Từ người chống cộng cực đoan đến người nhiệt thành với Nghị quyết số 36/NQ-TW về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Chính trị, từ người giữ hận “tháng tư đen” đến người nhận ra hoa trái lâu dài của ngày 30-4-1975,… đó là quá trình rất khó khăn trong nhận thức, hành động mà luật sư Hoàng Duy Hùng - một người Mỹ gốc Việt, đã trải qua trong gần nửa thế kỷ. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (1975-2020), từ nước Mỹ, luật sư Hoàng Duy Hùng gửi đến Báo Nhân Dân bài viết kể lại những gì ông đã trải qua, đồng thời trình bày suy nghĩ của ông về ngày 30-4-1975, về công cuộc xây dựng đất nước. Báo Nhân Dân giới thiệu bài viết này để bạn đọc tham khảo, đồng thời hiểu thêm, có sự chia sẻ với một người Việt Nam đang sống ở nước ngoài đã tự thay đổi, khắc phục sai lầm, từ đó có những hành động góp phần vào sự phát triển của quê hương.
Kỳ 1:
Tuyên án đối tượng xuyên tạc vụ việc Đồng Tâm
45 năm qua, vào mỗi dịp 30-4, cảm tưởng và suy nghĩ của tôi lại thay đổi, vì phụ thuộc vào suy nghĩ của tôi trong từng thời kỳ, gắn với tình hình mọi mặt tại Việt Nam, rồi tình hình thế giới, tình hình cộng đồng gốc Việt ở Mỹ, nơi tôi sinh sống và làm việc… Vì thế, đó không phải là điều dễ dàng mà là một hành trình gian khổ. Là con của một sĩ quan “quân lực Việt Nam cộng hòa”, lớn lên dưới chế độ “Việt Nam cộng hòa”, nên lúc đầu suy nghĩ của tôi là suy nghĩ của một người chống cộng, thậm chí còn có xu hướng căm hận, đó là điều khó tránh khỏi. Và tôi đã đi từ chống cộng cực đoan đến khi nhận ra được hoa trái lâu dài của ngày đất nước thống nhất năm 1975. Quá trình đó đòi hỏi một cố gắng như “vắt tim, vắt não, vắt gan”, và phải chấp nhận bị nhiều người trước đây là bạn bè hoặc bị “chiến hữu” coi là kẻ phản bội, thậm chí có người thù tôi còn hơn cả thù cộng sản. Về phần mình, tôi cho rằng “cuộc chơi” nào cũng có luật chơi riêng của nó, nên đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận mọi hệ quả.
Luật sư Hoàng Duy Hùng, một người Mỹ gốc Việt
Tháng 3-1975, tôi 13 tuổi và đang là chủng sinh trong Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ngày 11-3, Buôn Ma Thuột thất thủ. Trong khi pháo của xe tăng T54 đang bắn dậy đất thì loay hoay thế nào mà mu bàn tay phải của tôi lại bị đứt, máu chảy đầm đìa. Tôi vội chạy vào nhà tắm lấy khăn quấn bàn tay. Quân giải phóng tràn vào Tiểu chủng viện, rồi tập họp các chủng sinh nhỏ tuổi như tôi trong rừng cao-su, dặn dò chúng tôi về với gia đình. Tuy chưa gặp gia đình, nhưng trong thâm tâm tôi biết gia đình tôi đã di tản, chắc chắn đi hướng Nha Trang để về Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), nên tôi đứng dậy hỏi có bạn nào đi cùng với tôi về Sài Gòn không. Một anh bộ đội nhắc tôi không được hô hào như vậy, vì “Sài Gòn chưa được giải phóng”. Mặc anh bộ đội la mắng, tôi vẫn lững thững một mình đi bộ hướng về phía Nha Trang.
Tôi đi, trong khi bàn tay chảy máu đầm đìa được bọc bởi chiếc khăn tắm, đến nay vết sẹo vẫn còn. Lúc đói quá, tôi vào buôn của đồng bào Ê Đê xin nước và đồ ăn, nhưng họ chỉ có nước, không có đồ ăn nên tôi phải mót nhặt khoai lang khô rơi vãi trên đường ăn cho đỡ đói. Đi một mình trên quốc lộ, bỗng thấy có nhiều thanh niên chạy từ rừng cao-su ra, họ bảo muốn đi cùng với tôi. Đó là quân nhân của “quân lực Việt Nam cộng hòa” thất trận, phải lột bỏ hết quân phục, thấy tôi dám can đảm đi một mình thì họ an tâm, nên cùng nhập bọn. Trải qua đói khát, gian khổ, cuối cùng tôi cũng gặp lại gia đình, cùng cả nhà băng rừng, rồi được trực thăng cứu giúp trên đỉnh núi Khánh Dương đưa về Đồng Đế, sau đó đi xe buýt về Nha Trang. Nha Trang thất thủ, cả gia đình tôi đi bộ đến Cam Ranh. Cầu trên quốc lộ 1 đoạn Cam Ranh đã bị đánh sập, đường bị tắc, cả gia đình tôi lại đi bộ trở về Nha Trang, âm thầm thuê thuyền đánh cá vào Vũng Tàu. Lần đầu đi thuyền trên biển, bị sóng nhồi, tôi ói mật xanh mật vàng, đến Vũng Tàu tôi còn xây xẩm, quay cuồng suốt tuần. Trung tuần tháng 4, ba tôi đưa gia đình vào Sài Gòn, thuê một căn nhà ở tạm, tôi cùng thành viên trong gia đình đi bán vé số, kiếm tiền sống qua ngày.
Chiều 29-4, thời tiết rất oi bức, hai anh trai rủ tôi đến cư xá Thanh Đa ngủ, vì nghĩ rằng ở lầu cao sẽ mát hơn. Đến cư xá Thanh Đa, đứng trên lầu tôi thấy xa xa ở hướng Biên Hòa tiếng pháo nổ và khói lửa. Tôi hiểu là Sài Gòn sắp thất thủ. Bỗng khoảng 8 giờ tối, ba tôi xuất hiện, ông bảo mấy anh em tôi về gấp với lý do “Má tụi bay bị bệnh, về ngay”. Vừa về đến nhà, tôi thấy có hai chiếc xe lambretta đã đậu sẵn, đồ đạc chất đầy, ba tôi bảo ba anh em tôi bám lên xe, leo lên trần, và đi. Xe lambretta chạy ra bến Bạch Đằng, đường sá vắng tanh. Trên đường, ba tôi và cậu tôi mở đài thấy có lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu các “quân nhân Việt Nam cộng hòa” buông súng...
Tới bến Bạch Đằng, một quang cảnh hỗn loạn diễn ra trước mắt tôi. Không biết bao nhiêu xe gắn máy và xe lambretta để ở đó, vứt bừa bãi lung tung vì ai nấy đang lo tìm cách leo lên tàu để di tản. Tôi thấy người ta chen chúc nhau lên tàu lớn HQ504, nhiều người rớt xuống nước vì bị chen lấn. Tiếng la, tiếng gọi, tiếng khóc, tiếng gào, tiếng nấc thật bi ai, não nề. Đúng là quang cảnh của một thể chế sụp đổ! Tôi nhớ có ai đó nói với tôi rằng HQ504 là chiếc tàu cuối cùng, không lên được thì coi như sẽ bị kẹt lại. Cậu tôi là lính của “hải quân Việt Nam cộng hòa” nói với ba tôi có chỗ trên tàu HQ08. Theo cậu, HQ08 đã hỏng nhưng “hải quân Việt Nam cộng hòa” mới gấp rút sửa được hai trong bốn máy và trong tình thế nguy nan có thể dùng di tản. Nhờ có cậu tôi can thiệp, cả nhà tôi đã lên tàu HQ08, rời bến Bạch Đằng khoảng 3 giờ sáng 30-4. Vì bị chết hai máy, nên khi đến Thái Bình Dương, tàu HQ08 chạy theo hình chữ Z, lẽo đẽo gần 10 ngày cũng tới được hải phận của Philippines (Phi-li-pin).
Gần đến vịnh Subic (Xu-bích) thuộc hải phận Philippines, tàu HQ08 phải hạ “cờ vàng” xuống. Khi trên tàu làm nghi thức hạ cờ, ai nấy khóc ròng vì biết số phận của “Việt Nam cộng hòa” tới đó đã hết. Tôi cũng khóc, khóc nức nở khi “cờ vàng” kéo xuống, lòng tôi căm hận cộng sản tột độ, tôi cầu nguyện và thề khi lớn lên sẽ tham gia tìm cách lật đổ cộng sản, hành động mà lúc đó tôi gọi là “cứu quê hương thoát khỏi ách bạo tàn”! Thế đó, cảm xúc trong ngày 30-4 đầu tiên của tôi là nỗi buồn và nỗi hận cộng sản. Gia đình tôi được đưa từ tàu HQ08 sang tàu lớn của Mỹ. Khác với HQ08 chạy dích dắc chậm như rùa, tàu lớn của Mỹ đi nhanh đến đảo Guam (Guy-am). Ở Guam vài tháng chỉ ăn chơi, xem phim, học tiếng Anh, đối với tôi là thời gian đẹp của tuổi thơ, vì tôi hồn nhiên, không lo âu. Nhưng tôi biết ba mẹ tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì thấy tương lai vô định, không biết khi tới Mỹ sẽ phải làm gì, sinh sống như thế nào. Sau, do Giáo xứ Sacred Heart (Thánh tâm) ở Reading (Rét-đinh) đứng ra bảo lãnh, gia đình tôi đến định cư ở Pennsylvania (Pen-xi-va-ni-a - Mỹ). Ba tôi làm công việc lau dọn trong bệnh viện, đồng lương thấp nhất, như mọi công nhân làm công việc tay chân ở Mỹ. Anh đầu của tôi học rồi làm nghề rửa phim ảnh, lương khá hơn một chút. Tôi và các anh chị em khác đi học, dần dà tôi học xong đại học.
Nhớ thời gian đầu đi học, vì tôi là học sinh da vàng duy nhất trong trường, nên hay bị học sinh Mỹ trắng trêu chọc và đấm đá. Mỗi lần tôi đi vào phòng vệ sinh thì cả chục người bu lại đánh rồi cười ha hả. Đến giờ chơi thể thao, họ ném bóng bầu dục (bóng đá kiểu Mỹ, người miền nam thường gọi là banh cà na) cho người khác, giả vờ bắt hụt và ngã lên người tôi, xong cả chục người nhảy lên đè. Tôi tức lắm, nghĩ đánh với cả bọn thì tôi không lại, nhưng riêng lẻ thì có thể. Tôi chọn đối tượng, đã đánh thì phải đánh kẻ to con, đánh cho bị thương thì những đứa khác mới sợ. Một hôm ra sân chơi, anh chàng Mỹ trắng to con làm quarterback (người ném bóng bầu dục) vừa lấy tay định hất đầu tôi, tôi liền né sang một bên, đạp chân nhảy lên kẹp cổ, rồi ngã người ra để anh ta ngã theo. Thế là tôi đã ở trên đầu anh ta, và nắm tay lại, đánh túi bụi vào mặt giữa tiếng reo hò của đám học sinh nữ người Mỹ. Tôi đánh anh ấy làm cho máu chảy đầm đìa, đến lúc đó thì học sinh nữ người Mỹ người nào người ấy khiếp vía, la hét, khóc lóc kêu cứu. Bà sơ hiệu trưởng vội chạy đến gọi bảo vệ tách tôi ra, bắt tôi đứng giữa trường mắng thậm tệ, nói rằng tôi là kẻ vô ơn, gia đình tôi đã được giáo xứ bảo trợ cưu mang mà còn đánh gây thương tích cho học sinh trong giáo xứ. Bà nói một câu mà tôi nhớ cả đời: “You want kungfu, I kungfu you” (Cậu muốn đánh nhau, tôi đánh nhau với cậu). Và chiều hôm đó tôi bị cha đánh gãy mấy cái cán chổi vì tội đã làm xấu hổ gia đình. Tôi chịu trận đòn, không kêu, không khóc, vì tôi biết tôi phải làm vậy để tự bảo vệ. Từ hôm đó, không một học sinh Mỹ trắng nào dám đứng gần tôi, vì lo không biết sẽ ăn đòn lúc nào, và cũng không có ai dám bắt nạt tôi nữa!
Đầu năm 1986, tôi tham gia “mặt trận Việt Nam tự do” với quyết tâm “lật đổ chế độ cộng sản bạo tàn”. Mỗi năm tháng Tư về thì tôi lại gọi đó là “tháng tư đen”, coi 30-4 là “ngày quốc kháng” và mong muốn “toàn dân đứng lên kháng cộng”. Hầu như năm nào cũng thế, đến 30-4 là tôi lại cùng các bạn tổ chức “đêm không ngủ” để hàn huyên tâm sự nỗi nhớ quê hương, rồi khích lệ nhau giữ tinh thần chống cộng để ngày càng vững tâm; bởi chúng tôi nghĩ rằng, không bao lâu nữa chế độ cộng sản ở trong nước sẽ phải sụp đổ! Cuối năm 1990, tôi được tổ chức chống cộng mà tôi tham gia cử về nước hoạt động xây dựng cơ sở với mục tiêu lật đổ nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Khi bị công an Việt Nam bắt, tôi không phủ nhận việc mình đã làm, sẵn sàng ra tòa, chấp nhận mọi hình phạt, vì tôi quan niệm dám làm dám chịu, dám chơi dám nhận. Tôi bị biệt giam hơn 15 tháng, đón 30-4 hai lần ở nơi biệt giam, đó là 30-4 các năm 1992, 1993. Hai lần thấy cán bộ, nhân viên quản giáo kỷ niệm ngày giải phóng trong hớn hở vui tươi, còn mình thì hẩm hiu một mình nơi biệt giam, tôi rất tức tối. Vì vậy, sau khi được trả tự do trở về Mỹ, tôi đã thành lập tổ chức chính trị mới, với quyết tâm “giải thể chế độ cộng sản Việt Nam”!
Kỳ 2:
Khúc quanh năm 2001
Năm 2001, tôi xâm nhập phi pháp về nước qua ngả kênh Thoại Ngọc Hầu (An Giang) với ý đồ sẽ đặt bom gây nổ hai tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) và bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Trước khi hành động, tôi lên Đền Hùng ở Phú Thọ khấn Vua Hùng và tổ tiên soi sáng để tôi thấy việc làm của mình có thật sự đúng đắn hay không. Trên đường đi, tôi quan sát thấy Việt Nam đã ổn định, đất nước bắt đầu phát triển. Đến Đền Hùng, khấn xong, tôi lại nghiêng về việc không đặt bom nữa, vì tôi không trả lời được các câu hỏi: Làm nổ hai bức tượng này xong sẽ làm gì tiếp theo? Nổ hai bức tượng có giải quyết được vấn đề, hay chỉ làm rắc rối thêm tình hình ở Việt Nam? Từ Đền Hùng về lại TP Hồ Chí Minh, tôi trăn trở suy nghĩ nhiều đêm và cuối cùng quyết định bỏ kế hoạch đánh bom. Đây là một khúc quanh mới trong cuộc đời tôi. Năm đó, lòng tôi đã bị sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam chinh phục. Tuy không nói ra, nhưng tôi không còn ác cảm với cộng sản, vì nhìn thấy cộng sản đã làm rất nhiều điều hữu ích cho đất nước mà trước đó tôi không nhận ra.
Sau khi trở về Mỹ, tôi bắt đầu từ từ giảm và rút khỏi các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Tôi dành thời giờ đọc nhiều tài liệu hơn về Việt Nam, đọc và nghiền ngẫm về Nghị quyết 36. Tôi đặt bản thân vào vị trí của người Việt Nam trong nước trong từng bối cảnh để đặt ra và trả lời câu hỏi: Nếu là tôi thì sẽ phải ứng xử như thế nào? Chính thời gian nghiền ngẫm này đã khiến tôi hiểu và có thêm những nhận thức đúng đắn, từ đó “ngộ” ra nhiều vấn đề. Ở đây cũng cần kể thêm về một sự kiện, đó là ngày 12-7-2010, với tư cách là Ủy viên Hội đồng TP Houston (Hau-xtơn), tôi đến dự buổi thuyết trình của Thủ tướng Singapore (Xin-ga-po) Lý Hiển Long trước 92 tổng lãnh sự các nước về sự phát triển của thế giới, đặc biệt là Viễn Đông, trong 100 năm tới, tại hội thảo “Viễn Đông trong thế kỷ tới” (Far east in the next century) do Hiệp hội châu Á (Asia society) tổ chức tại khách sạn Hyatt (Hi-át) ở Houston. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, thế kỷ tới là thế kỷ của châu Á, và Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia) cùng Thái-lan sẽ đóng vai trò quan trọng. Ông cho rằng trong tương lai, sự cạnh tranh về kinh tế giữa các quốc gia sẽ có cường độ mạnh hơn cả sự cạnh tranh chính trị và quân sự. Về kinh tế, ai đã mở hàng trước thì có lợi thế hơn, khách hàng quen thuộc nên sự thành công đỡ khó khăn hơn. Ngó sang bên cạnh, tôi thấy các tổng lãnh sự Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia (In-đô-nê-xi-a) cẩn thận ghi chép vào sổ tay những điểm quan trọng mà Thủ tướng Lý Hiển Long trình bày, người nào người nấy đều có vẻ đăm chiêu suy nghĩ.
Tôi cũng băn khoăn vô cùng, vì thấy người ta bàn luận, đặt ra các kế hoạch cho quốc gia của họ cả hàng trăm năm sau, còn chúng tôi chỉ loay hoay ba cái chuyện cỏn con trong cộng đồng cũng không xong thì làm sao đòi đưa đất nước đến vị thế hùng cường? Lòng tôi nặng trĩu vì nghĩ tới sự phân hóa trầm trọng của người Việt ở hải ngoại, nghĩ tới thái độ tiêu cực của một bộ phận trong số họ đối với quê hương. Chính từ những trăn trở, suy nghĩ, những câu chuyện như đã kể trên, tôi không còn hăng hái tham gia “ngày quốc hận 30-4” do cộng đồng người Việt ở Mỹ tổ chức nữa. Vì nhận thức của tôi đã thay đổi.
Năm 2013, nhìn ra ý nghĩa của sự thống nhất
Thành phố Houston nơi tôi sinh sống đã trải qua nhiều đời thị trưởng, Thị trưởng đương nhiệm khi đó là A. Parker (A.Pác-kơ) muốn có sự kết nối anh em với TP Đà Nẵng, vì tin rằng Đà Nẵng sẽ là một Singapore trong tương lai. Nhưng quan điểm này của Hội đồng TP Houston lại bị nhóm người Việt chống cộng tại địa phương chống đối quyết liệt. Biết tôi vốn xuất thân từ nhóm người chống cộng cực đoan nhưng đã thay đổi vì muốn hòa hợp dân tộc, Thị trưởng A.Parker cử tôi về Việt Nam với nhiệm vụ là tiền trạm để tiến hành kết nghĩa với TP Đà Nẵng. Trong chuyến đi Việt Nam, tôi đã nhìn ra một Việt Nam thay da đổi thịt và đang phát triển. Hơn nữa, trong những năm làm việc trong chính quyền, tôi đã thấy được “nhân quyền” mà Mỹ rêu rao cũng chỉ là bề mặt để che đậy cho chủ trương đoạt lấy quyền lợi cao nhất. Tôi cũng tham gia nhiều cuộc thảo luận để nhận định ưu điểm, khuyết điểm của độc đảng và đa đảng. Tôi cân nhắc mọi ưu điểm, khuyết điểm của độc đảng và đa đảng, rồi tự hỏi nếu áp dụng cho Việt Nam thì đa đảng tốt, hay độc đảng tốt? Và tôi thấy rõ ràng Đảng Cộng sản là tốt nhất cho Việt Nam. Chưa kể nguy cơ, Việt Nam nếu thực hiện đa đảng thì sẽ bị một số nước lớn ở bên ngoài giật dây, thao túng, không khéo sẽ rơi vào cảnh rối ren giống như tại Syria (Xy-ri). Chính vì cảm nhận như vậy nên khi một số cơ quan truyền thông tiếng Việt cũng như đài RFA phỏng vấn, tôi đã nói rằng “nhân quyền” của Việt Nam khác với “nhân quyền” của Mỹ, và tôi có thiện cảm với Việt Nam.
Trở về Mỹ, tôi không tham dự “ngày quốc hận 30-4” của cộng đồng gốc Việt nữa. Bởi với tôi, ngày 30-4 giờ đây không còn là “ngày quốc hận” mà là Ngày Thống nhất. Đất nước Việt Nam sau ngày 30-4-1975 đã thống nhất từ bắc vào nam. Tôi cũng tin tưởng Nghị quyết 36 sẽ thắt chặt, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, sự thống nhất nhân tâm giữa trong và ngoài nước sẽ trở thành hiện thực trong những năm tới. Đó là lý do vì sao tôi nhiệt tình cổ vũ, ủng hộ Nghị quyết 36. Với tôi, đó không những là một công tác mà là sứ vụ thiêng liêng. Cuối năm 2019 về Việt Nam, tôi đã được chứng kiến Việt Nam thay đổi như thần tốc về mọi mặt. Sự phát triển của Việt Nam làm cho tôi càng tin tôi đã đúng, rồi quyết định nỗ lực tham gia để góp phần xây dựng củng cố tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc.
Vui mừng về đất nước, nhưng tôi cũng thấy một vài khiếm khuyết của đất nước cần sớm khắc phục. Như tôi thấy nạn kẹt xe và ô nhiễm của Việt Nam quá lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tôi mong ước hai thành phố này và các thành phố khác trên cả nước sẽ tăng cường hệ thống giao thông công cộng, mau hoàn thành hệ thống xe điện ngầm để giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm. Tôi cũng thấy hệ thống điều hành ở Việt Nam vẫn còn một số trì trệ vì có những khâu trùng lắp, giẫm chân lên nhau. Tôi mong Quốc hội và Chính phủ khảo sát, nghiên cứu để có quyết định loại bỏ những khâu trùng lắp trì trệ. Trái với nhận định của nhiều người Việt Nam ở hải ngoại, tôi thấy công an Việt Nam khá nhẹ tay với người vi phạm pháp luật, làm cho nhiều người “nhờn luật”, uống rượu say tiến công công an đang thi hành công vụ hoặc một số sự vụ tương tự. Vì hiện tại các bộ luật của Việt Nam đã có quy định cụ thể về loại hành vi này nên tôi đề nghị Quốc hội cần kiến nghị các cơ quan chức năng phải nghiêm khắc hơn nữa, nhất là hành vi tiến công, cản trở người thi hành công vụ, vì theo tôi, bảo đảm nhân quyền nhưng cũng phải bảo đảm việc tuân thủ pháp luật. Tôi mong Chính phủ có những chương trình truyền thông giúp nâng cao dân trí, để mọi người đều biết và hiểu rằng ở các quốc gia khác, việc tiến công người thi hành công vụ là một tội rất nặng. Đồng thời, cần nghiêm khắc hơn với những cá nhân làm việc trong các cơ quan chính quyền có hành vi nhận hối lộ, tham nhũng, có hành vi sách nhiễu nhân dân, vì đó là các hiện tượng rất dễ làm cho nhân dân giảm niềm tin vào chế độ.
Vui mừng về đất nước, nhưng tôi cũng thấy một vài khiếm khuyết của đất nước cần sớm khắc phục. Như tôi thấy nạn kẹt xe và ô nhiễm của Việt Nam quá lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tôi mong ước hai thành phố này và các thành phố khác trên cả nước sẽ tăng cường hệ thống giao thông công cộng, mau hoàn thành hệ thống xe điện ngầm để giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm. Tôi cũng thấy hệ thống điều hành ở Việt Nam vẫn còn một số trì trệ vì có những khâu trùng lắp, giẫm chân lên nhau. Tôi mong Quốc hội và Chính phủ khảo sát, nghiên cứu để có quyết định loại bỏ những khâu trùng lắp trì trệ. Trái với nhận định của nhiều người Việt Nam ở hải ngoại, tôi thấy công an Việt Nam khá nhẹ tay với người vi phạm pháp luật, làm cho nhiều người “nhờn luật”, uống rượu say tiến công công an đang thi hành công vụ hoặc một số sự vụ tương tự. Vì hiện tại các bộ luật của Việt Nam đã có quy định cụ thể về loại hành vi này nên tôi đề nghị Quốc hội cần kiến nghị các cơ quan chức năng phải nghiêm khắc hơn nữa, nhất là hành vi tiến công, cản trở người thi hành công vụ, vì theo tôi, bảo đảm nhân quyền nhưng cũng phải bảo đảm việc tuân thủ pháp luật. Tôi mong Chính phủ có những chương trình truyền thông giúp nâng cao dân trí, để mọi người đều biết và hiểu rằng ở các quốc gia khác, việc tiến công người thi hành công vụ là một tội rất nặng. Đồng thời, cần nghiêm khắc hơn với những cá nhân làm việc trong các cơ quan chính quyền có hành vi nhận hối lộ, tham nhũng, có hành vi sách nhiễu nhân dân, vì đó là các hiện tượng rất dễ làm cho nhân dân giảm niềm tin vào chế độ.
Lời kết
Giờ đây đối với tôi, ngày 30-4 không chỉ là niềm vui mà còn là một thách đố cho chính bản thân tôi là làm sao đáp ứng đúng với trách nhiệm và nghĩa vụ của một người Việt Nam, để Việt Nam của tôi có sức mạnh của tinh thần đoàn kết, cùng tiến vào thời kỳ thái bình, thịnh vượng, trở thành một quốc gia lớn mạnh trong các thập kỷ tới. Biến cố 30-4-1975 đã qua 45 năm rồi, đã có mấy thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên, trong khi đất nước luôn mở rộng vòng tay để đón nhận những người con đất Việt trở về thì người Việt ở ngoài nước cần mở rộng lòng mình để có nhận thức đúng đắn, gạt cần sang một bên mọi điều không vừa ý để cùng toàn dân Việt Nam ở trong nước kết thành một khối cùng xây dựng và bảo vệ đất nước.
HOÀNG DUY HÙNG HOUSTON NGÀY 5-4-2020 (Nhân dân)