Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, April 22, 2020 , 0 bình luận

Trả lời Thanh Niên ngày 21.4 về tình hình Biển Đông, GS James Kraska (ảnh, chuyên ngành luật hàng hải quốc tế, Đại học Hải chiến Mỹ) khẳng định sự phi pháp trong hành động của Trung Quốc.

>>Việt Nam lên tiếng về tình hình phức tạp trên Biển Đông

Thành lập 2 chính quyền cơ sở cấp quận - huyện là Tây Sa và Nam Sa, thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, nhằm kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế?
Hành động này của Bắc Kinh là hoàn toàn phi pháp, bởi Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 đã phán quyết bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) trên Biển Đông. Như thế, Trung Quốc tự thành lập một thành phố Tam Sa với tổng diện tích hơn 2 triệu km2 là hoàn toàn phi pháp.
(NVCC)
Hành động trên của Bắc Kinh tác động thế nào đến tình hình Biển Đông?
Vì hành động trên của Trung Quốc là phi pháp nên không có giá trị dựa theo luật pháp quốc tế. Các nước có thể từ chối công nhận cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng chính quyền cấp dưới. Tuy nhiên, về mặt thực tế thì Bắc Kinh lại đang tăng cường kiểm soát, củng cố quyền quản lý hành chính đối với những khu vực mà họ đang chiếm đóng trên Biển Đông, xâm phạm đến chủ quyền và quyền tài phán của láng giềng.
Việt Nam cũng như các nước ASEAN nên hành động như thế nào?
Trước hết, ASEAN cần hợp tác chặt chẽ với nhau để chống lại yêu sách mang tính bá quyền của Bắc Kinh. Nếu không thì từng quốc gia thành viên ASEAN sẽ bị Trung Quốc chi phối riêng rẽ. Và thực tế đã có một số thành viên ASEAN không thể tách bạch trong quan hệ với Trung Quốc do có mối quan hệ quá khắng khít về kinh tế, điển hình như Campuchia. Hay Thái Lan cũng tương tự.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh phối hợp với một số nước trong khối có ít lệ thuộc vào Trung Quốc và cùng có chung tình trạng bị Bắc Kinh xâm phạm đến chủ quyền. Từ đó hình thành nên sự hợp tác để chống lại sự bá quyền của Trung Quốc. Điển hình trong số này là Indonesia. Đây là một quốc gia đông dân nhất trong khu vực, đứng thứ tư trên thế giới. Gần đây, Indonesia cũng phải đối mặt với nhiều hành vi gây rối của Trung Quốc trên biển. Việt Nam nên tăng cường hợp tác với Indonesia để cùng xây dựng sự đồng thuận trong khối ASEAN trước các hành vi của Trung Quốc.
Việt Nam theo dõi sát tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN
Ngày 21.4, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Là quốc gia ở Biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình. Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới”.
Vũ Hân

Ngô Minh Trí (Thanh niên)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X