Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, August 08, 2020 , 0 bình luận

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã xác định vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm, triển khai nhiều hành động cụ thể nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nỗ lực này được toàn xã hội đồng lòng ủng hộ, nên đã hạn chế mọi thiệt hại đến mức thấp nhất. Trong bối cảnh đó, việc một số cá nhân vì hoàn cảnh riêng, vì quá lo lắng, vì nhận thức non kém, chưa đầy đủ mà có phản ứng tiêu cực là điều không thể chấp nhận. Bởi, để đối phó đại dịch, mỗi người trong chúng ta cần xem xét hoàn cảnh cụ thể của mình trong quan hệ với điều kiện của đất nước để có hành động, phát ngôn đúng mực, không tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.

VOA lại giở trò 'bôi đen' truyền thông Việt Nam

“Chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế,... để phòng, chống đại dịch Covid-19, đó là quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán mà Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định và triển khai ngay sau khi có dấu hiệu Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Tinh thần kiên quyết đậm tính nhân văn đó lập tức đưa tới kết quả tích cực và trên thực tế, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, nỗ lực hết mình của các ban, ngành, địa phương, cơ quan chức năng,... đã trở thành những yếu tố cơ bản nhất gắn kết dân tộc làm nên một khối vững chắc cùng quyết tâm phòng, chống để vượt qua đại dịch. Và có một vấn đề cần nhấn mạnh là ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước ta không chỉ quan tâm đến công dân ở trong nước, mà còn rất quan tâm đến công dân Việt Nam đang công tác, học tập, lao động, du lịch, thăm thân nhân,... ở nước ngoài, nhất là các nước có dịch diễn biến phức tạp. Khi phần lớn chuyến bay thương mại trên thế giới tạm dừng, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ở trong nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt tình hình, khẩn trương xây dựng kế hoạch lập những chuyến bay cứu trợ vừa phù hợp với nhu cầu của công dân, vừa phù hợp với khả năng tổ chức cách ly, điều trị trong nước để đưa công dân Việt Nam trở về. Đó cũng là mong mỏi của đồng bào trong nước, như một Facebooker (người sử dụng Facebook) có tên Tifosi viết: “mỗi khi có một chuyến bay từ các tâm dịch trở về, thay vì lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh, thì người Việt hầu như đều hoan hỉ, chúc mừng vì các bạn đã về đến Tổ quốc, những lo lắng hay sợ hãi đã bị bỏ lại”.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, từ ngày 10-4 đến 16-7-2020, Việt Nam đã tổ chức 55 chuyến bay từ Bru-nây, Mỹ, Ca-na-đa, Nga, I-ta-li-a, Xlô-va-ki-a, Tây Ban Nha, Hung-ga-ri, Ba Lan, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Séc, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Cu-ba, Ai Cập, Cô-oét, Ca-ta, Ni-giê-ri-a, Ca-mơ-run, Mô-dăm-bích, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mi-an-ma, Xin-ga-po, Thái-lan,... đưa 13.323 công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Đó là kết quả từ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta cùng các cơ quan liên quan, và đến nay, quá trình này vẫn được tiếp tục. Đáng chú ý, chuyến bay đưa 219 công dân Việt Nam từ Ghi-nê Xích đạo ngày 29-7 trở thành sự kiện được dư luận đánh giá rất cao. Bởi đây không chỉ là chuyến bay kéo dài hơn 30 giờ, đường bay chưa từng có của Vietnam Airlines, mà còn vì trong đó có rất nhiều người dương tính với Covid-19. Hình ảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), hành khách giương cao cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và biểu ngữ “Cảm ơn Chính phủ, các bộ, công ty đưa chúng tôi về Việt Nam” chính là một biểu thị của quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ hình ảnh đó, ông Minh Giang - người Mỹ gốc Việt, công bố trên trang Youtube cá nhân Trực diện TV video-clip nhan đề “Chuyến bay nhân đạo nhất mùa dịch...”. Ông coi sự kiện là một “điểm son” và nhận xét: “Trong lúc khó khăn mới thấy sự phối hợp ăn ý của các cơ quan hữu quan của Việt Nam”; đồng thời khẳng định đây là việc làm rất nhân đạo của Chính phủ Việt Nam, cho rằng việc mọi người từ nước ngoài trở về đều được tập trung cách ly để theo dõi, bảo vệ sức khỏe và chữa trị nếu dương tính với Covid-19, tránh lây nhiễm trong cộng đồng, là điều không dễ có ở nhiều quốc gia.


Tuy nhiên, bên cạnh những tình cảm chân thành, những suy nghĩ, đánh giá thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với đất nước, Chính phủ, với các cơ quan chức năng và đồng bào trong nước, qua đó thể hiện ý thức công dân, thì có tình trạng một số công dân Việt Nam ở nước ngoài, vì quá lo lắng cho tính mạng, vì coi nhu cầu của bản thân cao hơn điều kiện của đất nước, hoặc cho rằng Chính phủ “phải có trách nhiệm”,... nên đã có hành vi, phát ngôn khó có thể chấp nhận. Báo chí, dư luận đã mạnh mẽ phê phán một số người từ nước ngoài trở về to tiếng cãi vã làm náo loạn sân bay, chê bai điều kiện sinh hoạt tại khu cách ly, chê bai khẩu phần ăn, đưa ra yêu sách phi lý, đòi về nhà tự cách ly... Có người lên mạng xã hội chất vấn “tại sao không nhiễm Covid-19 vẫn phải cách ly?”, thậm chí cho rằng giá vé máy bay cao vì đã bị trục lợi! Đáng trách hơn, chỉ vì chậm giờ bay, hoặc đường bay và chuyến bay chưa thiết lập, chưa được cung cấp đầy đủ thông tin,... có người lên Facebook, Youtube kêu ca, oán trách. Một vài người còn chụp ảnh, quay video, đưa văn bản đơn từ lên in-tơ-nét, tụ tập trước cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như muốn qua đó để gây sức ép? Hiện tượng dù đơn lẻ vẫn khiến người trong nước bức xúc, như trên Facebook, Tifosi viết: “Điều khinh bỉ nhất cuộc đời này là chửi bới, nhục mạ những ân nhân đã cưu mang, giúp đỡ mình trong lúc khó khăn”. Nhiều kiều bào ở nước ngoài cũng rất phẫn nộ, đề nghị xử lý nghiêm minh. Như ông Long Lukas ở Séc coi đó là “con sâu làm rầu nồi canh”, “ăn cháo đá bát”, thậm chí nghi ngờ đã có “kẻ xấu cài cắm”; còn ông J.McBride (G.Mắc-brai) ở Mỹ thì cho rằng, “Chính phủ Việt Nam quá tốt nên họ sinh nhờn”. Trong khi đó, các thế lực thù địch đã lập tức khai thác các hành vi, phát ngôn tùy tiện này nhằm vu cáo Việt Nam “bỏ rơi công dân”, “lợi dụng dịch bệnh để chặt đẹp”!

>>Sao chỉ biết vô lối 'đòi hỏi' mà không chịu nhìn thực tế!

Hiện tại, hàng chục nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài đang có nguyện vọng trở về nước. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ và các cơ quan chức năng vẫn luôn quan tâm nguyện vọng này, nỗ lực tìm phương án đáp ứng. Tuy nhiên, muốn nguyện vọng được đáp ứng, công dân Việt Nam ở nước ngoài cần hết sức bình tĩnh, không hoang mang, cần đồng cảm, chia sẻ với đất nước. Chí ít cũng nên thấy rằng, việc thực hiện những chuyến bay cứu trợ do Chính phủ Việt Nam tổ chức là hết sức phức tạp. Vấn đề không chỉ là giá vé cao hay thấp, thời gian sớm hay muộn, mà trước hết phải được Chính phủ, cơ quan chức năng của nước sở tại đồng ý, phải thiết lập và được hướng dẫn đường bay, phải có hỗ trợ đầy đủ từ mặt đất... Qua hình ảnh một số nhà ga sân bay ở nước ngoài vắng vẻ, hầu như chỉ phục vụ hành khách Việt Nam sẽ thấy đó là quy trình phức tạp, có nguyên tắc, không phải muốn là được; nhất là với các nước và vùng lãnh thổ mà hàng không Việt Nam chưa có đường bay trực tiếp. Nhưng, quan trọng hơn cả là ý thức công dân. Vì chỉ khi có ý thức nghiêm túc về trách nhiệm công dân, thấu hiểu nỗ lực của Chính phủ và đồng bào trong nước, mới có thể thấu hiểu và xác định hành động một cách chín chắn, biết bản thân cần làm gì để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người, biết đặt lợi ích bản thân trong tương quan chặt chẽ với lợi ích đất nước. Đồng thời, cần nhận thức một thực tế là nguồn lực đất nước không phải vô hạn mà có giới hạn, còn hạn chế. Dù cố gắng đến mức nào, Chính phủ và đồng bào trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn để có thể vừa phòng, chống đại dịch hiệu quả, vừa lo đầy đủ điều kiện đón công dân từ nước ngoài trở về. Vì thế, nếu muốn trở về, công dân Việt Nam đang ở nước ngoài cần chia sẻ với Chính phủ và đồng bào trong nước; cần xem xét hoàn cảnh cụ thể của bản thân để xác định trở về cần thiết hay chưa cần thiết, từ đó bày tỏ nguyện vọng đúng theo quy định, để Chính phủ và các cơ quan chức năng giải quyết. Không nên vì quá lo lắng cho bản thân (gia đình) mà có hành vi, phát ngôn ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín và hình ảnh của đất nước, làm tổn thương tấm lòng nhân ái của đồng bào trong nước, tạo cơ hội cho kẻ xấu khai thác, lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo. 
   
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, thực tế đất nước đã cho thấy sự tổng hòa các yếu tố: tinh thần vì dân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; Quốc hội và Chính phủ quyết định gói cứu trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; huy động mọi nguồn lực cứu chữa người dương tính với Covid-19; người dân yên tâm với cuộc sống an toàn khi nguy cơ lây nhiễm bị ngăn chặn bởi cách xử lý khoa học, kiên quyết của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, người già, trẻ em, gia đình, tổ chức, doanh nghiệp cùng gom góp tiền bạc để mua sắm thiết bị y tế, thực phẩm tiếp sức cán bộ, nhân viên y tế, bộ đội, công an, dân quân tự vệ, các tổ chức xã hội, đoàn thể... đang quên mình làm việc, phục vụ trong các bệnh viện, khu cách ly; cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm “ăn trên rừng, ngủ bên suối” dựng tạm lán trại dã chiến để quản lý xuất - nhập cảnh; mạng xã hội tràn đầy lời nhắn gửi, chia sẻ, cầu chúc đồng bào nơi có dịch bệnh vượt qua khó khăn; nhiều đoàn bay cứu trợ chấp nhận nguy cơ bị lây nhiễm để đưa đồng bào về nước,... Tất cả đã làm nên bức tranh đẹp của một Việt Nam kiên cường, kiên trì, đồng tâm, hiệp lực đối phó với đại dịch, bảo vệ tính mạng của con người. Những ngày này, cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với diễn biến mới, phức tạp hơn và nguy hiểm, khó khăn hơn, vì thế càng đòi hỏi ý thức trách nhiệm công dân cao hơn, cùng với đó là những hành động, việc làm thiết thực thể hiện ý chí thống nhất của cả đất nước trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hay “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”... như chính lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây. Báo chí trong nước mới đây cũng đã chia sẻ rộng rãi bức thư của sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thúy ở Trường đại học Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Hàn gửi lại phòng ký túc xá trước khi chuyển đến nơi ở mới để nhường lại chỗ ở của mình cho những người thực hiện cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Đoạn thư viết: “Đà Nẵng đang trong mùa dịch rất căng thẳng. Nếu cô chú có lỡ bị cách ly thì con mong cô chú sẽ lạc quan, vui vẻ, giữ tinh thần thật tốt. Bên cạnh chúng ta có các y, bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an đang ngày đêm chống dịch, bảo vệ nhân dân nên cô chú hãy yên tâm”. Điều đó cho thấy, niềm tin vào Đảng, Nhà nước, niềm tin vào Chính phủ, các lực lượng đang trực tiếp tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, kết hợp ý thức công dân nghiêm túc, sự bình tĩnh và tình cảm chân thành, ý thức biết sống vì mọi người, biết bỏ qua lợi ích của bản thân mà vì lợi ích của cộng đồng,... mới chính là nguồn sinh lực lớn nhất giúp cả nước tiếp tục cùng nhau vượt qua, và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Hà Nam (Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X