Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, May 09, 2020 , 0 bình luận

Căn cứ vào quy định tại điều 395 Bộ luật tố tụng hình sự thì hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm phát sinh từ ngày ra quyết định, cụ thể trong vụ án giết người, cướp tài sản ở Bưu điện Cầu Voi, là ngày 8-5-2020.


Điều luật này cũng quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị…
Bị cáo Hồ Duy Hải tại một phiên tòa - Ảnh: tư liệu

Đối với việc có thi hành án tử hình Hồ Duy Hải luôn hay bị án này vẫn còn có thể làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá thêm một lần nữa?
Một chuyên gia trong lĩnh vực xét xử cho rằng việc xử giám đốc thẩm này là "ngoại lệ" bởi theo thủ tục tố tụng thì trước đó Viện KSND Tối cao và cả Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án, Chủ tịch nước cũng đã bác đơn xin ân xá của bị cáo Hồ Duy Hải. Do đó, việc có kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm lần này là "đặc biệt".
Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, do có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án tử hình của Hồ Duy Hải, công văn yêu cầu xem xét lại vụ án theo đơn của gia đình Hồ Duy Hải và luật sư từ Văn phòng Chủ tịch nước… nên có thể thấy việc xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm cũng là một cách để đánh giá lại vụ án để trả lời cho gia đình Hồ Duy Hải và những cá nhân, tổ chức quan tâm đến vụ án và có yêu cầu xem xét lại bản án.
Vị này cũng cho rằng, nếu tuân theo thủ tục này thì Hồ Duy Hải còn cơ hội làm đơn xin chủ tịch nước ân xá thêm một lần nữa. Nếu chủ tịch nước bác đơn xin ân xá thì lúc đó mới thành lập Hội đồng thi hành án và ra quyết định thi hành bản án tử hình. Trường hợp nếu chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân xá và giảm án từ tử hình xuống chung thân thì cơ hội sống của tử tù vẫn còn.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, vẫn còn một cơ hội khác nữa mặc dù quyết định giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, đó là thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao theo điều 404 Bộ Luật tố tụng hình sự, nếu phát hiện quyết định này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định nếu có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, mà Hội đồng thẩm phán không biết được khi ra quyết định đó.
Đồng thời, điều 404 quy định: "Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó".
Tuy nhiên, bình luận về tình huống được quy định tại điều 404 thì vị này cho biết, nếu xem xét lại bản án thì cũng vẫn do Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét, do đó, việc đánh giá bằng chứng hoặc việc sai phạm của quyết định giám đốc thẩm phải rất thận trọng.
Hoàng Điệp (Tuổi trẻ)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X