai cũng truy quét đua xe trái phép; phá đường dây sản xuất hàng giả với quy mô lớn; bắt nhiều nhóm, tổ chức hoạt động tín dụng đen mà nổi bật nhất là băng nhóm do Toàn "đen" cầm đầu.
Ở Thanh Hoá, từ khi Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, hàng loạt án ma tuý lớn trên địa bàn này cũng được triệt phá.
Đại tá Vũ Hồng Văn trực tiếp chỉ đạo đột kích quán bar có hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.
Điều động đúng đắn của Bộ Công an
Các chuyên gia cho rằng Bộ trưởng Bộ Công an đã có các giải pháp kịp thời, liên tục luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chọn lựa nhiều tân giám đốc công an có đủ uy tín, phẩm chất, xông pha trận mạc, gần gũi với nhân dân, bám sát địa bàn để truy quét nhiều ổ nhóm tội phạm cộm cán, gây được tiếng vang lớn, niềm tin trong nhân dân.
Bình luận về việc này, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho rằng đây cũng là cách chúng ta phòng ngừa và ngăn chặn sự nảy sinh các quan hệ mang tính chất thân thiết, họ hàng, quan hệ.
Việc điều động các giám đốc công an tỉnh, thành mới sẽ tạo ra quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở các địa phương.
Ông Lê Việt Trường – nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng nhấn mạnh việc đưa các giám đốc công an được lựa chọn từ nơi khác về đảm nhiệm các vị trí cán bộ chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trọng điểm đã phản ánh hiệu quả đấu tranh của ban lãnh đạo cũ kém, không đạt được như mong muốn.
"Cán bộ mới về thì không phải chịu áp lực nào cả, không nằm trong nhóm nọ, bộ phận kia cho nên mới làm khách quan, vô tư và hoàn toàn có thể đấu tranh được.
Đây cũng chính là kinh nghiệm cho thấy rằng không được để cán bộ nào đó giữ ví trị ở một địa bàn quá lâu.
Tuy có mặt thuận là nắm vững địa bàn, am hiểu công việc nhưng ngược lại cũng có những vấn đề, như có thể đã hình thành các lợi ích nhóm.
Phải luân chuyển, điều động, khi phát hiện nếu có vấn đề mất đoàn kết hay chia rẽ nội bộ là phải sớm xử lý. Khi đưa cán bộ chủ chốt về, làm việc có trách nhiệm và vô tư trong sáng, không chịu áp lực của chuyện tiêu cực nào thì rõ ràng công việc đi vào quỹ đạo”, ông Lê Việt Trường nói.
Còn đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi trả lời VTC News về vụ án Đường "Nhuệ" cho rằng, Bộ Công an phải rất lưu tâm về công tác cán bộ, kể cả Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Với những địa phương để xảy ra tình trạng xã hội đen, ma túy, nhiều trọng án cần đánh giá lại năng lực, trách nhiệm của công an địa bàn cũng như lãnh đạo cao nhất của công an địa phương đó.
Ông Nhưỡng cho biết thêm, ông từng nêu trước Quốc hội vì sao có những địa phương để lượng ma túy lọt và đóng thùng, cả tấn nhưng giám đốc công an tỉnh lại không chịu trách nhiệm gì.
Tới nay, Bộ Công an vẫn chưa trả lời ông được câu hỏi này, câu trả lời mới chung chung, nhiều Giám đốc Công an ở địa bàn đó vẫn yên vị, chưa bị xử lý.
“Tôi đánh giá rất cao Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình mặc dù mới về, mới chịu trách nhiệm nhưng đã làm được một vụ án như vụ của Đường “Nhuệ”.
Một số nơi có địa bàn phức tạp, cơ quan chức năng phải xem xét trong thời gian sắp tới nếu giám đốc công an sắp về hưu hay trong thời kỳ này có nên thay Giám đốc đó không, có quyết liệt không.
Chúng ta phải lấy vụ việc này là một trong những vấn đề để rút kinh nghiệm cho công tác cán bộ của ngành công an nói chung cũng như công an một số địa phương, địa bàn trọng điểm nhằm bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là trấn áp xã hội đen”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Cũng cùng quan điểm này, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng thường vụ về Văn hóa Xã hội Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng việc hàng loạt các tân giám đốc công an tỉnh, thành lập được chiến công, phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, ông Túc chia sẻ thêm qua theo dõi từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ông thấy hàng loạt cá nhân có chức có quyền trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng bị kỷ luật.
“Một loạt Thứ trưởng rồi Tổng Cục trưởng bị kỷ luật, người dân có quyền suy nghĩ, ở một thời gian khá dài, với những lãnh đạo để xảy ra vi phạm như vậy thì không tránh khỏi ở nơi này hay nơi khác cũng có tình trạng tương tự.
Chuyện xảy ra ở Thái Bình, dư luận cũng suy nghĩ theo hướng như vậy. Một thời các lãnh đạo công an buông lỏng quản lý để cấp dưới làm những việc vi phạm pháp luật.
Qua vụ Thái Bình vừa thay đổi giám đốc công an thì tình hình lại khác đi, tôi cho rằng suy diễn đó là có cở sở”, ông Túc cho hay.
Nguyễn Huệ-Xuân Trường (VTC News)