Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, April 18, 2020 , 0 bình luận



Xây dựng quyền lực mềm nhằm tăng vị thế để theo đuổi các “quyền lực cứng” trong chính trị quốc tế, điển hình như mưu đồ thâu tóm Biển Đông hay xa hơn là thể hiện vai trò bá chủ thế giới.

Đánh tráo sự thật để thâu tóm Biển Đông

Trong bài viết Âm mưu thao túng dư luận, Trung Quốc lấp liếm hành vi gây rối đăng hôm qua 17.4, Thanh Niên đã chỉ ra việc Bắc Kinh thâu tóm báo chí bên ngoài đại lục, mở rộng kênh tuyên truyền ra thế giới nhằm định hướng dư luận để lấp liếm các hành vi sai trái trên Biển Đông. Đây là cách thức hình thành quyền lực mềm nhằm phục vụ cho mưu đồ thâu tóm Biển Đông mà Trung Quốc không hề từ bỏ suốt nhiều năm qua.
Trung Quốc từng triển khai giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động phi pháp ở vùng biển Việt Nam (Độc Lập)
Trong quá trình hình thành quyền lực mềm để định hướng dư luận, Bắc Kinh còn mở ra các trung tâm nghiên cứu tham vấn. Thông qua các đơn vị nghiên cứu này, Trung Quốc công bố các báo cáo, đồng thời chiêu dụ nhiều chuyên gia quốc tế để đưa ra các phân tích đều phục vụ cho lợi ích của nước này. Các báo cáo của những trung tâm này được nhiều tờ báo, đơn vị truyền thông “thân hữu” của Bắc Kinh đăng tải.
Điển hình như trong bài viết US military operations in South China Sea increase risk of confrontation, think tank says (tạm dịch: Tổ chức tham vấn đánh giá các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ) được tờ South China Morning Post đăng tải ngày 30.3, thì báo này đã trích dẫn báo cáo về hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông. Báo cáo này được công bố bởi Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) - Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).
SCSPI gần đây liên tục đưa ra những báo cáo không khách quan, thậm chí sai sự thật về tình hình Biển Đông. Điển hình là báo cáo về hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông, thì SCSPI đã hoàn toàn không đề cập trách nhiệm của Trung Quốc trong việc leo thang căng thẳng quân sự trên Biển Đông.
Cũng liên quan tình hình Biển Đông, SCSPI trong 3 tháng đầu năm 2020 đã đưa ra nhiều bài viết cáo buộc các tàu cá của Việt Nam xâm phạm trái phép vùng nước của đảo Hải Nam. Điển hình là bằng cách dựa trên một nhóm dữ liệu được cho là tín hiệu định danh và định vị của các tàu (AIS), SCSPI tố cáo rằng một số lượng lớn tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt bất hợp pháp hoặc do thám gần căn cứ hải quân chiến lược Du Lâm của Trung Quốc.
Liên quan cáo buộc này, TS Đỗ Thanh Hải (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao) đã có bài viết đăng trên Thanh Niên (bài viết: Cáo buộc tàu cá Việt Nam “bao vây” Hải Nam: Vô lý và vô căn cứ) và chuyên san The Diplomat (bài viết Did Vietnam’s Maritime Militia Really Swarm a China Military Base?) để chứng minh những điểm vô lý và vô căn cứ mà SCSPI đưa ra.
Trong khi SCSPI chuyên “sản xuất” báo cáo có lợi cho Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) của nước này lại có nhóm chuyên gia ra sức đăng tải các bài viết theo kiểu đánh tráo khái niệm, nhằm đổ lỗi cho các nước khác. Điển hình trong số này là các chuyên gia như TS Mark Valencia (học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Nam Hải) và ông Ngô Sĩ Tồn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải). Rất nhiều lần, TS Valencia đã dùng báo cáo của SCSPI làm “bằng chứng” cho luận điểm khi nhận xét về Biển Đông.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, chuyên gia bài này có bài viết trên tờ South China Morning Post với nhan đề Why the US-Vietnam strategic alliance in the South China Sea is unlikely to last (tạm dịch: Liên minh chiến lược Việt - Mỹ khó lâu bền) để đánh giá sự kiện tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ. Tựu trung bài viết, TS Valencia đưa ra cảnh báo “nếu Việt Nam chọn vị trí chống Trung Quốc và ủng hộ Mỹ thì đó là phù du”.
Trong khi đó, thực tế là Việt Nam đang phải tự vệ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông từ nhiều năm qua. Còn chuyến thăm trên chỉ mới diễn ra, thì không thể có chuyện Việt Nam đang lôi kéo để quậy phá Trung Quốc. Từ chỗ là phía đi gây rối bị thế giới chỉ trích và tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng bị Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) bác bỏ, Trung Quốc đã được TS Valencia “phù phép” thành nạn nhân.
Năm 2018, vị tiến sĩ này cũng bị giới nghiên cứu chỉ trích dữ dội khi đăng bài trên tờ The Jakarta Post cho rằng những hành động quân sự hóa phi pháp và gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ nhằm “phòng thủ” vì những nước trong khu vực “lôi kéo, dựa hơi Mỹ để gây hấn”. Nhưng như đã nói, giới học giả quốc tế chỉ ra rằng đó là ngụy biện.

Giữa đại dịch, muốn thể hiện vai trò “lãnh đạo thế giới”

Trong tham vọng quyền lực mềm, Trung Quốc còn muốn thông qua đó để vươn lên vị trí “lãnh đạo thế giới”.
Gần đây, truyền thông và giới chuyên gia quốc tế đánh giá Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường quyền lực mềm giữa đại dịch Covid-19 thông qua việc hỗ trợ trang thiết bị y tế. Đây là cách thức để Trung Quốc dần khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới.
Nhận xét về điều này khi trả lời Thanh Niên ngày 17.4, bà Bonnie Glaser (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) cho rằng: “Trung Quốc đang cố gắng khai thác thời điểm toàn cầu đang đối phó đại dịch để thể hiện vai trò “lãnh đạo” và là “nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu đáng tin cậy” của thế giới. Đã có một số chỉ trích về việc khẩu trang và bộ kit xét nghiệm mà Trung Quốc gửi cho nước khác là không đảm bảo chất lượng. Nhiều quốc gia đã lên tiếng phản ứng về điều đó. Tuy nhiên, cũng có một số nước khác lại im lặng, mà lý do có thể là do phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Chính vì thế, rất khó để đánh giá về hiệu quả thực sự của những biện pháp xây dựng quyền lực mềm mà Bắc Kinh tiến hành trong đại dịch.
Cùng ngày 17.4, trả lời Thanh Niên, GS Joseph Nye (Đại học Harvard, Mỹ - người được xem là “cha đẻ” của học thuyết Quyền lực mềm) đánh giá: “Trong đại dịch lần này, Trung Quốc thực hiện các chương trình viện trợ, can thiệp mang tính chính trị đối với một số kết quả thống kê nhằm cố gắng thay đổi các đánh giá về việc nước này đã phản ứng chống dịch chưa hiệu quả. Tuy nhiên, các phương thức xây dựng quyền lực mềm này đã không hiệu quả khi ở châu Âu và nhiều nơi thì vẫn nghi ngờ vào những gì Trung Quốc thực sự làm được. Đó là một ví dụ cho việc xây dựng quyền lực mềm - vốn dựa vào sự hấp dẫn, cách tuyên truyền tốt nhất là không tuyên truyền. Bên cạnh đó, khởi điểm vị thế quyền lực mềm của Bắc Kinh khá thấp”.
Thực tế, đến nay, nhiều nước trên thế giới vẫn đang chỉ trích và yêu cầu Trung Quốc cần minh bạch thông tin việc nước này kiểm soát bệnh dịch, hay thậm chí là nguồn gốc phát tán vi rút gây nên bệnh dịch Covid-19.
Bắc Kinh không thể phát triển mạnh quyền lực mềm
Năm 2007, khi đang giữ chức Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố tăng cường quyền lực mềm của nước này. Tuy nhiên, vì đẩy mạnh các tranh chấp chủ quyền với láng giềng, cùng với do một số yếu tố chính trị và tính dân chủ trong xã hội, Trung Quốc không thể phát triển mạnh quyền lực mềm gây ảnh hưởng lên các nước. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc chiếm vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng Soft Power 30 về chỉ số quyền lực mềm.
GS Joseph Nye (Đại học Harvard, Mỹ)
(Ngô Minh Trí thực hiện)
Ngô Minh Trí (Thanh niên)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X