Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, July 26, 2020 , 0 bình luận

Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có báo cáo đánh giá về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 (báo cáo TIP 2020).

Việt Nam cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người


Đáng nói, đây là năm thứ hai liên tiếp, báo cáo có những đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, trong đó có công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và những hiệu quả trên thực tế.

Trong bản báo cáo năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nhóm 2. Báo cáo thừa nhận một số kết quả như: Các nỗ lực này bao gồm cho nạn nhân buôn người có quyền được đại diện pháp lý trong các quy trình tố tụng tư pháp; tăng thời gian nạn nhân có thể ở lại trong cơ sở tạm lánh thêm một tháng và tăng hỗ trợ tài chính cho họ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu; tiếp tục tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức quy mô lớn ở các cộng đồng có nguy cơ cao về buôn người, trong đó có người lao động di cư ra nước ngoài; đào tạo các cán bộ thực thi pháp luật.

Ảnh minh họa (Ảnh chụp màn hình-Hải Anh)


Tuy nhiên, báo cáo đánh giá: “Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người”. Báo cáo đưa ra nhận định sai lệch khi cho rằng, Chính phủ không thể hiện các nỗ lực cao hơn so với kỳ báo cáo trước. Báo cáo cũng đưa ra những nhận định không đúng thực tế như: Chính phủ không cung cấp con số thống kê các vụ việc buôn người theo hình thức buôn người, tuổi hoặc giới tính của nạn nhân, quốc gia nguồn hoặc quốc gia đích của việc buôn người (thực tế, các con số thống kê này được cơ quan chức năng nêu chi tiết). Đồng thời cho rằng, quy trình xác định nạn nhân vẫn còn quá rắc rối và phức tạp, yêu cầu sự xác nhận của nhiều bộ để nạn nhân có thể chính thức được xác định và hỗ trợ. Cùng với đó là nhiều nhận định, đánh giá sai lệch khác.

Sau khi bản báo cáo được công bố, nhiều tờ báo, trang mạng có quan điểm thù địch với Việt Nam đã đăng tải, đưa ra các bình luận, phỏng vấn cổ suý và suy diễn. Người được phỏng vấn, lấy ý kiến là những cá nhân từng bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, có các hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. Trên mạng xã hội, nhân cớ này, các đối tượng bấu víu mặc sức “chém gió”, dùng những câu từ miệt thị, đả kích Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam, thậm chí xuyên tạc Việt Nam “dung túng” tội phạm buôn người.

Để hiểu rõ bản chất vấn đề, cần thấy thực trạng tệ nạn buôn người trên thế giới hiện nay. Đây là vấn đề xuyên quốc gia và loại tội phạm này đang lan rộng khắp thế giới chứ không phải là vấn đề riêng của quốc gia nào. Liên hợp quốc ước tính rằng, mỗi năm 700.000 đến 4 triệu phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên toàn thế giới với mục đích ép buộc bán dâm, lao động và các hình thức bóc lột khác. Buôn bán người được ước tính lên tới 7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Buôn người là vấn nạn có tính toàn cầu, nhất là khu vực Á, Phi, Mỹ la tinh. Ngay cả các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, điều này cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo của UNODC, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng di cư từ các nước Trung Mỹ qua Mexico vào Mỹ. Nghĩa là chính Mỹ cũng chịu tác động mạnh từ hệ quả nạn mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ở khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đều đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và di cư trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, không thể cáo buộc Việt Nam trong vấn đề có tính toàn cầu và phức tạp như buôn người. 

Việc báo cáo cho rằng Chính phủ Việt Nam không thể hiện các nỗ lực cao hơn so với kỳ báo cáo trước là không nhìn nhận đúng thực tế công tác điều hành, chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương trong vấn đề này. Thực tế, Chính phủ đã rất nỗ lực, bằng các chương trình hành động cụ thể để phòng, chống hoạt động buôn người. Để thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Mới đây, ngày 20-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Quyết định thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration - Thỏa thuận GCM) phù hợp với chính sách, pháp luật và điều kiện của Việt Nam nhằm quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững. Xác định các lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên, nội dung cụ thể và lộ trình triển khai Thỏa thuận GCM; huy động tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Quyết định nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận, tôn trọng nhân phẩm của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.

Trong những năm qua, Việt Nam tích cực hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người và được ghi nhận là điểm sáng với nhiều giải pháp hữu hiệu. Ngày 21-12-2019, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại (Bộ Công an) đã chủ trì tổ chức Hội thảo thiết lập hệ thống đầu mối quốc gia triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP). Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá cao mục đích của Hội thảo và tin tưởng rằng “Với vị trí và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục thực thi có hiệu quả các nội dung của Công ước ACTIP trong giai đoạn tới”.

Tại các phiên đối thoại thường niên giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về quyền con người, nạn buôn bán người được quan tâm đặc biệt. Phía EU đã ghi nhận các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống luật pháp về quyền con người; bày tỏ mong muốn tăng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực cải cách tư pháp, thực hiện Công ước chống tra tấn, phòng chống tệ nạn buôn bán người và bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Nhiều cuộc hội thảo quốc tế, vấn đề này được các đại biểu đề cập và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam.

Việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, về công tác thực thi pháp luật, lực lượng Công an, chủ công là Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp xây dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm (đảm bảo 100%), triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với tuần tra, kiểm soát và quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới; tổ chức triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 74 vụ, liên quan đến 104 đối tượng, lừa bán 98 nạn nhân. So cùng kỳ năm 2019, giảm 16,85% số vụ, 26,76% số đối tượng và 42,01% số nạn nhân. Đáng chú ý, tình trạng mang thai hộ để bán cho người nước ngoài hoặc dụ dỗ phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, bán cho người khác. Các lực lượng chức năng đã tiếp nhận hàng trăm tin, xử lý kịp thời. Lực lượng Công an, Biên phòng khám phá 61 vụ, bắt 79 đối tượng. VKSND các cấp truy tố 34 vụ với 51 bị can. TAND các cấp thụ lý 57 vụ với 92 bị cáo phạm các tội về mua bán người, trong đó tuyên phạt tù có thời hạn đối với 52 bị cáo, trong đó có 1 bị cáo lĩnh án tù trên 15 năm, 24 bị cáo lĩnh án tù từ 7 đến 15 năm, 23 bị cáo lĩnh án 3 đến 7 năm…

Liên quan tới báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019, ngày 2-7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 đã không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, mua bán người và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Mỹ, để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này.

Như vậy, việc phòng chống tệ nạn mua bán người được Việt Nam đặc biệt coi trọng, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, toàn xã hội chứ không phải “lơ là” như đánh giá của bản báo cáo và những cá nhân thiếu thiện chí suy diễn trên mạng internet. Với sự thực hiển nhiên như thế, rõ ràng bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhìn nhận, đánh giá sai lệch, gây những hiểu lầm và điều này tạo cớ để các thế lực xấu suy diễn, xuyên tạc tình hình.

Nguyễn Thành (CAND)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X