Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện các clip ghi lại cảnh đánh nhau, trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, thậm chí là đối tượng biến thái tấn công, uy hiếp phụ nữ lang thang. Sau khi những clip này được đăng tải, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý những cá nhân vi phạm. Tuy vậy, việc xem xét trách nhiệm pháp lý của những cá nhân quay và tung các clip trên mạng hiện còn nhiều quan điểm trái chiều.
Quay clip hành vi vi phạm pháp luật – công hay tội?
Chiều 16/3 vừa qua, tại dốc cầu Đôi, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Người đàn ông - chồng nạn nhân đã vung dao đâm liên tục vào vợ cho tới khi chị ngã gục giữa cầu Đôi.
Không dừng lại ở đó, anh ta còn tiếp tục ngồi xuống cắt vào vùng cổ làm nạn nhân chết tại chỗ. Hành động này diễn ra trong khoảng thời gian khoảng 10 phút trước sự chứng kiến của rất đông người nhưng không ai can thiệp, giúp đỡ nạn nhân mà nhiều người còn cầm điện thoại quay clip và nhanh chóng tung lên mạng với "tít" đầy giật gân “chồng ghen cắt cổ vợ giữa cầu”, “Giết người như trong phim”, “Hành động man rợ nhất ở cầu Đôi”…
Rõ ràng, khi chứng kiến hành vi phạm tội, một bộ phận người dân không hề có ý thức giúp người hoạn nạn, ngăn chặn việc phạm tội mà cố gắng tiếp cận thật gần để quay phim, chụp ảnh tung lên mạng.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nhiều nữ sinh mặc đồng phục thể dục của Trường THCS Lê Quý Đôn (TX.Bến Cát, Bình Dương) vây đánh một học sinh khác khá dã man. Chứng kiến sự việc, nhiều cá nhân khác không những không can ngăn mà còn đứng cổ vũ, quay clip.
Hình ảnh nam thanh niên uy hiếp người phụ nữ lang thang trong clip
Gần đây nhất, cộng đồng mạng đang xuất hiện 2 luồng ý kiến trái chiều sau sự việc người quay clip nam thanh niên uy hiếp, sờ soạng, tấn công người phụ nữ lang thang có biểu hiện tâm thần trong một hẻm nhỏ ở TP.HCM.
Bên cạnh những lời ca ngợi, khen tặng dành cho người quay clip đã cung cấp cho cơ quan công an bằng chứng sống động để có căn cứ xử lý đối tượng có hành vi đồi trụy thì một số người khác đặt câu hỏi, thay vì giơ điện thoại lên quay, sao người này không làm gì đó để giải vây cho cô gái?
Những vụ việc trên cho thấy, tình trạng người dân khi chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không có hành động ngăn chặn, cứu giúp người bị nạn mà thản nhiên đứng đó chụp ảnh, quay clip rồi tung lên mạng đang diễn ra khá phổ biến.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc cá nhân quay lại hình ảnh về hành vi phạm tội đưa lên mạng được coi là hành vi tố cáo khi nó thỏa mãn Điều 19 Luật Tố cáo 2018.
Theo đó, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong khi đó, người tán phát clip lên mạng thường giấu mặt. Chỉ khi người quay được clip viết đơn tố cáo và gửi kèm clip quay được đến cơ quan có thẩm quyền thì việc tố cáo đó mới hợp pháp.
Việc sử dụng điện thoại để quay lại có thể coi là bằng chứng cung cấp cho các cơ quan chức năng khi vụ việc được xử lý. Song trong một số trường hợp, người chứng kiến vụ việc, ngoài việc quay clip cần có những hành động cụ thể để cứu giúp nạn nhân, ngăn chặn việc thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với hầu hết các vụ việc xảy ra trong thời gian qua, người chụp ảnh, quay clip rồi tung lên mạng các vụ đánh nhau, tai nạn thể hiện sự vô cảm thiếu trách nhiệm đối với những người xung quanh, thậm chí bị coi là cổ súy bạo lực. Tùy theo vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Điều 32 BLDS 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ, từ 15/4, cá nhân tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù hoặc tội Không cứu giúp người đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (điều 132 BLHS 2015) với mức hình phạt tới 3 năm.
Trường hợp cá nhân quay clip rồi đưa lên mạng nếu nhằm mục đích dằn mặt, bêu riếu, lăng mạ nạn nhân trong vụ đánh nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác.
Huệ Linh (ANTĐ)