Suy nghĩ về ngày 30-4-1975, về quan hệ giữa người Việt ở trong nước và nước ngoài, ước mong như thế nào về tương lai đất nước,… đó là một số nội dung cuộc thảo luận do trang Nửa vòng trái đất TV của Derek Phạm - người Mỹ gốc Việt, tổ chức nhân ngày 30-4-2020. Tuy còn một vài khác biệt song nhìn chung, hầu hết ý kiến thảo luận được trình bày chân thành, bày tỏ mong muốn người Việt Nam ở trong và ngoài nước đoàn kết xây dựng đất nước. Lược ghi một số nội dung cuộc thảo luận sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm những suy nghĩ và mong muốn nói trên. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Bóc mẽ chiêu trò 'lừa đảo' của những kẻ mang danh đấu tranh dân chủ lợi dụng vụ Formosa!
- Giữ gìn bản sắc văn hóa-bảo vệ nền tảng tinh thần xã hội: Nhận diện nguy cơ 'diễn biến hòa bình' về văn hóa (Kỳ 1)
- 'Trở về để đóng góp cho sự phồn thịnh của đất nước'! (Kỳ 1)
- Nhà báo Quốc Phong: Hòa hợp – từ tâm khảm nhà lãnh đạo đến sâu thẳm trái tim mỗi người Việt Nam (Bài 5)
- Việt Nam hòa hợp dân tộc
Hen-ry Nguyễn (hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu - Việt Nam)
Ảnh: TTXVN
Là người trong nước, sinh ra sau năm 1975, tôi thích cụm từ "giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước". Tại sao tôi thích sử dụng cụm từ đó? Bởi miền bắc Việt Nam hay miền nam Việt Nam - cả hai bên đều mong muốn thống nhất đất nước. Nhưng một bên làm được, một bên đã thất bại. Ngay cả miền nam Việt Nam cũng từng dùng cụm từ "tiến chiếm miền bắc", cho nên tôi vẫn dùng từ "giải phóng". Cách đây ba năm, cũng vào khoảng thời gian 30-4, trên đường từ Vũng Tàu lên La Gi (Bình Thuận), dừng lại ở một quán hàng, tôi đã gặp ba cựu "lính Việt Nam cộng hòa" ngồi nhậu. Vô tình biết, nên tôi hỏi: "Ủa, sao anh là lính Việt Nam cộng hòa mà cũng nhậu và mừng ngày thống nhất đất nước?". Một anh nói đại loại:
"Thực ra ngày đó chúng tôi vui chứ, thống nhất đất nước thì ai cũng vui. Lúc đó, lính miền bắc tiến vào khu vực La Gi - Bình Thuận, giải phóng xong, mấy ông đó bảo như vậy là chúng tôi giữ được tính mạng của mình rồi". Còn bảo hai bên miệt thị nhau thì không đúng, vẫn có lời qua tiếng lại giữa hai bên nhưng đó là cá biệt, số ít. "Nhân vô thập toàn", không có ai trọn vẹn nữa là một đất nước. Một biến cố xảy ra bao nhiêu thứ. Thứ nhất là cuộc chiến năm 1975 và trước đó. Sau là di tản, chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc… Nhiều chuyện xáo trộn đã xảy ra cùng một lúc. Khi có chiến tranh, có những loạn ly, có những chia cắt nhân tình thế thái thì khó mà ngăn cản được những ấn tượng về nhau, kể cả ấn tượng xấu lẫn tốt. Nhưng 45 năm đã trôi qua, rất dài. Chuyện gì xảy ra với mình mà mình không thích thì cũng đừng muốn làm với người khác.
Trước khi có mạng internet (in-tơ-nét), việc gọi bên kia như thế nào cũng nhạt nhòa lắm. Chỉ biết là bên kia là "Việt Nam cộng hòa". Nhưng sau này internet phát triển, bắt đầu có lời qua tiếng lại mà theo quan sát của tôi, thì xuất phát từ hải ngoại nhiều hơn từ trong nước. Nghĩa là việc 45 năm những thù hận vẫn được tiếp tục nuôi dưỡng bởi một số người Việt Nam ở hải ngoại nhiều hơn là ở trong nước. Khi có sự "đánh lửa" lên từ hải ngoại thì bên trong cũng có người bảo vệ quan điểm của họ và phản ứng lại. Lời qua tiếng lại theo quan điểm cá nhân chứ không phải chủ trương, hay thù hận đó được nuôi dưỡng theo một chủ trương nào cả. Nghị quyết 36 (Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài - PN) đề cập đã nhiều năm nay. Ở đây là cần nhìn vào thực tế. Thực tế là hằng năm số người Việt ở hải ngoại về nước ngày càng nhiều hơn. Ðiều đó là rõ ràng. Và nhiều người chống cộng bây giờ cũng đã về rồi, không thể nào lên danh sách hết được. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số người đang nghĩ phải "trả giá với quê hương", "trả giá với cộng sản" như thế nào là đủ thì người ta mới về. Thật sự thì cộng sản không trả thêm cho các bạn nữa đâu và cuộc sống, đất nước vẫn tiếp tục phát triển. Các bạn cứ việc về quê hương đất nước. Nếu đã ở tuổi xế chiều rồi thì nên quyết định về. Bây giờ cho phép về rất nhanh, dễ dàng, nên các bạn hãy về đi, về thăm quê hương, đất nước, biết được đất nước mình đã thay đổi thế nào, để rồi nếu chẳng may có gửi thân xác ở đâu cũng cảm thấy thoải mái, mãn nguyện.
Nếu quá nặng lòng với sự cực đoan thì theo tôi nghĩ sẽ không đại diện cho ai cả. Ánh mắt của họ dính vào 45 năm trước, không chịu mở rộng, không chịu tiếp nhận những thông tin mới, hình ảnh mới, cũng như không chịu tiếp nhận sự thay đổi. Họ gắn vào một quá khứ mà họ chẳng thay đổi được và họ sống với quá khứ. Ðó là lựa chọn của họ. Không nghị quyết nào bứng được họ từ Mỹ về Việt Nam thăm quê hương, hay có tình cảm tích cực với quê hương. Họ có cách hành xử kỳ quặc, có thể nói là bệnh hoạn, là trút giận dữ lên quê hương, không muốn nghe những điều tốt đẹp ở Việt Nam. Họ nói là họ yêu nước nhưng họ không muốn nghe những điều tích cực.
45 năm, tôi thấy tất cả thay đổi theo chiều hướng tích cực. Còn với những ai đi khắp nơi trên thế giới mà vẫn còn hằn học, thù hận, cay cú thì cũng nên nhìn lại để suy nghĩ về tình người, tình dân tộc, để có thể về với đất nước, trước khi quá muộn. Là người trẻ nhất trong cuộc thảo luận này, tôi chỉ mong muốn đất nước yên bình, không có chiến tranh nữa. Giới trẻ Việt Nam chỉ mong muốn hai chữ hòa bình và tiếp theo đó là phát triển. Nói đến thời điểm hiện tại, trong việc chống dịch Covid-19, Việt Nam đang làm rất tốt. Giá trị gì không biết, dân chủ, nhân quyền hay những thứ khác cũng không đáng giá bằng mạng sống. Việc Nhà nước Việt Nam đang làm hiện nay là vừa bảo đảm an ninh, vừa bảo đảm sức khỏe cho người dân, bảo đảm một môi trường mà người dân được làm những gì pháp luật không cấm và chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn nữa trong tương lai.
Nguyễn Ðông Ðức (hiện đang sinh sống tại Hà Nội - Việt Nam):
Tôi sinh ra trong chiến tranh, khi chiến tranh kết thúc tôi còn rất bé. Ngày 30-4-1975 là Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Máu người Việt không phải đổ nữa. Cuộc chiến đã qua 45 năm. Ở đâu đó có câu rằng "Nếu chúng ta nuôi thù hận thì đó là con đường ngắn nhất đưa chúng ta đến nghĩa địa". Cuộc chiến qua đi. Chúng ta cần vị tha nhiều hơn. Hãy bỏ hận thù. Cuộc chiến là quá khứ, không phải hiện tại. Chúng ta hãy sống cho hiện tại và tương lai. Những hận thù hãy mai một dần đi, tình người giữa người Việt với nhau, bằng sự vị tha hãy bỏ qua và gần nhau hơn. Người Việt từ năm châu về với Việt Nam, đương nhiên ban đầu là thăm thân nhân, về quê cha đất tổ. Còn trả lời câu hỏi Nhà nước làm tốt hay chưa, tôi thấy họ đang làm tốt. Ðại đa số Việt kiều trở về quê hương đều không gây xáo trộn trong xã hội và chấp hành mọi quy định hiện tại của Việt Nam và các yêu cầu khác rất tốt. Tức là họ đã yêu nước rồi.
Tôi thấy đến giờ, với Nghị quyết 36, là một chủ trương đúng đắn và đã thành công. Còn về một số ít người đang chống cộng và có người điên cuồng chống cộng, thì cũng xin lỗi vì có lời hơi chua chát: Với quan điểm cá nhân, tôi coi số người có quan điểm chống cộng cực đoan không phải là con người, vì họ ác độc hơn cả người bình thường có thể. Họ ác độc vì không yêu nước, vì mục đích cá nhân, họ dùng một chút tiền gửi về trong nước, xúi bẩy người văn hóa chưa được cao, dân trí còn thấp đi gây rối trật tự, ném bom xăng vào chỗ này, đập phá chỗ kia… Cuối cùng, khi những người đó phải đi tù, thì họ có chịu trách nhiệm không? Không! Họ đã để lại một thảm cảnh là vợ con người ta, chồng người ta, bố mẹ người ta khổ sở như thế nào. Họ không cần biết, đấy là dã tâm của họ. Dã tâm nữa là có người truyền lại hận thù cho thế hệ sau, đó là việc làm vô đạo đức, bởi người lớn tuổi không được phép truyền lại hận thù, truyền lại sự sai trái cho thế hệ sau. Theo quan điểm của tôi, một người Việt Nam, thì đó là không được phép. Thế nên họ có những điều tôi không chấp nhận. Họ chống cộng không phải vì yêu nước, họ chống cộng vì mục đích rất đê hèn. Nhưng những người đó là số ít. Vài người đó, kể cả gấp 100 lần số người đó đòi lật đổ chế độ này thì cũng chỉ là chuyện cổ tích. Không làm được! Họ luôn sống với cái bóng 45 năm nay họ vẫn sống. Họ vẫn đi tìm trong quá khứ một cái bóng ảo. Nhưng hành động của họ không có chút lương tri. Họ chỉ là người nói tiếng Việt chứ họ không phải là người Việt Nam. Người chống cộng ở hải ngoại, tưởng là mình ghê gớm lắm, họ nói là kinh khủng lắm. Có ông già, nếu về Việt Nam thì chúng tôi coi bị thần kinh trầm trọng, vì ông ấy nói một câu rất ngô nghê: "Nếu tôi lãnh đạo thì Việt Nam phát triển gấp 10 lần!". Ông ấy làm thường dân ở Việt Nam đã được chưa mà đòi làm lãnh đạo?
Chiến tranh đã qua nửa thế kỷ. Hãy để quá khứ ngủ yên, chúng ta không soi lại hận thù nữa. Vấn đề lịch sử hãy để lịch sử phán xét. Chúng ta đang sống trong thế giới hiện đại và văn minh, là người Việt Nam, cùng máu đỏ da vàng. Quê hương Việt Nam chỉ có một, đất nước Việt Nam cũng chỉ có một. Hãy biết suy nghĩ đúng đắn để thay đổi, để có thể bỏ qua những điều nhỏ nhặt về cá nhân, về quan niệm mà dung hòa, nói với nhau chúng ta là người một nhà. Ðó là điều mà rất nhiều người trong nước mong mỏi vì thật sự khi ra nước ngoài, khi đi du lịch, có người bản địa nói ở đây có nhiều người Việt Nam, tôi cảm thấy một điều gì đó rất thân thuộc, chưa cần biết đó là người Việt Nam đi từ đâu và ở đâu. Ðã là người Việt Nam, hãy tình cảm với nhau nhiều hơn, cùng chung tay xây dựng đất nước để Việt Nam luôn là đất nước thắm tình đoàn kết, chia sẻ, yêu thương giữa người ở trong nước với người ở nước ngoài.
Phạm Nguyễn (Nhân dân/Lược ghi)