“Công minh, chính xác, kịp thời” là phương châm công tác kỷ luật của Đảng, điều này nhất thiết phải được quán triệt vào công tác sàng lọc đảng viên hiện nay. Từ thực trạng công tác sàng lọc đảng viên thời gian qua, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp cần tiến hành trong thời gian tới...
>>Bài 1: Vì sao 'sàng nhiều, lọc ít'
>>Bài 2: Thấy gì qua sàng lọc
Hoàn thiện các quy định, đặc biệt là bộ tiêu chí sàng lọc
Tất cả cán bộ làm công tác kiểm tra và tổ chức, từ Trung ương đến cơ sở mà chúng tôi được gặp đều cho rằng: Trung ương cần sớm có hướng dẫn về tiêu chí, quy trình đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Đây cũng là yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong Chỉ thị số 28-CT/TW do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn tiêu chí, quy trình đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Tất nhiên, để đề ra một bộ tiêu chí, quy trình sàng lọc đảng viên chuẩn mực, rất cần có sơ kết việc sàng lọc đảng viên theo Chỉ thị số 28-CT/TW trong thời gian vừa qua. Qua khảo sát, tìm hiểu ở đảng bộ một số địa phương, chúng tôi nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, có lẽ là cấp ủy tích cực, tiên phong trong việc nghiên cứu thực tiễn, đề ra tiêu chí và quy trình sàng lọc đảng viên. Ngay sau khi có Chỉ thị số 28-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 12-4-2019 nhằm thực hiện chỉ thị nêu trên. Tiếp đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Hướng dẫn số 21-HD/BTCTU ngày 26-4-2019 về rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 28-CT/TW. Đáng chú ý là văn bản hướng dẫn này đã gợi ý tiêu chí nhận diện những đảng viên không còn đủ tư cách như sau: (1) Tự ý bỏ sinh hoạt đảng, không đóng đảng phí 3 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng và đã được chi bộ, cấp ủy nhắc nhở, giáo dục nhưng không sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. (2) Tự ý trả thẻ đảng viên, hủy thẻ đảng viên hoặc dùng thẻ đảng viên để cầm cố vay tiền hoặc tài sản. (3) Không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị. (4) Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoặc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. (5) Không thực hiện đúng chế độ chuyển sinh hoạt hoặc đã chuyển sinh hoạt đảng nhưng không nộp hồ sơ cho tổ chức đảng có thẩm quyền trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng. (6) Giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau 12 tháng phấn đấu không tiến bộ. (7) Hai năm liền vi phạm tư cách đảng viên hoặc bị chi bộ, cấp ủy có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp. (8) Thiếu gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vô ý thức kỷ luật nhiều lần, uy tín trong nhân dân thấp.
Nội hàm của 8 tiêu chí trên tuy vẫn còn rất rộng, nhưng trên thực tế, đây cũng là những gợi ý mang tính cụ thể, khả thi cao mà các đảng bộ khác cần tham khảo và các cơ quan của Đảng ở Trung ương nên xem xét để bổ sung, cụ thể hóa hơn khi xây dựng bộ tiêu chí chung cho toàn Đảng.
Phải phát huy trách nhiệm của quần chúng
Dựa vào dân để xây dựng Đảng là phương châm khẳng định nguyên lý Đảng ta “vì nước, vì dân mà tồn tại, phát triển”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: Phải biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, như thế thì những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất sẽ không còn nơi để ẩn nấp. Công tác sàng lọc đảng viên là công việc đặc biệt phức tạp, rất khó để có ngay những quy định, quy trình hoàn thiện, “chuẩn không cần chỉnh” ngay từ đầu. Vì vậy, chỉ có "tai mắt" nhân dân mới soi rọi được những góc khuất mà các quy định của Đảng chưa đề cập hết.
Hiện nay, quyền giám sát của nhân dân với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thể hiện rõ nhất trong Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.Điểm 2, Điều 4 của Quy định số 124-QĐ/TW nêu rõ: “Nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; phản ảnh, kiến nghị đến cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”. Đây là căn cứ rất quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phát huy vai trò của quần chúng nhân dân vào công tác sàng lọc đảng viên. Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để người dân có thể tham gia thực hiện tốt quy định này. Trên thực tế, người làm công tác mặt trận ở khu dân cư (thôn, bản, tổ dân phố...) hiện đều là cán bộ kiêm nhiệm, hoặc do trình độ, hoặc do không có thời gian, đặc biệt là chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương pháp giám sát nên “tai mắt” nhân dân vẫn chưa được phát huy trong sàng lọc đảng viên.
Quần chúng nhân dân chắc chắn hiểu rõ đảng viên cùng làm việc hay sống cùng khu vực, chỉ có điều là cấp ủy, tổ chức đảng quản lý đảng viên có thực sự lắng nghe hay không mà thôi!
Chi bộ là “chìa khóa vàng”
Công tác sàng lọc đảng viên có thành công hay không, muôn sự do cấp chi bộ có làm tốt hay không.
Chúng tôi khẳng định vấn đề này, xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, trong đó quy định mọi đảng viên, từ cán bộ cấp cao đến đảng viên dự bị, đều phải sinh hoạt trong một chi bộ cụ thể. Cần nhấn mạnh, vấn đề này đặc biệt quan trọng. V.I.Lênin đã phải trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt với những kẻ cơ hội để bảo vệ chi tiết này của nguyên tắc và coi đó là cơ sở quan trọng nhất để phân biệt đảng cách mạng kiểu mới với các đảng phái kiểu cũ. Đảng viên cùng một chi bộ là những người hiểu rõ nhau hơn hết thảy. Các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chắc chắn không thể giấu được những người đồng chí cùng sinh hoạt trong một chi bộ.
Một chuyên gia xây dựng Đảng đã phát biểu: Muốn nâng cao chất lượng chi bộ, điều cần làm trước tiên là các chi bộ phải sinh hoạt định kỳ hằng tháng theo đúng quy định. Chi bộ không giữ được nền nếp sinh hoạt thì mọi nguyên tắc, điều lệ, kỷ luật của Đảng, dù đúng và hay đến mấy cũng không có tác dụng.
Cho nên, dù các quy định, hướng dẫn của Đảng về sàng lọc đảng viên có đúng, sát thực tế bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng vô tác dụng nếu cấp chi bộ không chấp hành.
Ngược lại, ngay khi các quy định, quy chế đang còn thiếu và chưa đồng bộ như hiện nay, nhưng nếu chi bộ giàu sức chiến đấu thì việc sàng lọc đảng viên vẫn tiến hành có hiệu quả.
Trong đợt rà soát, sàng lọc vừa qua, đồng chí Bí thư chi bộ và đồng chí Phó bí thư chi bộ ấp Cây Nính (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đã bị kỷ luật hình thức khiển trách do không tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chi ủy. Đó là kỷ luật cần thiết để giữ gìn kỷ luật Đảng, là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với đội ngũ bí thư chi bộ.
Vì vậy, quy trình sàng lọc đảng viên do Trung ương ban hành phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chi bộ, bắt đầu từ chi bộ, lấy chi bộ là tổ chức trọng tâm của quy trình.
Và như mọi quy trình, rất cần có thời điểm bắt đầu và kết thúc. Công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng là công tác thường xuyên, liên tục nhưng sàng lọc đảng viên rất cần được tổ chức thành đợt, để tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Như đợt sàng lọc đảng viên năm 1971, Đảng ta đặt ra mốc đến năm 1973 sẽ “cơ bản hoàn thành”. Đối với những chi bộ yếu kém, chi bộ bị các “nhóm lợi ích” chi phối, rất cần cấp ủy đảng cấp trên cử cán bộ có trình độ, có uy tín về trực tiếp chỉ đạo.
Nhiều người cho rằng, vào thời điểm hiện nay mà đề cập việc sàng lọc đảng viên thì “lợi bất cập hại” vì kẻ thù của cách mạng Việt Nam sẽ lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền, kích động; việc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất sẽ làm mất thể diện của một bộ phận không nhỏ trong Đảng, gây mất đoàn kết nội bộ và làm suy giảm uy tín của Đảng; hoặc có người cho rằng, chỉ cần tự phê bình và phê bình như lâu nay chúng ta vẫn làm là đủ. Những quan điểm trên là sai lầm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, ngày 26-12-2018: “Năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự... Vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”.
NGUYỄN HỒNG HẢI - HÀ SƠN THÁI (QĐND)