Đây là lời khẳng định của bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam trong hội thảo giới thiệu về Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp nhận, được tổ chức tại Hà Nội ngày 4/9.
Bà Caitlin Wiesen cho biết, đây cũng là nhận định của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam. Và bà, với tư cách là Trưởng nhóm kết quả về quản trị và pháp lý của LHQ tại Việt Nam, thay mặt ông Kamal Malhotra truyền tải thông tin này.
Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong thúc đẩy về bảo vệ quyền con người thông qua việc phê chuẩn các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người bao gồm việc phê chuẩn “Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” (CAT) và “Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD).
Việt Nam cũng đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong nước thông qua việc sửa đổi Bộ Luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với một số điều khoản phù hợp hơn với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt nam là thành viên. “Những tiến triển này của Việt Nam đã được các quốc gia khác ghi nhân và hoan nghênh trong Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Việt Nam được đánh giá đã đạt được những bước tiến trong thúc đẩy về bảo vệ quyền con người
Nói lại về việc từ đầu năm 2019, Việt Nam đã hoàn thành UPR chu kỳ 3 và xây dựng một Kế hoạch quốc gia tổng thể để triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, việc khuyến khích các cá nhân hiểu và bảo vệ quyền của mình cũng như của người khác có tầm quan trọng căn bản. Bên cạnh đó, Chính phủ, các chủ thể trong xã hội như cộng đồng, các đoàn thể xã hội, các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy và cung cấp giáo dục quyền con người.
H.Chi (CAND)