Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn khởi chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9).
- Đừng làm trò để biện hộ cho những tên sát nhân trong vụ án Đồng Tâm
- 'Dự đoán nhân sự' – luận điệu chống phá, gây nhiễu trước thềm Đại hội XIII của Đảng
- Tuyên ngôn độc lập năm 1945 với quyền con người của dân tộc ta trong thời đại ngày nay
- Cảnh giác với những thủ đoạn tuyên truyền chống phá thế hệ trẻ hiện nay
Ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ Lâm thời và quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đánh dấu một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ cộng hòa”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng đã và đang ra sức lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng-đại hội có ý nghĩa bản lề, đánh dấu 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới; đồng thời tiếp tục mở ra thời kỳ phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Ấy vậy, chính những ngày tháng Tám này, vẫn có người cố tình ngược dòng lịch sử, núp bóng dưới những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhằm xuyên tạc chính tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Người, nhằm chống phá Đại hội XIII của Đảng. Họ đã dở chiêu trò lừa gạt hết sức thâm hiểm là đưa ra câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, cùng những "bình loạn" lăng nhăng, hòng lòe bịp người chưa hiểu biết nhiều về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến trọn cuộc đời mình để dân tộc Việt Nam có được như ngày hôm nay.
Trong bản gọi là “Góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, với 24 trang in màu, tác giả đã xưng danh và tự nhận đã có một thời tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; từng là thành viên của một đại đội anh hùng... Mục đích cũng là để “khéo” gây lòng tin, thiện cảm về mình; từ đó dẫn dắt người đọc đến với sự xuyên tạc trắng trợn, bóp méo tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm “thần thánh hóa”, “tôn giáo hóa” Hồ Chí Minh. Cuối cùng, họ mong muốn không ai dám đụng vào những triết lý gọi là “Thần đạo Việt Nam” do chính họ tưởng tượng ra và mô tả trong bản "góp ý". Cũng từ đó họ suy ra và xuyên tạc Chủ nghĩa Mác, phủ nhận thành tựu của CNXH ở Liên Xô và chủ nghĩa duy vật biện chứng; phản ánh sai lạc, tiến tới phủ nhận thành quả và con đường đi lên CNXH mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Cuối cùng họ cũng lộ ra cái “kiến nghị” quay lại “chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa”; “Phục hưng đất nước và phục hưng giá trị con người trước hết là phục hưng Thần đạo Việt Nam”...
Sự sai lầm dẫn đến phản động về chính trị của cái gọi là bản “góp ý” này được thể hiện trên những vấn đề sau:
Với chủ nghĩa cộng sản. Họ đã quy kết chủ nghĩa cộng sản chỉ là “đấu tranh/ phân biệt”; và dám cả gan bịa ra rằng: “Đấu tranh giai cấp là một điều ngu ngốc”? Có thể thấy, trước hết ở đây là thể hiện sự kém hiểu biết về bản chất của chủ nghĩa cộng sản; sau là xuyên tạc tư tưởng và hành động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghiên cứu Hồ Chí Minh toàn tập (bộ 15 tập), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2011, không có một dòng nào, chữ nào Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và nói như họ dẫn dắt.
Học thuyết Mác-Lênin đã chỉ ra, đấu tranh giai cấp là một hiện tượng lịch sử, tất yếu trong xã hội có bóc lột, áp bức giai cấp và nhà nước. Giai cấp và nhà nước chỉ thực sự mất đi khi giai cấp công nhân-giai cấp cuối cùng trong lịch sử nhân loại hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo nhân dân lao động hoàn thành trận chiến đấu cuối cùng là lật đổ giai cấp tư sản áp bức, bóc lột và thủ tiêu nhà nước của chúng; xây dựng một nhà nước, chế độ xã hội không còn áp bức, bóc lột nữa; đồng thời cũng thủ tiêu chính sự hiện diện của mình và nhà nước của mình với tính cách là một giai cấp và công cụ của giai cấp ấy, để xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh giai cấp ấy được tiến hành bằng nhiều biện pháp: Đấu tranh vũ trang, đấu tranh hòa bình, hoặc kết hợp cả hai. Không thể lấy, hoặc tuyệt đối hóa một trong hai hình thức đó, nhất là như ở Liên Xô và Việt Nam để quy kết chủ nghĩa cộng sản chỉ là “đấu tranh/ phân biệt”, rồi phủ nhận toàn bộ học thuyết khoa học, cách mạng này.
Với tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đã trích dẫn, phản ánh sai lệch hầu như toàn bộ tư tưởng và hành động cách mạng của Người. Trong 24 trang đó, họ đã “trích dẫn” rất nhiều “câu nói”, “bài viết” của Hồ Chí Minh, nhưng chỉ có một câu chép đúng là: “Trăm điều phải có Thần linh Pháp quyền”, còn lại đều cố tình trích dẫn sai lệch, hoặc bóp méo, nhằm đạt được dụng ý xấu trong cái gọi là “góp ý” của mình là “tôn giáo hóa” tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời điểm ra đời câu nói này, họ đã phản ánh sai là “ngày 19-5-1941”; mà chính xác, Hồ Chí Minh khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, viết trong bài thơ Việt Nam yêu cầu ca, vào khoảng tháng 6 đến tháng 11-1921. Bài thơ do Người viết tay, nay còn được lưu tại Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng.
Cũng trong bản "góp ý" này, họ đã núp bóng tư tưởng Hồ Chí Minh để tuyên truyền cho những triết lý “Thần đạo và Lãnh đạo” của mình. Nhưng ngay cả câu nói nổi tiếng nhất đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng ta và lịch sử thế giới là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh nói ngày 17-7-1966 cũng bị họ cố tình bịa đặt thời điểm là ngày 19-5-1941. Đồng thời, họ trích dẫn và phản ánh sai lệch tư tưởng của C.Mác, khi cho rằng: “còn Mác lại có tư tưởng Vô thần nhất, khi ông coi tôn giáo, tín ngưỡng của nhân loại chỉ là “Thuốc phiện của nhân dân”? Mà đáng lẽ ra họ phải phản ánh đầy đủ, nguyên tác lời văn và giải thích đúng đắn tư tưởng của Mác là: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”; và một khi con người còn bị nghèo đói do những bất công của xã hội đem lại, họ không còn nơi nào để giúp đỡ nữa; khi không còn lối thoát nào khác thì họ nương nhờ vào chính những đức tin tôn giáo do họ sáng tạo ra, để quên đi, ru ngủ cuộc sống đau buồn của họ như dùng những liều thuốc phiện.
Về cái gọi là “Thần đạo Việt Nam”. Trong cái gọi là bản “góp ý” này, họ lúc nào cũng nêu lên “Thần đạo Việt Nam” và gắn kết nó trong một câu phức hợp với nhiều ý tứ, ngôn từ của Hồ Chí Minh, những mục tiêu, lý tưởng, giá trị tốt đẹp của dân tộc, chủ nghĩa cộng sản và nhân loại, cả ở quá khứ, hiện tại và “đường hướng” do họ vạch ra cho đất nước ở tương lai. Nhưng nội hàm “Thần đạo” đó là cái gì thì không rõ. Người đọc phải lần tìm từng chữ, nghĩa và những hình ảnh về di sản vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam mà họ “trưng diện” mới cố mà hiểu được, như tượng Quốc Mẫu Âu Cơ, Phù điêu Quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền Hùng, Hoàng Thành Thăng Long, Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ... Phải chăng sự tập hợp những di sản vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam trên đây được đúc kết trở thành cái gọi là “Thần đạo Việt Nam” của họ?
Trong đời sống hiện thực của nhân dân, những giá trị đó không có gì khác hơn là truyền thống lịch sử hào hùng về dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và lịch sử dân tộc thời đại Hồ Chí Minh đã đúc kết. Đọc kỹ cái gọi là bản "góp ý" kiểu tóm tắt của họ mới thấy, cái gọi là “Thần đạo Việt Nam” do họ tạo dựng nên, thực chất chỉ là sự góp nhặt lộn xộn, đầy mâu thuẫn và đối lập với những giá trị trong đời sống hiện thực của đất nước và của dân tộc Việt Nam hiện nay, nhất là đối lập với nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Còn nhiều vấn đề sai lạc, lệch chuẩn và phản động về chính trị ở cái gọi là bản “góp ý” này. Như để lôi kéo được nhiều người, thủ đoạn của họ khá tinh vi, tựu trung ở một số thủ đoạn chủ yếu sau: 1) Trưng ra một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó như tấm “bùa hộ mệnh” để không ai có thể phản biện hoặc phê phán họ; 2) Đưa ra những câu từ phức hợp, lươn lẹo, “nửa đúng, nửa sai” hòng tuyên truyền, đánh lạc hướng người đọc, từ đó phủ nhận cái đúng, dụ dỗ và chiếm đoạt niềm tin của những người kém hiểu biết; 3) Núp bóng danh hiệu của tập thể anh hùng, mượn danh cựu chiến binh để gây lòng tin với người đọc; 4) Núp bóng thư gửi lãnh đạo cấp cao của Đảng để hòng thu hút, lôi kéo mọi người chú ý; 5) Rỉ tai, phát tán tờ rơi, in ấn bừa bãi, không đúng quy định của pháp luật về xuất bản phẩm...
Chỉ phân tích bước đầu về những tư tưởng và hành động sai trái trên đây của những người tự cho là “góp ý” vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, cho thấy họ không có động cơ đóng góp đúng đắn cho Đảng, Nhà nước, trái lại, đó là sự tuyên truyền những tư tưởng sai lạc, lệch chuẩn đến phản động về chính trị, thông qua những thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt. Tuy nhiên, với nhận thức chính trị đúng đắn và tinh thần yêu nước sắt son, nhân dân Việt Nam không dễ mắc mưu cái gọi là “thần linh, thần đạo" nhăng nhít của những người tâm địa đen tối.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN QUANG - Trưởng ban Nghiên cứu tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự/Báo QĐND