Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9, nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường đã có bài viết gửi đến Báo Nhân Dân kể lại những suy nghĩ và đổi thay trong nhận thức, tình cảm của mình sau hành trình nhiều lần trở về quê hương, được tiếp xúc với Tuyên ngôn Độc lập, được gặp gỡ những người Việt Nam quả cảm đã chiến đấu vì nền độc lập, đang quên mình xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước… Từ đó hình thành trong anh niềm tin vững chắc vào hiện tại, tương lai của dân tộc, thôi thúc anh có những hành động, việc làm đúng đắn, ý nghĩa góp phần cho sự phát triển của đất nước. Báo Nhân Dân giới thiệu bài viết này để bạn đọc chia sẻ, đồng cảm với tấm lòng một người Việt Nam xa xứ từng có thời sai lầm, nay đã thay đổi để trở về đóng góp với Tổ quốc.
Vì sao Trương Châu Hữu Danh vẫn lên mặt 'thách thức' dư luận về việc bị tố tội 'vu khống'?
Video bài viết:
Tháng 10-1988, tôi vượt biên khi còn rất trẻ, vừa học xong trung học. Thú thực là hồi đó tôi học lịch sử qua sách giáo khoa, thi thoảng có đọc sách báo về các sự kiện liên quan đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, nhưng tôi học như một con vẹt, không hơn không kém. Ra tới nước ngoài, mang sẵn mối hoài nghi về “thể chế cộng sản”, nên với tôi, Quốc khánh rất mờ nhạt, không mảy may gợi cảm xúc. Thêm vào đó, trong một cộng đồng chống cộng cực đoan như ở khu Little Saigon (California - Mỹ), thông tin tiêu cực về ngày 2-9 như lý do khiến nhiều người sống tại đó mặc định rằng, đây là “ngày Việt Nam bị chủ nghĩa cộng sản xâm chiếm”!
Tháng 10-1988, tôi vượt biên khi còn rất trẻ, vừa học xong trung học. Thú thực là hồi đó tôi học lịch sử qua sách giáo khoa, thi thoảng có đọc sách báo về các sự kiện liên quan đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, nhưng tôi học như một con vẹt, không hơn không kém. Ra tới nước ngoài, mang sẵn mối hoài nghi về “thể chế cộng sản”, nên với tôi, Quốc khánh rất mờ nhạt, không mảy may gợi cảm xúc. Thêm vào đó, trong một cộng đồng chống cộng cực đoan như ở khu Little Saigon (California - Mỹ), thông tin tiêu cực về ngày 2-9 như lý do khiến nhiều người sống tại đó mặc định rằng, đây là “ngày Việt Nam bị chủ nghĩa cộng sản xâm chiếm”!
Ảnh: Báo Tuổi trẻ online
Gia đình tôi theo Công giáo, di cư vào miền Nam năm 1954. Cha tôi là “sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa” và tôi là người vượt biên, nên dù gì, đối với chế độ mới, tôi cũng mang mặc cảm là người “có vấn đề”. Phải 18 năm sau, năm 2006 lần đầu trở lại quê hương trong vai trò nhà báo đưa tin sự kiện APEC tổ chức tại Hà Nội, tôi mới vỡ ra nhiều điều và tự thấy mình quá vô ý thức khi nhìn nhận, đánh giá lịch sử. Tôi đã viếng thăm Lăng Bác, đến Quảng trường Ba Đình, thăm nhà sàn nơi Bác ở, vào Bảo tàng Hồ Chí Minh… Tôi dành khá nhiều thời gian để xem, đọc, ngắm nhìn, tự mình cảm nhận về những cột mốc, sự kiện lịch sử liên quan phong trào yêu nước do Việt Minh lãnh đạo trong những ngày trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Câu chuyện lịch sử bằng hình ảnh, tài liệu, vật chứng từ các địa danh lịch sử ở Hà Nội như thước phim tài liệu sống động quay chậm, khiến tôi có thể nhận ra sự vô tâm, hời hợt của mình, để rồi sự hiểu biết dần dần được bồi đắp trở nên phong phú, súc tích hơn. Và cũng chỉ từ khi trở về Tổ quốc, tôi mới biết rằng, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được xem là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử nước nhà, sau bài thơ “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo”.
Từ nhận thức của mình tôi thấy, Tuyên ngôn Độc lập đáp ứng được khát vọng của nhân dân Việt Nam là thoát khỏi ách đô hộ của nước ngoài. Nhờ khát vọng đó mà tinh thần yêu nước của người Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám. Tôi được biết sau ngày 19-8-1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Tại căn gác nhà số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội), Bác đã dành thời gian tập trung soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Và ngày trọng đại đó đã đến, qua phim tài liệu, tôi biết ngày 2-9-1945, hơn 50 vạn người dân Hà Nội đã chứng kiến giây phút thiêng liêng của dân tộc. Tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ thay mặt toàn dân đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã ba lần đến thăm ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, từng có lúc lặng người và cố gắng hình dung Bác ngồi bên chiếc bàn gỗ đơn sơ trên gác hai và viết Tuyên ngôn Độc lập như thế nào. Với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử này, Bác Hồ khẳng định Cách mạng Tháng Tám thần thánh đã thành công, và kêu gọi ủng hộ nền độc lập chính đáng của Việt Nam, kêu gọi toàn dân đoàn kết để xây dựng đất nước, sẵn sàng hy sinh bảo vệ nền độc lập…
Sống trên đất Mỹ, mang quốc tịch Mỹ, tôi tìm hiểu về ngày Độc lập của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập thông qua vào ngày 4-7-1776. Tôi đã thấy điểm tương đồng cơ bản giữa Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam là dứt khoát khẳng định quyền độc lập của mỗi quốc gia, khẳng định quyền con người là bất khả xâm phạm và phải được bảo đảm. Nên không ngẫu nhiên, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam, Bác Hồ viết: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời hiệu triệu bất hủ ấy cũng đã từng xuất hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Tôi nghĩ, điều Bác Hồ “suy rộng ra” không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm năm 1945 mà xuyên suốt đến hôm nay, và tôi tin còn xuyên suốt đến tương lai. Dù thế giới phát triển như thế nào thì mọi dân tộc vẫn phải được bình đẳng, mọi người vẫn phải được sống trong tự do, vẫn phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc.
Về Việt Nam sống và làm báo, từ năm 2013 tới nay, tôi đã tìm tòi khắp ba miền, đến những nơi còn in đậm dấu tích của một thời kỳ lịch sử hào hùng và bi tráng. Từ đó tôi mới hiểu ý nghĩa, giá trị của độc lập. Có thể nói, nếu đất nước không có độc lập, thì mỗi người không thể an tâm sống, mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, xã hội. Người dân của một nước độc lập được thỏa sức làm việc, được hưởng các giá trị thăng tiến cho bản thân, cho dân tộc. Tôi còn nhớ ông bà tôi vẫn đau buồn kể lại những năm tháng đói khổ năm Ất Dậu - 1945 với hơn hai triệu người dân Việt chết đói. Đến thời cha mẹ tôi, đất nước bị chia cắt với vô vàn cách xa đau đớn. Giành được độc lập từ năm 1945, nhưng phải mất 30 năm nữa, tháng 4-1975, đất nước mới hoàn toàn thống nhất. Dân tộc đã trải qua bao nhiêu đau thương, tổn thất xương máu để giành lại và giữ gìn nền độc lập. Tôi đã thực hiện hàng nghìn thước phim từ bắc vào nam, đã tiến hành hàng trăm cuộc phỏng vấn những con người đã trải qua năm tháng gian khổ của chiến tranh, đã hy sinh một phần thân thể để nước nhà độc lập. Và tôi hiểu sâu sắc rằng, dân tộc Việt Nam của tôi rất yêu hòa bình, nhưng cũng quyết tâm, sẵn sàng hy sinh để đất nước có hòa bình, như câu kết của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Lời khẳng định này như một chân lý, khiến tôi liên tưởng tới định luật đòn bẩy của Acsimet (Ác-si-mét) - nhà cơ học thiên tài thời cổ đại, rằng: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất!”. Bởi với một đất nước, nền độc lập vừa là điểm tựa, vừa là điểm xuất phát, vừa là động lực để mỗi người dân thực hiện quyền mưu cầu hạnh phúc.
Nhìn lại mình trong năm tháng sống ở Mỹ, tôi thấy ân hận và xấu hổ khi từng hời hợt, thậm chí hiểu sai về lịch sử đất nước, về Ngày Độc lập của dân tộc, nên đã có một số việc làm sai trái. Chỉ tới khi về nước làm báo, qua trải nghiệm và được tiếp xúc với rất nhiều con người anh hùng, bất khuất trong chiến tranh, nay đang sống rất bình dị trên khắp mọi miền, tôi mới hiểu mình đã sai lầm. Từ năm 2012 đến năm 2018, tôi đã bốn lần ra Trường Sa, và một lần ra Hoàng Sa (2014). Tôi được tận mắt nhìn, nghe và cảm nhận sự tận tụy của các chiến sĩ hải quân tuổi mới đôi mươi ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Những câu chuyện người thật, việc thật đã thức tỉnh trong tâm trí tôi tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào một đất nước có chủ quyền. Mỗi chuyến đi, tôi mang về hàng trăm video-clip ghi lại cảnh đẹp biển đảo quê nhà, câu chuyện đời lính, và tâm tư của người Việt ở nước ngoài. Tôi hiểu ý nguyện chung của mọi người là phải chung tay gìn giữ chủ quyền đất nước bằng nhiều hình thức, mỗi người mỗi cách, tùy hoàn cảnh của mình ở quốc gia sở tại. Trong hai năm 2019 và 2020, tôi đã đến các trại giam tù binh, tù chính trị như Côn Đảo, Phú Quốc để trực tiếp tìm hiểu, tự lý giải và thấm thía vì tình yêu Tổ quốc, các thế hệ cách mạng tiền bối đã phải trả giá lớn như thế nào. Tôi đã phỏng vấn, nghe hàng trăm câu chuyện của các cựu chiến binh thời chống Mỹ, cứu nước từ nam chí bắc, đã bị giam giữ, đày đọa tại Côn Đảo, Phú Quốc. Mỗi câu chuyện là một bài học về xương máu của các bác, các cô chú đóng góp cho độc lập, hòa bình của đất nước hôm nay. Và tôi rút ra một điều rằng: nếu chỉ học lịch sử trên lý thuyết, sách vở thì hiểu biết dễ nông cạn. Nên cần tìm hiểu lịch sử cả bằng cách đến tận nơi, hỏi đúng người đúng việc, từ đó có cơ sở để chiêm nghiệm, đánh giá chính xác những gì đã diễn ra trong quá khứ, rồi nhìn nhận một cách khách quan để hướng đến tương lai. Với riêng tôi, nhờ các chuyến đi thực tế này, những mơ hồ về lịch sử khi sống ở Mỹ đã tan đi như xóa mây mù. Rồi từ thực tế quá khứ và hiện tại của người Việt Nam, tôi thấy trong mình đã có một niềm tin mạnh mẽ, chân thành.
Sống trong nước vào những ngày đại dịch Covid-19 đang là mối nguy hại cho thế giới, ngay từ đầu tôi đã được chứng kiến quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam hợp sức, hợp lòng cùng toàn dân Việt Nam kiểm soát khá tốt một kẻ thù vô hình hết sức nguy hiểm. Thiết nghĩ, tinh thần độc lập và ý thức tự chủ đã trở thành truyền thống của Đảng, Nhà nước Việt Nam hôm nay chính là do đã kế thừa kinh nghiệm và tinh thần tận tụy chăm lo cho nhân dân của các thế hệ tiền bối. Hòa mình cùng niềm vui nhân dân cả nước, tôi chợt nghĩ thật ngẫu nhiên, kỷ niệm lần thứ 75 ngày Quốc khánh 2-9 lại trùng với ngày Vu Lan - ngày rất nhiều người dân Việt Nam dành để bày tỏ lòng hiếu kính các bà mẹ còn sống, tưởng nhớ công đức của những người mẹ lớp trước. Ngẫu nhiên này khiến tôi liên tưởng đến Mẹ Việt Nam luôn bao dung, độ lượng bỏ qua mọi lỗi lầm của những đứa con như tôi, vì sống xa xứ, vì quá khứ còn khác biệt mà chưa hiểu, chưa nhận thức được ý nghĩa thiêng liêng của Ngày Độc lập. Nên tôi mong muốn dù rất nhỏ thì tâm sự chân thành của tôi trong ngày lễ Độc lập năm nay sẽ có ý nghĩa đối với những người con nước Việt đang sống ở phương xa, hãy xóa bỏ hận thù. Hãy thành tâm trở về để báo hiếu với Mẹ Việt Nam, góp công sức bảo vệ nền độc lập, bảo vệ chủ quyền và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh. Mong lắm thay!
Nguyễn Quang Trường (Nhân dân)