Nếu ai đã có cơ hội ra nước ngoài chắc chắn sẽ nhận ra rằng không phải ở đâu cũng có wifi miễn phí. Tại Việt Nam, các quán cà phê, thậm chí cả quán trà đá vỉa hè cũng có wifi miễn phí. Nếu cửa hàng nào đó không có wifi miễn phí thì gần như khách hàng sẽ không quay lại. Khi vào nhà hàng, quán cà phê…, câu đầu tiên khách hỏi không phải là menu mà thường là “Pass wifi ở đây là gì?”
Các điểm du lịch gần như đều có wifi miễn phí, thậm chí các điểm tập trung đông người ở Hà Nội, TP.HCM… cũng có các trạm wifi công cộng miễn phí. Chẳng hạn FreeWi-Fi – UBND TP Hà Nội lắp đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Để kết nối mạng, người dùng chỉ cần vào "FREEWi-Fi_UBNDHanoi", nhấn submit, sau khi giao diện chuyển sang trang chủ của Sở Du lịch thành phố Hà Nội là bạn đã kết nối thành công.
Câu chuyện wifi miễn phí không chỉ ở các điểm du lịch mà cả các nơi như bệnh viện, trường học cũng được các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel… triển khai.
Cô Kim Hye Ri, 25 tuổi, cựu sinh viên khoa Tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, từng có học kỳ trao đổi tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ câu chuyện Việt Nam là thiên đường của wifi miễn phí – đó là một trong 5 nét độc đáo của Việt Nam.
Với trọng tâm tăng cường quan hệ kinh tế, tháng 6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Mỹ. Ông có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống George Bush.
Trên kênh YouTube Cheri Hyeri, cô gái Hàn Quốc nói trước đây, cô cho rằng thiên đường Internet và wifi chính là Hàn Quốc nhưng cô phải thay đổi suy nghĩ khi tới Việt Nam. Từ trung tâm thương mại, nhà hàng, sân bay cho tới quán cà phê, thậm chí trên xe buýt giường nằm cũng lắp đặt wifi phục vụ khách với chất lượng cao. Kim Hye Ri cho biết, cô không cần mua SIM điện thoại nếu không có nhu cầu gọi điện thoại cho ai bởi cô thấy chỗ nào tại Việt Nam cũng có wifi miễn phí mà không cần mật khẩu.
Nhiều khách nước ngoài còn thấy rằng Việt Nam wifi miễn phí khắp nơi và quá dễ dàng, thậm chí không kiểm soát. Chẳng hạn tại nhiều sân bay trên thế giới, nếu muốn sử dụng wifi miễn phí bắt buộc phải khai báo thông tin hộ chiếu và khống chế truy cập theo giờ. Thế nhưng, tại các sân bay hay bến xe của Việt Nam thì người dùng vô tư vào mạng miễn phí và chả cần khai báo gì cả.
Không chỉ có wifi miễn phí, Việt Nam được khách du lịch đánh giá là những quốc gia có giá cước Internet di động rẻ nhất thế giới.
Mấy năm trước, phóng viên Juha Saarinen đã có bài viết trên tờ PC World New Zealand (pcworld.co.zn) về sự thuận tiện và giá rẻ khi du khách nước ngoài đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ wifi, 3G. Juha Saarinen rất thán phục con đường phát triển, đi lên phía trước thông qua công nghệ của Việt Nam.“Tại Việt Nam, tôi có thể tìm thấy wifi ở khắp mọi nơi và thường là được dùng miễn phí. Ngoài ra, 3G ở đây cũng rất rẻ và chạy rất tốt. Du khách nước ngoài có thể dễ dàng sử dụng 3G bằng cách mua một thẻ SIM trả trước với giá 65.000 đồng, tương đương 4 đô la New Zealand".
Juha Saarinen kể rằng: "Khách hàng được dùng gói cước dữ liệu 3G mức giá rẻ, từ 1,5 đến 5GB dữ liệu với 120.000 đồng đến 150.000 đồng. Nếu cẩn trọng với việc dùng dữ liệu của mình, bạn có thể bỏ ra 10 đô la New Zealand (168.000 đồng) và dùng 3G tốc độ cao”. Phóng viên công nghệ của PC World cũng đã ao ước: “giá có một hãng viễn thông nào đó của Việt Nam đến New Zealand để kinh doanh, thay đổi các dịch vụ và giá cước tại thị trường New Zealand”.
Theo con số mới nhất mà Bộ TT&TT công bố, hiện Việt Nam có 126,95 triệu thuê bao điện thoại di động. Trong đó, số thuê bao băng rộng di động (những người sử dụng dịch vụ 3G và 4G) là 65,33 triệu. Con số của Bộ TT&TT cho hay số thuê bao di động đang tăng rất nhanh. Hiện Việt Nam đang có 15,71 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định và con số này cũng đang tiếp tục tăng nhanh.
Trong khi Việt Nam là nước cho phép mở Internet chậm hơn so với thế giới, nhưng lại đang là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nhất và đây được xem là động lực cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có những tổ chức lại đang bỏ qua những mặt tích cực đó để xếp Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet.
Phản bác lại cáo buộc của tổ chức Freedom House cho rằng Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet hồi cuối năm ngoái, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định, việc đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân.
Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt kinh tế và văn hóa xã hội ở Việt Nam.
>>Mời bạn đọc tiếp: Bài 3: Tự do Internet phải đảm bảo quyền con người trên môi trường mạng
>>Mời bạn đọc tiếp: Bài 3: Tự do Internet phải đảm bảo quyền con người trên môi trường mạng
Bài: Thái Khang, Thu Hằng | Ảnh: Tư liệu
Đồ họa: Multimedia VietNamNet
Nguồn: Báo Vietnamnet