Máy bay trinh sát RC-26B bay nhiều vòng trên bầu trời thủ đô Washington, trong bối cảnh biểu tình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Trinh sát cơ RC-26B mang mã hiệu 92-0373 của Vệ binh Quốc gia Mỹ đang hoạt động trên bầu trời thủ đô Washington. Một máy bay tiếp dầu KC-135R mang hô hiệu Decee 01 cũng đang xuất hiện ở không phận phía nam thành phố", tài khoản Twitter Status-6 chuyên theo dõi hoạt động hàng không tại Mỹ hôm qua cho biết.
Tài khoản này đăng kèm ảnh thể hiện bản đồ đường bay, cho thấy chiếc RC-26B quần thảo nhiều vòng trên bầu trời thủ đô Mỹ vào tối 2/6. Vệ binh Quốc gia Mỹ chưa bình luận về thông tin này.
Chiếc RC-26B mã hiệu 92-0373 làm nhiệm vụ hồi năm 2018. Ảnh: Flickr.
Một tài khoản Twitter khác đăng ảnh chụp trực thăng Bell 412 làm nhiệm vụ dò tìm các dấu vết phóng xạ của Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) cũng bay nhiều vòng trên bầu trời thủ đô. Thông tin này làm dấy lên suy đoán rằng NNSA có thể lo ngại nguy cơ người biểu tình sử dụng "bom bẩn", loại thiết bị nổ trộn chất phóng xạ, ở Washington.
Tuy nhiên, NNSA khẳng định đó là chuyến bay kiểm tra sau bảo dưỡng và không liên quan tới những cuộc biểu tình đang bùng phát ở Washington.
RC-26B là dòng trinh sát cơ hạng nhẹ được phát triển trên nền tảng máy bay chở khách Fairchild SA-227 Metroliner hai động cơ. Vệ binh Quốc gia Mỹ đang vận hành đội bay 11 chiếc RC-26B với nhiệm vụ chính là chống tội phạm ma túy và hỗ trợ ứng phó thảm họa tự nhiên.
Chiếc 92-0373 là một trong 5 máy bay RC-26B Block 20, được trang bị cụm cảm biến quang - điện tử và máy quay hồng ngoại dưới thân. Tổ lái có thể truyền dữ liệu video độ nét cao tới binh sĩ dưới mặt đất gần như trong thời gian thực thông qua thiết bị cầm tay tiếp nhận video từ xa (ROVER) hoặc đường truyền dữ liệu Dragoon dành riêng cho phi đội RC-26B.
Video: Trực thăng quân sự Mỹ lơ lửng trên đám đông biểu tình ở thủ đô Washington, hôm 1/6. Video: Twitter/NYTimes
6 máy bay còn lại trong lực lượng là phiên bản Block 25R được tối ưu cho nhiệm vụ trinh sát điện tử. Cụm cảm biến quang - điện tử và hồng ngoại bị loại bỏ, thay bằng các hệ thống có khả năng nghe trộm và định vị thiết bị liên lạc của đối phương.
Đường bay của chiếc RC-26B trên bầu trời thủ đô Washington hôm 3/6. Ảnh: Twitter/Status-6.
Phong trào biểu tình kêu gọi công lý cho George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì chết tại thành phố Minneapolis, khởi phát từ cuối tháng 5, sau đó lan tới ít nhất 140 thành phố của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Một số phần tử quá khích và cơ hội tại Mỹ đã lợi dụng biểu tình để cướp bóc, đập phá các cửa hàng, đốt xe và các tòa nhà.
Ít nhất 40 thành phố của Mỹ áp lệnh giới nghiêm để đối phó với các vụ bạo động. Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật ở Washington D.C. và 28 bang.
Một số người biểu tình gần Nhà Trắng không ra về sau giờ giới nghiêm 19h của thủ đô Washington, dù lực lượng hành pháp cảnh báo có thể phản ứng mạnh. Đám đông tỏ ra bình tĩnh và lịch sự, la ó phản đối khi một người biểu tình leo lên cột đèn tháo biển báo giao thông.
Tuy nhiên, một số vụ đụng độ vẫn xảy ra ở thủ đô Washington và thành phố Portland khi người biểu tình ném pháo hoa và chai lọ, khiến cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và lựu đạn choáng.
Vũ Anh (báo Vnexpress theo Sputnik)