Đại dịch Covid-19 hiện đang trở nên phức tạp và lan rộng trên thế giới, nhiều nước và vùng lãnh thổ oằn mình giữa đại dịch. Việt Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Nhưng thật đáng tiếc lại có những người đang đi ngược lại dòng chảy chung của dân tộc.
Sự thật về 'Hội đồng liên tôn Việt Nam'
- Tự do tín ngưỡng phải trong khuôn khổ pháp luật
- Covid-19: Bản chất nhân văn của Nhà nước Việt Nam
- Vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong đấu tranh phòng, chống luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng ở nước ta hiện nay
- Hành động 'ném đá giấu tay' và cuộc đấu tranh với 'địch bên trong ta'
Trước những thảm họa kinh hoàng trên thế giới do dịch Covid-19 gây ra, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, từ 0h00 ngày 01/4/2020, Chính phủ đã chính thức áp dụng biện pháp cách ly xã hội, thông qua Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020. Đây là một biện pháp hoàn toàn không mong muốn, nhưng vô cùng cần thiết, cấp bách, thậm chí có tính quyết định thành công của việc ngăn chặn lây lan dịch Covid-19. Đó là hành động thể hiện sự quyết tâm, nhất quán trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam theo tinh thần Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Bởi, hơn lúc nào hết, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều quốc gia vì không hành động quyết liệt, khẩn trương và kịp thời đã bỏ lỡ giai đoạn vàng quý giá đó và phải trả giá bằng cả tính mạng con người và của cải một cách đáng tiếc. Chính vì vậy, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trên mặt trận này. Người người, nhà nhà đều đồng lòng quyết tâm với Chính phủ. Những câu nói đơn giản như “Hãy ở yên khi Tổ quốc cần”, “Ai nơi nào, ở yên chỗ đó”, “ở nhà là yêu nước”,… đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đề cao ý thức người dân hạn chế ra ngoài, để chặt đứt đường lây của Covid-19 trong thời điểm hiện tại.
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước cũng thực hiện biện pháp phong toả, cách ly để chống đại dịch Covid-19. Thế nhưng, dưới cái mác nhà “dân chủ”, một số người Việt và cả những người không có thiện chí với Việt Nam, ra sức tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin bịa đặt, tin giả hòng gây mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta. Họ cho rằng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như thế là: ngăn sông, cấm chợ, vi phạm quyền tự do của người dân, v.v. Từ đó, họ kích động, cổ suý cho lối sống ích kỷ, vụ lợi, vô trách nhiệm,… hòng gây bất ổn xã hội để đi đến phủ nhận những kết quả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống đại dịch Covid-19, nhằm phục vụ những âm mưu đen tối của họ.
Toàn cảnh giáo dân dưới sự chỉ đạo của linh mục Trần Phúc Chính tiến hành xây dựng trái phép tường rào và chống đối lực lượng chức năng (Ảnh Thành Nam-dautruongdanchu.org)
Đi tìm sự thực trong ý kiến của các nhà “dân chủ”
Thử hỏi các nhà “dân chủ”, các vị đang sống ở nước sở tại (Mỹ, châu Âu), nơi mà các vị ca ngợi là thiên đường của dân chủ, tự do thì công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 để bảo đảm quyền sống của con người ra sao? Chắc các vị đã nắm được hậu quả thảm khốc do đại dịch Covid-19 gây ra của các nước: Mỹ, Ý, Tây Ban Nha,… hiện nay. Ở những nước này có nền y tế hiện đại, tiềm lực kinh tế mạnh, thì tại sao đại dịch Covid-19 lại đang từng giờ, hằng ngày cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Đó là câu hỏi đang chờ câu hỏi của các vị. Tại Việt Nam, đất nước sát gần với tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc số người mắc Covid-19 đến những ngày đầu tháng 4 là hơn 200 người, gần 100 người đã được điều trị khỏi, chưa có người tử vong. Đó phải chăng là sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước đối với quyền của người dân, đặc biệt là quyền được sống. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng hy sinh về kinh tế để bảo vệ tính mạng của người dân. Việc phong toả, cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và khu phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội,… để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thành công là một minh chứng sống động nhất trong xử lý dịch của Chính phủ Việt Nam. Vậy cớ gì, các vị cứ cố tình không thấy sự thực, mà lại ra sức xuyên tạc thực tiễn sinh động trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, bảo đảm quyền sống cho người dân Việt Nam.
Việc Việt Nam xử lý những cá nhân vi phạm pháp luật, như: đưa tin giả để bán hàng, câu like trên mạng xã hội, không tuân thủ, thậm chí là chống đối các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế,... là hoàn toàn đúng với pháp luật Việt Nam được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều đó không riêng gì Việt Nam thực hiện, mà hàng loạt quốc gia cũng thực hiện như vậy. Cũng với những vi phạm trên, ở Cộng hòa liên bang Nga còn phạt tù với thời gian tối đa lên tới 07 năm. Thế thì tại sao các vị nói Việt Nam vi phạm “nhân quyền”?
Ở Việt Nam, thực tiễn thời gian qua cho thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Vì vậy, tới ngày 05/4/2020, Việt Nam là một trong 5 quốc gia mới có hơn 200 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó đã có 90 bệnh nhân khỏi bệnh (có cả người nước ngoài) và chưa có trường hợp nào tử vong. Với kết quả phòng, chống, kiểm soát dịch như vậy, nếu ai là người Việt có lương tâm, biết suy nghĩ, có tình người thì đã hết sức vui mừng cho dân tộc, đất nước mình; phải có tinh thần khích lệ và biết ơn những ai đã giúp cho đất nước này vượt qua khó khăn, nguy hiểm, biết tự hào về cách thức, nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của dân tộc trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Ngược lại, dưới cái mác “dân chủ”, họ ra sức xuyên tạc, phá hoại thành quả trong công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Họ đích thực là những người vô lương tâm, ích kỷ, chỉ muốn “mọi người vì mình”, mà chẳng bao giờ vì Tổ quốc Việt Nam, nơi sinh ra mình.
TIN LIÊN QUAN:
Trong thời điểm hiện nay khi diễn biến dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp, nguy cơ dịch lan rộng vẫn còn hiện hữu, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì mỗi công dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội để góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh. Trước hết, mỗi công dân dù ở bất cứ cương vị nào cần hết sức tin tưởng vào các quyết sách, biện pháp của Chính phủ, không để các thế lực thù địch kích động, lợi dụng để tung tin bịa đặt, gây hoang mang trong xã hội, gây chia rẽ khối đoàn kết thống nhất giữa Nhân dân với Đảng. Cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, không chia sẻ, đăng lại hay cổ súy cho những quan điểm, bài viết, hình ảnh giả tạo trên mạng xã hội hoặc những trang phản động.
Phải mạnh mẽ lên án, phê phán thói ích kỷ, vô trách nhiệm trong phòng, chống đại dịch Covid-19
Trước những hành động kịp thời và trên hết là vì sức khỏe người dân, vì sự bình an cho đất nước của Đảng và Nhà nước, khắp nơi trên cả nước, người dân đã phát huy cao độ tính tự giác, đề cao trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Nhiều người đã đăng tải bài viết, sáng tác ca khúc kêu gọi bạn bè, người thân hạn chế việc đi lại và chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết để phòng chống Covid-19. Song, thật buồn và đáng lên án những suy nghĩ và hành động của một số người, vì sự ích kỷ, kiêu ngạo cá nhân mà làm cho cả cộng đồng phải gồng mình, căng sức trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của đại dịch. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 15 và 16 nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa, tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19, thì lại xuất hiện một số cá nhân không chấp hành, ngang nhiên vi phạm các quy định về cách ly xã hội. Mặc dù Chỉ thị nêu rõ: cấm tụ tập đông người nơi công cộng, như: quán bar, vũ trường, karaoke, massage, nhưng họ lại lén lút mở cửa hoạt động, vô tư đi tắm biển ở bãi biển Bình Thuận (ngày 30/3/2020); thậm chí một số đối tượng còn hung hãn chống đối khi lực lượng chức năng nhắc nhở, chấn chỉnh sai phạm về phòng, chống dịch của bản thân, v.v. Những hành vi nói trên không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức mà còn coi thường pháp luật và sinh mạng cộng đồng, đi ngược lại các giải pháp phòng, chống, đẩy lùi đại dịch đang có hiệu quả của chúng ta cho nên cần phải lên án và xử lý thật nghiêm minh để làm gương cho người khác.
Câu chuyện về sự khai báo gian dối, vòng vo không trung thực của các bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận, bệnh nhân số 17 ở Hà Nội và bệnh nhân số 178 ở Thái Nguyên thời gian qua đã gây họa cho chính mình, người thân của mình; đồng thời, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và hệ thống phòng dịch, làm ảnh hưởng chung tới công tác phòng dịch của nhiều địa phương cũng như của cả nước, để lại hệ lụy thật khôn lường. Dưới góc độ đạo đức, những người ích kỷ như những trường hợp nêu trên, hẳn trong suy nghĩ của họ không bao giờ có cách sống “mình vì mọi người” mà trong họ chỉ muốn “mọi người vì mình”. Họ chẳng bao giờ cảm thông, sẻ chia những gian lao, hiểm nguy của những người trên tuyến đầu chống đại dịch, mong đem lại sự sống, sự bình yên của con người và cộng đồng, trong đó có chính họ. Hậu quả của sự ích kỷ, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng, chắc chắn tới đây họ sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định; song, trước hết, là sự day dứt lương tâm và phán xét của xã hội dành cho mình. Đó là bài học đắt giá, là gương để mọi người soi vào, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với trào lưu chung của xã hội. Trong hoàn cảnh này, sự ích kỷ và kiêu ngạo còn nguy hiểm hơn cả Covid-19. Hãy chung sức, đồng lòng cùng nhau chống dịch chứ không nên vì cái “tôi” ích kỷ mà chống đối, không tuân thủ sự khuyến cáo, hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế và những quy định của Chính phủ, của địa phương. Cần gạt bỏ sự ích kỷ, kiêu ngạo, hãy “mình vì mọi người”, tự ý thức bản thân làm cái gì đó cho xã hội, trước hết là tự giác thực hiện cách ly xã hội để bảo vệ chính bản thân mình, bảo vệ những người mà chúng ta yêu thương, bảo vệ toàn thể cộng đồng xã hội, để sớm thắng “giặc Covid-19”.
“Bao giờ mới hết dịch?”, “Bao giờ cuộc sống mới trở về bình thường?”. Câu hỏi này, lời giải đáp chính là hành động của chúng ta ngày hôm nay. Nếu mọi người còn chủ quan, lơ là, không tuân thủ triệt để yêu cầu của Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế thì có thể chính họ sẽ bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây không mong muốn. Và cuộc chiến này sẽ còn kéo dài, tốn công sức, tiền của và sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, điều cần thiết nhất lúc này là mọi người cần bình tĩnh, thực hiện theo khuyến cáo của Chính phủ và ngành Y tế. Việc phải cách ly, hạn chế ra khỏi nhà, giảm tiếp xúc, giao tiếp là điều không ai muốn nhưng nay là biện pháp cấp thiết, quyết định đến việc thành bại của cuộc chiến chống dịch bệnh này. Việc chống “giặc Covid-19” thời điểm này với nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là cách tốt nhất để chúng ta chặn được đà lây lan của dịch.
Hiện nay, cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam vẫn đang trong vòng kiểm soát với sự quyết tâm cao độ, cùng sự nỗ lực không ngưng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Song, sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp có thể “đổ sông đổ bể”, nếu một vài công dân thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Việc nâng cao ý thức công dân và thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi người trong lúc này là thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết dân tộc và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chiến thắng dịch bệnh. Niềm tin, ý thức và trách nhiệm công dân sẽ góp phần chiến thắng dịch Covid-19, và chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng với tinh thần kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, sát cánh cùng nhau vì sức khỏe cộng đồng và sự bình yên của đất nước.
PHIẾM ĐÌNH (TCQPTD)