Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, June 02, 2020 , 0 bình luận

Mặc dù viên cảnh sát Derek Chauvin đã bị sa thải và cáo buộc tội giết người cấp độ ba, nhưng người biểu tình vẫn tiếp tục đổ xuống đường đêm này qua đêm khác vì họ không chỉ biểu tình phản đối một vụ giết người đơn lẻ mà phản đối tình trạng cảnh sát dùng bạo lực tràn lan nhưng hầu như không phải chịu hậu quả gì. Các cuộc biểu tình này đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.


Những con số biết nói

Thống kê gần đây của nhóm Mapping Police Violence (Thống kê bạo lực cảnh sát) cho thấy, trong 99% số vụ cảnh sát giết người từ năm 2014 tới 2019 ở Mỹ, không cảnh sát nào bị cáo buộc tội danh gì, chứ chưa nói tới việc bị kết án. Dữ liệu Mapping Police Violence thu thập từ cơ sở dữ liệu công và hồ sơ thực thi pháp luật cũng cho thấy số vụ cảnh sát giết người đã có xu hướng tăng nhẹ từ năm 2013 tới 2019.

Trong thời gian đó, số vụ giết người giảm xuống mức thấp (1.050 vụ) năm 2014 và tăng lên mức cao (1.143 vụ) năm 2018. Những con số này cho thấy dù nhiều năm biểu tình và thay đổi chính sách (ví dụ như yêu cầu cảnh sát trang bị camera hay dùng kỹ thuật giảm căng thẳng trước khi dùng bạo lực), thực trạng này hầu như không thay đổi mấy.

Người biểu tình tại thành phố Los Angeles ngày 30-5. Ảnh: EPA-EFE

Những con số này nói về việc cảnh sát giết người thuộc nhiều chủng tộc, nhưng khi phân tích dữ liệu theo chủng tộc, ta có thể thấy số vụ cảnh sát giết người Mỹ da màu cũng như người Mỹ da trắng dường như có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vụ giết hại người Mỹ Latinh lại tăng nhẹ. Cảnh sát giết hại người Mỹ gốc Á và người Mỹ bản địa tăng rồi giảm sau đó; còn số vụ cảnh sát giết người Mỹ không rõ chủng tộc tăng rất cao.

Những điều này cho thấy cảnh sát giết người không chỉ là vấn đề mà người Mỹ da màu phải chịu đựng mà nó ảnh hưởng tới người Mỹ thuộc mọi chủng tộc. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ vụ giết người/triệu dân, thì người Mỹ da màu có nhiều rủi ro bị cảnh sát giết hại nhất. 

Sự khác nhau này ở 8 thành phố Mỹ cao tới mức tỷ lệ cảnh sát giết người da màu cao hơn cả tỷ lệ giết người ở Mỹ. Tại 27 trong số 50 thành phố lớn nhất Mỹ, tỷ lệ cảnh sát giết người mọi chủng tộc cao hơn tỷ lệ tội phạm bạo lực. Ở nhiều thành phố như Kansas và Columbus, số vụ cảnh sát giết người gấp đôi tỷ lệ tội phạm bạo lực. Đây chính là thực tế mà người dân Mỹ xuống đường biểu tình. Đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối cảnh sát giết người da màu không mang vũ khí trong những năm gần đây.

Trong đó, một số vụ kéo dài hàng tuần liền như vụ biểu tình ở St. Louis năm 2017 sau khi Anthony Lamar Smith bị cựu cảnh sát Jason Stockley giết và vụ nổi dậy ở Ferguson năm 2014 sau cái chết của Michael Brown. Trong những vụ biểu tình này, một số phong trào đã xuất hiện như phong trào Black Lives Matter (Mạng người da màu quan trọng). Đã có một số sáng kiến cũng như biện pháp giám sát được thực thi trong lực lượng cảnh sát.

Một số nghiên cứu cho thấy áp dụng các biện pháp đã giúp giảm số vụ cảnh sát giết người nói chung. Phân tích dữ liệu của Mapping Police Violence cho thấy lệnh cấm hành vi dùng tay kẹp cổ từ phía sau đã làm giảm số vụ giết người 22%. Tuy nhiên, những mức giảm này là chưa đủ.

Biểu tình cũng chưa đủ. Phân tích của Mapping Police Violence cũng như các nghiên cứu của các trường Đại học Rugers, Michigan và Washington cho thấy điều đó. Sử dụng dữ liệu từ năm 2013 tới 2018, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu nguy cơ người Mỹ, cả nam và nữ, bị cảnh sát giết.

Kết quả cho thấy nguy cơ đàn ông da màu bị cảnh sát giết là 1:1.000, cao hơn mức trung bình về số người Mỹ chết trong tai nạn xe máy. Nếu các cuộc biểu tình trước đây không thay đổi được thực trạng bi kịch này thì hiện chưa rõ các cuộc biểu tình hiện tại có khả năng đó hay không. Tuy nhiên, người biểu tình không còn nhiều lựa chọn khác để thu hút sự chú ý với vấn đề tồn tại từ lâu này.

Nhiều người cho rằng không thể có thay đổi, trừ khi có chính sách làm suy yếu liên đoàn cảnh sát và đảm bảo không quân sự hóa hay phi quân sự hóa cảnh sát theo ý muốn của Tổng thống Mỹ. Quyết định cung cấp trang thiết bị quân sự cho cảnh sát không được đưa ra ở cấp địa phương mà ở cấp liên bang.

Các quan chức liên đoàn cảnh sát, những người định hình quy định hoạt động của cảnh sát, lại do cảnh sát trong liên đoàn bầu ra, chứ không phải người dân. Không phải lúc nào những người có trách nhiệm cũng xem xét các khiếu nại về cảnh sát.

Ví dụ như viên cảnh sát Chauvin nói trên từng bị khiếu nại 18 lần nhưng vẫn được làm việc trên phố vào ngày George Floyd chết. 99% cảnh sát không bị cáo buộc sau khi giết người. Khi mà không có nhiều nguồn lực khác để thúc thay đổi, người biểu tình Mỹ sẽ tiếp tục xuống đường để trút cơn giận tích tụ hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ.

Khơi mào cho làn sóng COVID-19 thứ hai

Các cuộc biểu tình quy mô lớn bày tỏ sự bất bình trước cái chết George Floyd tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Các nhà lãnh đạo chính trị, bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng những đám đông biểu tình có thể khiến số ca mắc bệnh gia tăng.

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo chính trị chấp thuận quyền bày tỏ bất bình của người biểu tình, họ cũng kêu gọi những người biểu tình đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân và ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. 

Tại Los Angeles, nơi biểu tình đã khiến các địa điểm xét nghiệm COVID-19 phải đóng cửa vào ngày 30-5, Thị trưởng Eric Garcetti cảnh báo rằng các cuộc biểu tình có thể trở thành “sự kiện siêu lây lan” và dẫn đến làn sóng dịch COVID-19 thứ 2.

Thống đốc bang Maryland Larry Hogan bày tỏ lo ngại rằng tiểu bang của ông sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong khoảng 2 tuần tới, đó là khoảng thời gian các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi một người nhiễm virus. Thị trưởng thành phố Atlanta, bà Keisha Lance Bottoms đã khuyến cáo những người biểu tình nên đi xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tuần này.

Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng, thực tế là các cuộc biểu tình diễn ra ngoài trời và không gian bên ngoài có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus. Ngoài ra, những người biểu tình cũng đeo khẩu trang và tránh đứng thành nhóm đông. Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại bày tỏ lo ngại về rủi ro mà các cuộc biểu tình mang lại.

Bác sĩ Howard Markel, nhà sử học y khoa tại Đại học Michigan cho biết: “Đúng là các cuộc biểu tình diễn ra ở bên ngoài, nhưng tất cả mọi người đều đứng gần nhau và trong trường hợp này, việc ở bên ngoài không bảo vệ bạn khỏi nhiễm virus”.

Mối lo ngại lớn nhất của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm là virus SARS-CoV-2 có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng nhiễm bệnh và họ vẫn cảm thấy đủ sức khỏe để tham gia vào các cuộc biểu tình.

“Có một số lượng lớn người mang mầm bệnh không có triệu chứng đang tham gia biểu tình và điều này rất nguy hiểm”, bác sĩ Markel nói. Trong khi đó, tiến sĩ Ashish Jha, Giáo sư và Giám đốc Viện sức khỏe toàn cầu của Đại học Harvard cho biết, hơn một nửa số ca mắc COVID-19 là lây nhiễm từ những người không có triệu chứng.

Theo ông, việc bắt giữ, di chuyển hoặc bỏ tù người biểu tình cũng làm tăng khả năng lây lan virus, đồng thời ông kêu gọi những người biểu tình kiềm chế các hành động bạo lực và cảnh sát giữ thái độ bình tĩnh. Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng đưa ra cảnh báo, các cuộc biểu tình bạo lực sẽ dẫn đến làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Mỹ.

Khổng Hà (CAND/tổng hợp)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X