Từ ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức năm 1988 cho đến ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi hôm 15-7 đều có bóng dáng của vị giáo sư (GS) năm nay bước sang tuổi 79: Trần Đông A.
GS Trần Đông A (đứng giữa), một trong chín người tham vấn chuyên môn của ca mổ tách rời 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi, chụp hình cùng êkip mổ sau khi ca mổ kết thúc - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau khi làm cố vấn chuyên môn ca mổ, GS Trần Đông A trải lòng với Tuổi Trẻ về những câu chuyện chưa từng được kể.
GS Trần Đông A
GS Trần Đông A nói:
- Tôi không những hài lòng mà lấy làm hạnh phúc. Hạnh phúc vì ca mổ song sinh dính nhau, vốn là thách đố của các chuyên gia trên thế giới, giờ đây lại được thực hiện bởi đàn em, học trò của tôi. Vui vì những khiếm khuyết trên cơ thể của các bé rồi đây sẽ được lành lặn bình thường như bao đứa trẻ khác.
Thêm một dấu mốc cho sự tiến bộ của ngành y
* GS gọi ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ là dấu mốc lịch sử ngành y Việt Nam. Vì sao là dấu mốc?
- Ca mổ Việt - Đức và ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi cách nhau 32 năm nhưng có điểm chung là dị tật của các em đều được xếp vào loại dính bụng chậu hiếm gặp, chỉ có 6% các ca song sinh dính nhau trên thế giới.
Tuy nhiên ca mổ Việt - Đức năm 1988 diễn ra vào thời điểm cực kỳ khó khăn. Lúc đó đến cả chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng da... đều không có; không có thiết bị gì để chẩn đoán. Tất cả chẩn đoán về các phần dính nhau ở trong bụng bệnh nhân đều do bác sĩ Nhật Bản thực hiện, họ còn thuê cả máy bay đưa một trong hai bé bị chứng não cấp sang Nhật để điều trị.
Với ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi lần này, tôi dám khẳng định từ phòng ốc đến các trang thiết bị sử dụng cho ca mổ ở Bệnh viện Nhi Đồng TP đều hiện đại không thua bất cứ bệnh viện nhi nào trên thế giới. Các bác sĩ trực tiếp mổ là người Việt, phần lớn được đào tạo phẫu thuật viên nhi bài bản. Nếu như ca mổ Việt - Đức năm xưa của tôi tạo ra sức bật cho ngành ngoại nhi phát triển thì ca mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ là một dấu mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam.
* Sau ca mổ, TS Trương Quang Định - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP - nhấn mạnh "đây mới chỉ là thành công bước đầu". Vậy hành trình phục hồi của hai bé cần phải lưu ý điều gì, thưa ông?
- Đúng vậy, thành công của ca mổ mới chỉ bước đầu. Nhờ vào thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại mà ca mổ đi đúng hướng 100%. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, bây giờ chặng đường để đưa các bé trở về cuộc sống bình thường là một hành trình dài, gian nan. Trúc Nhi - Diệu Nhi ưu điểm có 4 chân, điều này nếu phẫu thuật khép được vùng chậu cả hai bé đều có thể đi lại được dễ dàng.
Vấn đề của bác sĩ bây giờ là phải kiểm tra mỗi ngày để nhận biết xử lý các dấu hiệu bất thường. Bé khiến tôi lo nhất là Diệu Nhi có tật ở phổi, do đó cần phải tập vật lý trị liệu sớm để tránh nhiễm trùng phổi. Ngoài ra các vết mổ của hai bé nằm ở các nơi khó khăn như hậu môn, có bó bột... nên việc chăm sóc vết thương để tránh nhiễm trùng là điều vô cùng quan trọng.
* Sau thành công của ca mổ Việt - Đức, có vẻ ông không chịu ngồi yên, vẫn tiếp tục đào sâu vào lĩnh vực hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam lúc bấy giờ: ghép tạng trẻ em.
- Nhiều người nghĩ sau thành công ca mổ Việt - Đức, tôi không cần phải cố gắng gì thêm. Nhưng không, cuối năm 1989 tôi được giới thiệu qua Pháp tiếp cận thành quả y học mới nhất của Pháp lúc đó. Phía Pháp chia sẻ với tôi rằng đó là lĩnh vực ghép tạng. Và có lẽ tôi là người duy nhất được đi 3 trung tâm ghép tạng lớn trực tiếp tham gia các ca mổ ghép tạng của Pháp.
Việt Nam lúc đó chưa có ghép tạng, chưa có chạy thận nhân tạo. Điều này khiến rất nhiều bé suy thận giai đoạn cuối qua đời. Điều đau xót là trước khi qua đời, thân thể các bé rất èo uột, nhập viện liên tục, gia đình khổ sở chăm sóc.
Khi nhìn các hình ảnh này, là người làm nghề y, tôi cảm thấy vô cùng bứt rứt và mong muốn làm điều gì đó cho các bé. Sau này tôi tranh thủ được sự giúp đỡ của Pháp - Bỉ để hình thành nên chương trình ghép tạng cho trẻ em ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, với các ca ghép cho các bé tuổi đời còn rất nhỏ.
Có em được ghép thận từ người hiến là mẹ, lúc em còn rất nhỏ, nặng chỉ 20kg. Bây giờ đã 28 tuổi. Vừa rồi cháu còn hỏi tôi con có lấy chồng được không? Tôi bảo lấy được chứ sao không (cười).
Rồi một em khác ghép gan trong tình trạng mà người ta ví như ở cuối đường hầm. Bé không được mổ Kasai (phẫu thuật tạm thời) nên ói máu liên tục, nếu không được ghép sẽ tử vong. Thế rồi ghép xong bé lại bung đường mật, rồi viêm tràn mủ màng phổi. Trải qua nhiều lần phẫu thuật, giờ đây cháu đã lớn, đi học như bao bạn bè khác. Đến nay riêng Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã ghép được gần 30 ca như vậy.
GS Trần Đông A (bìa trái) quan sát các đồng nghiệp đang mổ tách rời 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vượt lên "cái bóng của chính mình"
* Từ ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi, nhiều người nhớ về GS Trần Đông A của 32 năm trước, và nhiều người nhớ cả về quá khứ thời tuổi trẻ của ông, khi đang là bác sĩ - thiếu tá trong chế độ cũ...
- Tôi sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, ở một vùng biển của huyện Hải Hậu (Nam Định). Ông nội tôi là chủ tịch Mặt trận liên Việt của huyện. Tôi là con thứ 5 trong gia đình, các chị tôi đều theo kháng chiến. Tôi có một đứa em thất lạc trong chiến tranh và may mắn tìm được sau năm 1975.
Rồi thời cuộc tôi phải tự tính toán con đường đi cho chính mình. Có thời điểm bị gọi lính nhưng tôi đều tìm cách "né" và sau đó quyết định tình nguyện vào quân y phục vụ trong quân đội, bởi suy nghĩ "là người làm nghề y, hễ ở đâu cũng là để cứu người". Tôi từng có mặt tại Làng Vây, Khe Sanh (Quảng Trị), phụ trách việc phẫu thuật cứu các binh sĩ, bộ đội bị thương.
Tôi còn nhớ trong một dịp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam làm việc tại Mỹ, một vị đã hỏi tôi rằng: "Ông Đông A, ông từng phục vụ chế độ cũ, từng tu nghiệp tại Mỹ, sau giải phóng phải vào trại cải tạo. Người ta đã bắt ông phải làm cái gì không?". Tôi thẳng thắn trả lời đúng là thời gian đi cải tạo là giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời tôi nhưng khi nhìn lại, tôi thấy được cách sống, cách làm việc tích cực dưới chế độ mới.
Và điều tôi hạnh phúc nhất cho đến ngày hôm nay là được sống trên 45 năm trong một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất.
* Có người nhận xét GS là một tấm gương lớn, luôn nỗ lực không ngừng vượt lên "cái bóng của chính mình". "Cái bóng" đó là gì?
- Đó là năm 1981 - 1982 khi đất nước đang vô cùng khó khăn, gia đình tôi là một trong 30 gia đình được cấp giấy bảo lãnh chính thức sang Mỹ với tư cách là thường trú nhân (thẻ xanh). Tôi quyết định làm đơn từ chối không đi, chọn ở lại Việt Nam, vì thấy rằng trẻ em Việt Nam cần tôi.
Từ bác sĩ phẫu thuật nhi, tôi dần làm trưởng khoa, rồi phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong suốt chặng đường đó, có một dấu mốc lịch sử tôi không thể nào quên. Đó là sau kỳ Đại hội VI của Đảng (1986), tôi bất ngờ có giấy yêu cầu báo cáo về đổi mới của cả ngành y tế lúc bấy giờ theo tinh thần nghị quyết. Và báo cáo của tôi sau đó đều được tiếp thu thực hiện nghiêm túc.
Sau đó, thành quả của ca mổ năm 1988 được thế giới đánh giá là biểu tượng tiêu biểu cho nền y học Việt Nam thời kỳ đổi mới và đó là lý do tại sao tôi được đánh giá là người vượt qua "cái bóng của chính mình".
* Làm đại biểu Quốc hội hai khóa liền (XI, XII) thuộc Đoàn đại biểu TP.HCM. Chắc hẳn đây cũng là một sự bất ngờ lớn với ông?
- Điều bất ngờ nhất trong cuộc đời tôi chính là lúc được trung ương đề cử ứng cử đại biểu Quốc hội. Lúc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XI, tôi lại bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại chúc mừng đặc biệt từ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và cũng nhờ là đại biểu Quốc hội, tôi đã góp được phần nào công sức của mình vào xây dựng Luật phòng chống truyền nhiễm, Luật ghép tạng, Luật bảo hiểm y tế...
Còn tỉnh táo, còn cống hiến
* Bây giờ, ở tuổi 79, người ta vẫn thấy ông chạy bộ, đánh tennis và đến giảng đường giảng dạy cho sinh viên trường y. Trong ca mổ vừa rồi, hình ảnh ông chạy qua chạy lại suốt 12 tiếng để theo dõi, rồi nụ cười sau ca mổ đã gây ấn tượng sâu đậm. Điều gì khiến ông có được sức khỏe của một chàng trai trong hình dáng của một ông cụ như thế?
- (Cười...). Đó là một cái duyên chứ tôi sinh ra không thật khỏe mạnh đâu, rất nhỏ con. Khi còn học trung học, tôi cố gắng chơi không thiếu môn thể thao nào cả. Và bạn tin không, tôi từng đỗ bằng thể dục hạng ưu lúc bấy giờ đấy. Cho đến khi đi học ở Mỹ, tất cả những thói quen này trở thành điều bắt buộc. Tôi thấy rằng muốn đi chuyên sâu vào một nghề nặng cả về thể chất lẫn tinh thần như nghề y cần phải có ít nhất hai loại giải trí lành mạnh: thể chất và tinh thần.
Về thể chất tôi bắt đầu chọn quần vợt bởi môn thể thao này cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt nhìn, chạy, đứng, nghỉ rồi mới đánh banh. Hễ không tập trung là đánh bóng ra ngoài hoặc đánh vào lưới, điều này cũng giống như bác sĩ lúc mổ phải tập trung tuyệt đối mới đảm bảo an toàn cho người bệnh.
* Một ngày của ông hiện nay được "chia" như thế nào?
- Có thời điểm nhiều ca khó, đêm nào tôi cũng phải mổ liên tục. Nhiều đêm buồn ngủ quá tôi phải đưa đầu vào vòi nước cho tỉnh ngủ. Và lâu nay tôi tập cho mình thói quen ngủ sớm khoảng 20h đêm, 3h sáng thức dậy uống một ly cà phê, đọc sách, làm việc; 5h sáng tập thể dục; 6h ăn sáng và 7h có mặt ở cơ quan họp giao ban nghe báo cáo các ca khó để cho ý kiến.
* Có lúc nào ông từng nghĩ đến việc sẽ nghỉ ngơi chưa?
- Tính đến nay tôi đã có gần 50 năm gắn bó với ngành y. Nhiều vị lãnh đạo thường gặp hay động viên tôi phải tiếp tục cống hiến cho ngành y tế TP.HCM và cả nước. Tôi chỉ cười và nói rằng khi sức khỏe còn đảm bảo, đầu óc còn sáng suốt tôi sẽ còn cống hiến hết mình. Còn ngược lại, tôi xin nghỉ. Điều này không phải là thoái thác mà nghỉ để đảm bảo ích lợi cho người bệnh và vì sinh mạng của trẻ thơ.
GS Trần Đông A (79 tuổi, quê tỉnh Nam Định) từng là phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII; ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hiện nay ông là cố vấn chuyên môn cao cấp của Bệnh viện Nhi Đồng 2, phụ trách chương trình ghép tạng trẻ em của bệnh viện.
Năm 2006, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2008), danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (2006).
Bác sĩ giỏi là cái máy chẩn đoán siêu đẳng
* Dưới góc nhìn của GS, ngành y cần phải làm gì hơn nữa để đáp ứng phục vụ sức khỏe người dân?
- Tôi có cảm nhận một bộ phận bác sĩ bây giờ cái gì cũng cho xét nghiệm chẩn đoán cao cấp mà không tận dụng khả năng khám bệnh kỹ. Cái máy siêu đẳng nhất trong chẩn đoán mà cả thế giới họ đang quay lại đó là con người bác sĩ thực hành giỏi, luôn theo dõi sát, lắng nghe, trao đổi với người bệnh. Chính điều này giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh ngay mà không cần đến các thiết bị đắt tiền. Ở một số nước phát triển, nếu bác sĩ cho xét nghiệm cao cấp không cần thiết thì chính họ phải trả tiền chứ không phải người bệnh.
Có một hiện tượng nữa là việc các bác sĩ ở bệnh viện công "chạy sô" đi "đánh bắt xa bờ" ở các bệnh viện tư rất nhiều. Thực trạng này cần phải có cơ chế ngăn chặn mới có thể đảm bảo lợi ích cho người bệnh.
* TS Phạm Ngọc Thạch (phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2):
TS Phạm Ngọc Thạch
Người thầy đúng nghĩa
Thầy là người đặt viên gạch đầu tiên và là cánh chim đầu đàn của chuyên ngành ngoại nhi ở Việt Nam. Cho dù tuổi tác đã cao nhưng trí lực của thầy rất minh mẫn, sắc bén. Luôn là hậu phương tinh thần vững chắc để hỗ trợ các thế hệ học trò.
Tôi gắn bó với thầy từ hồi còn sinh viên y khoa, được thầy trực tiếp hướng dẫn đề tài đến lúc ra trường về bệnh viện công tác. Thầy là người thầy đúng nghĩa, hết lòng vì học trò, nhiệt huyết với công việc và đam mê tìm hiểu khám phá các phương pháp điều trị mới, tốt nhất và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
* Nguyễn Đức (ca mổ Việt - Đức):
Nguyễn Đức bây giờ bên tấm ảnh chụp ca mổ năm 1988
Cảm ơn các ân nhân
Cho đến thời điểm này tôi vẫn xem GS Trần Đông A như một người bố thực sự. Nhờ bố cùng êkip bác sĩ thực hiện cuộc phẫu thuật mà tôi có được cuộc sống độc lập như ngày hôm nay. Không chỉ bố, tôi vô cùng biết ơn công lao to lớn của mẹ nuôi Nguyễn Thị Ngọc Phượng; bà nội nuôi Tạ Thị Chung và ông ngoại Dương Quang Trung (cựu giám đốc Sở Y tế TP.HCM).
Tôi chỉ còn biết sống tốt, sống có ích cho xã hội để cảm ơn các ân nhân đã cho tôi cuộc sống ngày hôm nay.
Hoàng Lộc (Tuổi trẻ/Thực hiện)