Quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là không cấm sự phát triển của mạng Internet, mà chỉ nghiêm cấm mặt trái do Internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội.
‘Thả tù nhân’ để chống Trung Quốc?
Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trong năm qua, trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương ¼ ngày, để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị. Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút.
Tuy nhiên, Internet và mạng xã hội một mặt đem lại rất nhiều lợi ích cho người dùng nhưng cũng đem theo những mặt trái, trong đó có vấn đề về quyền con người. Những vấn đề này đòi hỏi phải có những khung pháp lý và chính sách quản lý để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt trái trên không gian mạng.
Trẻ em đang là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trên môi trường mạng. Mới đây, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những cơ hội, Internet, CNTT cũng đang đưa đến nhiều thách thức, mặt trái.
CHÙM BÀI VIẾT:
Các nền tảng mạng tạo ra cách mạng với cuộc sống của trẻ em, song đồng thời cũng mang lại những lạm dụng và khai thác trẻ em kinh khủng nhất.
Còn đại diện A05, Bộ Công an cho biết, số vụ việc phản ánh về tội phạm mà cơ quan này tiếp nhận hàng năm chỉ khoảng hơn 1.000 vụ, tuy nhiên trong đó số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn và xu hướng tội phạm cũng đang chuyển dần lên môi trường mạng.
Môi trường mạng xã hội giờ đây được cho là mảnh đất màu mỡ cho tin giả (fake news) phát triển. Mới đây, thông tin giả về vụ việc Trấn Thành bị tố "bay lắc" trên mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt. Sau đó, Trấn Thành đã tìm ra người tung tin, trực tiếp gặp, nói chuyện và cuối cùng, quyết định khởi kiện việc này nhằm lấy lại danh dự cho mình. Trấn Thành cho biết, bản thân anh bị thiệt hại về tinh thần, một số hợp đồng quảng cáo bị mất... từ tin đồn thất thiệt này. Tất nhiên, Trấn Thành không phải trường hợp đầu tiên bị cư dân mạng "đặt điều" mà rất nhiều người nổi tiếng cũng đã từng hứng chịu nỗi khổ này từ mạng xã hội.
Có một ví dụ rất điển hình liên quan đến việc các tin tức giả tấn công người Việt trên mạng xã hội trở thành vấn nạn. Bộ Công an cho biết, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương. Nhiều đối tượng cũng đã tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động tạo ra rất nhiều group, diễn đàn và tạo ra nhiều thông tin giả, thông tin xấu độc nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự bất ổn về an ninh trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một số đối tượng lấy danh nghĩa “quyền tự do ngôn luận” để bày tỏ quan điểm cá nhân, nhưng nhằm mục đích tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nếu các trường hợp này bị xử lý, thì các thế lực thù địch lại dùng chiêu bài “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm tự do Internet”...
Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng Internet vi phạm quyền và lợi ích của nhà nước và công dân. Điều này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật các quốc gia khác quy định trên lĩnh vực này mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế số tại Việt Nam; bảo vệ các quyền của người dân và xã hội.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm 2019, đối với công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook, Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, tài khoản giả mạo. Bộ TT&TT cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook, Google tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện Facebook đã có sự quan tâm rất lớn đến fake news. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục làm việc với Facebook trong việc ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội này.
Bên cạnh đó, để xử lý vấn đề tin giả trên môi trường mạng, Bộ TT&TT đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo, xử lý nghiêm những đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo. Ngoài ra, Bộ chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời cung cấp thông tin, định hướng các cơ quan báo chí thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan về các vấn đề “nóng” đang được lan truyền trên mạng để hạn chế tác động tiêu cực.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin tức thời, hiệu quả giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và cộng đồng trong việc điều phối, xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên mạng, vận hành hệ thống hỗ trợ người sử dụng truy cập Internet an toàn. Bên cạnh đó, Bộ hỗ trợ và phát triển cộng đồng, thiết lập cơ chế liên lạc đơn giản, thuận tiện, sẵn sàng để người sử dụng phản ánh về các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thông tin gây nguy hại đến cá nhân, tổ chức tới cơ quan chức năng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, có hiệu lực thi thành từ ngày 15/4/2020. Đáng chú ý, Nghị định này tăng mức xử phạt đến 20 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ và tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Đặc biệt, luật An ninh mạng đang dần đi vào cuộc sống và góp phần đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng đã tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân... Mọi cá nhân vẫn được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, luật đã giúp tạo môi trường lành mạnh, an toàn. Việt Nam không cấm sự phát triển của mạng Internet, mà chỉ nghiêm cấm mặt trái do Internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
>>Mời bạn đọc tiếp: Bài 4: Không thể lấy tiêu chí nhân quyền của nước này áp đặt cho nước kia
>>Mời bạn đọc tiếp: Bài 4: Không thể lấy tiêu chí nhân quyền của nước này áp đặt cho nước kia
Bài: Thái Khang, Thu Hằng | Ảnh: Tư liệu
Đồ họa: Multimedia VietNamNet
Nguồn: Báo Vietnamnet