Bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sau khi được công bố, đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Và trên trang Trực Diện TV, ông Minh Giang - người Mỹ gốc Việt, đã công bố clip “Tạo đột phá về thể chế, đưa đất nước phát triển...”, trong đó đưa một số đánh giá, bình luận thiện chí. Báo Nhân Dân giới thiệu bản lược ghi các ý kiến này để bạn đọc tham khảo.
Không thể xuyên tạc và phủ nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc
'Nội công ngoại kích'-Thủ đoạn chống phá Đại hội XIII của Đảng
Kẻ trốn chạy tị nạn Lê Mỹ Hạnh 'sắp' đi tị nạn ở Mỹ?
Vì sao Phạm Thị Đoan Trang lại bị khởi tố 2 tội danh ở hai Bộ luật hình sự cũ và mới?
Vạch trần luận điệu chống phá trước thềm Đại hội Đảng XIII
Hiện giờ Việt Nam đang có các bước chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2021. Ðiều khiến nhiều người quan tâm là trong 5 năm tới Việt Nam sẽ đưa ra đường hướng phát triển KT-XH như thế nào, chính sách của Việt Nam có thay đổi hay không? Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách như thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,... nhưng cách thức sẽ làm như thế nào? Người sống ở bên ngoài, hay người chống đối nhìn nhận về các vấn đề của Việt Nam có khi nói Việt Nam cũng chẳng thật tâm thay đổi đâu, sự thay đổi nếu có thì rất chậm chạp, và thậm chí không bắt kịp xu thế chung của các nước trên thế giới. Còn ở trong nước nói chung, họ thấy Việt Nam đang có những chuyển biến và những bước thay đổi phù hợp xu thế chung, phù hợp tầm vóc, khả năng của Việt Nam, và từng bước, Việt Nam đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện những cam kết và sự hội nhập trong hoạt động kinh tế càng lúc càng phù hợp với xu thế chung.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" đã đưa ra rất nhiều vấn đề cụ thể tồn tại trong thời gian vừa qua và các phương hướng trong thời gian tới. Từ đó, xác định nhiều mục tiêu, trong đó đáng chú ý là phải tạo được những bước đột phá thật sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra rất thiết thực và cụ thể, nhận được nhiều ý kiến bình luận...
Bài viết đề cập đến rất nhiều nội dung: phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI... Trong đó đầu tiên là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ vấn đề thu chi để xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các thể chế để bảo đảm sự phát triển bền vững, phù hợp, và phát huy hết tiềm năng các nguồn lực để tạo động lực sáng tạo phát triển đất nước. Nhiều người khắt khe nói đây là hô hào thôi chứ thật ra có rất nhiều nguồn lực, các động lực phát triển trong xã hội nhưng mà không được tạo điều kiện. Nhưng có thể thấy trong giai đoạn 2016 - 2020, tức là trong nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng lần thứ XII, Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực tăng cường xây dựng, hoàn thiện các thể chế, coi đó như là trọng tâm hàng đầu. Việt Nam giờ là một đất nước trọng pháp, pháp chế được tăng cường. Xã hội nào cũng như vậy, phải đi theo luật lệ và quy tắc xử sự chung, đặc biệt coi trọng sửa lại nhiều bất cập, vướng mắc nằm tại các quy định của pháp luật. Chính phủ đã lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, giới doanh nghiệp,... trong việc phản ánh những trói buộc hay rào cản, vướng mắc cản trở sự phát triển và đã thực hiện việc thay đổi một cách đồng bộ, tập trung trong nhiệm kỳ vừa qua, thậm chí còn coi đó như là một ưu tiên hàng đầu để giải quyết, nhằm mục đích phát triển các doanh nghiệp, mở rộng các hướng đầu tư và nâng cao an sinh xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nhiều lần nhấn mạnh rằng, thể chế pháp luật phải thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, các bộ và cơ quan ngang bộ, tất cả các thành viên từ chuyên viên trở lên đều phải tập trung tìm tòi, đưa ra ý kiến và kịp thời phát hiện sai trái để xử lý theo pháp luật, khi xây dựng các quy định mới không được cài cắm những vấn đề liên quan lợi ích công vụ, lợi ích ngành, lợi ích địa phương.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam có nhiều sửa đổi, chỉnh đốn những bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật. Có thể nói những số liệu được đưa ra cho thấy trong một năm đã cắt giảm được 18 triệu ngày công trong khu vực nhà nước, tương đương việc tiết kiệm 6.300 tỷ đồng. Các cán bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về các thẩm quyền quản lý... Chính phủ cũng ban hành các chương trình cắt giảm các quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Trong 5 năm tới, Việt Nam phải quan tâm hơn nữa các quy định về mở rộng và tạo động lực phát triển, không những về kinh tế mà cả xã hội để đưa đất nước tiến lên. Ðiều này cho thấy mục tiêu là đơn giản hóa ít nhất là 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí, thủ tục liên quan hoạt động kinh doanh tại các văn bản có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-5-2020. Tức là trong lĩnh vực kinh doanh, phải cắt giảm thêm nữa, cả về chi phí, thủ tục đóng phí và cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sẽ không còn chuyện phải nộp từ 4 đến 5 cái đơn, đi qua từ 5 đến 6 cái cửa, hoặc thời gian chờ đợi là 20 ngày, 10 ngày, 5 ngày,... Giảm các văn bản hiện hành liên quan hoạt động kinh doanh và thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng cũng như các thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Những kết quả đó cho thấy cách làm của Việt Nam trong mấy năm nay liên tục giành được sự quan tâm của dư luận thế giới. Thí dụ, trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh hay chỉ số tự do kinh doanh của quốc tế thì trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Thế giới nâng Việt Nam lên 20 bậc và xếp thứ 70 trong số 190 nước, còn trong ASEAN, Việt Nam đã tăng lên đứng thứ 5 trong số 10 nước... Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu tăng 10 bậc từ vị trí 77 trong số 141 nước lên thứ 66. Ðó là điều khá là ấn tượng. Các định chế của Ngân hàng Thế giới, hay các quỹ tiền tệ quốc tế và nhiều đơn vị kinh tế lớn của thế giới đều dựa trên nhiều yếu tố tổng quát như tự do buôn bán, tự do thương mại, tự do tiền tệ, tự do về công khố và độ lớn của Nhà nước. Thí dụ, bộ máy hành chính quá cồng kềnh, quá phức tạp, phải nuôi bộ máy quá nặng nề thì rõ ràng chứa đựng rất nhiều sự hao phí và ở góc độ nào đó, chưa hoàn toàn thể hiện trình độ văn minh, không mang tính chất là chuyên, là mạnh.
Ở Việt Nam bây giờ người dân được sở hữu rất nhiều thứ, được quyền mua công trái, sở hữu chứng khoán, được tự do đầu tư, thậm chí được đầu tư ở nước ngoài, tự do về tài chính và quyền tự do không bị tham nhũng. Ở Việt Nam, vấn đề tham nhũng được khẳng định như là "quốc nạn", coi như là "nội xâm", và Việt Nam rất quyết liệt trong vấn đề này. Nhiều quan chức đã phải đi tù vì tham nhũng. Ðó là điều tạo lòng tin rất lớn cho thế giới. Các cơ quan như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế hay chính phủ các nước lớn cũng nhìn vào và thấy rằng ở Việt Nam có những sự thay đổi rất cơ bản. Và chống tham nhũng sẽ làm cho bộ máy lành mạnh, vững bền hơn, tạo ra các hoạt động kinh tế kinh doanh của các nhà đầu tư, các giới làm ăn có môi trường tốt, và đưa số điểm của Việt Nam tăng lên...
Từ Ðại hội Ðảng lần thứ VI, Việt Nam bắt đầu đặt ra vấn đề đổi mới. Năm 1986, Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã đề cập vấn đề "đổi mới hay là chết". Từ đó đặt ra rất nhiều yếu tố mang tính chất sống còn và khơi mở ra cách làm rất mới, phù hợp xu thế chung. Và giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới rất thành công, giúp Việt Nam từ một nước đói nghèo, không đủ ăn thì giờ xã hội Việt Nam rất dư dả, người dân đang đầy đủ hơn, sự tự do, tích lũy của người dân cũng ngày càng cao hơn. Dĩ nhiên với các mục tiêu lớn hơn thì mọi người vẫn chưa hài lòng, vẫn đang muốn còn phải mạnh hơn nữa, vì so với tiềm năng của Việt Nam, so với dân số, các điều kiện địa lý, tài nguyên,... thì rõ ràng Việt Nam còn phải đứng ở thứ hạng cao hơn nữa.
Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói đến tinh thần đổi mới phải tạo được đột phá. Bây giờ Việt Nam đã có những thay đổi về kinh tế, pháp luật và cả chính trị. Nếu những người ở bên ngoài, những người muốn chống lại Nhà nước Việt Nam nói rằng Việt Nam không thay đổi, chính trị không thay đổi, thể chế không thay đổi thì rõ ràng những người đó đã nói không đúng. Chắc chắn một điều là Việt Nam đang có sự thay đổi và những thay đổi đó là động lực để phát triển đất nước, tạo ra cơ hội kinh doanh tốt hơn, nhà đầu tư yên tâm hơn. Môi trường tốt chừng nào, chỉ số kinh tế cao chừng ấy và càng thu hút người bên ngoài vào nhiều hơn nữa. Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều lĩnh vực được đề cập đến, tuy nhiên chúng ta thấy việc tạo đột phá về thể chế để đưa đất nước phát triển vào giai đoạn mới là điều chúng ta thấy sự đánh giá, nhận thức rất đặc biệt. "Ðột phá" chứ không phải là làm mạnh hơn, mang tính chất hiệu quả hơn. Như vậy là những thay đổi về bộ máy, thay đổi về thể chế mạnh mẽ chừng nào thì tạo ra môi trường thuận lợi chừng ấy và phù hợp xu thế chung. Ðó là điều mong mỏi của tất cả chúng ta chứ không phải của riêng hội nhóm hay cá nhân nào. Và chúng ta cũng mong muốn một môi trường thuận lợi sẽ giúp cho mục tiêu mà Ðảng Cộng sản Việt Nam đưa ra là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ thực hiện được.
Đoàn Dân (Nhân dân/Lược ghi)