“Phi chính trị hóa quân đội”, “quân đội đứng ngoài chính trị” là luận điệu nhiều năm nay các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn thường xuyên rêu rao, truyền bá nhằm mê hoặc, gây nghi ngờ, tác động tới nhận thức chung của xã hội để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Đặc biệt, mới đây, sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) thành công tốt đẹp, luận điệu này tiếp tục được lặp lại qua sự khơi mào của BBC, RFA…
Đừng 'lẻo mép' bàn về chiến lược quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới
Ngày 28-9-2020, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) trong các nội dung quan trọng của bài phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đặc biệt biểu dương Đảng bộ Quân đội: “Trước các diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường “trong ấm, ngoài êm” cho đất nước”, đồng thời khẳng định: “Cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc những yếu tố hết sức thuận lợi, những ưu thế và vị trí, vai trò đặc biệt của Quân đội, của Đảng bộ Quân đội, đó là: Quân đội ta là Quân đội nhân dân, Quân đội của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng; do vậy Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân”, và nhấn mạnh các yêu cầu như: “Cán bộ, chiến sĩ luôn gắn bó máu thịt với nhân dân; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo; phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp, nhất là trên những địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh”…
Như thường lệ và tương ứng với bản chất của những địa chỉ truyền thông luôn đi đầu trong các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, BBC và RFA lập tức chộp lấy một số nội dung trong phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, để vừa xuyên tạc, vừa truyền bá luận điệu “phi chính trị hóa quân đội”, “quân đội đứng ngoài chính trị” vốn được họ rêu rao nhiều năm nay. Căn cứ vào nội dung đăng tải có thể thấy, để công bố bài viết, BBC, RFA có lẽ không muốn tiếp cận toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chỉ khai thác một vài đoạn trích từ một số bài tường thuật rồi xuyên tạc, diễn giải một cách lệch lạc, hướng tới mục tiêu cần công kích là sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt Đảng Cộng sản Việt Nam đối với QĐND Việt Nam, từ đó tập trung chống phá. Lối tiếp cận đó cho thấy ý đồ thâm độc của BBC, RFA muốn hướng người đọc vào một vài nội dung, không chú ý đến phương thức tiếp cận toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, từ đó đặt ra các yêu cầu cụ thể cần giải quyết để QĐND Việt Nam phát triển toàn diện mọi mặt, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Với ý đồ như vậy, nên không có gì làm lạ trong bài “Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc” (ngày 29-9-2020), dù cố gắng mô tả có vẻ khách quan, song BBC cố vẫn lèo lái người đọc bằng cách đưa ra dẫn dụ rất mơ hồ: “Nhiều người cho rằng, cần “phi chính trị hóa quân đội”, yêu cầu “quân đội đứng ngoài chính trị” và “quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính trị nào”. Chưa kể, bằng kiểu nói mập mờ, phiếm chỉ, điều BBC gọi là “nhiều người” khiến người đọc không nắm được vấn đề dễ lầm tưởng đó là ý kiến của số đông. Trơ tráo hơn là bài “Nhiệm vụ và trách nhiệm của quân đội có thật sự...?” trên RFA ngày 28-9-2020. Trong bài, để trả lời câu hỏi, RFA sử dụng ý kiến của một tiến sĩ (vốn nhẵn mặt trên RFA, BBC, VOA,…), một ông bị khai trừ khỏi Đảng và bị tước quân hàm năm 2010, một “Hai Lúa” nào đó mà muốn tìm hiểu người đọc cũng không biết là ai. Với ba người này, không đọc cũng biết họ sẽ chỉ nói theo ý đồ của RFA. Thật vậy, trong khi ông tiến sĩ xưng xưng “Theo đúng nghĩa thì quân đội là một lực lượng để bảo vệ đất nước, chống lại ngoại xâm và chỉ trung thành với đất nước, nói rộng ra là nhân dân, không thể trung thành với bất kể một đảng phái chính trị nào cả” thì “Hai Lúa” lấy “quân lực VNCH” - một đội quân tay sai nước ngoài, ra ca ngợi, rồi vu cáo QĐND Việt Nam “không làm gì giúp dân”. Riêng ông bị khai trừ khỏi Đảng và bị tước quân hàm thì bình luận về nhiệm vụ của quân đội với ý kiến có vẻ “lý luận” rằng: “Tôi chỉ nói định nghĩa sơ đẳng nhất của một sư tổ cộng sản là ông Engels (Ăng-ghen) về quân đội là một tổ chức được sinh ra thuần túy chỉ để đấu tranh bằng quân sự nên việc giao cho nó các nhiệm vụ kiểu như thế là rất tào lao, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của quân đội”, trong khi về bản chất đó là luận điệu nửa vời nhằm lập lờ, đánh lận trắng - đen để dẫn dụ dư luận theo mục đích cá nhân của mình. Bởi, nếu nắm bắt thấu đáo lý luận về chiến tranh và quân đội của Ph.Ăng-ghen sẽ thấy ông không chỉ khảo sát quá trình lịch sử để định nghĩa quân đội là một tập đoàn người được vũ trang có tổ chức được Nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tiến công hoặc phòng ngự. Quan trọng hơn, ông nghiên cứu một cách sâu sắc để chỉ ra yếu tố then chốt, quy định vị trí, chức năng và nhiệm vụ của quân đội ở mọi quốc gia là bản chất giai cấp, là vai trò của yếu tố con người trong quân đội, và chỉ rõ quan hệ biện chứng giữa quân đội với điều kiện kinh tế, trình độ sản xuất của xã hội…
V.Lê-nin đã tiếp thu, phát triển lý luận về chiến tranh và quân đội của Ph.Ăng-ghen, khẳng định quân đội không thể đứng ngoài chính trị, cho rằng “quân đội của nhà nước tư sản là công cụ vững chắc nhất để duy trì và bảo vệ chế độ cũ, là phương tiện quan trọng để đạt được các mục tiêu chính trị phi nghĩa” (V.I.Lê-nin Toàn tập, Tập 38, NXB Tiến bộ, M.1978, tr.361), từ đó Người chỉ rõ nhà nước vô sản phải xây dựng quân đội kiểu mới mang bản chất của giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo, có sứ mạng gắn liền với giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân lao động, của dân tộc. Các nội dung này được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu, phát triển và ngay từ khi chưa giành được độc lập đã tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để giành và giữ chính quyền, trở thành “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Hơn 75 năm trưởng thành, phát triển của QĐND Việt Nam cho thấy một sự thật không thể bác bỏ rằng QĐND Việt Nam là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đó là quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, và “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã trở thành điều tâm niệm, sự tự ý thức của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều thế hệ luôn cùng dân tộc chiến đấu, hy sinh giành lại độc lập, bảo vệ Tổ quốc, luôn gắn bó, tận tụy hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ nhân dân. Phẩm chất cao đẹp, sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của QĐND Việt Nam là kết quả của quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam giáo dục, rèn luyện. Sự thấm nhuần sâu sắc về lý tưởng kết hợp lòng yêu nước vô bờ bến, đã giúp QĐND Việt Nam từng bước trưởng thành, lập vô vàn chiến công hiển hách, luôn được nhân dân quý trọng và tin yêu với tên gọi thân thiết là “anh bộ đội Cụ Hồ”.
Cách đây 45 năm, có một sự kiện mà nhiều bài báo, hồi ký của cựu chiến binh QĐND Việt Nam từng tham gia chặn đánh cuộc rút lui thảm hại của “quân đội Sài Gòn” từ Tây Nguyên qua đường số 7 kể lại. Đó là, vì thấy trong sự hỗn loạn của đoàn quân thất trận có hàng trăm nghìn người là vợ con binh lính hoặc thường dân lếch thếch, nheo nhóc, đói khát giữa lúc cái chết đang rình rập, các đơn vị QĐND Việt Nam tham gia trận đánh đã nỗ lực vận động đồng bào trở về. Một số chiến sĩ đứng giữa đường 7 kêu gọi. Trái ngược lại, đáp lại hành động đầy nhân văn ấy, binh lính của “quân đội Sài Gòn” đã nổ súng vào họ và nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ngay trên mặt đường 7. Sự kiện này là một thí dụ giúp phân biệt sự khác biệt về bản chất giữa QĐND Việt Nam với “quân đội Sài Gòn” trước đây, cũng như quân đội của một số quốc gia đã tham dự cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ tiến hành tại Việt Nam… Nếu chỉ “bảo vệ đất nước, chống lại ngoại xâm”, tại sao có quân đội lại tiếp tay ngoại bang giết hại đồng bào, tàn phá đất nước, khi thất bại thì bỏ quê hương chọn kiếp sống vất vưởng ở nơi xứ người? Nếu “đứng ngoài chính trị” tại sao có quân đội lại đi qua hàng chục nghìn cây số để gây chiến tranh ở các quốc gia không có bất kỳ đe dọa nào với đất nước của họ? Và câu trả lời duy nhất ở đây là bản chất chính trị của giai cấp cầm quyền đã quyết định hành động chiến tranh của quân đội. Nói cách khác, quân đội phải phục tùng các quyết định chính trị của Nhà nước đang giữ vai trò lãnh đạo, và việc nhân dân phản đối chiến tranh là bằng chứng cho thấy quân đội đó đã tiến hành cuộc chiến tranh ngược với lợi ích nhân dân, không vì lợi ích của nhân dân. Vì thế luận điệu “phi chính trị hóa quân đội”, “quân đội đứng ngoài chính trị” về thực chất là cố tình chối bỏ sự thật, cốt lõi chỉ để phục vụ cho mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự phát triển đất nước nói chung, với QĐND Việt Nam nói riêng.
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước thời cơ mới, đồng thời cũng đang đối diện không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải hết sức cảnh giác, vững vàng bản lĩnh chính trị, tỉnh táo, nỗ lực và kiên trì,… để có thể vượt qua. Diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, hệ lụy từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đói nghèo,... đang đòi hỏi QĐND Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và nhân dân giao phó, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, tham gia những hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội giúp cuộc sống của toàn dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trong bối cảnh đó, cần xác định việc giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, chống lại các luận điệu xuyên tạc vai trò tổ chức, lãnh đạo trực tiếp của Đảng với QĐND Việt Nam không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của QĐND Việt Nam, mà là nhiệm vụ của chung toàn Đảng, toàn dân.
Hồng Quang (Nhân dân)