Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, June 03, 2020 , 0 bình luận

New York ban bố lệnh giới nghiêm vào tối 1/6, nhưng không thể ngăn được tình trạng cướp phá, hôi của. Nhiều người bị bắt giữ ở trung tâm thương mại Macy’s lâu đời trên Phố 34.


Thành phố New York ra lệnh giới nghiêm từ 23h đến 5h hôm sau, giống nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ sau nhiều ngày biểu tình bạo loạn vụ cảnh sát da trắng đè chết người da đen ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota.



Viedeo: Cảnh sát New York đối phó với hàng trăm kẻ hôi của New York trải qua đêm 1/6 với các vụ hôi của xảy ra khắp quận trung tâm Manhattan. Hàng trăm kẻ đã tụ tập thách thức cảnh sát, bất chấp lệnh giới nghiêm.

Nhưng do tình hình hỗn loạn, Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố trên Twitter rằng lệnh giới nghiêm sẽ được đẩy sớm lên vào ngày hôm sau 2/6, tức bắt đầu lúc 20h, theo AP.

Một số người đang lấy đồ từ một cửa hàng bị phá hoại ở Manhattan. Ảnh: Reuters


Bạo lực phá hỏng thông điệp biểu tình

Tối 1/6, khi chuẩn bị đến giờ giới nghiêm, nhiều nhóm người biểu tình vẫn diễu hành qua Manhattan và Brooklyn, và có những nhóm người biểu tình đang đập phá cửa hiệu và lấy hàng.

Cảnh sát sau đó bắt giữ hai người ở tiệm Macy’s và đưa lên xe chở đi.

Một số người xông vào tiệm Nike ở Manhattan và mang ra đầy hàng hóa, quần áo trên tay. Gần Trung tâm Rockefeller, các cửa sổ tiệm hàng bị đập vỡ và nhiều người bị bắt giữ. Bên trong một cửa hàng AT&T, có những mảnh vỡ do bị đập phá.

Trung tâm thương mại Macy’s bị phá hoại, có đám cháy nhỏ ở bên ngoài. Ảnh: Reuters


“Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để gây dựng cửa tiệm, và chỉ trong một giây, ai đó đã làm chuyện này”, một chủ tiệm bán thuốc lá bị đập phá ở Manhattan, chỉ cho biết tên là Harri, nói với AP. “Thật sự quá tệ”.

Các video đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều người biểu tình đang cãi nhau với những người đang phá vỡ cửa sổ, yêu cầu họ dừng lại, nhưng các vụ phá hoại và đột nhập, hôi của càng tăng lên khi càng về khuya.

Thị trưởng de Blasio và Thống đốc Andrew Cuomo cho biết những vụ bạo loạn hai đêm trước đó - khiến cửa hàng bị đập phá, xe cảnh sát bị đốt - buộc họ phải ra lệnh giới nghiêm.

Nhưng hai lãnh đạo này vẫn khẳng định họ đứng bên những người biểu tình ôn hòa đã lên tiếng nhiều ngày liền phản đối bạo lực dưới tay cảnh sát và sự phân biệt chủng tộc.

“Chúng tôi không thể để bạo lực làm hỏng thông điệp của thời khắc hiện tại”, ông de Blasio nói, trong khi ông Cuomo đổ lỗi cho “những người đang muốn đánh lạc hướng và phá hoại uy tín” của phong trào biểu tình.

Cả hai ông đều nói sẽ có thêm cảnh sát được điều động.

Bạo loạn ban đêm

Các đám đông lớn tập trung biểu tình ở Quảng trường Thời đại và ở Brooklyn vào chiều ngày 1/6, và diễu hành trong nhiều giờ. Cũng giống những ngày trước, đoàn biểu tình khá ôn hòa vào buổi chiều, cảnh sát giữ khoảng cách.

Ở Manhattan, quanh Quảng trường Thời đại biến thành bạo loạn khi đêm xuống.

“Có những người có mưu đồ và muốn bẻ lái thông điệp (của phong trào biểu tình)”, Giselle Francisco, một người biểu tình, nói với AP, và cho biết lệnh giới nghiêm là cần thiết.

Nhưng một số ý kiến cho rằng lệnh giới nghiêm gần như việc “bịt miệng” người New York và không giải quyết gốc rễ vấn đề. Giám đốc Sở Cảnh sát Dermot Shea và lãnh đạo quận Brooklyn Eric Adams đều có ý kiến như vậy.

“Có những vết thương sâu, hoàn toàn có lý và nếu chúng ta không chữa lành vết thương đó... sẽ kéo dài vấn đề hơn”, ông Adams nói.

Người biểu tình chạy ra khỏi một tiệm ở Chelsea bị phá hoại. Ảnh: AP


Trước đó, ngày 31/5, nhiều nhóm người biểu tình kéo xuống khu Soho hào nhoáng của Manhattan, đập phá các cửa tiệm nhỏ, bao gồm Rolex, Kate Spade và Prada. Hàng trăm người bị bắt giữ.

Người biểu tình và cảnh sát đều căng thẳng

Sáng ngày 1/6, cảnh sát hiện diện nhiều ở khu Soho, còn cửa tiệm phải đóng ván gỗ. Ngày 31/5 là ngày thứ ba liên tiếp mà biểu tình ôn hòa ban ngày chuyển thành bạo loạn ban đêm. Người bị bắt giữ bao gồm cả con gái của thị trưởng.

Một tiệm bị phá hoại trên phố Broadway. Ảnh: AFP


Ngày 1/6, nhiều cảnh sát New York quỳ gối để thể hiện sự cảm thông với người biểu tình. Nhưng có những cảnh sát khác lại đụng độ với người biểu tình.

Hàng nghìn người đã đổ ra đường trên khắp nước Mỹ để phản đối nạn bạo lực dưới tay cảnh sát.

Ông Shea, giám đốc cảnh sát, nói đang điều tra 6 vụ đụng độ, bao gồm một vụ hai xe cảnh sát lái vào đám đông người biểu tình tại Brooklyn ngày 30/5.

Một cửa hàng bị hôi của ở Manhattan. Ảnh: Reuters


“Cảnh sát đó nên bị tước súng và thẻ tên ngay hôm nay”, ông de Blasio nói. “Sẽ có cuộc điều tra ngay lập tức để xác định hình phạt đầy đủ”.

Trong biểu tình ngày 1/6, video đăng lên mạng xã hội cho thấy một cảnh sát chĩa súng vào đám đông trên con phố đầy mảnh đổ nát, chỉ vài giây sau khi một người biểu tình cách đó vài mét dùng một vật thể đập vào đầu cảnh sát khác.

Trọng Thuấn (Zingnews)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X