Sau một tuần xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) khiến 3 đồng chí Công an hy sinh, ngày 14/9, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với các bị cáo.
Phán quyết này được dư luận đồng tình bởi công lý đã được thực thi nghiêm minh bằng hai bản án tử hình, một bản án chung thân đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu, xúi giục nhân dân chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng pháp luật cũng rất khoan dung, nhân đạo đối với những bị cáo biết thức tỉnh lương tâm, thừa nhận tội lỗi của mình để sửa chữa, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Trong số 6 bị cáo bị truy tố về tội giết người thì Lê Đình Công (con Lê Đình Kình, đã chết) ngoài việc giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, còn thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn, tung các video clip, ghi hình và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội tuyên bố giết chết từ 300 đến 500 cán bộ, chiến sĩ Công an. Công tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Công chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi, ném bom xăng, lựu đạn về phía lực lượng làm nhiệm vụ.
Các bị cáo nghe tuyên án
Bị cáo Lê Đình Chức (em bị cáo Công) là người trực tiếp đổ xăng 3 đến 5 lần xuống hố và ném lửa xuống thiêu sống ba đồng chí Công an khiến các anh hy sinh thương tâm đến mức không thể nhận dạng được thi thể mà phải nhờ giám định AND mới xác định được.
Một bị cáo giữ vai trò tích cực khác là Lê Đình Doanh (con bị cáo Công). Bị cáo Doanh đổ xăng ra chậu, châm lửa đốt và cùng bị cáo Chức đẩy chậu xăng xuống hố - nơi ba đồng chí Công an bị rơi xuống, trực tiếp gây khiến ba đồng chí hy sinh.
Hành vi của bị cáo Doanh thể hiện tính côn đồ, hung hãn, quyết liệt thực hiện hành vi giết người đến cùng. Điều đáng nói nữa là trước khi gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, ba bị cáo: Công, Chức và Doanh đều đã có tiền án, nhưng không chịu tu tỉnh trở về nẻo thiện mà tiếp tục lúc sâu vào tội lỗi.
Từ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của hành vi đã gây ra, HĐXX khẳng định, bị cáo Công và bị cáo Chức đã mất nhân tính, không còn khả năng giáo dục, cải tạo nên quyết định loại bỏ vĩnh viễn hai bị cáo này khỏi đời sống xã hội, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đối với bị cáo Doanh, HĐXX nêu quan điểm, với hành vi đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra, lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Doanh ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng xét thấy bị cáo Doanh có bố (bị cáo Công) và chú ruột (bị cáo Chức) đã bị tuyên án tử hình, nên để thể hiện sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Doanh tù chung thân.
Trong quá trình xét xử và nghị án, HĐXX đã cân nhắc kỹ lưỡng về đề nghị chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” của đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà. HĐXX nhận thấy, với mục đích chống đối chính quyền nên hầu hết các bị cáo đều tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng hành vi của các bị cáo này là do bị các bị cáo chủ mưu, cầm đầu lôi kéo, xúi giục và kích động nên mới hành động như vậy.
Ngoài ra, hành vi của các bị cáo này cũng không trực tiếp khiến ba đồng chí Công an hy sinh. Do vậy, HĐXX đã chấp thuận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc chuyển tội danh, giảm hình phạt cho các bị cáo.
Khi tuyên án, HĐXX chấp thuận chuyển tội danh cho 19 bị cáo để họ chỉ phải nhận mức hình phạt thấp hơn, thậm chí số bị cáo được HĐXX cho hưởng án treo còn nhiều gấp đôi so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát (Viện kiểm sát đề nghị 7 án treo, HĐXX tuyên 14 án treo). Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật đối với những người trót lầm lỡ phạm tội.
Ngay cả cha đẻ của bị hại (liệt sĩ Phạm Công Huy) là ông Phạm Công Lâm dù rất phẫn nộ về hành vi của các bị cáo đã gây ra khiến con ông ra đi mãi mãi, nhưng sau khi HĐXX tuyên án, ông cũng tỏ thái độ đồng tình với HĐXX khi quyết định áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, giảm hình phạt cho các bị cáo trong bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”. Ông Lâm cho rằng, với sự khoan hồng của pháp luật, các bị cáo này sẽ sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành những công dân tốt đối với xã hội.
Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, từ phần xét hỏi, tranh luận đến khi nói lời sau cùng, các bị cáo đều bày tỏ sự hối hận và nói lời xin lỗi với gia đình ba đồng chí Công an đã hy sinh. Lý giải thích cho hành vi phạm pháp của mình, các bị cáo nói rằng, họ có nhận thức hạn chế về pháp luật nên bị lôi kéo, xúi giục mà nghe theo. Họ nhận thấy hành vi phạm tội của mình là rõ ràng nên không cần phải bào chữa thêm trong quá trình tranh luận. Từ nhận thức đó, các bị cáo ý thức được hành vi sai phạm đã gây ra và hứa trước HĐXX sẽ trở thành công dân tốt, cam đoan về sau sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Nhà nước.
Vụ án đã khép lại, pháp luật đã thực thi rất nghiêm minh đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Những người vi phạm pháp luật đều phải trả giá cho hành vi mà mình đã gây ra. Trả giá không chỉ là việc các bị cáo phải mức án phạt tương xứng với hành vi phạm tội, mà bản án này còn được thực thi trong lương tâm của các bị cáo. Họ không chỉ nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai nhận tội, mà điều quan trọng hơn là sau phiên toà này, chúng tôi nhận thấy lương tâm họ đã được thức tỉnh.
Dù họ nói là thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị lôi kéo, dụ dỗ, nhưng sau đó họ đã tự nhận biết cái đúng và cái sai để khắc phục, sửa chữa tội lỗi của mình. Và dù cho bản án có nghiêm khắc đối đến thế nào thì với họ, điều quan trọng và thanh thản hơn là họ đã hiểu rõ bản chất sự việc này chính là mưu đồ của những kẻ chủ mưu, cầm đầu mượn danh nghĩa “Tổ đồng thuận” để làm bậy, để chống phá chính quyền và nhân dân. Chúng tôi tin rằng, vụ án này là bài học lớn để mỗi bị cáo tìm được con đường đúng đắn để bước tiếp. Đó cũng là cách để họ trở thành công dân có ích, đóng góp nhiều hơn nữa cho gia đình và xã hội.
Nguyễn Hưng (CAND)